Việt Nam sẵn sàng cho mục tiêu chuyển đổi năng lượng
Theo VOV, tại phiên họp Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ngày 13/11 (giờ địa phương), Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Hồ Đức Phớc chia sẻ, mặc dù Việt Nam là quốc gia đang phát triển, nhu cầu đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội rất lớn nhưng tỉ lệ nợ công vẫn được duy trì ở mức an toàn.
Bên cạnh đó, dù phải đảm bảo các nhiệm vụ chi bắt buộc, nhưng Việt Nam vẫn đang cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng giảm tỉ lệ chi thường xuyên, tiếp tục tăng chi đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế xã hội.
Do đó, Việt Nam hiện tại vẫn tạo dư địa tài khóa để sẵn sàng cho các nhiệm vụ chi có mục tiêu chiến lược quốc gia như chuyển đổi năng lượng trong các năm tới.
Cũng theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, nhằm góp phần quản lý, điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế, động viên được các nguồn lực đảm bảo cho nền kinh tế tăng trưởng chất lượng, hiệu quả, "Việt Nam hướng tới cơ cấu lại nguồn thu ngân sách theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, điều tiết thu nhập hợp lý".
Cùng ngày, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Trung tâm hội nghị Moscone, San Francisco (Mỹ), Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã gặp song phương với bà Anna Bjerde - Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB).
Theo phóng viên TTXVN, tại cuộc gặp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định WB luôn là đối tác quan trọng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong tư vấn chính sách và nguồn lực tài chính trong nhiều năm qua. Về định hướng hợp tác trong thời gian tới, Bộ Tài chính Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được hỗ trợ của WB thông qua các khoản vay để ưu tiên thực hiện các dự án lớn của trong phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, năng lượng tái tạo, nông nghiệp thông minh, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và chuyển đổi số.
Về phần mình, Tổng Giám đốc điều hành WB khẳng định tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong Khung đối tác quốc gia Việt Nam – WB để thúc đẩy tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững, toàn diện tại Việt Nam.
Trước đó, cũng trong khuôn khổ các hoạt động tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2023, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã có các buổi làm việc song phương với Bộ trưởng Bộ Ngân khố Australia, Quốc vụ khanh về tài chính của Nhật Bản và Bộ trưởng Tài chính Singapore.
Đề xuất của Việt Nam
Chia sẻ bên lề Hội nghị với TTXVN, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC năm 2023 bàn 4 vấn đề chính, bao gồm: phát triển bền vững, tài chính cho phát triển bền vững, tài sản số và mô hình kinh tế trọng cung. Vấn đề phát triển bền vững tập trung vào sự chia sẻ giữa các quốc gia, giữa các nền kinh tế với nhau, đồng thời kiềm chế lạm phát, chuyển đổi năng lượng công bằng và chống biến đổi khí hậu. Đây là vấn đề thị trường carbon và những vấn đề đảm bảo cho kinh tế bền vững.
Vấn đề tài chính cho phát triển kinh tế bền vững là khâu kết nối và tạo điều kiện để các định chế tài chính, các tổ chức tài chính, các ngân hàng tham gia vào quá trình cung cấp nguồn kinh phí cho phát triển bền vững, đặc biệt là cung cấp nguồn vốn để thực hiện chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu và chống phát thải khí nhà kính cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy thị trường carbon phát triển, chuyển giao năng lượng công bằng và huy động các nguồn lực cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Về vấn đề nền kinh tế trọng cung, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết các nội dung chủ yếu mà các đại biểu tham gia thảo luận tập trung vào cung ứng đầu tư cho nguồn nhân lực, thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ sự phát triển, chuyển giao khoa học-công nghệ đảm bảo cho việc phát triển bền vững, chuyển đổi năng lượng sạch, tạo môi trường thu hút đầu tư, đặc biệt là nguồn đầu tư tư nhân để đảm bảo cho quá trình phát triển bền vững.
Đại diện cho Việt Nam tham gia phát biểu tại phiên thảo luận về tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định Việt Nam cam kết đến năm 2050 đưa mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0, ủng hộ chủ trương về Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP). Chủ trương của Việt Nam đòi hỏi một nguồn tài chính rất lớn để thực hiện chuyển đổi số công bằng, thực hiện chống biến đổi khí hậu và phát thải nhà kính. Đối với Việt Nam, nguồn kinh phí của JETP đã được cam kết là 15,5 tỷ USD và trong vòng 6 năm nữa phải có một lượng vốn như vậy.
Việt Nam kêu gọi và có cơ chế để thu hút các nguồn đầu tư tư nhân vào các dự án năng lượng tái tạo và giảm năng lượng hóa thạch, tập trung vào năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, khí hydro hay thủy điện… Ngoài đầu tư tư nhân, Việt Nam cũng thu hút đầu tư của các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Đầu tư Phát triển châu Á (ADB) hoặc các ngân hàng châu Âu và các quỹ đầu tư, để thu hút đầu tư vào chống biến đổi khí hậu, chẳng hạn như xây dựng hệ thống kè, đảm bảo cho phát triển rừng ngập mặn…, đảm bảo phát triển bền vững sau này và chuyển đổi năng lượng, đồng thời thúc đẩy thị trường carbon phát triển. Đề án này đã được chính phủ giao cho Bộ Tài chính xây dựng.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, về vấn đề tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đề nghị các định chế tài chính thúc đẩy sớm các nguồn vốn đã được cam kết, triển khai một cách sớm nhất và cụ thể nhất. Sáng kiến của Việt Nam là đề nghị thúc đẩy các dự án, các chủ trương sao cho các dự án phải đi trước một bước để thực hiện việc giải ngân, cũng như thực hiện mục tiêu hoàn thành công trình một cách sớm nhất để tác động đến vấn đề phát triển bền vững, đặc biệt là năng lực.