Chính phủ Argentina ngày 30/7 đã bất ngờ rơi vào cảnh vỡ nợ lần thứ hai trong vòng 13 năm, sau khi một cuộc thương thảo tại New York với một nhóm các nhà đầu tư đang nắm giữ trái phiếu chính phủ nước này thất bại. Lại rơi vào cảnh vỡ nợ Theo phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ, Argentina phải thanh toán khoản nợ 1,3 tỷ USD cho hai quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ là NML Capital và Aurelius Management – là hai thể chế đã không đồng ý tham gia chương trình tái cơ cấu nợ của Buenos Aires. Thời hạn chót là ngày 30/7 vừa qua. Phán quyết cũng buộc Argentina không được thanh toán nợ cho các chủ nợ lớn khác nếu không đồng thời thanh toán cho hai quỹ đầu tư trên. Để gia tăng sức nặng cho phán quyết của mình, tòa án Mỹ đã đóng băng khoản tiền 539 triệu USD Argentina đã chuyển vào tài khoản tại Ngân hàng New York để trả các chủ trái phiếu đã tham gia tái cơ cấu nợ. Không thanh toán, Buenos Aires bị tuyên bố là vỡ nợ từng phần hoặc theo cách gọi của cơ quan xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s là Argentina ở trong tình trạng không thanh toán có lựa chọn (selective default). 1,3 tỷ USD không là bao so với một nền kinh tế có tới gần 480 tỷ USD GDP. Nhưng nếu thanh toán cho 2 quỹ đầu cơ của Mỹ thì Argentina rồi đây cũng sẽ bị phần còn lại trong số các chủ nợ không chấp nhận xóa bớt nợ cho quốc gia này kiện theo. Đó là chưa kể Buenos Aires còn bị ràng buộc về mặt pháp lý theo điều khoản gọi là RUFO. Theo đó, đến hết ngày 31/12/2014, Argentina không được quyền ưu đãi thanh toán cho bất kỳ một chủ nợ nào. Điều khoản RUFO này liên quan tới 93% chủ nợ đã xóa tới 70% nợ cho Argentina. Nói một cách dễ hiểu nếu thanh toán 1,3 tỷ USD cho NML và Aurelius, thì coi như Argentina lại quay về điểm khởi đầu của thời kỳ khủng hoảng năm 2001. Argentina sẽ lao vào một cuộc chạy đua pháp lý không hồi kết. Hậu quả là sẽ phải thanh toán đến cả chục thậm chí là cả trăm tỷ đô la cho các chủ nợ cũ. Bộ Tư pháp Mỹ cho biết cơ quan này phản đối phán quyết của tòa nhưng kêu gọi Argentina thu xếp tình hình tài chính. Tổng thống Argentina Crisina Kirchner thì phủ nhận đất nước mình đã vỡ nợ, khi tái khẳng định đã chuyển tiền thanh toán cho các chủ nợ và lên án chiến thuật của các quỹ mà bà xem là những “quỹ đầu tư tham lam”. “Chúng ta sống trong một thế giới rất không công bằng và đầy bạo lực và đây cũng là một dạng bạo lực nữa. Giống như những quả tên lửa trong chiến tranh, tên lửa tài chính cũng gây chết chóc”, vị nữ Tổng thống phát biểu trên truyền hình quốc gia. “Tôi muốn mọi người dân Argentina bình tĩnh, bởi Argentina sẽ sử dụng mọi công cụ pháp lý mà các hợp đồng quy định”. Độc chiêu của quỹ “kền kền” Cuộc đọ sức giữa chính quyền Buenos Aires với hai "quỹ kền kền" của Mỹ, NML và Aurelius bắt nguồn từ năm 2001 khi Argentina tuyên bố vỡ với số nợ nước ngoài lên tới hơn 100 tỷ USD. Các khoản trợ giúp của quốc tế, đứng đầu là IMF ồ ạt đổ về Buenos Aires vẫn không đủ sức giúp quốc gia ở châu Mỹ La Tinh này thoát cơn hoạn nạn. Trong gần một chục năm, các chính quyền liên tiếp không ngừng thương lượng với các chủ nợ để xin "tái cơ cấu" khoản nợ khổng lồ hơn 100 tỷ USD nói trên. Giới chủ nợ đứng trước hai con đường. Hoặc xóa 70% nợ cho Argentina và cho Buenos Aires thêm thời gian để thanh toán với hy vọng thu về được 30% còn lại. Hoặc mất trắng những khoản tín dụng đã cho Argentina vay mượn. Sau hai đợt đàm phán quan trọng trong năm 2005 và 2010, trên một trăm ông chủ nợ của Argentina thời đó, thì có tới 93% đã chấp nhận phương án thứ nhất. Từ đó tới nay, Argentina luôn giữ chữ tín với các chủ nợ này, thanh toán đều đặn theo những quy ước đã được thông qua. Chỉ riêng 7 ông chủ nợ còn lại của Argentina thì cương quyết vẫn đòi được bồi hoàn 100%. Nói cách khác, 7% các chủ nợ của Argentina còn lại cho rằng nếu họ đã cấp 100 USD cho Argentina vay trước đây, thì Buenos Aires phải hoàn trả lại cho họ đúng khoản tiền đó, không thiếu một xu. Trong số 7 nhà chủ nợ cứng cỏi đó có hai quỹ đầu cơ của Mỹ là NML Capital và Aurelius Management. Các quỹ đầu cơ này bị Argentina gọi là những “quỹ kền kền” vì chỉ bỏ ra 48 triệu USD mua trái phiếu với giá rẻ mạt so với giá trị mặt tại thị trường thứ cấp trong bối cảnh Buenos Aires sắp bị vỡ nợ, sau đó từ chối tham gia tái cơ cấu nợ và thông qua kiện tụng tại tòa án đòi được thanh toán trái phiếu theo giá mặt, cùng tiền lãi và tiền phạt, với số tiền ước lên tới 1,3 tỷ USD. Và cuộc chiến quyết liệt Các “quỹ kền kền” đưa ra hơn 900 vụ kiện chống lại Argentina trên khắp thế giới, tuy nhiên đã thất bại gần như hoàn toàn. Tháng 12/2012, Tòa án tối cao Bỉ đã ra phán quyết dỡ bỏ lệnh phong tỏa tài khoản ngân hàng của Argentina tại Bỉ theo yêu cầu của “quỹ kền kền” NML Capital, đồng thời buộc quỹ đầu tư này phải chịu toàn bộ án phí trong vụ kiện Argentina chưa thanh toán trái phiếu đã mua trước khi Buenos Aires tuyên bố vỡ nợ. Cũng trong năm 2012, Tòa án quốc tế về luật biển tại thành phố Hamburg (Đức) đã ra phán quyết yêu cầu Ghana thả một tàu chiến của Argentina bị bắt nợ tại nước này theo đề nghị của NML Capital, vì theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, tàu chiến được hưởng quy chế miễn trừ chủ quyền. Mới đây, Buenos Aires lại mời các quỹ “kền kền” tham gia tái cơ cấu nợ với các điều kiện đã được áp dụng trong các đợt tái cơ cấu nợ trước đó, theo đó các quỹ này thu được lợi nhuận 300%. Tuy nhiên, các quỹ đầu cơ này tiếp tục từ chối vì lãnh đạo Argentina cho rằng họ muốn lợi nhuận lên tới mức 1.600%. Các cuộc tấn công của các “quỹ kền kền” diễn ra trong bối cảnh Argentina nỗ lực bình thường hóa quan hệ với cộng đồng tài chính quốc tế, thể hiện qua việc chủ động thanh toán nợ với Câu lạc bộ Paris, bồi thường 5 tỷ USD do quốc hữu hóa cổ phần của tập đoàn dầu mỏ Repsol của Tây Ban Nha, bồi thường 677 triệu USD cho một số quỹ đầu tư nước ngoài cho phép khép lại các vụ kiện Buenos Aires tại Trung tâm giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế của Ngân hàng thế giới (ICSID). Argentina đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong nỗ lực chống lại các quỹ đầu tư đầu cơ. Theo một số nhà phân tích, các “quỹ kền kền” không chỉ gây hại cho Argentina mà còn cho hệ thống tài chính quốc tế, thậm chí Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và một số tổ chức tín dụng cũng cảnh báo rằng hành động của các “quỹ kền kền” với sự hỗ trợ của ngành tư pháp Mỹ gây bất ổn trật tự tài chính quốc tế. Hơn 100 nhà kinh tế của nhiều nước, trong đó có nhân vật từng đoạt giải Nobel kinh tế Robert Solow, cũng đã gửi thư kêu gọi Quốc hội Mỹ hành động ngay lập tức để tìm ra giải pháp nhằm giảm nhẹ tác động tiêu cực từ phán quyết của tòa án Mỹ.