Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ba cách vụ khủng bố 11/9 thay đổi thế giới trong 20 năm qua

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự kiện 11/9 đã góp phần vào định hình thế giới thay đổi theo những cách khác nhau trong suốt 20 năm qua.

Những hình ảnh về Tòa tháp đôi 110 tầng bốc cháy và các nạn nhân bị mắc kẹt nhảy từ các tòa nhà liên tục được phát đi khắp thế giới. Khói bụi và dư chấn từ sự sụp đổ của toà tháp có thể cảm nhận ở hàng chục tòa nhà liền kề, trong khi các mảnh vỡ máy bay được tìm thấy trong vòng bán kính 5km khắp thành phố New York.
Thông tin rằng một nhóm 19 tên khủng bố đã cướp bốn chuyến bay từ ba sân bay khác nhau, trong khoảng thời gian 45 phút vào giờ cao điểm của ngày định mệnh đó.
Hai chiếc máy bay đâm vào tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới, trong khi chiếc thứ ba đâm vào sườn của Lầu Năm Góc khoảng 30 phút sau. 
 Trang nhất tờ New York Times trong ngày 12/9/2001. 
Chiếc máy bay thứ tư lao xuống cánh đồng và dù mục tiêu cho đến nay vẫn chưa được làm rõ, giả thuyết cho rằng nó đang hướng tới Nhà Trắng hoặc Tòa nhà Quốc hội. Tất cả hành khách trên máy bay đã thiệt mạng cùng 3.000 nạn nhân khác tử vong trong các cuộc tấn công.
Nhóm khủng bố Al Qaeda do Osama bin Laden đứng đầu nhanh chóng được cho là đứng sau vụ khủng bố. Mỹ đáp trả bằng cách phát động "cuộc chiến chống khủng bố" và tham chiến vào Afghanistan.
Giờ đây, 20 năm đã trôi qua, nhưng những tác động và hệ quả từ vụ tấn công đó - bao gồm cuộc chiến ở Afghanistan và những mối đe dọa tấn công khủng bố… vẫn tiếp tục xuất hiện trên các tít báo trên khắp thế giới .
Dưới đây là ba cách các sự kiện trong ngày đó đã định hình thế giới chúng ta đang sống ngày nay:
Tăng cường giám sát, an ninh
Trước ngày 11/9, việc kiểm tra quần áo và thiết bị điện tử trước khi lên máy bay - hoặc vứt bỏ chai nước, bật lửa và dầu gội đầu - là điều chưa từng xảy ra. Trong khi máy chụp X-quang và bảo mật đã có nhưng chưa được ứng dụng nghiêm ngặt ở mức độ tương tự.
Ví dụ, những kẻ không tặc ngày 11/9 đã lên chuyến bay với dao, những thứ được phép sử dụng trên một số chuyến bay vào thời điểm đó. Thậm chí nhiều thành viên của Al Qaeda có thể từng tới Mỹ vài năm trước đó, thậm chí theo học tại các trường đào tạo phi công, cho thấy lỗ hổng bảo mật nhiều mặt.
Quá trình kiểm tra an ninh tại các sân bay đã thay đổi sau vụ tấn công. Ảnh: Reuters.
Chuyên gia tình báo và an ninh John Blaxland chia sẻ với trang báo ABC rằng trong bối cảnh lúc đó, không tặc chỉ hạn chế ở hành vi tống tiền và bắt giữ con tin đòi tiền chuộc.
"Ngay lập tức, không khí lo lắng và hoang mang bao trùm toàn thủ đô Washington DC”, Blaxland nói. Chỉ vài tháng sau vụ tấn công, Mỹ đã thành lập Cục An ninh Vận tải (TSA), một cơ quan An ninh Nội địa Mỹ với với gần 50.000 nhân viên an ninh và chi phí vận hành lên tới hàng tỷ USD nhằm mục tiêu chuyên giám sát việc di chuyển bằng đường hàng không.
Các biện pháp siết chặt an ninh tương tự đã nhanh chóng xuất hiện trên khắp thế giới, cũng như hàng chục triệu camera CCTV ở các góc phố trong khu vực đô thị và trong các cơ sở kinh doanh nhỏ.
Điều này cũng gián tiếp dẫn đến một loạt luật an ninh mới được thông qua và các biện pháp chống khủng bố cấp quyền giám sát cho các chính phủ. Trong những năm tiếp theo, các biện pháp an ninh còn mở rộng ra theo hướng hoạt động thu thập dữ liệu tinh vi.
Khủng bố, tinh thần chống Hồi giáo lan rộng
Trước ngày 11/9, "khủng bố" không phải là một thuật ngữ phổ biến, và thường chỉ được nhắc tới trong các cuộc thảo luận chính trị.
"Chủ nghĩa khủng bố đã xuất hiện được một thời gian [trong các cuộc tấn công và đánh bom xe đơn lẻ], nhưng đó là một rủi ro có thể kiểm soát được", Blaxland nói với ABC.
"Chính quy mô của vụ khủng bố quốc tế 9/11 đã biến nó từ một thứ mà bạn chỉ thấy trên các trang báo thành một vấn đề trọng yếu với tất cả mọi người."
 Trùm khủng bố Osma Bin Laden bị lực lượng Mỹ tiêu diệt năm 2011. Ảnh: Reuters.
Sau vụ 11/9, đã có nhiều đợt tấn công khủng bố nhắm vào các trung tâm văn hóa phương Tây, dẫn đến thương vong hàng loạt: Bali năm 2002 và 2005, Madrid năm 2004, London năm 2005, Sydney năm 2014, Paris năm 2015 và nhiều hơn nữa.
Trong những vụ tấn công này, cách nói đơn giản của cụm từ "Allahu akbar" (Chúa vĩ đại) - một cụm từ tôn giáo được hơn một tỷ người Hồi giáo trên toàn thế giới thường xuyên đề cập – mặt khác bị hiểu là có liên quan đến khủng bố. Hàng trăm triệu người Hồi giáo hàng ngày đang phải gánh chịu sự phân biệt, với các chính sách quốc tế lớn trở nên thù địch với họ, trong đó có lệnh cấm của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đối với du khách từ các quốc gia đa số theo đạo Hồi.
“Cuộc chiến mãi mãi”
Như trùm khủng bố Bin Laden từng tuyên bố, cuộc tấn công sẽ kéo Mỹ vào xung đột và chiến tranh, điều mà Al Qaeda mong muốn; chỉ trong vòng vài tuần sau đó, Mỹ đã bắt đầu tham chiến tại Afghanistan với nỗ lực đánh bật Taliban khỏi quyền lực và xóa sổ tổ chức Al Qaeda.
Trong vòng 18 tháng, các lực lượng Mỹ cũng tiến vào Iraq với niềm tin rằng chính quyền của Tổng thống Iraq khi đó Saddam Hussein đang sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt. Dù đã xuất hiện làn sóng phản đối việc Mỹ can thiệp quân sự ở nước ngoài, nhưng luận điệu về sự trả thù vẫn chiếm ưu thế trong các cuộc thảo luận sau vụ tấn công 11/9.
Một thập kỷ sau ngày 11/9/2001, Mùa xuân Ả Rập bùng nổ ở Trung Đông. Dù sự kiện này không trực tiếp là hệ quả đáp trả vụ khủng bố, nhưng cuộc chiến ở Iraq đã đóng vai trò là chất xúc tác cho giới trẻ Ai Cập, cùng những nơi khác, đưa lên tiếng nói phản đối chính phủ của họ ủng hộ chiến tranh.
Sau tất cả, những cuộc xung đột đó cuối cùng dẫn đến hệ quả là một khu vực đầy bất ổn với hàng trăm nghìn thương vong, đẩy hàng triệu người vào cảnh tị nạn, trong khi ước tính tiêu tốn hơn 1 nghìn tỷ USD của Mỹ và các đồng minh.