Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ba trụ cột chính của chuyển đổi số tại Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong xây dựng được một chương trình chuyên đề về chuyển đổi số quốc gia với 3 trụ cột chính trong chuyển đổi số quốc gia là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Sau giai đoạn khởi động chuyển đổi số quốc gia bắt đầu vào năm 2020, năm 2021 và cả giai đoạn 2021 - 2025 được nhận định là thời điểm để tăng tốc với những hành động, giải pháp triển khai cụ thể đối với từng bộ, ngành, lĩnh vực và địa phương.
Sự khởi động hoàn hảo

Trong thế "kiềng 3 chân" gồm Chính phủ số - kinh tế số - xã hội số, theo các chuyên gia, việc xây dựng Chính phủ điện tử được nhận định tạo điều kiện kiên quyết để xây dựng thành công Chính phủ số tại Việt Nam. Đối với việc xây dựng Chính phủ điện tử cần thực hiện 2 mảng chính là cải cách thủ tục hành chính và trục liên thông văn bản quốc gia.

Trong giai đoạn 2014 - 2020, Việt Nam đã duy trì việc tăng hạng Chính phủ điện tử của Liên Hợp quốc liên tục, từ vị trí 99 lên vị trí 86; lọt vào nhóm các nước phát triển có Chính phủ điện tử ở mức cao, thậm chí cao hơn chỉ số trung bình thế giới. Vị trí xếp hạng 86/193 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 2 bậc so với năm 2018 là một thành tích đáng khích lệ.
 Trung tâm giám sát giao thông Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đẩy mạnh chuyển đổi số mà chọn Chính phủ số là một trong 3 trụ cột chính vì theo cách tính của Ngân hàng Thế giới, làm tốt cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm khoảng 14.900 tỷ đồng/năm. Chân kiềng thứ 2, xã hội số, xét theo nghĩa rộng là bao trùm lên mọi hoạt động của con người, lấy con người làm mục tiêu như các quốc gia khác trên thế giới khi tiến hành quá trình chuyển đổi số.

Động lực chính của xã hội số là công nghệ số, dựa trên sự tăng trưởng thông tin, dữ liệu một cách nhanh chóng, làm thay đổi mọi khía cạnh của tổ chức xã hội, từ chính phủ, kinh tế cho tới người dân. Mục tiêu của xã hội số khá cụ thể, đó là tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử hơn 80%; lọt vào nhóm 30 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng…

Xã hội số, xét theo nghĩa hẹp, gồm công dân số và văn hóa số. Trong đó, 9 yếu tố cấu thành công dân số là khả năng truy cập các nguồn thông tin số, khả năng giao tiếp trong môi trường số, kỹ năng số cơ bản, mua bán hàng hóa trên mạng, chuẩn mực đạo đức trong môi trường số, bảo vệ thể chất và tâm lý trước các ảnh hưởng từ môi trường số, quyền và trách nhiệm trong môi trường số, định danh và xác thực, dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư trong môi trường số.

Văn hóa số lại là một khái niệm hoàn toàn mới, có tính kế thừa. Chúng ta đều biết khái niệm văn hóa truyền thống đã hình thành qua ngàn năm, từ khi loại người xuất hiện. Nhưng xã hội số mới chỉ đang hình thành trong vài chục năm trở lại đây, khi cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật phát triển mạnh mẽ như vũ bão.

Vì vậy, văn hóa số cũng mới chỉ đang hình thành, đó là các quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức của con người trong môi trường số. Văn hóa số và văn hóa truyền thống có tính liên thông, kế thừa và với mỗi quốc gia khác nhau có những đặc điểm riêng biệt. Tất nhiên, trong quá trình hội nhập, toàn cầu hóa thì văn hóa số trên thế giới cũng có những điểm chung.

Đừng để “cá nhanh nuốt cá chậm”

Trong 3 khái niệm nói trên thì kinh tế số được xuất hiện nhiều hơn trên báo chí và mạng xã hội. Trong kinh tế số, toàn bộ hoạt động kinh doanh của DN hướng tới môi trường số, đặc biệt hướng đến các DN số phát triển đóng góp cho kinh tế số và ứng dụng các công nghệ số vào hoạt động của các DN truyền thống.

Năm 2020, dù phải gồng mình chống dịch Covid-19 nhưng Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Năm ngoái, GDP Việt Nam tăng 2,91%, đây là mức tăng thấp nhất trong thập kỷ gần đây nhưng xét trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì đây lại là thành công lớn của Việt Nam trong việc hoàn thành mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Một trong những lý do quan trọng là chúng ta đã thay đổi thái độ, nhận thức của các DN khi coi chuyển đổi số trở thành điều kiện sống còn của các DN.

Nói đến kinh tế số là người ta nói đến quản trị số, DN số, giao dịch số. Phó Tổng giám đốc Dr SME - ông Vũ Tuấn Anh nhấn mạnh: “Thực tế đã chứng minh, chuyển đổi số với DN tổ chức không còn là thích hay không thích, cần hay không cần, nên hay không nên mà đó là bắt buộc vì chuyển đổi số là xu hướng dòng chảy của kinh doanh toàn cầu. Chúng ta chỉ có thể đi ngược dòng chảy trong một khoảng thời gian trong một khu vực trong một hoàn cảnh chứ không thể đi ngược lại xu hướng trong cả hành trình DN”.

Trong Nghị quyết số 52-NQ/TW, Bộ Chính trị đề ra mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm tỷ lệ 20% GDP và khoảng 30% GDP vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này cần sự nỗ lực đồng bộ từ Chính phủ đến người dân, DN bởi cốt lõi để thành công là sự thay đổi nhận thức về chuyển đổi số trong lãnh đạo chứ không phải nền tảng kỹ thuật hoặc chỉ DN lớn mới có thể chuyển đổi số thành công, còn DN nhỏ chưa đủ điều kiện thì không thể.

Số liệu cho thấy, tỷ lệ chuyển đổi số thất bại trong DN lên tới 70% nhưng chúng ta vẫn phải tin tưởng vào mục đích chuyển đổi số chứ không thể thối lui. Nói chính xác, các DN Việt Nam không còn con đường nào khác, cứ nhìn sự sụt giảm doanh thu của các khách sạn chỉ sử dụng book phòng truyền thông là chúng ta có câu trả lời. Khác với kinh doanh truyền thống, chỉ thấy “cá lớn nuốt cá bé” thì giờ đây theo PGS.TS Lê Trọng Vĩnh (Đại học Khoa học Tự nhiên): “Nếu các DN Việt Nam không sớm bắt tay ngay vào chuyển đổi quản trị số, DN số, giao dịch số thì tình trạng “cá nhanh nuốt cá chậm” tới đây còn khốc liệt hơn nhiều”.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Chuyển đổi số không phải là cuộc cách mạng của công nghệ mà là cuộc cách mạng về thể chế, tư duy. Thể chế cần đi trước một bước và được điều chỉnh linh hoạt để chấp nhận những cái mới: Công nghệ mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình mới. Chỉ có đổi mới sáng tạo, Việt Nam mới thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình”.

Trong cuộc cách mạng chuyển đổi số mang tính toàn cầu, Việt Nam chúng ta đang ở đâu? Làm thế nào để chuyển đổi số Việt Nam thành công? Tôi thích cách đặt vấn đề mà tờ Kinh tế v& Đô thị đang thực hiện trong loạt sê-ri bài, với đi từ tổng thể cuộc cách mạng chuyển đổi số, rồi tình hình quốc tế và giờ đây là Việt Nam.

Với 3 trụ cột chính trong chuyển đổi số quốc gia là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, nếu báo khai thác sâu vào từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương trong đó có chính xu thế chuyển đổi số đối với lĩnh vực báo chí cũng sẽ có rất nhiều bài viết hay. Thủ đô Hà Nội, với tư cách là đầu tàu của cả nước, tập trung các ngành mũi nhọn như CNTT, truyền thông phải đi đầu trong xu thế chuyển đổi số của Việt Nam và hơn bao giờ hết tờ Kinh tế & Đô thị cần đầu tư sâu, rộng hơn chủ đề này.q

"Nếu các DN Việt Nam không sớm bắt tay ngay vào chuyển đổi quản trị số, DN số, giao dịch số thì tình trạng “cá nhanh nuốt cá chậm” tới đây còn khốc liệt hơn nhiều." - PGS.TS Lê Trọng Vĩnh (Đại học Khoa học Tự nhiên)

TS Nguyễn Thị Thanh Tâm 
(Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)