Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị: Gỡ vướng từ thực tế phát sinh

Bài 1: Bộ máy chính quyền nhanh nhạy hơn

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 1 năm thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các phường của TP Hà Nội, đã tạo ra những kết quả bước đầu quan trọng.

Tuy nhiên, từ thực tế triển khai không tiếp tục tổ chức HĐND phường cũng nảy sinh không ít vướng mắc, bất cập cần sớm có sự vào cuộc tháo gỡ của các cấp, ngành.

Công chức bộ phận một cửa UBND phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) tiếp nhận giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân. Ảnh: Thùy Linh  
Công chức bộ phận một cửa UBND phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) tiếp nhận giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân. Ảnh: Thùy Linh  

Hiệu quả nổi bật nhất từ thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội sau 1 năm thực hiện chính là tổ chức bộ máy chính quyền tại cấp phường trở nên tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhanh nhạy và thông suốt hơn.

Quyết định nhanh vấn đề cấp bách tại địa bàn

Thực hiện Nghị quyết 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội và Nghị định 32/2021/NQ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ, từ ngày 1/7/2021, TP Hà Nội thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại 175 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây.

Theo đó, không tổ chức HĐND phường nữa, mà chính quyền địa phương ở phường là UBND phường (cơ quan hành chính thuộc UBND quận, thị xã). Sau 1 năm triển khai cho thấy, việc thí điểm tổ chức quản lý theo mô hình này đã theo đúng tinh thần Nghị quyết 18 Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư 6 khóa XII của Đảng, với tổ chức bộ máy chính quyền khu vực các quận gọn nhẹ, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn.

Cơ quan hành chính phường chủ động điều hành, quyết định nhanh những vấn đề cấp bách tại địa bàn trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính Nhà nước nhưng vẫn đảm bảo quyền đại diện, làm chủ của Nhân dân.

Ghi nhận tại phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng), một phường có quy mô vào loại lớn nhất TP với hơn 6 vạn dân, mỗi ngày cán bộ công chức (CBCC) bộ phận “một cửa” phải tiếp nhận giải quyết tới khoảng 100 hồ sơ hành chính. Dù vậy, qua quá trình thực hiện chính quyền đô thị, người dân đánh giá cao hiệu quả hoạt động của chính quyền phục vụ ngày càng tốt hơn, bởi công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện ủy quyền của Chủ tịch UBND phường đã được thừa lệnh ký thủ tục chứng thực, nên chủ động hơn, đồng thời người dân giải quyết hồ sơ được nhanh chóng hơn.

“Trước đây có khi cả 3 đồng chí Thường trực UBND phường phải đi họp không ký được, thì nay công chức chủ động hơn trong việc này. Mọi thủ tục hành chính (TTHC) cũng ngày càng công khai, quy củ, có chỉ đạo hướng dẫn rõ ràng, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước hạn đã tăng nhiều”- Phó Chủ tịch UBND phường Trần Thị Minh Vân chia sẻ.

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đinh Mạnh Hùng, thực tiễn cho thấy, hoạt động UBND phường theo chế độ thủ trưởng đã góp phần đẩy mạnh cải cách TTHC, hiệu quả hoạt động bộ máy được nâng lên, tạo điều kiện cho Chủ tịch phường chủ động hơn trong điều hành giải quyết công việc nhằm phục vụ người dân, DN.

Cán bộ Bộ phận một cửa, UBND quận Bắc Từ Liêm hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Công Hùng  
Cán bộ Bộ phận một cửa, UBND quận Bắc Từ Liêm hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Công Hùng  

Nhanh chóng kiện toàn, nâng chất lượng hoạt động

Đúng như Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo nhận định, kể từ khi thực hiện mô hình mới, HĐND TP, HĐND các quận và thị xã Sơn Tây đã có một số nhiệm vụ được tăng thêm so với Luật, công tác đào tạo bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu (ĐB) HĐND được quan tâm hơn. Sự phối hợp hoạt động giữa HĐND các cấp chặt chẽ hơn, nhất là với xây dựng cơ chế chính sách của địa phương.

Đặc biệt quan tâm nâng cao hiệu quả hoạt động HĐND trong bối cảnh không còn HĐND cấp phường, Thường trực HĐND quận Hai Bà Trưng đã ban hành chương trình công tác năm 2022 nhấn mạnh sẽ tổ chức ít nhất 4 cuộc giám sát, chất vấn, giải trình giữa 2 kỳ họp; các ban HĐND tổ chức ít nhất 2 - 4 cuộc giám sát, khảo sát; các tổ ĐB HĐND quận tổ chức ít nhất 2 cuộc giám sát, khảo sát tại đơn vị ứng cử… 6 tháng qua, Thường trực HĐND quận thực hiện được 1 phiên giải trình; hai ban HĐND quận thực hiện 3 cuộc giám sát, khảo sát; các tổ ĐB HĐND quận xây dựng đảm bảo tối thiểu 2 cuộc giám sát trong năm theo quy định...

“Chúng tôi xác định để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động HĐND, cần chú trọng bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng ĐB trong tiếp xúc cử tri và công tác giám sát. Vì vậy ngay 3 tháng đầu năm, Thường trực HĐND quận đã tổ chức bồi dưỡng chuyên đề nghiệp vụ công tác ĐB HĐND và vai trò của cấp ủy, MTTQ, các đoàn thể trong thực hiện mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn cho 34 ĐB HĐND quận và Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UB MTTQ phường. 34 ĐB cũng nghiêm túc tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ĐB HĐND cấp huyện do TP tổ chức tháng 4/2022”- Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hai Bà Trưng Trần Quyết Thắng cho hay.

Từ khi không còn HĐND phường thực hiện vai trò giám sát, để nâng cao hiệu quả hoạt động chính quyền, UBND phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) đã tăng cường đối thoại với người dân, UB MTTQ tăng hoạt động giám sát. Các địa bàn dân cư thông qua họp ở địa bàn chú trọng tổng hợp ý kiến người dân, gửi lên UBND phường trả lời. Đồng thời, UBND phường đã quán triệt phải tăng vai trò quản lý điều hành, trước đây chịu trách nhiệm tập thể thì nay chịu trách nhiệm cá nhân (chế độ thủ trưởng) nên mỗi CBCC càng nêu cao trách nhiệm.

Thực tế, hiệu quả hoạt động HĐND phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ ĐB chuyên trách. Nhận thức đúng vấn đề này, ngay khi bắt tay thực hiện chính quyền đô thị, để chuẩn bị nhân sự nhiệm kỳ 2021 - 2026 của HĐND, Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ đã rất quan tâm bố trí tăng 1 ĐB chuyên trách cho HĐND quận so với nhiệm kỳ trước, cụ thể có 4 ĐB hoạt động chuyên trách (gồm Phó Chủ tịch, Trưởng và Phó ban Pháp chế, Phó ban kinh tế - xã hội (KT - XH); riêng trưởng ban KT - XH kiêm nhiệm), trong đó 2 Quận ủy viên. Ban Thường vụ Quận ủy cũng nhất trí chủ trương và nhân sự kiện toàn trưởng ban, phó ban KT-XH chuyên trách, được thực hiện trong kỳ họp thường lệ giữa năm 2022.

Chú trọng công tác quy hoạch, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ HĐND, Quận ủy Thanh Xuân đã kịp thời bố trí 1 ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy làm Phó Chủ tịch HĐND quận, 1 ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy làm Trưởng ban Pháp chế HĐND quận bố trí các cán bộ văn phòng có năng lực phục vụ hoạt động của HĐND, từng bước kiện toàn tăng số lượng Ủy viên Thường trực và trưởng các ban HĐND tham gia cấp ủy, tạo điều kiện bồi dưỡng nâng cao trình độ cho CBCC thực hiện nhiệm vụ của HĐND...

“Ưu điểm lớn nhất từ mô hình này là bộ máy chính quyền cấp phường tinh gọn, chi tiêu ngân sách cho cấp phường tiết kiệm hơn; một số quy trình, TTHC được tiết giản góp phần đẩy mạnh cải cách TTHC, nâng cao hiệu quả hoạt động bộ máy chính quyền. Từ chế độ tập thể sang chế độ thủ trưởng cũng tạo điều kiện cho Chủ tịch UBND phường chủ động hơn trong quản lý, điều hành công việc”- Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Thanh Xuân Nguyễn Việt Hà chia sẻ.

(Còn nữa)

 

Mô hình chính quyền đô thị đã tạo nhiều chuyển biến tích cực khi các cơ quan, đơn vị tại TP có điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy đảm bảo không bỏ sót nhiệm vụ và không chồng chéo chức năng, phân định rõ đơn vị chủ trì, phối hợp, rõ đầu mối, rõ trách nhiệm; tinh giản biên chế hoàn thành vượt chỉ tiêu. Hơn nữa, chính quyền hoạt động theo hướng gọn nhẹ, hướng đến người dân hơn, vừa tăng tính chủ động điều hành, quyết định nhanh những vấn đề cấp bách trên địa bàn, nhận được nhiều lời khen của người dân.

Ông Đào Bá Cường - người dân Tổ dân phố số 10, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng