Thực hiện các cam kết sau khi trở thành Thành phố sáng tạo, Hà Nội đã cụ thể hóa bằng các chương trình và kế hoạch hành động dài hạn về tầm nhìn và kết nối các chính sách của TP, tạo điều kiện thuận lợi nhằm nâng tầm cho lĩnh vực thiết kế sáng tạo, nổi bật gần đây là Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022.
Trong 3 năm trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO (UCCN), quá trình chuyển hóa tiềm năng thành cơ hội trong phát triển thương hiệu Thành phố sáng tạo của Thủ đô gặp không ít thách thức từ các yếu tố như dịch Covid-19, cách mạng công nghệ 4.0, vấn đề toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh đó, chính quyền, Nhân dân Thủ đô với sự đồng hành của các thành viên UCCN; sự chung tay, góp sức của các chuyên gia, nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ, DN, cộng đồng doanh nhân sáng tạo đã góp phần chuyển hóa sức mạnh mềm của Thủ đô, tạo sức thuyết phục trong việc thực hiện các cam kết, thu hút bạn bè quốc tế.
Vượt qua khó khăn
Tháng 10/2019, Hà Nội trở thành thành viên của UCCN. Nhưng từ tháng 12/2019, cả nước tập trung phòng, chống dịch và tiếp tục quá trình chống dịch “dài hơi” kéo dài đến tháng 11/2021, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP nhằm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Nhớ lại “những ngày không quên” đã qua để thấy Covid-19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, trong đó có các hoạt động văn hóa. Thời điểm đó, tất cả hoạt động văn hóa, nghệ thuật bị “đóng băng”, kế hoạch tổ chức các chương trình, sự kiện đều tạm dừng chưa hẹn ngày trở lại; nguồn thu của các di tích, danh thắng đều “chạm đáy”; hàng loạt cán bộ, nhân viên công tác trong lĩnh vực VHTT&DL xin chuyển công tác, nỗ lực mưu sinh… tạo nên không khí trầm lắng chưa từng có với lĩnh vực văn hóa.
Thế nhưng, trong bức tranh u ám đó, các nghệ sĩ, diễn viên, DN, cộng đồng văn hóa sáng tạo vẫn nỗ lực, vượt qua khó khăn, tiếp sức cho người dân bằng nhiều việc làm thiết thực, sáng tạo. Lĩnh vực âm nhạc, ca khúc “Ghen Cô Vy” hay “Vũ điệu rửa tay” đã lan tỏa khắp trong nước và quốc tế. Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, hàng loạt buổi diễn không khán giả, được tổ chức bằng hình thức livestream. Các nghệ sĩ không chỉ hát, chỉ diễn mà còn chia sẻ trao đổi những tâm tư, quan điểm về chung tay phòng chống dịch cũng như làm nghề. Với điện ảnh, khán giả còn nhớ những thước phim “Ranh giới” của VTV nói về sự hy sinh, mất mát của bác sĩ, điều dưỡng và người dân do Covid-19.
Không chỉ sáng tạo để động viên, tuyên truyền, ngành văn hóa cả nước, trong đó có Hà Nội đã có những chuyển biến sáng tạo trong việc nghiên cứu, để chuẩn bị cho ngày được hoạt động trở lại, điển hình là công tác số hóa. Các di tích lịch sử, văn hóa, như Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, nhà tù Hỏa Lò đã chủ động, tích cực nghiên cứu các giải pháp để đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, khắc phục những khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, thực hiện số hóa các triển lãm thông qua Internet thu hút được nhiều công chúng tương tác.
Lan tỏa văn hóa sáng tạo
Sau hai năm bị đình trệ bởi dịch Covid-19, các hoạt động về văn hóa sáng tạo dần được phục hồi. Thời gian qua, các hoạt động VHTT&DL tại Hà Nội đã dần sôi động trở lại. Tiêu biểu, Hà Nội là địa phương đăng cai tổ chức khai mạc, bế mạc, thi đấu 18 môn tại 16 địa điểm trong SEA Games 31; Giải bơi chải thuyền rồng truyền thống, Giải đua xe đạp truyền hình VTV Cup; phối hợp tổ chức Giải chạy marathon quốc tế mang tên Hanoi International Heritage Marathon… Hà Nội cũng là nơi diễn ra nhiều chương trình đặc sắc, gần đây có thể kể đến: Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI; Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V, Hà Nội 2022.
Riêng với hoạt động thiết kế, sáng tạo, Hà Nội đang diễn ra Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2022, từ ngày 15 - 26/11. Những ngày qua, người dân Thủ đô như được sống trong bầu không khí sáng tạo đầy thăng hoa. Chỉ cần dạo quanh phố đi bộ Hồ Gươm vào dịp cuối tuần, công chúng có thể thấy các tác phẩm nghệ thuật, hoạt động sáng tạo được trải dài trên nhiều không gian. Một trong những trưng bày nổi bật nhất là tác phẩm “Cổng sáng tạo” (KTS Lê Quang Thạch) tại đài phun nước - quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Nhìn tổng thể đó là một khối lập phương khổng lồ, với mỗi cạnh dài 14m, được tạo thành bởi những chiếc cột dựng đứng và những dải lụa đan chéo nhau. Điều đặc biệt hơn nữa, khi ngồi dưới “Cổng sáng tạo”, khách du lịch có thể chạm tay vào đỉnh của đài phun nước mà bình thường nó rất xa vời. Đây cũng là ý tưởng của tác giả nhằm tạo cho công chúng một cảm nhận mới khi đến với hồ Hoàn Kiếm.
Cũng tại không gian hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, khách tham quan còn được chứng kiến nhiều điều lạ mắt khác. Đó là không gian trải nghiệm sáng tạo “Khoe chơi” tại phố Đinh Tiên Hoàng; Không gian sáng tạo “Hà Nội trong gương”; Không gian “Hội nhập”. Bên cạnh đó, lễ hội còn có nhiều hoạt động biểu diễn như: Liên hoan Trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể; Trình diễn thời trang của NTK Chu La; Chương trình ca nhạc rock với sự tham gia của Ngũ Cung band và các ban nhạc trẻ.
Bên cạnh các thiết kế, trưng bày, với chủ đề “Thiết kế và công nghệ”, khách tham quan còn được trải nghiệm nhiều hoạt động liên quan đến công nghệ và thiết kế. Anh Đặng Ngọc Minh (quê Thái Nguyên) chia sẻ, sau khi trải nghiệm không gian thực tế ảo tại Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm: “Lần đầu tiên đến Hà Nội, tôi thấy có quá nhiều thứ mới mẻ tại lễ hội này, trong đó có những điều bản thân tôi chưa từng trải nghiệm bao giờ”.
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2022 với chủ đề “Sáng tạo và công nghệ” là không gian văn hóa sắp đặt ấn tượng với những sản phẩm được thiết kế đa dạng, sáng tạo cùng những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu được các nghệ nhân, nghệ sĩ, những người yêu văn hóa Thủ đô trình diễn đầy ấn tượng. Không chỉ tôn vinh sự sáng tạo trên chất liệu truyền thống, lễ hội còn là nơi để các nghệ sĩ, kiến trúc sư, nghệ nhân thăng hoa trong cảm xúc, thoải mái thể hiện những ý tưởng sáng tạo. Qua sự kiện này, TP Hà Nội kêu gọi tới toàn thể Nhân dân Thủ đô cùng chung tay xây dựng Thủ đô Hà Nội - từ Thành phố vì hòa bình đến Thành phố sáng tạo của UNESCO.
Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng
Trước đây, nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nội là Thành phố sáng tạo về thiết kế, nhưng yếu tố thiết kế chưa thật sự đậm nét trong đời sống hàng ngày, trong con mắt của khách du lịch; tỷ lệ người dân chưa biết đến danh hiệu Thành phố sáng tạo còn cao.
Tuy nhiên, TP đang nỗ lực thay đổi điều này. Đó là một trong những lý do Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2022 không chỉ tổ chức ở một vài trung tâm văn hóa mà được tổ chức tại nhiều không gian khác nhau, tất cả đều hoàn toàn miễn phí nhằm lan tỏa mạnh mẽ nhất tinh thần của thiết kế sáng tạo đến cộng đồng.
Ươm mầm tài năng
Điểm khác biệt của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2022 là việc tổ chức, trao giải Cuộc thi Thiết kế Nghệ thuật công cộng Hà Nội 2022; Lễ trao giải Cuộc thi thiết kế Ngôi nhà mơ ước 2021 - 2022 (lần thứ 3) với sự tham gia của đông đảo kiến trúc sư, nhà thiết kế và những người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo. Cuộc thi là một trong những hoạt động triển khai thực hiện các nội dung theo cam kết với UNESCO nhằm nuôi dưỡng các tài năng trẻ của Hà Nội, phát triển mạng lưới nhà thiết kế trẻ khi Hà Nội tham gia UCCN. Hoạt động này cũng thúc đẩy hợp tác nhiều bên để tạo ra một môi trường lấy giới trẻ làm trung tâm trong ngành công nghiệp sáng tạo, tìm kiếm các nhà đầu tư nhằm hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo và hình thành các không gian sáng tạo không chỉ cho Hà Nội nói riêng mà còn cho cả nước Việt Nam nói chung.
Có thể thấy, Hà Nội đã và đang nỗ lực bứt phá, tận dụng cơ hội, phát huy điểm mạnh, hạn chế điểm yếu, vượt qua thách thức để phát triển thương hiệu Thành phố sáng tạo. Mục tiêu lớn của Hà Nội trong tương lai gần là sẽ trở thành “Kinh đô sáng tạo” của khu vực Đông Nam Á, góp phần đưa Thủ đô Hà Nội trở thành một trong những điểm sáng” văn hóa của khu vực và thế giới.
(Còn nữa)