Bài 1: Nhiều tình huống "dở khóc, dở cười" - Ảnh 1
Bài 1: Nhiều tình huống "dở khóc, dở cười" - Ảnh 2
Bài 1: Nhiều tình huống "dở khóc, dở cười" - Ảnh 3

Những ngày qua, sự việc xảy ra tại Trường Tiểu học Tây Mỗ 3, quận Nam Từ Liêm thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Trên địa bàn một phường 70.000 dân với vài chục toà chung cư cao tầng mọc san sát mà chỉ có 2 trường tiểu học công lập, việc thiếu trường lớp đã được nhìn thấy từ lâu. Sau thời gian mong chờ, Trường Tiểu học công lập Tây Mỗ 3 xây mới, đi vào hoạt động mang lại niềm phấn khởi cho cư dân. Nhiều phụ huynh thầm nghĩ, từ năm học này, con họ sẽ không phải đi học cách nhà 4-5 km với đoạn đường nhiều xe tải và bụi bặm nữa mà chỉ đi bộ vài trăm mét là đến trường. Vậy nhưng, khi họ đến trường nộp hồ sơ thì nhận được thông tin: Trường Tiểu học Tây Mỗ 3 đã đủ chỉ tiêu, năm nay trường chỉ tuyển sinh lớp 1 và mỗi lớp chỉ bố trí 35 học sinh.

Bài 1: Nhiều tình huống "dở khóc, dở cười" - Ảnh 4

Theo thông tin từ UBND quận Nam Từ Liêm, Trường Tiểu học Tây Mỗ 3 được tách Trường Tiểu học Tây Mỗ nên nhận từ trường này 1.111 chỉ tiêu; trong đó, 100% học sinh khối 2, 3, 4, 5 từ Trường Tiểu học Tây Mỗ chuyển về và 460 học sinh lớp 1 (nhờ trường này tuyển sinh hộ trước đó). Không chấp nhận lý lẽ trên, hàng trăm phụ huynh học sinh đã tập trung tại Trường Tiểu học Tây Mỗ 3 để được nghe câu trả lời thoả đáng từ chính quyền địa phương. UBND quận Nam Từ Liêm, Phòng GD&ĐT quận đã tính toán, rà soát, cẩn trọng đưa ra phương án tối ưu nhất, giải quyết nguyện vọng của phụ huynh và bảo đảm quyền học tập của học sinh.

Sự việc tại Trường Tiểu học Tây Mỗ 3 là câu chuyện khá điển hình, phản ánh thực trạng thiếu trường công lập hiện nay tại Hà Nội, nhất là tại các khu vực có tốc độ phát triển nóng, địa bàn nhiều chung cư. Tuy nhiên, tình huống tụ tập, xếp hàng đông người, thậm chí đạp đổ cổng trường, mục đích để nộp hồ sơ xin học cho con từng xảy ra từ hơn thập kỷ trước tại Trường PTCS Thực nghiệm, Hà Nội. Và trong mùa tuyển sinh năm 2023, cảnh tượng phụ huynh xếp hàng xuyên đêm để nộp hồ sơ nhập học cho con cũng xảy ra liên tiếp tại khu vực nội đô.

Bài 1: Nhiều tình huống "dở khóc, dở cười" - Ảnh 5

Còn nhớ, vào tháng 6/2023, khoảng 200 phụ huynh xếp hàng từ chiều tối đến qua đêm tại cổng Trường Tiểu học Vạn Bảo, quận Hà Đông, những mong nộp hồ sơ cho con vào lớp 1. Là một trong số đó, anh Nguyễn Văn Trường, trú tại quận Hà Đông kể lại: "Chiều 12/6, tất cả mọi người xếp hàng trật tự, thủ thỉ hỏi chuyện nhau rất thân mật nhưng sau một đêm vạ vật, đến đầu giờ sáng 13/6, khi trường bắt đầu nhận hồ sơ, một số người đến sau đã xô đẩy khiến không khí cổng trường trở nên náo loạn, thậm chí có người bị chèn ép đến rách áo. Tình hình chỉ yên ắng trở lại sau khi có lực lượng công an phường đến yêu cầu phụ huynh bình tĩnh, giữ trật tự”.

Bài 1: Nhiều tình huống "dở khóc, dở cười" - Ảnh 6

Tình trạng xếp hàng tại cổng trường mang theo ghế nhựa, nước uống vì xác định sẽ thức trắng đêm xảy ra ngày 5/7/2023 tại cổng Trường THPT Hoàng Cầu (quận Đống Đa). Với mong muốn giành được một suất nộp hồ sơ vào lớp 10 cho con, nhiều phụ huynh đã mai phục ở cổng trường từ tối 4/7, xếp chỗ xuyên đêm chờ trời sáng. Cố thủ đến gần 11 giờ trưa 5/7, thời tiết lên đến gần 40 độ, đoàn người mệt rũ, mồ hôi túa ra như tắm, mặt mũi nhăn nhó nhưng quyết không rời vị trí để nộp bằng được hồ sơ.

Ngoài cảnh tượng xếp lốt xuyên đêm nộp hồ sơ đầy ám ảnh kể trên, Hà Nội còn xảy ra tình huống “có một không hai” trong tuyển sinh, đó là bốc thăm để giành suất học tại trường mầm non công lập. Tình huống trớ trêu này xảy ra tại Trường Mầm non Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai vào sáng 27/8/2022. Theo giải thích của Ban giám hiệu, sở dĩ có trò bốc thăm may rủi là bởi năm học 2022 - 2023, Trường Mầm non Hoàng Liệt nhận được 226 hồ sơ của trẻ 5 tuổi, tăng 100 so với dự kiến. Với hai nhóm trẻ 4 và 3 tuổi, số lượng hồ sơ đăng ký lần lượt là 290 và 423 (dự kiến chỉ tuyển sinh lần lượt 88 và 245 cháu). Như vậy, trường có 380 hồ sơ vượt chỉ tiêu vì tổng số học sinh có thể nhận theo quy định là 559 trẻ ở độ tuổi từ 3-5. Cuộc bốc thăm giành suất học mầm non diễn ra căng thẳng, kịch tính cùng nhiều mô hôi, nước mắt của phụ huynh.

Bài 1: Nhiều tình huống "dở khóc, dở cười" - Ảnh 7

Trong văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình năm học 2024 – 2025 với cấp tiểu học, Bộ GD&ĐT một lần nữa nhắc lại quy định cũ tại Điều lệ trường tiểu học, đó là sĩ số không quá 35 học sinh/lớp và yêu cầu các trường học trên cả nước phải thực hiện. Theo dõi thông tin trên, giáo viên, phụ huynh các trường công lập ở nội đô Hà Nội đều cho rằng, quy định về sĩ số các cấp học chỉ khả thi với các trường học ở khu vực ngoại thành còn tại các quận nội thành, do tốc độ tăng dân số, nhất là tăng dân số cơ học quá nhanh, số học sinh/lớp khó có thể đáp ứng yêu cầu.

Bài 1: Nhiều tình huống "dở khóc, dở cười" - Ảnh 8

Đánh giá tác động của quá tải trường lớp lên sức khoẻ học sinh, bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Linh, Bệnh viện 198 - Bộ Công an cho rằng, việc học sinh phải ngồi học chen chúc; bàn ghế kê sát nhau, kê gần bảng… là một trong những yếu tố tác động đến tình trạng mắc các bệnh về mắt ở trẻ. Qua khảo sát, không ít lớp bậc tiểu học tại Hà Nội có hơn 85% học sinh mắc tật khúc xạ, chủ yếu là cận thị và phải đeo kính.

Vượt sĩ số học sinh/lớp cũng là lý do cản trở quá trình công nhận mới, công nhận lại trường chuẩn quốc gia (CQG) của nhiều trường học trên địa bàn các quận nội đô. Hơn chục năm qua, Cầu Giấy luôn là đơn vị đứng đầu TP về chất lượng giáo dục cả đại trà và mũi nhọn nhưng tỉ lệ trường đạt CQG tại quận này rất khiêm tốn, chưa kể, quận luôn trong cảnh chật vật giữ chuẩn.

Bài 1: Nhiều tình huống "dở khóc, dở cười" - Ảnh 9

Năm học 2022 - 2023, quận Cầu Giấy có 99 trường (tăng 4 trường so với năm học trước). Đến tháng 9/2022, tổng số trường đạt CQG trên địa bàn quận là 20 trường (6 trường mầm non, 7 trường tiểu học, 7 trường THCS) chiếm tỉ lệ 20%; trong đó chỉ có 12 trường công lập. Báo cáo với Đoàn khảo sát HĐND TP Hà Nội tháng 10/2022, Trưởng phòng GĐ&ĐT quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh cho biết, các trường công lập thuộc quận chưa được công nhận CQG do số học sinh trên lớp vượt quá quy định, thiếu các phòng chức năng. Một số trường diện tích quá nhỏ, thiếu không gian hoạt động trong khi một số trường mới thành lập lại chưa đủ thời gian hoạt động theo quy định.

Thiếu trường lớp trở thành “từ khoá” được nhắc đến tại các hội nghị về văn hoá – xã hội của TP nói chung và hội nghị của ngành giáo dục & đào tạo nói riêng. Đây cũng là nỗi lo lắng, trăn trở của người dân Thủ đô, nhất là trước mỗi đợt tuyển sinh đầu cấp.

Bài 1: Nhiều tình huống "dở khóc, dở cười" - Ảnh 10

(Còn tiếp)

Bài 1: Nhiều tình huống "dở khóc, dở cười" - Ảnh 11

14:13 29/08/2024