Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Kinhtedothi - Ô nhiễm không khí đang âm thầm đe dọa sức khỏe, môi trường và nền kinh tế toàn cầu. Với khoảng 7 triệu ca tử vong mỗi năm, đây không chỉ là thách thức môi trường mà đã trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với y tế công và mục tiêu phát triển bền vững. Chùm bài "Ô nhiễm không khí toàn cầu: Mối đe dọa thầm lặng và cuộc chạy đua hành động của các quốc gia" sẽ phác họa thực trạng, phân tích nguyên nhân, tác động, đồng thời giới thiệu các mô hình kiểm soát khí thải, giao thông xanh và hợp tác quốc tế từ nhiều quốc gia, nhằm tìm kiếm lời giải cho thách thức toàn cầu này.

Ô nhiễm không khí đang trở thành một trong những vấn đề cấp bách nhất đối với sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững toàn cầu.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính mỗi năm có khoảng 7 triệu người tử vong do tiếp xúc với không khí ô nhiễm. Phần lớn các ca tử vong này liên quan đến các bệnh lý về tim mạch, hô hấp, ung thư và các tổn thương mãn tính khác. Mức độ nghiêm trọng của vấn đề cho thấy ô nhiễm không khí không chỉ là một thách thức về môi trường mà còn là một cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế mang tính toàn cầu.

Tại Hội nghị Toàn cầu về Ô nhiễm không khí và Sức khỏe do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức vào tháng 3/2025 tại Cartagena (Colombia), các chuyên gia y tế và môi trường đã kêu gọi cộng đồng quốc tế không chậm trễ trong hành động, trong bối cảnh hàng triệu sinh mạng đang bị đe dọa mỗi năm bởi chất lượng không khí suy giảm.

Trong phần phát biểu mở đầu hội nghị, Tiến sĩ Maria Neira, Giám đốc Y tế Công cộng và Môi trường của WHO, thẳng thắn đặt vấn đề: không thể tiếp tục thảo luận nếu thiếu quyết tâm chính trị và lộ trình cụ thể.

Từ góc nhìn hành động, Martina Otto, Giám đốc Ban Thư ký Liên minh Khí hậu và Không khí sạch (CCAC) – nhấn mạnh đây là thời điểm để gắn hai cuộc khủng hoảng vào một hướng giải pháp chung. Theo bà, cơ hội đang hiện hữu để đồng thời xử lý ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu, nhưng điều đó chỉ khả thi khi “từng thành phố, từng quốc gia bắt đầu hành động.”

Tháng 1/2025, Bangkok rơi vào tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng khi chỉ số bụi mịn PM2.5 vượt ngưỡng nguy hiểm trong nhiều ngày liên tiếp. Theo Bangkok Post, ngày 24/1, hơn 350 trường học trên toàn thành phố buộc phải đóng cửa, trong khi chính quyền khuyến cáo người dân làm việc tại nhà để giảm tiếp xúc với không khí độc hại.

Cùng thời điểm, Bangkok được xếp hạng là thành phố ô nhiễm thứ 7 thế giới theo hệ thống đánh giá chất lượng không khí IQAir. Các biện pháp khẩn cấp như cấm đốt ngoài trời và thiết lập trạm kiểm tra khí thải đã được triển khai nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng, phản ánh mức độ nghiêm trọng mà ô nhiễm không khí đang gây ra tại các đô thị lớn châu Á.

Khoảng 91% dân số thế giới hiện đang sống tại những khu vực có chất lượng không khí vượt quá mức khuyến nghị của WHO. Tình trạng này phổ biến ở nhiều quốc gia đang phát triển, nơi tốc độ công nghiệp hóa diễn ra nhanh nhưng thiếu hệ thống kiểm soát ô nhiễm hiệu quả. Các đô thị lớn như New Delhi, Bắc Kinh, Jakarta và Mexico City thường xuyên ghi nhận nồng độ bụi mịn PM2.5 và PM10 ở mức cao.

Theo báo cáo mới nhất của nền tảng theo dõi chất lượng không khí toàn cầu IQAir, quốc gia Chad ghi nhận nồng độ PM2.5 trung bình cao gấp 18,3 lần ngưỡng khuyến nghị là 5 µg/m³. Các nước như Pakistan, Bangladesh và Ấn Độ cũng nằm trong nhóm ô nhiễm nghiêm trọng nhất, với mức độ vượt ngưỡng hàng chục lần.

Châu Á là khu vực chịu tác động nặng nề nhất. Tại các thành phố lớn ở Ấn Độ và Trung Quốc, người dân thường xuyên phải sống trong điều kiện không khí độc hại. Tại châu Phi, việc đốt nhiên liệu truyền thống như củi, than, cùng hạ tầng môi trường yếu kém khiến tình hình thêm nghiêm trọng. Ở châu Âu và châu Mỹ, chất lượng không khí đã được cải thiện phần nào nhưng vẫn ghi nhận mức ô nhiễm tăng cao tại các thời điểm cao điểm giao thông hoặc thời tiết bất lợi.

Theo nền tảng dữ liệu khí hậu toàn cầu Our World in Data, ngành năng lượng hiện là nguồn phát thải lớn nhất với khoảng 15,83 tỷ tấn khí nhà kính mỗi năm. Ngành giao thông vận tải phát thải 8,43 tỷ tấn, trong khi sản xuất và xây dựng phát thải khoảng 6,3 tỷ tấn.

Ngoài ba nhóm ngành chính, các hoạt động đốt sinh khối, sản xuất nông nghiệp, đốt rác không kiểm soát và hóa chất bay hơi từ sản xuất công nghiệp và sinh hoạt hàng ngày cũng góp phần làm tăng nồng độ bụi mịn và khí độc hại trong không khí. Bụi PM2.5 và PM10 có khả năng xuyên sâu vào phổi, thậm chí vào máu. Các chất như NO₂, CO và SO₂ có thể gây tổn thương đường hô hấp, làm gia tăng các bệnh mạn tính và cấp tính.

Tại các đô thị, giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch được xem là nguồn phát thải trực tiếp lớn nhất. Trong điều kiện thiếu cây xanh và hệ thống thông gió tự nhiên, ô nhiễm không khí có xu hướng tích tụ, kéo dài và trở nên nguy hiểm hơn.

WHO khẳng định ô nhiễm không khí là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tử vong sớm, đặc biệt liên quan tới các bệnh không lây nhiễm. Trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ mang thai là nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất. Tiếp xúc lâu dài với không khí ô nhiễm có thể dẫn đến tổn thương phổi, bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư phổi và các rối loạn thần kinh.

Ngoài tác động tới sức khỏe cá nhân, ô nhiễm không khí còn gây áp lực lớn lên hệ thống y tế, làm tăng chi phí điều trị và giảm năng suất lao động. Điều này đặc biệt nghiêm trọng ở các quốc gia đang phát triển, nơi nguồn lực y tế còn hạn chế.

Về môi trường, khí thải gây ra hiện tượng mưa axit, ảnh hưởng tới chất lượng đất, nguồn nước và làm suy thoái hệ sinh thái. Các chất khí gây hiệu ứng nhà kính như CO₂ và CH₄ góp phần đẩy nhanh biến đổi khí hậu toàn cầu, dẫn đến băng tan, nước biển dâng và hiện tượng thời tiết cực đoan.

Báo cáo năm 2022 của Ngân hàng Thế giới ước tính ô nhiễm không khí gây thiệt hại kinh tế lên tới hàng tỷ USD mỗi năm do chi phí y tế, tổn thất năng suất và suy giảm chất lượng sống.

Đáng chú ý, trong giai đoạn phong tỏa toàn cầu vì đại dịch COVID-19, khi giao thông và sản xuất công nghiệp tạm ngừng, mức độ ô nhiễm không khí trên toàn cầu đã giảm khoảng 31% theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Sustainability. Dữ liệu này cho thấy mối quan hệ trực tiếp giữa hoạt động kinh tế và mức độ ô nhiễm, đồng thời đặt ra câu hỏi về khả năng phát triển theo hướng bền vững.

Tuy nhiên, như thông điệp được phát đi từ Hội nghị Toàn cầu lần thứ hai về Ô nhiễm không khí và Sức khỏe do Tổ chức Y tế Thế giới tổ chức tại Colombia vào tháng 3/2025, thế giới không chỉ cần thêm giải pháp. Điều cấp thiết lúc này là hành động chính trị rõ ràng, là cam kết tài chính cụ thể, và là một cách tiếp cận tích hợp khi ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu đang ngày càng gắn bó về nguyên nhân và hệ quả. Tổ chức Y tế Thế giới đã đặt mục tiêu đến năm 2040, các quốc gia cần giảm 50% tác động y tế do ô nhiễm không khí – một chỉ dấu vừa cấp bách, vừa khả thi nếu được hiện thực hóa bằng sự phối hợp đa ngành và xuyên quốc gia.

Thành phố Medellín (Colombia) đã trở thành ví dụ điển hình tại hội nghị năm nay. Từng là đô thị ngột ngạt trong tầng khói bụi, Medellín đã đầu tư mạnh vào hệ thống giao thông công cộng chạy điện, mở rộng các hành lang xanh trong đô thị và kiểm soát nghiêm ngặt các nguồn phát thải. Trong vòng vài năm, thành phố này đã cắt giảm gần 40% lượng bụi mịn PM2.5 và làm giảm nhiệt độ đô thị hơn 2 độ C, cho thấy rằng thay đổi là hoàn toàn khả thi nếu có quyết tâm và chiến lược rõ ràng.

Phát triển kinh tế không thể là cái cớ để đánh đổi sức khỏe con người và môi trường sống. Bảo vệ không khí sạch là bảo vệ quyền sống cơ bản, là hành động thiết yếu để hướng tới một tương lai bền vững cho mọi thế hệ.

[Bài 2: Cứu lấy bầu không khí: Thủ đô Thái Lan tuyên chiến với khí thải giao thông]

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Béo phì đang tăng nhanh tại Trung Quốc

Béo phì đang tăng nhanh tại Trung Quốc

06 Apr, 03:14 PM

Kinhtedothi - Từng là một quốc gia trải qua nạn đói nghiêm trọng cách đây khoảng 7 thập kỷ, Trung Quốc hiện nay lại đứng trước một cuộc khủng hoảng sức khỏe hoàn toàn trái ngược: tình trạng béo phì lan rộng trong cộng đồng.

Khai mạc Đại hội đồng lần thứ 150 của Liên minh Nghị viện thế giới

Khai mạc Đại hội đồng lần thứ 150 của Liên minh Nghị viện thế giới

06 Apr, 09:10 AM

Theo đặc phái viên TTXVN, tối 5/4 theo giờ địa phương, tại Thủ đô Tashkent, Uzbekistan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự Lễ khai mạc Đại hội đồng lần thứ 150 của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-150) với chủ đề “Hành động của nghị viện vì phát triển và công bằng xã hội”.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ