Dịch bệnh Covid- 19 kéo dài từng gây tê liệt hoạt động của hệ thống mầm non ngoài công lập (MNNCL). Tháng 4/2022, Hà Nội là địa phương cuối cùng trên cả nước cho phép trường mầm non mở cửa trở lại đón học sinh. Hành trình tái thiết hệ thống MNNCL sau đại dịch từ đây được bắt đầu; do vậy cần nhiều yếu tố tổng hòa để phục hồi và phát triển.
Chủ trường kiệt quệ
Thời điểm trước tháng 4/2022, mỗi buổi chiều, vợ chồng chị Chung- anh Bắc, chủ cơ sở Mầm non Bông Hồng (quận Hà Đông, Hà Nội) lại ra mảnh đất trống trước nhà, nén tiếng thở dài để cuốc đất, trồng rau giữa phố thị. Ở tuổi 50, trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, anh chị không lúc nào ngơi tay, ngơi việc vì cùng nhau điều hành hai cơ sở mầm non tư thục với tổng 200 học sinh. Từ ngày dịch bệnh ập đến, đặc biệt sau 30/4/2021, mầm non tại Hà Nội phải đóng cửa triền miên, anh chị đã ngồi chơi không để chờ đợi.
6 tháng đầu không hoạt động, trường phải trả 100% tiền thuê mặt bằng và cố gắng hỗ trợ giáo viên mức 1 triệu/tháng. Những tháng tiếp theo, tuy được giảm 50% tiền thuê nhà nhưng chi phí anh chị bỏ ra lo cho hai cơ sở đã lên đến tiền tỷ. “Chồng tôi chán nản, giục chuyển nghề nhưng làm nghề gì khi ở tuổi 50, vốn có bao nhiêu đã đổ hết vào trường? Quá bí bách, vợ chồng tôi rủ nhau đi làm nông dân khai hoang đất bỏ không để trồng rau cho khuây khỏa”- chị Chung buồn bã nói.
Tình trạng mầm non đóng cửa trong giai đoạn dịch bệnh phổ biến ở hầu khắp các địa phương trên cả nước. Cô Phạm Thị Lành- Hiệu trưởng trường Mầm non 1/6, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh từng chia sẻ: “Trước đây, trường tôi có 200 trẻ với 24 giáo viên. Dịch bệnh phức tạp, mỗi tháng tôi vẫn phải chi trả tiền hỗ trợ giáo viên và các khoản thu cố định lên đến 200 triệu trong khi trường đóng cửa và không có nguồn thu. Trước tết Nguyên đán 2022, số tiền tôi vay nợ đã lên đến gần 2 tỷ đồng. Khi TP Hồ Chí Minh dỡ bỏ giãn cách, tôi túc tắc bán rau củ, hoa quả lấy tiền lãi để hỗ trợ, giữ chân giáo viên, có lúc đã phải rao bán 50% cổ phần trường”.
Giãi bày tình cảnh khó khăn mình gặp phải, cô Nguyễn Thị Nguyệt Nga- chủ nhóm Mầm non Tuệ Phúc (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, trong số bạn bè mở trường như cô, thời gian qua có người đã bán các tài sản có giá trị (đất, nhà, xe), cốt để giữ lại trường; số không có tài sản gì thì đành buông tay bởi quá ngưỡng chịu đựng. Nhiều chủ trường khác cũng khóc ròng vì rơi vào hoàn cảnh túng bấn, nợ nần, phải sang nhượng trường với giá rẻ như cho không. Dù rất muốn giữ trường nhưng nhiều lúc, động lực để tiếp tục duy trì trường đã cạn kiệt.
Giáo viên bỏ nghề, nhọc nhằn kiếm sống
Trước khi trường mầm non được phép mở cửa, địa chỉ Facebook, Zalo của các cô vốn là giáo viên MNNCL đã hoàn toàn bị bay màu. Thay vì hình ảnh trường, lớp, học sinh, các kỹ năng chăm sóc trẻ thường thấy là thông tin cập nhật về các gói bảo hiểm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, rau xanh, thịt sạch, tổ yến…. Hỏi ra thì được biết, gần như tất cả giáo viên mầm non bất đắc dĩ phải chuyển nghề hoặc tạm thời chuyển nghề để mưu sinh trong nhọc nhằn và day dứt.
Cô Nguyễn Thị Hương, giáo viên cơ sở mầm non Nụ cười (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) tâm sự, chỉ trong 9 tháng cô đã chuyển gần chục nghề vì làm nghề nào cũng không kiếm ra tiền. “Tôi không nề hà việc gì, thấy bạn bè giới thiệu việc nào không cần bỏ vốn mà có thu nhập là tôi làm như môi giới bất động sản, bán hàng online, tư vấn sức khỏe, bảo hiểm, đóng gói sản phẩm, thậm chí bán bê tông tươi… Làm nghề nào cũng phải học nhưng rồi lần lượt không thành. Cuối cùng, tôi được giới thiệu chuyển qua làm công nhân thời vụ cho một công ty giày da. Mức lương được trả không cao và tính theo công nhật nên rất bấp bênh; tuy nhiên, vẫn còn có đồng mua rau, thịt và trả tiền thuê nhà”- cô Hương nói.
Vốn là một giáo viên mầm non tư thục Sơn Ca (quận Tây Hồ, Hà Nội) nhưng cô Nguyễn Mai Anh đã đi học và làm nghề nail (sơn, vẽ và chăm sóc móng). Cô Mai Anh kể, vợ chồng cô ở quê lên Hà Nội lập nghiệp, nhà còn phải thuê và có một con nhỏ. Chồng cô làm hướng dẫn viên du lịch, cũng mất việc mấy năm nên phải túc tắc chạy grab lấy tiền đi chợ hàng ngày. Thấy tình cảnh không việc kéo dài, vợ chồng cô Mai Anh đã cùng đi học nghề để mở cửa hàng: Chồng học cắt tóc còn cô thì học nghề nail và gội đầu. Thời gian học nail ngắn, qua kênh quảng cáo trên Facebook, Zalo, ai có nhu cầu thì liên hệ, cô sẽ đến tận nhà làm cho khách. Nếu du lịch và mầm non trở lại như trước, vợ chồng cô vẫn tính quay lại với nghề vì tiền đầu tư mở cửa hàng không hề ít còn đồng nghiệp của cô đã chuyển sang bán bảo hiểm và môi giới bất động sản gần hết.
Một công việc khá phổ biến của giáo viên MNNCL giai đoạn dịch bệnh Covid- 19 là giúp việc gia đình, chăm trẻ hoặc chăm người già ốm tại nhà. Thời điểm đó, trên trang Facebook “Giúp việc theo giờ” với gần 90.000 thành viên, các thông tin từ giáo viên mầm non tìm việc hoặc tuyển giáo viên mầm non đến nhà chăm trẻ kiêm giúp việc thường xuyên được đăng tải với nhiều bình luận đến từ các ứng viên là cô giáo mầm non.
Cô Nguyễn Thu Thủy, giáo viên mầm non tư thục tại quận Thanh Xuân, Hà Nội từng có nhiều tháng làm trông trẻ kiêm giúp việc, nấu nướng, dọn dẹp tại nhà kể lại: “Dạo đó ở nhà chơi dài, việc không có, nhu cầu chi tiêu thì nhiều khiến không khí gia đình em căng thẳng tột độ, thỉnh thoảng phải gọi điện cho bố mẹ hai bên nhờ tiếp tế đồ ăn rồi lại vay tiền anh em, bạn bè để chi trả sinh hoạt phí. Chờ đợi, mong mỏi mãi, cuối cùng em quyết định đăng thông tin nhận trông trẻ, giúp việc tại nhà và ngay tập tức tìm được việc. Hàng ngày, em đến nhà chủ - cách nhà trọ gần 10 kilomet để trông 3 đứa trẻ, nấu cơm, dọn dẹp… Ngày nào mò về đến nhà cũng muộn, người mệt rũ nhưng đành phải cố gắng vì nếu chê việc hoặc vì sĩ diện không làm thì em cũng chẳng thể kiếm được việc nào tốt hơn”.
Trường mầm non đóng cửa trong gần một năm thực sự là nỗi ám ảnh của chủ trường và giáo viên MNNCL. Đến nay, dù cả nước đã bước sang giai đoạn bình thường mới nhưng ký ức về những tháng ngày ngồi chơi mà trong lòng như lửa đốt, bỏ nghề hoặc xoay nghề đến chóng mặt để mưu sinh ấy khiến những người hoạt động trong lĩnh vực MNNCL vẫn rùng mình.
Theo số liệu của Bộ GD&ĐT: Từ tháng 5/2021 đến tháng 12/2021, có hơn 28.500 cơ sở giáo dục mầm non phải tạm dừng hoạt động; 58 trường và 526 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục phải giải thể. Con số đó tiếp tục tăng trong giai đoạn mầm non chưa mở cửa.
Tại TP Hồ Chí Minh, sau đại dịch Covid-19 có khoảng 22 trường mầm non và hơn 90 nhóm lớp độc lập bị giải thể do hết sức chống chịu. Riêng tại Hà Nội, số liệu cập nhật đến cuối tháng 1/2022 cho biết, TP có 8 trường mầm non NCL và 56 nhóm lớp giải thể, số cơ sở mầm non có nguy cơ giải thể lớn hơn gấp nhiều lần với 836 trường (chiếm tỷ lệ 30%). Đến ngày 13/4/2022, con số trường/cơ sở MNNCL giải thể là 215, trong đó có 13 trường và 202 nhóm lớp độc lập.