Còn đó những hình ảnh phản cảm
Từ Tết Nguyên đán Ất Tỵ đến nay, hàng nghìn lễ hội lớn nhỏ được tổ chức rộn ràng tại khắp các tỉnh, thành trên cả nước mang đến không khí vui tươi, phấn khởi đầu năm mới. Quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTT&DL, phần lớn các lễ hội được tổ chức trang trọng nhưng vẫn bảo đảm an toàn, văn minh, tiết kiệm, để lại hình ảnh, ấn tượng tốt đẹp cho người dân và du khách gần xa.
Tuy nhiên, trong những không gian văn hóa đẹp đầu Xuân vẫn còn có một số “con sâu làm rầu nồi canh”, làm xấu đi bức tranh tươi tắn mùa lễ hội. Tối 11/2 (14 tháng Giêng), hàng nghìn người từ khắp các tỉnh, thành đổ về miếu Bà Thiên Hậu (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương). Theo quan niệm của nhiều người, đi lễ Bà Thiên Hậu vào dịp Rằm tháng Giêng sẽ gặp nhiều may mắn và tài lộc trong năm mới.
Tuy nhiên, vì đông người đến lễ và cũng từ quan niệm dân gian, hàng trăm người chen lấn nhau để bốc tro trên những lư hương tại chính điện, cho vào những bao lì xì, túi ni lông gói lại làm lộc lấy may. Người sau đẩy người trước, nhiều người trên tay còn cầm những nén hương nghi ngút khói, lễ vật, vàng mã, cây phát tài… tạo nên khung cảnh lộn xộn. Có người bốc tro xoa lên đầu và lên người; có người thì sờ tay vào lư hương rồi xoa lên mặt. Nhiều phụ nữ sau khi lấy được tro hương thì tóc tai đã bù xù, mồ hôi túa ra như tắm, gương mặt, quần áo lấm lem tàn tro…

Thực trạng này đã diễn ra nhiều năm ở miếu Bà Thiên Hậu và Phòng Văn hóa - Thông tin TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cũng từng cảnh báo rằng, đây là hành động mang tính mê tín, may mắn hay không thì chưa thấy mà đã thấy thiếu văn hóa khi tranh giành, chen lấn bốc tro ở lư hương trong miếu. Tuy nhiên, hành vi chen lấn, tranh giành tro trong lư hương vẫn tái diễn năm nay qua năm khác.
Hay tại chợ hội Mẹt và lễ hội Đình Bơi, thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn diễn ra từ 9 - 11/2 (12 - 14 tháng Giêng) cũng xuất hiện những hình ảnh không mấy đẹp mắt. Đây là lễ hội truyền thống đã bị gián đoạn 28 năm qua, đến năm nay mới được khôi phục trở lại, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và du khách. Có thể quá phấn khích được tham gia hoạt động lễ hội, trong lúc nhảy múa theo nhạc, một số người ném tiền vào đám đông đang đi bộ trên đường, đa số tiền ném ra có mệnh giá 1.000 - 2.000 đồng, số ít người ném tiền mệnh giá 200.000 đồng với tâm nguyện phát lộc, lấy may đầu Xuân. Người ném ắt sẽ có người tranh nhau giành lấy những tờ tiền đó.
Hành động này đã gây ra cảnh tượng lộn xộn, ách tắc giao thông và rất phản cảm giữa không gian của một lễ hội truyền thống được chọn là lễ hội điểm của huyện Hữu Lũng.
Sau Tết, người dân hân hoan hòa mình vào các lễ hội. Tuy nhiên, tại các điểm tâm linh vẫn xảy ra hiện tượng người dân đến chiêm bái ăn mặc trang phục phản cảm; mang đồ cúng không phù hợp; đốt nhiều vàng mã, tờ tiền vừa gây lãng phí, vừa ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và gây nguy cơ cháy nổ…
Theo ghi nhận của phóng viên, tại đền Voi Phục (quận Đống Đa, Hà Nội), một số chị em phụ nữ khi đến đây mặc váy ngắn, không phù hợp với không gian thờ tự. Tại một số chùa, người dân đốt nhiều hương, tờ tiền khiến khói bốc lên nghi ngút, ảnh hưởng đến môi trường cũng như nhiều người du Xuân tại đây.
Trong điều kiện thời tiết hanh khô, các cơ sở thờ tự như đình, đền, chùa có cấu kiện, đồ thờ, tượng Phật phần lớn làm bằng gỗ, rất dễ cháy nếu người dân lạm dụng đốt hương, vàng mã... Vụ cháy chùa Vẽ (phường Thọ Xương, TP Bắc Giang) hôm 10/2 mới đây là bài học đau lòng, đã gây thiệt hại không nhỏ. Cụ thể, toàn bộ tòa Tam bảo bị cháy, bao gồm 5 gian 2 chái tòa Tiền đường và 3 gian Thượng điện với tổng diện tích 263m2; cùng với đó là 25 pho tượng và hiện vật gồm 8 bức hoành phi, 5 đôi câu đối, một số cửa võng, hương án...
Bên cạnh đó, còn xảy ra tình trạng tiền lẻ vứt vung vãi ở các “suối giải oan”, “giải hạn”, tiền được nhét vào mọi ngóc ngách của tượng Phật. Sai lầm cốt lõi của nhiều người là ở chỗ, cúng dường nhiều sẽ nhận được lắm lộc, lắm phúc; dắt được nhiều tiền lẻ ở tay của tượng Phật là sẽ được Phật ban nhiều điều may mắn.
Mê tín dị đoan, đánh bạc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Tại Lễ hội rước lợn La Phù (Hoài Đức, Hà Nội), tệ nạn cờ bạc trá hình xuất hiện. Những trò chơi dân gian như phi tiêu, lô tô bị lợi dụng để cá cược bằng tiền bạc.
Tại Lễ hội truyền thống đình Tây, xã Minh Tân (Thủy Nguyên, Hải Phòng) cũng xuất hiện trò tôm, cua, cá... Hay Lễ hội núi Voi (An Lão, Hải Phòng), lễ hội vật làng Vĩnh Khê (An Dương, Hải Phòng) có các trò chơi phi tiêu, ném rổ... Những người chơi đặt mức tiền tùy ý, nếu đặt hoặc ném trúng vào các con số theo quy định sẽ được nhận lại một khoản tiền gấp từ 2 - 4 lần số tiền đã đặt.
Các trò chơi núp bóng cờ bạc này thường thu hút rất nhiều người chơi, ảnh hưởng đến không khí tươi vui và ý nghĩa nhân văn của lễ hội truyền thống.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, đầu Xuân năm mới nhiều người có thói quen đi lễ chùa, du Xuân, cầu mong cho một năm thuận lợi, bình an, hạnh phúc...
“Tuy nhiên, những hành vi như tuyên truyền về mê tín dị đoan, thực hiện các hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, trộm cắp, đánh nhau nơi công cộng là những hành vi vi phạm pháp luật” - tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.
Theo tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, niềm tin tôn giáo là một dạng nhận thức đặc biệt của con người, một niềm tin thiêng liêng, có thật, chắc chắn và mang tính chủ quan. Bản chất của tôn giáo là làm phong phú đời sống tinh thần của con người. Các giáo lý tôn giáo luôn hướng chúng ta đến những điều thiện, tránh xa điều ác chứ không phải là phủ nhận, xóa bỏ hết các văn hóa truyền thống của dân tộc, của xã hội.
Còn tín ngưỡng văn hóa là niềm tin của con người được thể hiện qua các hoạt động lễ nghi, thờ cúng tổ tiên gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống của dân tộc, đại diện cho những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội, mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.
“Có thể thấy, cả niềm tin tôn giáo và tín ngưỡng văn hóa đều là những giá trị niềm tin tốt đẹp, còn mê tín dị đoan là biểu hiện của niềm tin sai lệch, mù quáng và cố chấp. Mê tín dị đoan được biểu hiện ở nhiều hình thức nhưng điển hình nhất vào đầu Xuân năm mới là xem bói toán, trừ tà, cúng cô hồn, cúng sao giải hạn…” - tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.
Theo quy định hiện hành, những người tham gia các hoạt động mê tín dị đoan nơi lễ hội có thể bị phạt từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng. Với những người tổ chức các hoạt động mê tín dị đoan thì sẽ bị xử phạt từ 15.000.000 - 20.000.000 đồng. Nếu đã bị phạt hành chính hoặc đã bị kết án mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành nghề mê tín dị đoan.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm: “Ngoài các hoạt động mê tín dị đoan thì những hành vi vui chơi giải trí ở các lễ hội mà không được kiểm soát tốt thì cũng dễ biến tướng trở thành các hoạt động cờ bạc, vi phạm pháp luật. Dưới góc độ pháp lý thì mọi hình thức cá cược ăn thua bằng tiền mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì đều là hành vi đánh bạc trái phép. Nếu người đánh bạc trái phép đã bị phạt hành chính hoặc số tiền mặt đánh bạc từ 5.000.000 đồng trở lên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc trái phép và tổ chức đánh bạc trái phép.
Ngoài ra lợi dụng hoạt động lễ hội, cúng lễ đầu năm đông người mà nhiều đối tượng tội phạm cũng lợi dụng để trộm cắp tài sản, cưỡng đoạt, ăn chặn... Bởi vậy, khi tham gia các lễ hội, vui Xuân thì mọi người nên thận trọng đối với các hoạt động đỏ đen, cá cược thắng thua, vui chơi có thưởng bằng tiền để tránh tiền mất tật mang và bản thân rơi vào các tệ nạn xã hội, bị xử lý trước pháp luật. Cùng với đó, mọi người nâng cao cảnh giác để tránh bị các đối tượng xấu lừa gạt, trộm cắp.
Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) Ninh Thị Thu Hương cho biết, để bảo đảm cho các lễ hội Xuân Ất Tỵ 2025 ở tất cả các địa phương trên cả nước diễn ra văn minh, an toàn và tiết kiệm, Cục đã yêu cầu các Sở VHTT&DL tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội; đặc biệt là các hành vi lợi dụng lễ hội để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc; tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém, lãng phí…
Đồng thời, cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, Nhân dân và du khách nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội; về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống.
Mỗi địa phương cần có những biện pháp kiểm soát văn hóa ứng xử, văn minh của người tham gia lễ hội, khi vào di tích. Đối với quy trình thực hiện các nghi lễ cần bảo đảm an toàn, đúng nghi lễ truyền thống, các trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa - thể thao diễn ra vui tươi, lành mạnh, không có cờ bạc trá hình. Đặc biệt, cần kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hàng quán, bảo đảm hàng hóa rõ nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường…
Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Phạm Xuân Tài
(Còn nữa)