Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị: Gỡ vướng từ thực tế phát sinh

Bài 2: Bất cập nảy sinh từ thực tiễn

Bài, ảnh: Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với những kết quả rõ nét, từ thực tiễn 1 năm thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị ở cơ sở cũng đã nảy sinh một số bất cập, tồn tại trong quá trình vận hành mô hình mới, đòi hỏi có những điều chỉnh kịp thời.

>>> Bài 1: Bộ máy chính quyền nhanh nhạy hơn

Đãi ngộ và số cán bộ chưa tương xứng với khối lượng công việc

Theo lãnh đạo UBND phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng), trước đây cấp phường được tự chủ về kinh phí hoạt động và có chế độ sử dụng hợp đồng lao động, nhưng từ khi thực hiện chính quyền đô thị không còn chế độ này nữa. Đối với phường loại 1 như Vĩnh Tuy chỉ được định biên tối đa 15 công chức.

Qua nhiều lần kiến nghị, UBND phường được tăng thêm 2 người, có tổng cộng 17 công chức (hiện còn 1 công chức văn phòng đang chờ làm thủ tục chuyển từ nơi khác về). Dù vậy, vì phải rút bớt hợp đồng lao động nên các công chức phải kiêm nhiệm rất nhiều việc.

“Thực tế công chức phải thực hiện nhiệm vụ theo chính quyền đô thị, khối lượng công việc tăng lên rất nhiều, nhưng chế độ đãi ngộ chưa có gì khác so với tổ chức chính quyền trước đây. Kể cả đối với cán bộ không chuyên trách ở cơ sở, với 3 chức danh thì trước đây có 3 cán bộ nhưng nay chỉ có 2 cán bộ nên rất khó khăn khi triển khai nhiệm vụ, nhất là hiện nay các cơ quan chuyên môn triển khai mọi công việc đều yêu cầu tiến độ rất gấp” - Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy Trần Thị Minh Vân chia sẻ.

Người dân làm thủ tục hành chính trực tuyến tại UBND quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Phạm Hùng
Người dân làm thủ tục hành chính trực tuyến tại UBND quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Phạm Hùng

Còn tại quận Thanh Xuân, lãnh đạo quận cho rằng, tồn tại lớn nhất hiện nay là từ khi UBND các phường trở thành đơn vị dự toán thuộc UBND quận, không còn là một cấp ngân sách, vì vậy việc sử dụng ngân sách của UBND phường phải báo cáo qua cấp quận nên làm giảm tính chủ động, kịp thời. Cùng đó, theo Quyết định 3263/QĐ-UBND ngày 26/5/2017 của UBND TP về phê duyệt bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm các cơ quan hành chính thuộc UBND cấp huyện, chỉ có 1 chuyên viên văn phòng chuyên trách giúp việc HĐND đã phải thực hiện xuyên suốt 12 nhiệm vụ.

Song, từ ngày 1/7/2022 thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, một số nhiệm vụ quyền hạn trước đây của UBND phường được chuyển cho HĐND quận, làm tăng thêm khối lượng công việc. Vì vậy, chỉ có 1 chuyên viên văn phòng chuyên trách giúp việc HĐND nên gặp nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Đặc biệt, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Sơn Tây Nguyễn Quang Hán cho biết, với đặc thù Thị xã có 9 phường và 6 xã nên việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị không đồng nhất với cấp xã, tạo ra sự khác biệt về tổ chức bộ máy chính quyền; đồng thời cơ chế, chính sách về ngân sách, tổ chức cũng có sự khác nhau. Chính những điều này đang gây khó khăn không nhỏ đối với công tác quản lý của chính quyền.

Bên cạnh đó, thực tế khảo sát cũng cho thấy, bước vào thực hiện mô hình chính quyền đô thị, nhưng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách một số nơi cũng còn ít, thiếu sự ổn định, chất lượng chưa thực sự đồng đều. Tổ chức bộ máy và việc bố trí cán bộ giúp việc, đặc biệt ở HĐND cấp huyện, cấp xã chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao.

Nghiên cứu, đề xuất các mô hình chính quyền phù hợp

Từ thực tế nảy sinh không ít những khó khăn bất cập trong thực hiện chính quyền đô thị 1 năm qua, lãnh đạo các địa phương, đơn vị đã nêu ra một số kiến nghị, đề xuất giải pháp để có thể kịp thời tháo gỡ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động HĐND cấp quận trong điều kiện không còn HĐND phường. Trong đó, lãnh đạo UBND phường Vĩnh Tuy kiến nghị về cơ chế chính sách trong thực hiện chính quyền đô thị, cơ quan cấp trên cần quan tâm chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, người lao động ở cấp phường hơn, để có thể động viên khuyến khích họ thực hiện tốt nhiệm vụ trong bối cảnh khối lượng công việc rất lớn.

Đại diện Quận ủy Thanh Xuân nêu đề xuất, Ban Thường vụ Thành ủy và lãnh đạo HĐND - UBND TP cần xem xét điều chỉnh vị trí việc làm theo hướng tăng số lượng chuyên viên văn phòng chuyên trách giúp việc HĐND thêm ít nhất 1 người.

Còn lãnh đạo quận Tây Hồ cho rằng, với yêu cầu tăng cường số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách hiện nay để nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động HĐND, Thành ủy cần sớm có hướng dẫn cấp quận, huyện về xây dựng và phê duyệt đề án vị trí việc làm đối với các ban HĐND, làm cơ sở cho việc sắp xếp, bố trí, luân chuyển, điều động cán bộ và xếp lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với CBCCVC trong thời gian tới.

Trong nhiệm kỳ tới đây của Đại hội Đảng bộ cấp huyện, Thành ủy cũng cần có hướng dẫn về công tác chuẩn bị nhân sự cho các địa phương về cơ cấu nhân sự của Thường trực HĐND tham gia cấp ủy trong nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Đáng chú ý, để hoạt động HĐND quận đi vào hiệu quả thực chất, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND quận Hai Bà Trưng Trần Quyết Thắng khẳng định, Thường trực HĐND quận xác định phải lựa chọn đúng, trúng trọng tâm, trọng điểm những nội dung đưa ra chất vấn, giám sát, chú trọng những vấn đề bức xúc được nhiều cử tri quan tâm, nhất là phải giám sát, chất vấn đến những nội dung mà người trả lời chất vấn giải trình chưa rõ ràng hoặc còn vòng vo, né tránh.

Công tác tiếp xúc cử tri cũng cần được đổi mới, song song với phấn đấu 100% đại biểu HĐND thực hiện tiếp công dân thì quận sẽ đổi mới phương thức tổ chức tiếp xúc cử tri theo hướng phát huy dân chủ, tăng đối thoại và giải đáp pháp luật trực tiếp tại cuộc tiếp xúc nhằm thông tin, giải quyết kịp thời những thắc mắc của cử tri.

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đinh Mạnh Hùng, với đặc điểm khu vực các quận đã được quy hoạch chi tiết; hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phát triển đồng bộ, có liên thông liên kết thành một mạng lưới, chỉnh thể trong một đô thị thống nhất, xuyên suốt toàn địa bàn TP, không có phân chia bởi địa giới đơn vị hành chính, đòi hỏi có sự quản lý tập trung, thống nhất trên toàn TP. Các hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ không bị ràng buộc bởi những ranh giới hành chính nội bộ (quận, phường) mà có đan xen, gắn kết chặt chẽ nhau theo các chuỗi liên kết trong toàn đô thị. Vấn đề ANTT - ATXH tại các quận, phường đa dạng, phức tạp, diễn ra không theo ranh giới đơn vị hành chính quận, phường.

Việc quản lý dân cư, quản lý trật tự trị an chỉ được phát huy hiệu quả khi triển khai đồng bộ trong phạm vi tổng thể các quận trên địa bàn TP. Các huyện và thị xã Sơn Tây cũng đang diễn ra quá trình đô thị hóa nhanh, nhiều tiêu chí về đô thị đã đạt các tiêu chuẩn của quận.

Những điều này đặt ra yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, để đề xuất các mô hình chính quyền tại quận, huyện, thị xã, xã, thị trấn một cách phù hợp, nhằm phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, xứng đáng với vai trò trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, KHCN, kinh tế và giao dịch quốc tế.

 

"Ban Thường vụ Thành ủy cần chỉ đạo sớm sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 97/2019/QH14 của Quốc hội gắn liền điều chỉnh Luật Thủ đô theo hướng nghiên cứu mở rộng chính quyền đô thị trên phạm vi toàn TP, hướng tới điều hành chính quyền 1 cấp HĐND. Đồng thời, toàn TP cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng ở những nơi thực hiện chính quyền đô thị, nghiên cứu thực hiện mô hình bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch UBND, nghiên cứu mở rộng dân chủ ở cơ sở theo mô hình khu dân cư tự quản dưới sự lãnh đạo của Đảng." - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Đàm Văn Huân

(Còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần