Bài 2: Các tỉnh, thành ĐBSCL quyết liệt ứng phó với hạn mặn - Ảnh 1

Kinhtedothi - Trước diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra đến tháng 5/2024, các địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã triển khai nhiều giải pháp để thích ứng và vượt qua mùa hạn khốc liệt năm nay.

Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ nay đến giữa tháng 5/2024, tại ĐBSCL có thể xuất hiện 03 đợt xâm nhập mặn (từ ngày 8 đến 13/4, từ ngày 22 đến 28/4 và từ ngày 7 đến 11/5/2024). Nguy cơ thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt của nhân dân có thể tiếp tục xảy ra, nhất là tại các khu dân cư trên các cù lao, đặc biệt trong bối cảnh nguồn dự trữ nước ngọt đã suy giảm sau những đợt nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài.

Bài 2: Các tỉnh, thành ĐBSCL quyết liệt ứng phó với hạn mặn - Ảnh 2

Hiện các tỉnh ĐBSCL đang quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều biện pháp ứng phó hạn, mặn theo chỉ đạo của Chính phủ, nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, hạn chế ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. 

Cụ thể, tại tỉnh Bến Tre, ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đề ra 2 giải pháp, trước tiên là bảo vệ nguồn nước cấp cho nước sinh hoạt của nhà máy nước TP. Bến Tre và các khu công nghiệp. Song song đó, phải bảo vệ vùng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Hiện, tỉnh Bến Tre cơ bản đảm bảo được các phương án dự phòng đưa ra, nhưng nếu thời gian mưa trễ, nắng kéo dài thì sức chịu đựng của các dòng sông và nguồn nước dự trữ trong dân gặp khó khăn.

“Kinh nghiệm của các năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh cho rằng, công tác chuẩn bị, công tác dự báo chính xác, kịp thời, do đó lãnh đạo các địa phương sẽ chủ động tuyên truyền người dân thì việc ứng phó, công tác chuẩn bị được tốt hơn sẽ hạn chế thiệt hại, giảm đáng kể” - ông Bùi Văn Thắm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre chia sẻ.

Bài 2: Các tỉnh, thành ĐBSCL quyết liệt ứng phó với hạn mặn - Ảnh 3

Theo ông Bùi Văn Thắm, Bến Tre được Bộ quy hoạch hệ thống thủy lợi Nam – Bắc khép kín. Phần Bắc Bến Tre cơ bản được đầu tư hoàn thiện, còn phần Nam Bến Tre nếu được đầu tư hệ thống thủy lợi cơ bản đảm bảo nguồn nước khi đó công tác phòng chống hạn mặn sẽ đỡ vất vả hơn.

Là một trong những địa phương cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán, xâm nhập măn, tỉnh Sóc Trăng đã kịp thời triển khai nhiều giải pháp để đối phó với tình hình trên các địa phương trong tỉnh. Theo đó, tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống xâm nhập mặn, đảm bảo thực hiện tốt trữ ngọt phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân. Ngành chức năng thực hiện tốt dự báo tình hình mặn xâm nhập trên các phương tiện thông tin đại chúng; theo dõi chặt chẽ diễn biến xâm nhập mặn, nguồn nước trên các sông, rạch để vận hành hệ thống cống cho người dân chủ động trữ nước tưới phục vụ sản xuất.

Bài 2: Các tỉnh, thành ĐBSCL quyết liệt ứng phó với hạn mặn - Ảnh 4

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, hiện nay độ mặn đang ở mức cao. Để đảm bảo an toàn cho sản xuất, các địa phương phải chủ động tăng cường công tác thông tin về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân ứng phó kịp thời; sử dụng nước ngọt tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời chia sẻ nguồn nước trong hoạt động sản xuất tại địa phương.

Đồng thời, các địa phương chủ động kiểm tra nguồn nước trước khi lấy nước vào bơm, tưới trong sản xuất nông nghiệp. Người dân cần tuân thủ theo hướng dẫn, khuyến cáo của ngành chuyên môn trong thời gian diễn ra xâm nhập mặn. Ngành chức năng vận hành hợp lý công trình thủy lợi và khuyến cáo người dân tích trữ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Bài 2: Các tỉnh, thành ĐBSCL quyết liệt ứng phó với hạn mặn - Ảnh 5

Ứng phó hạn, mặn cần có những công trình và phi công trình để thích ứng với hạn mặn. Cụ thể, các tỉnh ĐBSCL đã đề xuất với Chính phủ đầu tư nhiều công trình ngăn mặn - giữ ngọt và cấp nước nhằm đảm bảo sinh kế cho người dân trước hạn hán, xâm nhập mặn. Thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2023 - 2024.

Cụ thể, tại tỉnh Cà Mau, các ngành chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân sử dụng nước trong sản xuất và sinh hoạt hợp lý, tiết kiệm, trữ nước khi thật sự cần thiết. Thường xuyên kiểm tra, rà soát các công trình đê, đập, bờ bao, cống, bọng, để tu sửa kịp thời xử lý những vị trí rò rỉ. Tăng cường sên vét hệ thống kênh mương đã có chủ trương của UBND tỉnh để tạo điều kiện thông thoáng nguồn nước, góp phần làm giảm độ mặn trên các ao đầm nuôi trồng thủy sản ở các huyện vùng Nam Cà Mau.

Bài 2: Các tỉnh, thành ĐBSCL quyết liệt ứng phó với hạn mặn - Ảnh 6

Ông Đỗ Minh Điền, Chi cục phó Chi cục Thuỷ lợi, Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết: Cà Mau là tỉnh có 3 bên giáp biển, phía Bắc giáp Bạc Liêu, Kiên Giang. Đây là tỉnh duy nhất trong 13 tỉnh ĐBSCL không có nguồn nước ngọt bổ sung, hạn hán khốc liệt như các năm qua và năm nay càng ảnh hưởng lớn với Cà Mau. Đặc biệt là thiếu nước sinh hoạt, sản xuất, sụt lún, khó khăn trong vận chuyển hàng hoá.

“Chúng tôi đề xuất các giải pháp cấp nước sinh hoạt, đầu tư các công trình hỗ trợ trữ nước. Mới đây, UBND tỉnh đã quyết định chi 10 tỷ đồng cho 3 huyện thiếu nước nghiêm trọng. Các đơn vị đang triển khai quyết liệt để hỗ trợ bà con vùng thiếu nước với khoảng 13.900 hộ dân thiếu nước. Đặc biệt tại địa phương có 2620 hộ dân không được tiếp cận nguồn nước phải mua nước sinh hoạt với giá 40-50 nghìn đồng một khối nước.” – ông Đỗ Minh Điền nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, địa phương cũng hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi, trong đó đề xuất Trung ương hỗ trợ khoảng 197 tỷ đồng thực hiện 5 ô thuỷ lợi để trữ nước trong mùa khô; hỗ trợ kinh phí từ dự án nước sạch nông thôn khoảng 241 tỷ đồng. Ngoài ra, Cà Mau là địa phương chưa được hưởng lợi ích từ dự án Cái Lớn, Cái Bé nên tỉnh đề xuất hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn, Cái Bé để hy vọng nguồn nước về được Cà Mau, giảm bớt khó khăn cho bà con.

Bài 2: Các tỉnh, thành ĐBSCL quyết liệt ứng phó với hạn mặn - Ảnh 7

Còn tại Kiên Giang, để chống hạn hán, xâm nhập mặn tăng, tỉnh Kiên Giang đã thành lập Tổ khảo sát mức độ thiệt hại, đánh giá cấp độ rủi ro thiên tai về sạt lở, sụt lún đất do hạn hán ở khu vực vùng Đệm U Minh Thượng, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang. Đồng thời, Chi cục Thủy lợi phối hợp Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi miền Nam (trực thuộc Bộ NN&PTNT) vận hành các cống: Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô và vận hành hệ thống cống trên địa bàn tỉnh để ngăn mặn, giữ ngọt hợp lý theo yêu cầu thực tế tại từng thời điểm sản xuất của từng khu vực. Kịp thời sửa chữa xong cống Hà Giang, huyện Giang Thành trong đầu tháng 10/2023, đảm bảo cho sản xuất và nguồn nước cấp cho nhà máy nước Hà Tiên.

Bên cạnh đó, tỉnh còn chủ động phòng, chống hạn, mặn bảo vệ sản xuất và cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng mặn; đã triển khai đắp mới, gia cố 27/58 đập đất ngăn mặn theo thời vụ để bảo vệ lúa trong vụ Đông Xuân 2023-2024 và đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn.

Đồng thời, chủ động tích nước an toàn vào các hồ chứa: Dương Đông (TP Phú Quốc), Bãi nhà, Bãi Cây Mến (huyện Kiên Hải) để cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trên đảo. Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đã hoàn thành công tác khảo sát, thiết kế và lập dự toán kinh phí thực hiện 2 hạng mục: Mở rộng tuyến ống từ các công trình cấp nước tập trung tại các xã Vân Khánh Đông, Vân Khánh, huyện An Minh; đầu tư bồn trữ Hòn Nghệ 383 m3.

---------------------
Nội dung: Hoàng Nam – Hồng Thắm
Trình bày: Duy Anh

17:23 26/04/2024