Cùng với những kẽ hở, bất cập về cơ chế, chính sách đã nêu trong bài trước, tình trạng một bộ phận cán bộ có tư tưởng “nằm im” nghe ngóng, chờ đợi cơ hội, hoặc né tránh, ngại va chạm, đùn đẩy trách nhiệm… đã xuất hiện và có chiều hướng gia tăng khi hàng loạt vụ việc được đưa ra ánh sáng trong thời gian qua. Hậu quả là công việc trì trệ, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, mà rộng hơn như nhiều ý kiến phát biểu tại các diễn đàn là “đẩy lùi sự phát triển của đất nước”.
Tại Hội nghị Tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng tổ chức ngày 27/11/2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, chưa nghiêm túc và chưa chủ động xử lý khi phát hiện thấy vi phạm, khuyết điểm. “Việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý vi phạm trong nội bộ vẫn là khâu yếu; có nhiều khuyết điểm, sai phạm của tổ chức Đảng, đảng viên chậm được phát hiện, xử lý kéo dài. Ủy ban Kiểm tra cùng cấp cũng chưa mạnh dạn, chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy để kiểm tra những vụ việc có dấu hiệu vi phạm, thậm chí vi phạm đã rõ” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Nhìn vào thực tế trên địa bàn Hà Nội thời gian qua có thể thấy, đã có những sai phạm dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, trong đó có phần lớn trách nhiệm là do thiếu quyết liệt trong kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm. Vụ hỏa hoạn khiến 56 người thiệt mạng và 37 người bị thương tại chung cư mini số 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) đêm 12/9/2023 là ví dụ điển hình.
Kết quả điều tra của Công an TP Hà Nội xác định, tại ngôi nhà xảy ra vụ việc có những dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng về trật tự xây dựng và quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Theo tìm hiểu, tháng 3/2015, UBND quận Thanh Xuân cấp giấy phép xây dựng ngôi nhà với 6 tầng, tầng lửng và tum thang có không gian kỹ thuật; diện tích xây dựng tầng 1 (có tầng lửng) là 167,4m2, trên thửa đất 240 m2… Tuy nhiên trên thực tế, chủ đầu tư đã xây dựng tòa nhà lên đến 9 tầng, với diện tích sàn khoảng trên 200m2. Sau đó, tòa nhà này trở thành chung cư mini với 45 căn hộ. Điều làm dư luận bức xúc là tại sao một công trình xây sai phép, “cơi nới” thêm 3 tầng nhưng cơ quan quản lý địa phương lại không hề hay biết?
Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, ngày 15/9/2023, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã có văn bản chỉ đạo việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 3 tổ chức Đảng: Ban Thường vụ Quận ủy Thanh Xuân, Đảng ủy Công an quận Thanh Xuân, Đảng ủy phường Khương Đình, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và 2020 - 2025. Việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các tổ chức Đảng nêu trên nhằm làm rõ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn quận Thanh Xuân.
Điều đáng nói, sau vụ việc nêu trên, dư luận lại “nổi sóng” với trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tại huyện Thạch Thất (Hà Nội). Theo đó, dù chỉ được cấp phép xây dựng 3 tầng nhưng tòa chung cư mini mang tên My Home ở xã Tân Xã vẫn xuất hiện tới 9 tầng, quy mô gần 200 căn hộ. Dư luận đặt câu hỏi, khi phát hiện vi phạm tại sao chính quyền địa phương không đình chỉ, xử lý dứt điểm? Ở đây có sự "tiếp tay" hoặc buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương để công trình xây hoàn thiện, đưa vào sử dụng hay không?
Đáng chú ý, theo kết quả kiểm tra của Sở Xây dựng Hà Nội, công trình nêu trên khởi công ngày 7/2/2023 và ngay từ khi công trình này đang ép cọc móng, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị Thạch Thất đã kiểm tra, phát hiện có vi phạm nhưng chính quyền địa phương và cơ quan chức năng không có biện pháp ngăn chặn. “Qua xác minh, các vi phạm nêu trên đã được thiết lập hồ sơ xử lý nhưng không có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời, dứt điểm dẫn đến hiện nay công trình đã hoàn thiện với quy mô như trên" - Sở Xây dựng chỉ rõ.
Phân tích về hiện trạng "một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm", tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh) cho rằng có hai nhóm: Một là, nhóm suy thoái về tư tưởng chính trị, có biểu hiện né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, không muốn làm vì không có lợi ích riêng, gây ách tắc, làm cản trở sự phát triển của đất nước. Hai là, nhóm sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm. Theo Đại biểu Trần Quốc Tuấn, đối với nhóm cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, hoàn toàn có thể khắc phục được. Bởi trong bất cứ thời điểm nào, bất kỳ cơ quan, đơn vị, địa phương nào cũng tồn tại một số ít cán bộ có bản chất như thế. Vấn đề là đơn vị đó có nhận diện được không và nhận diện được thì xử lý thế nào?
“Còn đối với nhóm cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm. Đây là trở lực lớn nhất gây tắc nghẽn công việc trong toàn hệ thống. Nguyên nhân là vì các văn bản pháp luật hiện hành, nhất là văn bản dưới luật còn thiếu tính đồng bộ, khó thực hiện” - Đại biểu Trần Quốc Tuấn chia sẻ.
Cùng quan điểm trên, Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum) cho rằng một bộ phận cán bộ do năng lực, trình độ hạn chế cho nên việc nắm bắt các quy định của pháp luật cũng hạn chế nên làm gì cũng sợ sai, không dám làm. Mà không dám làm như vậy thì né tránh hoặc đùn đẩy công việc. “Hiện tượng này người dân vẫn hay nói là “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” và không phải bây giờ mới có, vấn đề ở chỗ dường như gần đây có chiều hướng phức tạp hơn” - Đại biểu Tô Văn Tám nhận định.
Thảo luận ở tổ sáng 24/10/2023 với Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, tỉnh Tây Ninh, tỉnh Sơn La và tỉnh Tuyên Quang trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 3 tháng cuối năm 2023 và năm 2024, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, vướng mắc. “Tôi có cảm nhận cán bộ của ta nắm luật, nắm quy định của các văn bản pháp luật không rõ. Cấp chuyên viên, công chức yếu trình lên lãnh đạo nói khó, lãnh đạo cũng nói khó theo chứ không có truy tới tận nơi là chỗ nào khó, gỡ thế nào? Chuyên viên nói khó, trưởng phòng nói khó, Phó Giám đốc Sở nói khó rồi tới Giám đốc Sở, Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND cũng nói khó. Cuối cùng mọi chuyện nằm tại chỗ mà không có giải quyết" - Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phân tích.
Theo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, để giải quyết vấn đề này, các bộ ngành, địa phương phải thực sự bắt tay vào làm, phải nghiên cứu để tìm ra khó khăn, vướng mắc cụ thể ở đâu, từ đó có phương án tháo gỡ. "Đến những diễn đàn như Quốc hội mà chúng ta vẫn còn than khó, than vướng, chậm tháo gỡ thì dân biết kêu ai" - Chủ tịch nước phát biểu.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND phường Kim Mã (quận Ba Đình) Vũ Khắc Thắng chia sẻ, trong thời gian qua, nhiều cán bộ vi phạm pháp luật bị xử lý, dẫn đến tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm. Điển hình như vừa rồi thiết bị y tế không đơn vị nào dám mua. Điều này xảy ra bởi một phần do cơ chế; dẫn đến tình trạng công việc ách tắc. “Để khắc phục tình trạng này, muốn có sự đổi mới, đột phá trong công việc, cần sự hậu thuẫn, ủng hộ rất lớn ở cấp trên; thậm chí lãnh đạo cấp trên phải dám chịu trách nhiệm cùng cấp dưới. Ngoài ra, cần có chế độ khuyến khích khen thưởng xứng đáng với những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” - ông Vũ Khắc Thắng cho biết.
Thẳng thắn thừa nhận có tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng điều này đã làm chậm trễ, trì trệ hoạt động công vụ, bào mòn và làm suy giảm niềm tin của người dân, DN đối với cơ quan Nhà nước. Đồng thời cản trở động lực và nguồn lực phát triển, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh đất nước đang rất khó khăn hiện nay.
Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, trong đó có trình độ, nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức; sự nêu gương của một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được phát huy nghiêm túc. Bên cạnh đó, việc thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội có mặt còn bất cập, chồng chéo hoặc có những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn chậm được sửa đổi, bổ sung...
Về việc khắc phục tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, từng cơ quan, đơn vị cần chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức công vụ, chấn chỉnh ngay, quyết liệt để thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức. Đồng thời thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là Chỉ thị số 27, Công điện số 280 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong cơ quan hành chính Nhà nước và xử lý công việc của các bộ, ngành, địa phương.
(còn nữa)
06:58 02/12/2023