Học trên lớp là chưa đủ!
Hiện tại, rất khó để tìm được học sinh không đi học thêm bất cứ môn gì bởi đa số, học sinh nào cũng đi học thêm không môn nọ thì môn kia, không ở nhà cô giáo chủ nhiệm/cô bộ môn thì học trung tâm hoặc tiện hơn là mời gia sư về nhà dạy hay học thêm bằng hình thức online.
Một điều tưởng chừng lạ nhưng lại là sự thật hiển nhiên, đó là số học sinh có lực học khá giỏi trở lên đi học thêm nhiều hơn học sinh có lực học từ trung bình trở xuống. Điều này phụ thuộc vào mục tiêu đề ra của học sinh và phụ huynh.
Với học sinh có lực học trung bình trở xuống, gia đình xác định rất khó để cải thiện tình hình và đăng ký học thêm cốt để duy trì, chống điểm liệt trong các kỳ thi vì họ định hướng sau sẽ học trường tư thục hoặc dài hơi hơn là đi học nghề. Ngược lại với học sinh có lực học khá giỏi trở lên, nhiều mục tiêu phấn đấu đặt ra nên phụ huynh cho con đi học thêm nhiều hơn để củng cố kiến thức, tăng khả năng cạnh tranh.
Chị Nguyễn Thu Hà, phụ huynh có con học một trường tiểu học tư thục tại huyện Hoài Đức chia sẻ, con chị năm nay học lớp 4, ngoài chương trình trên lớp, chị không đăng ký cho con học thêm bất cứ môn văn hóa nào. Cuối tuần, hoặc là cả nhà đi du lịch, đi đạp xe hoặc chị cho con học đàn và kỹ năng sống.
“Tôi nghĩ, học kỹ năng và các môn thể thao, năng khiếu quan trọng không kém học kiến thức văn hóa. Thay vì học thêm môn nọ môn kia, con tôi được tự do, thư giãn và nạp đầy năng lượng để phát triển thể chất, tinh thần”, chị Hà nói.
Tuy nhiên, người mẹ này cũng thừa nhận, chị không cho con đi học thêm các môn văn hóa vì con chị học không được. “Trước đây, tôi đã cho con học thử nhiều trung tâm nhưng con đều không thích. Nếu không xuất phát từ tinh thần tự giác, tự nguyện thì có nhồi nhét cũng không đạt hiệu quả. Bởi thế, tôi chuyển hướng đầu tư cho con học kỹ năng”, chị Hà giãi bày.
Không giống con chị Hà, Nguyễn Hà My, học sinh lớp 3 một trường tiểu học thuộc quận Hoàng Mai được mẹ cho học thêm kín tuần ngay khi vừa vào năm học mới. “Tôi và con vạch mục tiêu sẽ thi vào trường cấp 2 chất lượng cao. Ngoài việc chuẩn bị bảng điểm tốt, tôi lên kế hoạch cho con ôn luyện 3 môn Toán – Tiếng Việt – Tiếng Anh để có kiến thức thật vững”, mẹ Hà My cho biết.
Tuy là học sinh xuất sắc nhưng mẹ Hà My vẫn cho con học thêm tại nhà cô để vừa tránh mất lòng, vừa củng cố kiến thức trên lớp, đảm bảo điểm số đẹp. “Học nhà cô vừa vui, lại vừa sát đề kiểm tra trên lớp. Còn kiến thức ở lớp học thêm đa phần là kiến thức nâng cao, học theo định hướng thi chuyển cấp. Muốn thi đỗ trường tốp, việc học ở trường không bao giờ là đủ”, người mẹ này nhận định.
Trầy trật ôn thi trường tốp
Việc học sinh có định hướng ôn thi lớp 6 ngay khi mới học lớp 2 hay định hướng ôn thi lớp 10 khi vừa vào lớp 7 là câu chuyện rất bình thường với nhóm đối tượng có định hướng sớm và đề ra lộ trình ôn luyện kỹ càng. Hành trình ôn thi của các học sinh này cơ bản được khởi đầu bằng việc đăng ký vào các lớp học thêm.
Nhiều phụ huynh thừa nhận, việc tự ôn hay tự học ở nhà với nhóm học sinh giỏi, học sinh xuất sắc không phải là điều quá khó hay không thể làm được nhưng đa số, học sinh nào cũng chọn phương án đi học thêm bởi tại đây, các em được định hướng, được vạch lộ trình ôn tập rõ ràng, có sẵn tài liệu, có người hướng dẫn, có kiểm tra giám sát thay vì ngồi nhà tự mò mẫm tài liệu, bài giảng.
“Nếu tự học, em sẽ bị hạn chế phần rà soát, đánh giá kiến thức. Hơn nữa, đi học thêm, em được gặp gỡ nhiều bạn bè có cùng chí hướng, vì vậy em thấy mình có tinh thần phấn đấu và tinh thần học tập cao hơn”, học sinh Vũ Thị Mai Chi chia sẻ.
“Tôi không yên tâm khi con tự ôn thi vì ở lớp học thêm các thầy có lộ trình, ra đề, chữa đề hàng ngày giúp con biết kiến thức của mình đang thiếu khuyết phần nào để bổ sung. Việc đi học thêm khiến tôi thấy yên tâm, kiến thức của con cũng chắc chắn hơn nhiều”, anh Nguyễn Văn Chiến, quận Hà Đông cho biết. Hiện con anh học lớp 7, có định hướng ôn chuyên lớp 10 nên anh cho con học một tuần 4 buổi học thêm ở trung tâm.
Mỗi buổi chiều tan học, em Ngô Thị Hoài Anh, trú tại quận Cầu Giấy lại bắt grab đến trung tâm học thêm cách trường em 3 km. Một tuần em học 4 ca, trong đó 3 ca từ 18 giờ - 21 giờ và 1 ca vào sáng Chủ nhật. Tính ra, 7 ngày trong tuần thì em được nghỉ trọn vẹn ngày thứ 7, còn lại đa phần đi học từ sáng đến đêm. Vậy mà Hoài Anh vẫn “tự hào” vì mình còn có 1 ngày nghỉ do khéo sắp xếp, nhiều bạn của em lịch học kín tuần, thậm chí phải nấu mì ăn tối ở trung tâm của thầy vì không có thời gian nào để ăn. Hoài Anh cho hay, em về nhà sau 21 giờ tối, khi đó đã quá giờ ăn nên không còn cảm giác đói.
“Em chuẩn bị bước vào kỳ thi cam go nên phải cố gắng học để có kiến thức tốt nhất. Lịch học chính, học thêm triền miên đã vài năm nay nên em quen dần. Nhiều khi đến lớp mệt quá, em gục xuống bàn ngủ gật hoặc ngồi học nhưng không tiếp thu được gì”, Vũ Hải Long, một học sinh lớp 9 tâm sự.
Với học sinh giỏi, học sinh mong muốn đỗ vào các trường THPT tốp 1 cũng có lịch học dày đặc không kém. Điểm chuẩn vào các trường khoảng 9 điểm/môn mới chắc đỗ và nếu chỉ học trên lớp rất khó làm được những bài cuối cùng nên việc học trung tâm rồi cày đi cày lại kiến thức là việc được các học sinh lớp 9 có nguyện vọng trường tốp 1 thực hiện từ nhiều tháng qua.
“Mục tiêu cao hay thấp phụ thuộc vào lực học của từng học sinh. Khi tỷ lệ chọi cao chót vót, người được chọn là người có điểm số cao hơn. Có nhiều bài thi vào trường chất lượng cao hay trường chuyên, mới đọc đề đã muốn “tăng xông” vì độ khó và nếu không đi học thêm thì rất khó có thể làm được bài. Bởi vậy, dù muốn, dù không, chúng tôi vẫn lựa chọn cho con đi học thêm. Câu chuyện con đỗ cao nhưng "không đi học thêm gì" chỉ là câu nói cho vui, thực tế hoàn toàn ngược lại”, phụ huynh Đỗ Viết Hải, trú tại quận Thanh Xuân chia sẻ.