Bài 2: Người lính trong lòng dân bản - Ảnh 1

Giữ vững ý chí kiên cường của người lính, bảo vệ tốt đường biên, mốc giới để đảm bảo chủ quyền lãnh thổ là nhiệm vụ tiên quyết đối với Đồn Biên phòng (ĐBP) tỉnh Điện Biên. Bên cạnh đó, những người lính quân hàm xanh nơi tuyến đầu Tổ quốc còn thường xuyên giúp đỡ đồng bào phát triển sản xuất, góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc nơi địa đầu Tổ quốc.

Bài 2: Người lính trong lòng dân bản - Ảnh 2

Bản Cò Chạy 2 thuộc xã Mường Pồn (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) hiện có hơn 100 hộ dân với khoảng 400 khẩu, chủ yếu là người dân tộc Thái.  Ngoài diện tích rừng khoảng 400ha, đây là một trong những bản có diện tích đất canh tác nông nghiệp như trồng lúa nước, cây ăn quả nhiều hơn so với các bản khác thuộc xã Mường Pồn hay Hua Thanh.

Bài 2: Người lính trong lòng dân bản - Ảnh 3

Có mặt tại gia đình ông Lò Văn Sơn, sinh năm 1985, trú tại bản Cò Chạy 2, những vườn bưởi da xanh được chăm sóc kỹ lưỡng, dưới sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã sẵn sàng đón vào vụ mới. Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị về hoàn cảnh éo le của gia đình, ông Sơn cho biết, vợ ông hiện tại sức khoẻ yếu không thể lao động, 10 năm nay phải đi bệnh viện chạy thận nhân tạo. Trong khi đó, người con trai đang ở tuổi sung sức thì lại phải ngồi yên một chỗ do bị tai nạn lao động ở Hà Nội, những người con còn lại đều đi lấy chồng hoặc làm ăn xa. Sức ép về kinh tế đổ dồn lên đôi vai của ông, dù gia đình có mấy trăm mét vuông đất vườn để làm kinh tế, nhưng sức một mình cũng không thể làm xuể.

Bài 2: Người lính trong lòng dân bản - Ảnh 4

Theo Thiếu tá Đặng Văn Toan -  Chính trị viên ĐBP Mường Pồn, BĐBP tỉnh Điện Biên, đơn vị luôn gần dân, bám địa bàn, đồng hành cùng địa phương tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nhà Đại đoàn kết. “Các chiến sỹ ĐBP Mường Pồn luôn phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy, chính quyền và Nhân dân các xã biên giới để xây dựng thế trận biên phòng toàn dân đạt được nhiều kết quả nổi bật. Ngoài công tác giúp dân xây dựng phát triển kinh tế, những năm qua, ĐBP Mường Pồn đã tích cực cùng Nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới. Năm 2023, đơn vị đã cử hơn 100 lượt cán bộ, chiến sĩ cùng bà con xây dựng 12km đường liên thôn, liên bản, hỗ trợ làm nhà, hướng dẫn người dân sản xuất nông nghiệp…” - Thiếu tá Đặng Văn Toan chia sẻ.

Bài 2: Người lính trong lòng dân bản - Ảnh 5

Bên cạnh đó, đơn vị còn vận động, kết nối nhà tài trợ, nhà hảo tâm để hỗ trợ học sinh nghèo, gia đình chính sách mỗi dịp lễ, Tết; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí; triển khai hiệu quả nhiều phong trào, mô hình, cách làm hiệu quả trong tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giúp Nhân dân xóa đói, giảm nghèo. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Điện Biên, nhiều hoạt động, phong trào đã được ĐBP Mường Pồn triển khai, thực hiện để xây dựng và củng cố thế trận lòng dân ở khu vực biên giới theo phương châm “mỗi người dân là một cột mốc sống”. Trong đó, đơn vị chú trọng triển khai phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản, mô hình “Hũ gạo chiến sĩ”, chương trình “Xuân biên cương, Tết thắm tình quân dân” hay “Nâng bước em đến trường” nhằm nhân rộng mô hình hay, thiết thực và mang lại hiệu quả cao.

 “Nhờ có các cán bộ, chiến sĩ biên phòng Mường Pồn mấy năm qua tận tình xuống hỗ trợ, cùng gia đình phát quang cây cỏ, đào hố, trồng và chăm bón cây… nên đến nay, vườn bưởi, vườn cam của gia đình đã lớn, hứa hẹn thu hoạch năng suất, giúp gia đình tôi bớt khó khăn. Quả thật, không có cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ, rất khó để gia đình tôi có được thành quả này” – ông Lò Văn Sơn chia sẻ.

Bài 2: Người lính trong lòng dân bản - Ảnh 6

Để giúp người dân phát triển kinh tế, BĐBP tại Mường Pồn nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung đã tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, Nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, giúp người dân nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Trưởng bản Cò Chạy 2 Tòng Văn An khẳng định: “Cùng sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự giúp đỡ của chiến sỹ ĐBP Mường Pồn, bản Cò Chạy 2 luôn vận động Nhân dân tập trung phát triển kinh tế, làm ruộng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, xóa đói giảm nghèo, cho con em đi học hành đầy đủ. Bản đã xây dựng được nhà văn hóa khang trang, là nơi sinh hoạt cộng đồng, để bà con giao lưu văn hóa, văn nghệ”.

Chỉ tính riêng trong năm 2023, phía BĐBP tỉnh đã tổ chức 1.618 ngày công giúp dân lao động sản xuất; phối hợp làm và sửa 37km đường thôn, bản; tu sửa 15,5km kênh mương thủy lợi; thu hoạch và chăm sóc hoa màu 77,7ha; phối hợp trồng rừng, khai hoang phục hóa 80 ha; giúp dân sửa chữa và làm mới 52 căn nhà; giúp 321 hộ gia đình xóa đói, giảm nghèo; vận động, phối hợp thăm hỏi, tặng quà già làng, trưởng bản, người có uy tín, các gia đình chính sách và Nhân dân trên địa bàn trị giá hơn 4,7 tỷ đồng…

Bài 2: Người lính trong lòng dân bản - Ảnh 7

Chia tay gia đình ông Lò Văn Sơn và người dân tại bản Cò Chạy 2, phóng viên đến với ĐBP Mường Pồn đóng trên địa bàn xã Mường Pồn (huyện Điện Biên). ĐBP Mường Pồn cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ khoảng 20km về phía Bắc nằm trên trục đường Quốc lộ 12 đi Lai Châu. Ngay sau khi đặt chân tới cổng ĐBP, phóng viên ngỡ ngàng với không gian xanh được các chiến sĩ chăm sóc, vun vén để tạo cảnh quan khang trang, sạch đẹp. Đón tiếp phóng viên là Đại úy Nguyễn Hữu Hiệp - Phó Đồn trưởng ĐBP Mường Pồn, sinh ra và lớn lên tại Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhưng có tới cả chục năm gắn bó với Điện Biên. Anh chia sẻ: “Mường Pồn là mảnh đất đầy đau thương bởi bom gầm đạn xé, gắn liền với tên tuổi của anh hùng - liệt sĩ Bế Văn Đàn, cùng với chiến công của Đại đội 674 (Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174). Đặc biệt, Mường Pồn là nơi anh hùng Bế Văn Đàn hy sinh trong trận huyết chiến tháng 12/1953, giờ là cánh đồng “bờ xôi ruộng mật” dưới chân núi Pú Đồn (núi có đồn)”.

Bài 2: Người lính trong lòng dân bản - Ảnh 8

Cũng theo Đại uý Nguyễn Hữu Hiệp, ĐBP Mường Pồn được giao nhiệm vụ quản lý đoạn biên giới dài 31,5 km với 15 mốc quốc giới (từ Mốc 84 đến Mốc 98). Địa bàn quản lý 2 xã Hua Thanh và Mường Pồn với 22 bản (1.693 hộ/8.262 khẩu), trong đó có 6 bản giáp biên, gồm 4 thành phần dân tộc sinh sống (Mông, Thái, Khơ Mú, Kinh). Những ngày tháng 4 tại Mường Pồn, trong cái nắng cháy da rát thịt, nhưng các chiến sĩ vẫn duy trì và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, bảo vệ biên giới, bảo vệ địa bàn, bảo vệ Đồn, Trạm trong các ngày lễ, Tết, giúp bà con đồng bào phát triển kinh tế, chăm lo sản xuất…

Bài 2: Người lính trong lòng dân bản - Ảnh 9

Là địa bàn có đường biên giới dài hơn 30km, việc di chuyển tới các mốc biên giới hay các bản đều gặp rất nhiều khó khăn khi giao thông không thuận tiện nhưng người dân tại các bản của 2 xã luôn được các chiến sĩ hỗ trợ, giúp đỡ tham gia phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh. ĐBP Mường Pồn đã phối hợp và duy trì thực hiện có nền nếp, chất lượng đối với 166 hộ gia đình/6 bản biên giới đăng ký tự quản 15 cột mốc/41, 470 km đường biên; 21/21 bản/199 thành viên tổ tự quản an ninh trật tự thôn bản.

Bài 2: Người lính trong lòng dân bản - Ảnh 10

Là người trực tiếp nằm tại các bản, Thượng uý Mùa A Phử cho biết, điều kiện tại các thôn, bản trên địa bàn rất khó khăn. Thậm chí, có 2 bản là Nậm Ty 1 và Nậm Ty 2 vẫn còn nằm trong tình trạng “3 không” – không sóng điện thoại, không điện và không nước sạch. Bên cạnh đó, nhiều người dân tộc thiểu số còn tồn tại nhiều nét văn hoá mang tính chất hủ tục khiến việc tuyên truyền, vận động càng gặp khó khăn hơn so với các địa bàn khác. Đặc biệt, ở bản Nậm Ty 1 và Nậm Ty 2 đều không có sóng điện thoại, mạng internet, những tổ được phân công “cắm bản” để hỗ trợ bà con, việc báo cáo công việc hàng ngày với cấp trên cũng khó khăn hơn. Bên cạnh đó, những hủ tục lạc hậu vẫn còn tồn tại ở các bản thuộc địa bàn ĐBP Mường Pồn quản lý, nhất là thủ tục khi kết hôn.

Bài 2: Người lính trong lòng dân bản - Ảnh 11

Trải qua hàng chục năm, những chiến sĩ tại các ĐBP trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn anh dũng, kiên trì trong việc “cắm bản” để đảm bảo sự bình yên nơi tuyến đầu Tổ quốc. Thậm chí, các chiến sĩ luôn luôn tâm niệm lời dạy của Đảng, của Bác Hồ là “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” để thực hiện các hoạt động.

(Còn nữa...)

Bài 2: Người lính trong lòng dân bản - Ảnh 12

15:44 02/05/2024