Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính sách hỗ trợ nghệ nhân: Sự sống còn của di sản phi vật thể

Bài 2: Tạo động lực để bảo tồn

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội không phải địa phương đầu tiên trên cả nước thông qua chính sách hỗ trợ nghệ nhân và các câu lạc bộ.

>> Bài 1: Báu vật sống mòn mỏi chờ đợi, di sản phai màu

Từ năm 2014, tỉnh Phú Thọ sau đó là tỉnh Bắc Ninh đã đi đầu chủ động bố trí nguồn kinh phí bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, đặc biệt là những chính sách rất cụ thể tạo động lực cho nghệ nhân và thế hệ trẻ gắn bó với di sản.

Các nghệ nhân biểu diễn tại lễ hội ở Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh: Công Hùng
Các nghệ nhân biểu diễn tại lễ hội ở Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh: Công Hùng

Thoát khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp nhờ trân trọng nghệ nhân Phú Thọ đã xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ, tôn vinh các nghệ nhân dân gian. Năm 2012, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành quy chế xét tặng danh hiệu nghệ nhân hát xoan Phú Thọ.

Ngoài việc tôn vinh có giá trị tinh thần, các nghệ nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân hát xoan Phú Thọ được tặng mức tiền thưởng kèm theo là 5 triệu đồng. Hiện nay, tỉnh Phú Thọ đã có 66 nghệ nhân hát xoan, 6 nghệ nhân nhân dân (NNND), 34 nghệ nhân ưu tú (NNƯT).

Các danh hiệu nghệ nhân được phong tặng kèm theo chính sách đãi ngộ là động lực nuôi dưỡng, thúc đẩy đam mê, giúp các nghệ nhân gắn bó hơn với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Nhờ đó, lớp trẻ được “truyền lửa”, được bồi đắp thêm tình yêu và động lực trong học tập và nghiên cứu các giá trị di sản văn hóa. Hiện nay, số người có nhu cầu học và tìm hiểu về hát xoan Phú Thọ ngày càng tăng cao.

Tỉnh Phú Thọ đã chủ động tạo nguồn kinh phí cho các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời có cơ chế khuyến khích các ngành, các địa phương và bản thân mỗi nghệ nhân chủ động, sáng tạo trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa quý giá.

Trong giai đoạn 2013 - 2020, ngoài việc chi bồi dưỡng hằng ngày cho nghệ nhân và học viên tham gia các lớp truyền dạy, đào tạo nghệ nhân, UBND tỉnh Phú Thọ hỗ trợ 170 triệu đồng/phường xoan, UBND TP Việt Trì hỗ trợ 130 triệu đồng/phường xoan để các phường xoan làm quỹ hoạt động, tổ chức sinh hoạt, truyền dạy và mua sắm trang thiết bị. Đối với 31 câu lạc bộ hát xoan và dân ca cấp tỉnh, UBND tỉnh Phú Thọ hỗ trợ 10 triệu đồng/câu lạc bộ (hỗ trợ 1 lần khi công nhận) để mua sắm trang phục, nhạc cụ, đạo cụ, thiết bị cần thiết.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Phú Thọ còn hỗ trợ kinh phí cho nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát xoan, như nghiên cứu, phục hồi các lễ hội dân gian, tục lệ hát xoan gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở các phường xoan; phục hồi tục lệ kết nghĩa, giao lưu giữa phường xoan với cộng đồng; tu bổ đình, đền, miếu - không gian văn hóa thực hành hát xoan... Các cấp chính quyền luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích các nghệ nhân phát huy vai trò chủ thể thực hành, trình diễn, truyền dạy hát xoan.

Công tác thực hành biểu diễn hát xoan cũng được thực hiện thường xuyên, thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng Nhân dân các địa phương trên địa bàn tỉnh. Các chính sách trên thể hiện sự tôn vinh xứng đáng, đồng thời là nguồn cổ vũ, động viên các nghệ nhân tiếp tục cống hiến và trao truyền di sản cho các thế hệ kế cận, góp phần giữ gìn và lan tỏa các giá trị di sản văn hóa.

Sức mạnh cộng đồng cho di sản TP Hà Nội là đơn vị có số lượng nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng các danh hiệu NNND và NNƯT nhiều nhất cả nước. Sau 3 đợt phong tặng (năm 2015, năm 2019 và 2022), TP có 131 nghệ nhân với 18 NNND và 113 NNƯT.

Các nghệ nhân là người nòng cốt, sinh hoạt, tổ chức truyền dạy, quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, hình thành các câu lạc bộ tại địa phương, được cộng đồng tôn vinh. Cộng đồng này đã góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ, trao truyền, quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể TP Hà Nội.

Theo khảo sát, đánh giá, dự kiến đến năm 2030 trên địa bàn TP có thể kiện toàn và đưa vào hoạt động khoảng 50 - 60 câu lạc bộ đạt đủ điều kiện được quy định tại Nghị định 45 và các tiêu chí về Câu lạc bộ tiêu biểu. Thế nhưng, như đã từng phản ánh thì từ năm 2015 sau lần công nhận danh hiệu đầu tiên đến nay những chính sách đãi ngộ cho nghệ nhân, hỗ trợ cho câu lạc bộ bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội còn manh mún.

Chính vì vậy, tại Kỳ họp thứ 10, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã biểu quyết tán thành thông qua Nghị quyết về chế độ đãi ngộ, hỗ trợ NNND, NNƯT, nghệ nhân và câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể TP Hà Nội.

Theo Nghị quyết được thông qua, phạm vi điều chỉnh gồm: Nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể TP Hà Nội đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NNND, NNƯT (tính từ lần phong tặng thứ nhất năm 2015 và các lần phong tặng tiếp theo) hiện còn sống và thực hiện các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Các Câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể TP Hà Nội đảm bảo các điều kiện: Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền TP Hà Nội cho phép thành lập theo các quy định hiện hành; là nơi nghệ nhân và người tham gia thực hành, trình diễn, truyền dạy, bảo vệ, phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh vào danh sách (di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; di sản văn hóa phi vật thể thuộc danh mục có nguy cơ mai một cần bảo vệ khẩn cấp và di sản văn hóa phi vật thể ưu tiên bảo vệ trên địa bàn TP Hà Nội - trừ loại hình nghề thủ công truyền thống thuộc lĩnh vực công thương). Người kế cận nắm giữ di sản tham gia thực hành góp phần bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể TP Hà Nội.

Nghị quyết cũng quy định chế độ đãi ngộ, hỗ trợ một lần đối với NNND được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu là 40 triệu đồng; với NNƯT được UBND TP phong tặng danh hiệu là 30 triệu đồng.

Về chế độ hỗ trợ đối với Câu lạc bộ tiêu biểu, cụ thể: Hỗ trợ lần đầu khi câu lạc bộ được thành lập để mua sắm trang thiết bị, đạo cụ 50 triệu đồng/câu lạc bộ; hỗ trợ kinh phí hoạt động hàng năm cho các Câu lạc bộ tiêu biểu hoạt động thường xuyên, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn đạt hiệu quả 20 triệu đồng/câu lạc bộ/năm. Chế độ hỗ trợ đối với nghệ nhân, người kế cận nắm giữ di sản tham gia thực hành, trình diễn, truyền dạy, bảo vệ, phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa phi vật thể ở mức 80.000 đồng/người/buổi thực hành, tập luyện; mức 200.000 đồng/người/buổi biểu diễn phục vụ quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể theo chương trình, kế hoạch của cấp có thẩm quyền. Với nghệ nhân truyền dạy và người tham gia thực hành theo chương trình, kế hoạch của cấp có thẩm quyền tổ chức hỗ trợ mức 500.000 đồng/người/buổi NNND truyền dạy; bồi dưỡng mức 300.000 đồng/người/buổi truyền dạy với NNƯT. Mức hỗ trợ tiền nước uống cho cả nhóm này có mức chung là 20.000 đồng/người/buổi.

Theo Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng: “Việc ban hành Nghị quyết hỗ trợ với nghệ nhân được xem là cần thiết nhằm động viên, khuyến khích cho các nghệ nhân truyền lửa cho thế hệ trẻ, giúp các câu lạc bộ có nguồn kinh phí hoạt động và bảo tồn di sản”.

 

"Chính sách này cũng là nguồn động viên thiết thực để nghệ nhân tiếp tục hành trình gìn giữ di sản. Tôi cũng cho rằng, cần phân định các mức hỗ trợ cho từng đối tượng, bảo đảm tính công bằng, phát huy hiệu quả. - TS Lưu Minh Trị, Hội Di sản văn hóa Thăng Long

(Còn nữa)