Loạt bài: Mầm non ngoài công lập - bản lĩnh để phục hồi

Bài 2: Tập trung giải quyết bài toán thiếu giáo viên

Điệp Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Thiếu giáo viên mầm non sau đại dịch là vấn đề đã được lường trước bởi số nhân sự ngành này chuyển nghề khá đáng kể. Khi cấp mầm non chính thức đi học trở lại, các thông báo tuyển giáo viên nhanh chóng được phát đi nhưng nguồn tuyển và công tác tuyển dụng thực sự gặp khó.

Chóng mặt tìm giáo viên

Ngày 13/4, Hà Nội chính thức mở cửa trường mầm non đón học sinh đi học sau gần một năm nghỉ tại nhà. Niềm mong ước bấy lâu thành hiện thực nhưng hạnh phúc vừa nở hoa thì hệ thống MNNCL lại đối mặt với nhiều thách thức, đáng chú ý và nan giải nhất là tình trạng thiếu giáo viên.

Theo Trưởng Phòng GD&ĐT Hà Đông (Hà Nội) Phạm Thị Lệ Hằng, sau đại dịch, khoảng hơn 30% giáo viên mầm non tại quận Hà Đông đã chuyển sang làm công việc khác và không có nhu cầu quay trở lại dạy học. Số giáo viên mầm non chuyển nghề tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) là từ 30-40%, ở một số quận, huyện khác, con số giáo viên chuyển nghề cũng khá đáng kể. Thực trạng thiếu giáo viên dẫn đến nhiều cơ sở vừa mở cửa đón trẻ, vừa gấp gáp đăng tuyển giáo viên, mặt khác lại phải kêu gọi, động viên, tăng đãi ngộ để thu hút giáo viên cũ đã chuyển nghề quay trở lại làm việc.

Bộc bạch về khó khăn trong tìm giáo viên, cô Nguyễn Thu Huyền, quản lý một nhóm trẻ độc lập tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ: Với trường quy mô lớn, lương cao, chế độ tốt thì việc tuyển giáo viên đặt ra yêu cầu cao. Nhưng với nhóm trẻ độc lập quy mô nhỏ, tuyển giáo viên, nhân viên khá đơn giản. “Ngày 13/4, cơ sở tôi có cô đến xin việc và được đề nghị ở lại lại làm, nhận trẻ rồi đứng lớp luôn. Thậm chí, tôi được biết có cơ sở vì thiếu giáo viên còn nhận cả mẹ từng có kinh nghiệm chăm và nuôi con làm cô phụ lớp. Biết rằng việc này chưa ổn nhưng trong tình thế cần kíp, các cơ sở phải khắc phục dần từng khó khăn để duy trì hoạt động của nhóm trẻ cho đến khi nhân sự tuyển mới được ổn định như cũ”- cô Huyền nói.

Đến tháng 4/2022, 100% địa phương trên cả nước đã mở cửa trường học đón học sinh mầm non
Đến tháng 4/2022, 100% địa phương trên cả nước đã mở cửa trường học đón học sinh mầm non

Trên các hội nhóm tìm việc từ tháng 4 đến nay, thông tin tuyển giáo viên mỗi lúc mỗi dày hơn. “Chưa bao giờ, giáo viên mầm non “đắt” việc và có vị trí cao như thế. Các cô chỉ cần đưa ra vài thông tin như: Có bằng sư phạm mầm non, có kinh nghiệm kèm mức lương yêu cầu, mong muốn công việc…. là lập tức nhận được cả trăm phản hồi, điện thoại gọi mời kèm chế độ lương, thưởng, ưu đãi tốt. Thậm chí trước đây giáo viên có con nhỏ, chưa có chỗ ở là nhược điểm thì nay, các trường mời cả con nhỏ học miễn phí, bố trí chỗ ăn ngủ tốt cho cả mẹ lẫn con, miễn là cô nhận lời về dạy. Điều đó thể hiện cơn khát giáo viên mầm non lên đến đỉnh điểm.

Bên cạnh đó, sau đại dịch, nhiều cơ sở mầm non thành lập mới hoặc mở thêm cơ sở khiến tình trạng thiếu giáo viên càng khó giải quyết hơn. Riêng tại Hà Nội, tính đến tháng 8/2022 có 54 cơ sở độc lập thành lập mới. Nhu cầu tìm giáo viên vẫn tiếp tục được đăng tải và do không thể tìm đủ giáo viên khi số trẻ ra lớp ngày càng đông, các trường mầm non đã nghĩ ra cách thức mới, đó là thuê giáo viên, cô phụ lớp theo ngày.

“Ngày mai, cơ sở cần 2 cô phụ; lương 300.000 đồng/ngày. Cô nào cần xin liên hệ…” hoặc “Mai trường nào có cần cô phụ không? Em ở khu vực A, đây là số điện thoại của em”… Đó là những thông tin thường xuyên được đăng tải với nhu cầu trao đổi “người tìm việc/việc tìm người” từ nhiều tháng nay. Chủ trường cho rằng, cách thức thuê cô phụ như vậy khá tiện, dễ tìm, xong ngày nào trả tiền ngày ấy, không liên quan các chi phí bảo hiểm hay thưởng cuối tháng. Phía giáo viên nhiều người cũng thích cách làm việc trên vì không ràng buộc, được nhận công luôn và tránh phiền phức.

Khó khăn tiếp tục nối dài

Nếu tại Hà Nội phổ biến tình trạng thiếu giáo viên thì tại một số tỉnh thành khác, thiếu học sinh mới là vấn đề lớn. Ngày 14/2/2022, khi TP Hải Phòng đồng loạt mở cửa trường học các cấp đón học sinh trở lại, chỉ có khoảng 15% học sinh mầm non đi học trực tiếp. Còn TP Đà Nẵng, sau hơn một tháng mở cửa trường học, số trẻ đến lớp vẫn khá dè dặt. Gần giữa tháng 4/2022, TP Đà Nẵng chỉ có 54% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp, tỷ lệ này ở độ tuổi mẫu giáo là 45%. Trẻ ra lớp ít nên nhiều trường dôi dư giáo viên, chủ trường buộc phải phân công các cô luân phiên đứng lớp, động viên những ai có công việc tạm thời có thể duy trì đến khi nào trẻ đi học đầy đủ sẽ gọi về để tiếp tục công việc dạy học.

Mầm non ngoài công lập đối diện với nhiều khó khăn khi mở cửa trường học sau đại dịch
Mầm non ngoài công lập đối diện với nhiều khó khăn khi mở cửa trường học sau đại dịch

Cô Đoàn Thị Dạ Ngân, chủ nhóm mầm non độc lập AQua (quận Thanh Khê) cho biết: “Chúng tôi xác định mở cửa ở giai đoạn này sẽ rất khó khăn, thu không đủ bù chi, không lợi nhuận, thậm chí là bù lỗ nhưng vẫn quyết tâm làm, vừa là để chia sẻ gánh nặng kinh tế với giáo viên, vừa đáp ứng nhu cầu gửi con của một bộ phận phụ huynh và cũng là cách để khởi động lại hoạt động của cơ sở sau thời gian dài đóng cửa coi như mình gây dựng từ đầu”. 

Chia sẻ khó khăn trong giai đoạn đầu mở cửa, cô Nguyễn Phương Thảo, chủ cơ sở mầm non Sao Mai (huyện Mê Linh, Hà Nội) kể rằng, khi được phép mở cửa, chủ trường rất phấn khởi nhưng sờ đến máy bơm thì trục trặc, vòi nước cũng gãy, rồi chăn màn, khăn, thảm, máy tính, loa… cái gián nhấm, cái ẩm thấp vì lâu không dùng nên hỏng hóc và phải mua mới. Tiền sửa chữa, bổ sung cơ sở vật chất cũng mất vài chục triệu, chưa kể đến mua sắm trang thiết bị phòng chống dịch.

Nếu các cơ sở khác thiếu giáo viên thì cơ sở của cô Thảo lại thiếu học sinh thành ra dư thừa giáo viên. “Trường ở khu công nghiệp, nhiều công nhân về quê kiếm việc trong giai đoạn dịch bệnh cũng đưa con về và đến nay chưa quay trở lại dẫn đến số học sinh ra lớp hao hụt đáng kể. Nhân sự của trường sau dịch vẫn gắn bó đầy đủ như trước nên dù thừa giáo viên, tôi vẫn phân công các cô đứng lớp đầy đủ. Trẻ thưa nhưng vẫn phải chia lớp đúng độ tuổi để đảm bảo chương trình giáo dục. Tiền điện, nước, lương giáo viên tăng mà nguồn thu sụt giảm, đây cũng là khó khăn lớn cho các cơ sở MNNCL sau đại dịch”- cô Thảo phân tích.

Bên cạnh đó, một vấn đề khác rất đáng lo ngại là chất lượng giáo viên MNNCL sụt giảm đáng báo động. Trước hết, thời gian dịch bệnh kéo dài, giáo viên nghỉ tại nhà, không được tham gia các chương trình tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm; không thực hiện công tác trông giữ, giáo dục trẻ khiến phần nào mai một kiến thức, kỹ năng. Mặt khác, do quá thiếu giáo viên nên nhiều trường tuyển dụng nhân sự vội vàng, tuyển không bằng cấp, không kinh nghiệm, làm trái ngành và chấp nhận vừa làm vừa đào tạo. Với cô phụ lớp, rất nhiều trường chọn giải pháp thuê theo ngày khiến công tác giáo dục vừa không đảm bảo chương trình theo chuẩn, vừa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ.

 

Tình trạng giáo viên mầm non bỏ việc phổ biến không chỉ ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà còn với nhiều tỉnh thành cả nước. Từ năm 2020 đến nay, ngành giáo dục tỉnh Đồng Nai có hơn 1.200 giáo viên xin nghỉ, nhiều nhất là giáo viên bậc mầm non. Còn Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Dương Nguyễn Thị Nhật Hằng cho hay, hơn một năm qua, địa bàn tỉnh có 527 giáo viên xin nghỉ việc. Điều này dẫn đến năm học 2022- 2023, tỉnh Đồng Nai thiếu gần 2.500 giáo viên còn ngành Giáo dục tỉnh Bình Dương đang thiếu hơn 3.000 giáo viên cho năm học mới.