Bài 2: Thăng hoa bản sắc văn hóa - Ảnh 1
Bài 2: Thăng hoa bản sắc văn hóa - Ảnh 2

>>> Bài 1: Đường lớn đã mở

Bài 2: Thăng hoa bản sắc văn hóa - Ảnh 3

Cứ mỗi khi khách check-out trả phòng là vợ chồng ông Hà Văn Quyết – chủ homestay Hà Quyết (xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, Sơn La) lại tất bật lên dọn dẹp, sửa sang từng chi tiết nhỏ trong phòng, lúc căng cái rèm thổ cẩm dệt những hoạt tiết của người Thái cho ngay ngắn, lúc kiểm tra cái chụp bóng đèn đan bằng tre rừng cứng cáp. Ông bảo, từng chi tiết ấy dù nhỏ nhưng gợi nhớ cho khách sự yêu mến, đắm say với bản sắc dân tộc ở đây.

Cũng giống như ông Quyết, làm homestay là cả chuỗi ngày Tráng A Chu – chủ cơ sở A Chu homestay, bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La rong ruổi khắp bản trên làng dưới, “săn” mua bằng được từng cái máng lợn đục bằng thân gỗ lớn, đến cái giỏ nan hay kỳ cạch cả ngày đục đục, đẽo đẽo những ống tre để trang trí cho homestay xinh xắn của mình.

Bên trong những căn phòng, từ nhà sàn lớn cho đến từng khu nhà biệt thự, phòng riêng, phòng đôi, phòng family dù được đặt với những cái tên rất Tây như “Six sense”, “House of Vai” thì vẫn mang đặc trưng riêng của người Mông. Ấy là những hoạt tiết thổ cẩm sặc sỡ nổi bật từ cái thảm đến tấm trang trí trên tường. Những vách gỗ, vách tre được làm cầu kỳ, tỉ mỉ nhưng vẫn mang cảm giác mộc mạc hệt như tính cách của người Mông ở Hua Tạt. Trên tường nhà còn được điểm tô bằng những bức tranh hình thiếu nữ Mông xinh xắn với chiếc vòng cổ, lắc tay bằng bạc trắng…

Bài 2: Thăng hoa bản sắc văn hóa - Ảnh 4

Bên ngoài phòng lớn, dù giường đệm trắng tinh khôi rất sang trọng nhưng du khách vẫn cảm giác được sự gần gũi, thân thuộc của đồng bào dân tộc Mông với bếp lửa bập bùng, ấm áp những hôm trời lạnh giá. Đặc biệt, người đàn ông từng sống giữa “chảo lửa” ma túy cũng rất biết cách thổi hồn vào homestay của mình để tạo điểm nhấn thu hút du khách. “Ngày trước, tôi có một con chó đặt tên là Vải. Hàng ngày, Vải dẫn khách đi chơi khắp bản, ai cũng quý mến nó. Sau này nó mất, tôi quyết định đặt tên một khu nhà ở đây là Nhà của Vải, như để nó luôn bên cạnh du khách” – A Chu tâm sự.

Say mê ngắm nhìn từng góc nhỏ trong A Chu homestay, chị Triệu Hoa, du khách đến từ Hà Nội không khỏi trầm trồ, thích thú. Chị lôi người bạn đi cùng chụp ảnh check-in hết từng ngõ ngách trong homestay, từ cái bàn uống nước đến bình hoa cắm đầy những quả hồng chín vàng ruộm mộng mơ, bông hoa chuối rừng đỏ tươi. Thậm chí, chị Hoa còn chạy cả vào… nhà vệ sinh để chụp giỏ đựng giấy vệ sinh đan bằng tre rất đẹp mắt. “Từng chi tiết ở đây đều mang bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc, giản dị nhưng đẹp và tinh tế khiến tôi không thể rời mắt” – chị Triệu Hoa tâm sự.

Bài 2: Thăng hoa bản sắc văn hóa - Ảnh 5

Câu chuyện giữ được nét tự nhiên, bản sắc văn hóa độc đáo trong dòng chảy hối hả của công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng là vấn đề được lãnh đạo tỉnh Sơn La đặc biệt quan tâm. Như Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La Tráng Thị Xuân chia sẻ: “Mộc Châu phải giữ được nguyên bản sắc, nếu bê tông hóa thì nó không còn là điểm đến thiên nhiên. Nếu xây dựng nhà cao tầng lên thì du khách cứ ở Hà Nội ngủ còn thích hơn”…

Bài 2: Thăng hoa bản sắc văn hóa - Ảnh 6

Cứ mỗi tối cuối tuần, chàng trai trẻ Hàng A Tơ (sinh năm 1996), đang làm việc tại A Chu homestay lại thấy chộn rộn trong lòng khi được hát phục vụ khách du lịch. Trong trang phục Mông màu đen, điểm thêm họa tiết thổ cẩm đỏ hồng, đi chân trần giản dị, Hàng A Tơ say sưa cất lên tiếng hát đắm say lòng người, từ những bài hát dân tộc của người Mông Tây Bắc cho đến các ca khúc cách mạng, thậm chí cả nhạc opera.

Hàng A Tơ gây sốt cộng đồng mạng khi hát ca khúc O Sole Mio với du khách Italia.

Từng theo học hơn một năm tại Đại học Sư phạm nghệ thuật T.Ư, phải nghỉ học giữa chừng do điều kiện kinh tế không cho phép nhưng năng khiếu bẩm sinh cộng với niềm đam mê cháy bỏng với âm nhạc đã đưa Hàng A Tơ đến với một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ: Biểu diễn nghệ thuật phục vụ du khách. Tài năng của chàng trai Mông 26 tuổi từng được biết đến qua clip gây sốt cộng đồng mạng cách đây không lâu, khi A Tơ giao lưu văn nghệ với một đoàn khách từ Italia, Hy Lạp. Một nam du khách, khi đó, muốn hát ca khúc O Sole Mio (Mặt trời của tôi) nhưng đến đoạn nốt cao, không lên được. Lúc này, Hàng A Tơ mới tinh ý cầm mic “hát đỡ” khách. Và khi anh cất lên tiếng hát cao chót vót, ai nấy cũng phải sững sờ, phấn khích.

Bài 2: Thăng hoa bản sắc văn hóa - Ảnh 7

Nói về việc đưa văn hóa địa phương vào du lịch, Tráng A Chu tâm sự, văn hóa của đồng bào dân tộc chính là điều hấp dẫn du khách đến với Hua Tạt. Bởi thế, từ Giám đốc tới nhân viên lễ tân, phục vụ của A Chu homestay đều được yêu cầu mặc trang phục dân tộc Mông, như một cách quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc đến với du khách. Không dừng lại ở đó, Tráng A Chu còn miệt mài thiết kế các sản phẩm du lịch mới mang đậm giá trị văn hóa mà vẫn đầy sức hấp dẫn. Ấy là mời hộ làm giấy dó, hộ làm bánh dày trong bản làm vệ tinh cho mình, tạo điểm đến cho du khách trải nghiệm nghề thủ công độc đáo của Hua Tạt. Rồi với sự hỗ trợ của các tình nguyện viên Singapore, A Chu còn xây dựng các bản giới thiệu song ngữ Việt – Anh về nghề làm giấy dó, giã bánh dày, xay ngô làm mèn mén, vẽ sáp ong văn hoa mang đậm bản sắc văn hóa của người Mông, khiến cho du khách rất thích thú. Nhờ du lịch cộng đồng, những nghề truyền thống tưởng chừng như dần bị mai một đã được khơi thông dòng chảy phát triển, mang lại nguồn thu cho chính dân bản.

Đặc biệt, ở A Chu homestay còn xây dựng các tiết mục tái hiện tục bắt vợ, trong đó, sử dụng tư liệu cũ và mời cả một số nhân chứng lấy nhau từ tục bắt vợ đến trò chuyện với khách. Qua đó, du khách, nhất là người nước ngoài hiểu hơn về nét văn hóa đẹp, nhân văn của người Mông, đó là đôi trai gái yêu nhau rồi mới bắt vợ, chứ không phải bắt bừa bãi.

Bài 2: Thăng hoa bản sắc văn hóa - Ảnh 8

Huyện Vân Hồ là vùng đất cổ, mới được chia tách từ huyện Mộc Châu. Theo lãnh đạo huyện Vân Hồ, trên địa bàn huyện có nhiều dân tộc cùng sinh sống như: Thái, Kinh, Mường, Mông, Dao... trong đó, mỗi dân tộc lại có bản sắc đặc trưng và ngành nghề truyền thống riêng biệt. Dân tộc Thái, Mường có lễ hội và trò chơi dân gian như: Hội tung còn, đẩy gậy, cầu mùa, xên Mường, xên bản, lễ hội hoa ban... gắn với mùa vụ trong năm.

Dân tộc Mông lại có các hoạt động văn hóa như: lễ hội, trò chơi dân gian, múa khèn vào những ngày Tết cổ truyền tại sân nhà văn hóa các bản. Dân tộc Dao ở Vân Hồ có những vũ điệu gắn với các lễ đặt tên cho con, cấp sắc, kết duyên, lễ chúc phúc... Người Mường thì tiêu biểu với các làn điệu hát dân ca như: hái bông, giao duyên, đang, xường... Đây chính là những kho tàng văn hóa đặc sắc để khai thác phát triển du lịch. Hay nói như Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam - Hà Nội (Vietnamtourism - Hanoi) Đào Xuân Tùng: “Làm du lịch sinh thái ở miền núi thì không thể tách khỏi đồng bào. Sa Pa hay Sơn La có thể phát triển được du lịch cộng đồng vì có văn hóa và đồng bào dân tộc thiểu số”.

Bài 2: Thăng hoa bản sắc văn hóa - Ảnh 9

Vài tháng qua, điểm trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP của tỉnh Sơn La tại tiểu khu Chiềng Đi, thị trấn Nông trường, huyện Mộc Châu, nằm cạnh tuyến Quốc lộ 6 trở thành điểm dừng chân được nhiều du khách lựa chọn. Tại đây, du khách có thể tìm mua các sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh Sơn La như: Chè Shan tuyết Mộc Châu, tỏi đen Châu Yên, rượu Hang Chú - Bắc Yên, cà phê Sơn La, tinh dầu sả, đông trùng hạ thảo Mộc Châu, sữa và các sản phẩm từ sữa của Mộc Châu… Đây là điểm trưng bày thứ 10 nằm trong hệ thống chuỗi các điểm trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh Sơn La, mới được khai trương vào tháng 4/2022.

Mua 4 hộp đông trùng hạ thảo Mộc Châu tại điểm trưng bày, anh Vũ Cường, một du khách đến từ Nam Định chia sẻ: “Tôi có tìm hiểu sản phẩm này được đánh giá rất tốt nên mua về làm quà biếu cho bố mẹ hai bên gia đình”.

Tương tự, tại điểm giới thiệu sản phẩm của Hợp tác xã Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cũng có khá đông du khách đến thăm, tìm hiểu và mua sản phẩm nông sản được chế biến. Đội chiếc mũ cao bồi khá phong cách, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 Mai Đức Thịnh tất bật lịch tiếp khách, từ những đoàn khách du lịch đến các đoàn đến học hỏi kinh nghiệm thực tế của Hợp tác xã.

Bài 2: Thăng hoa bản sắc văn hóa - Ảnh 10

Vừa niềm nở mời khách thưởng thức sản vật của hợp tác xã như: mứt mận sấy, mận tam hoa sấy dẻo, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 Mai Đức Thịnh chia sẻ, từ đầu những năm 2000, khi Hợp tác xã đưa khoa học kỹ thuật vào canh tác, giá trị sản lượng nông nghiệp tăng lên. Lúc này, bà con đối mặt với bài toán: Được mùa rớt giá mà không được mùa cũng rớt giá vì lúc bấy giờ đường Quốc lộ 6 đi lại khó khăn, truyền thông không có, chỉ có điện thoại bàn. Trước tình thế ấy, Hợp tác xã 19/5 đặt ra slogan “Chế biến để nâng cao giá trị nông sản”.

Thế rồi, ban đầu từ quả mận, sau đó là quả mơ, quả xoài đều được chế biến, tạo ra các sản phẩm đa dạng phục vụ thị hiếu của người tiêu dùng, trong đó có một lượng lớn khách du lịch đến với Mộc Châu. “Địa phương có quả gì thì đưa vào chế biến, quả gì không sấy được thì chế biến thành nước ép hoặc làm rượu hoa quả. Tới đây, Hợp tác xã 19/5 có chương trình phối hợp với đối tác Australia làm bia hoa quả” – ông Mai Đức Thịnh chia sẻ.

Bài 2: Thăng hoa bản sắc văn hóa - Ảnh 11

Cùng với đa dạng hóa sản phẩm nông sản chế biến, Hợp tác xã 19/5 còn phát triển du lịch lưu trú từ năm 2014 với nhiều loại hình phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách như: nhà sàn kiểu Thái, nhà sàn cộng đồng, nhà sàn kiểu Nhật hay các bungalow cho những người cần không gian riêng tư. Ban đêm, trong khu lưu trú cũng tổ chức các đội văn nghệ của thanh niên đồng bào dân tộc Thái, Mông, Dao, khơi dậy truyền thống qua các tiết mục thổi sáo, khèn, kèn lá, múa dân tộc…

“Hiện nay, Hợp tác xã 19/5 có khoảng 100ha đất chuyên canh trồng các loại cây ăn quả, rau sạch với 38 xã viên và 200 hộ liên kết. Năm 2022, dự toán doanh thu của Hợp tác xã đạt trên 20 tỷ đồng, trong đó, du lịch chiếm 10 – 15%. Làm dịch vụ du lịch không phải thu lợi ngay trước mắt từ khách lưu trú mà khai thác hiệu quả tổng hợp. Các cụ nói một nghề thì sống đống nghề thì chết nhưng Hợp tác xã 19/5 không chết mà nghề gì cũng giỏi” – Giám đốc Mai Đức Thịnh chia sẻ.

Bài 2: Thăng hoa bản sắc văn hóa - Ảnh 12

10:44 02/11/2022