Tuy nhiên, ngay cả những vỉa hè được quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích cũng không thể thay thế những KGCC an toàn và dễ tiếp cận, nơi người dân có thể tránh xa giao thông và ô nhiễm không khí, tận hưởng sân chơi lớn hơn và không gian hội họp chất lượng.
Xung đột trong quản lý, sử dụng không gian công cộng
Những năm qua, KGCC ở Hà Nội và cả nước nói chung liên tục phát triển, tạo ra nhiều hình thức khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội. Từ những loại hình đầu tiên như chợ, đường phố, vỉa hè, quảng trường đã xuất hiện thêm công viên, sân chơi, vườn hoa, trung tâm đi dạo, trung tâm mua sắm, khu bộ hành, vườn trên cao, đường dạo ven sông.
Tuy nhiên, sự đa dạng về loại hình KGCC không song hành với công chúng - người thụ hưởng KGCC. Trái lại, thay vì mở rộng, KGCC lại ngày càng thu hẹp.
Về nguyên nhân KGCC bị thu hẹp, theo KTS Nguyễn Thanh Bình là do sự tham gia của khu vực tư nhân vào KGCC với nhiều hình thức khác nhau.
Do căng kéo về nguồn lực tài chính hoặc nhiều nguyên nhân khác, Nhà nước nhận sự tham gia của các công ty, tập đoàn tư nhân vào KGCC, và như thế, không thể tránh được sự chi phối của họ ở nhiều mức độ khác nhau.
Hậu quả là, theo KTS Nguyễn Thanh Bình, KGCC phải (phần nào đó) chịu sự kiểm soát của các tập đoàn và không còn là không gian chung của mọi người dân.
Bên cạnh đó, quá trình quy hoạch xây dựng, cải tạo đô thị đã hình thành nhiều KGCC mới, nhưng đồng thời cũng làm mất đi nhiều KGCC hiện hữu.
Tuy nhiên, không phải KGCC mới hình thành nào cũng phù hợp với đời sống người dân trong khi nhiều công trình KGCC hiện hữu thực sự rất có ý nghĩa về cả lịch sử, không gian và thời gian, nhưng lại bị xóa sổ không thương tiếc.
Nhưng thường xuyên hơn, động cơ không trong sáng xuất phát từ các chủ đầu tư dự án thường coi trọng lợi ích kinh tế của họ hơn là phúc lợi chung của người dân.
Theo KTS Tạ Anh Dũng nhằm tiết kiệm chi phí, nhiều cơ quan Nhà nước cho phép các công ty tư nhân tham gia xây dựng và quản lý KGCC.
Tất nhiên, một phần hoạt động trong đời sống của người dân tại đó có thể bị loại bỏ để nhường chỗ cho lợi ích của chủ đầu tư.
“KGCC khi ấy không còn là nơi tụ tập của tất cả mọi người, mà là không gian hướng tới một vài đối tượng sử dụng nhất định. Nhiều nhà nghiên cứu gọi đây là sự xuống dốc, cái chết hay sự biến mất của KGCC trong xã hội ngày nay” - KTS Tạ Anh Dũng nhận xét.
Mặt khác, theo các chuyên gia vấn đề nhức nhối trong phát triển đô thị tại
Việt Nam gần đây như thiếu đường, bãi đậu xe, diện tích cây xanh, công viên đều có nguồn gốc từ thiếu sót trong các khâu quy hoạch, quản lý và bảo vệ hệ thống không gian mở đô thị.
Nhiều công trình KGCC đang được sử dụng với mục đích tạo thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, chính cơ quan quản lý cũng muốn tạo thu nhập cho mình bằng cách cắt xén diện tích để dùng riêng, cho thuê mặt bằng, thu phí vào cửa hay chuyển đổi chức năng.
Lãng phí không gian công cộng
Theo các chuyên gia, KGCC hiện nay thiết kế còn đơn điệu,nghèo nàn, không có ý kiến đóng góp từ cộng đồng; quanh đi quẩn lại chỉ có vườn hoa, phố đi bộ, thực sự chưa thấy bản sắc của khu vực hay những thiết kế mang tính thu hút người sử dụng.
Tại Hà Nội, ngoài khu vực Hồ Gươm, phố cổ, thì cách đó vài cây số về phía Bắc có một cảnh quan cần được khai thác triệt để cho KGCC là Hồ Tây, nhưng ở đây chỉ là đường dạo ven hồ, không có thiết kế đặc sắc, bị lấn chiếm bởi các cơ sở giải khát vỉa hè.
Tình trạng này cũng phổ biến tại khu vực hồ khác trong nội đô. Việc lấn chiếm vỉa hè làm quán ăn, quán cà phê, cơ sở kinh doanh hay chỗ để xe, không có đường dành cho người đi bộ có lẽ đã trở thành căn bệnh nan y trong hầu hết đô thị Việt, gây mất thẩm mỹ và hoàn toàn không có không gian cho người dân hoạt động cộng đồng.
Vấn đề tiếp theo là KGCC được phân bố không đồng đều trên toàn TP. Các KGCC nhỏ hơn tập trung ở trung tâm đô thị, trong khi các công viên công cộng lớn đặc biệt là những công viên mới chủ yếu nằm ở ngoại vi mới đô thị hóa.
Theo TS Đặng Hoài Giang - Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội: Hầu hết các không gian này được kết nối kém với hệ thống giao thông công cộng và do đó bộ phận dân cư đô thị ít di chuyển hơn (trẻ em, người già…) khó tiếp cận được.
Ngay cả ở các quận nội thành, hơn 4/5 dân số không được tiếp cận với KGCC trong khoảng cách đi bộ hoặc đi xe đạp hợp lý từ nhà của họ. Hạn chế hơn nữa việc sử dụng, các KGCC hiện tại cung cấp ít tùy chọn giải trí cho người dùng.
Vấn đề này một phần là do sự tuân thủ chức năng chính trị của KGCC trong nội đô. Để bảo tồn đặc tính tôn kính của những không gian này, chính quyền TP hạn chế các hoạt động giải trí trong đó.
Hơn nữa, hầu hết các KGCC của Hà Nội được thiết kế tập trung vào các thảm họa trang trí và các ngõ có hoa văn hình học. Những khu vực như vậy khó có thể thúc đẩy giao tiếp xã hội và tham gia vào các hoạt động giải trí.
Một mảng xanh khác của TP nằm không xa trung tâm là Công viên Thống Nhất và Vườn Bách Thảo trên đường Hoàng Hoa Thám thì có thiết kế hàng rào bao quanh, không có hướng mở và chỉ phục vụ chủ yếu cho cư dân sống quanh đó.
Cuối tháng 12/2022, cuối cùng hàng rào đã được gỡ bỏ quanh Công viên Thống Nhất, biến công viên lớn nhất khu vực trung tâm của Thủ đô trở thành một không gian mở và miễn phí cho tất cả mọi người. Việc làm này dù muộn, nhưng thà muộn còn hơn không.
Để trở thành điểm đến của người dân
KGCC ngày càng trở thành một bộ phận cơ hữu, quan trọng của Hà Nội, nhất là sau khi đô thị này gia nhập vào mạng lưới các TP sáng tạo (2019).
KGCC không chỉ phản ánh trình độ văn minh của Hà Nội, mà còn đóng vai trò quan trọng thúc đẩy các mục tiêu tăng trưởng về kinh tế - văn hóa - xã hội của nó. Do đó, việc cải thiện, nâng cấp và mở rộng hệ thống KGCC chắc chắn là một trong những nhiệm vụ tiên quyết của Thủ đô trong lộ trình quy hoạch sắp tới.
Theo các chuyên gia về mặt nhận thức, KGCC phải được coi là một tài sản văn hóa, một hệ sinh thái văn hóa tạo ra sự bền vững của các mối quan hệ xã hội và các giá trị văn hóa đã được tích lũy, bồi đắp qua các thế hệ.
Đồng thời, cần có một sự thay đổi tư duy thiết kế KGCC. Mọi thiết kế cần dựa trên việc tham vấn ý kiến của cộng đồng tại chỗ vì họ là đối tượng thụ hưởng các giá trị của KGCC.
Mặt khác, cần thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong việc tái tạo hay mở rộng các KGCC. Nếu có cơ chế phù hợp, cộng đồng có thể hỗ trợ Nhà nước bằng nhiều cách khác nhau: ý tưởng, sức lao động và của cải.
Từ kinh nghiệm của quận Hoàn Kiếm, xã hội hóa các dự án phát triển KGCC là một cách vừa giảm chi phí ngân sách cho Nhà nước, vừa phát huy tối đa sức sáng tạo và nguồn lực vật chất của người dân.
Bên cạnh đó, chính quyền nên di dời toàn bộ các nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư và chuyển đổi phần lớn các khu vực sản xuất cũ thành KGCC.
Theo một khảo sát của Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG) năm 2020, có 98% số người dân được hỏi ủng hộ quyết định di dời của TP Hà Nội.
Cũng theo khảo sát này, đa số người dân được hỏi muốn nhà máy chuyển đi được thay bằng công viên (93%), cơ sở y tế (43%) hoặc cơ sở giáo dục (40%). Kết quả này phản ánh khao khát của người dân về một cuộc sống tốt đẹp hơn, trong lành hơn thông qua sự hiện diện nhiều hơn của các KGCC.
(Còn nữa)
KGCC đặc biệt quan trọng đối với đời sống văn hóa, nhất là với những đô thị chật chội và ngột ngạt, địa điểm này có vai trò như “chữa lành” cho sức khỏe tinh thần. Chính vì vậy, dù có diện tích nhỏ hẹp hay quy mô rộng lớn, những không gian này cần được kiến tạo để trở thành những không gian văn hóa thực thụ, môi trường văn hóa nuôi dưỡng tâm hồn cộng đồng, góp phần tạo nên một TP sống tốt và nhân văn; trong đó có vai trò không nhỏ của nghệ thuật công cộng.
PGS.TS Phạm Quỳnh Phương - Đại học Quốc gia Hà Nội