Hệ thống thủy lợi đang bị ô nhiễm nặng:

Bài 2: Vì sao hệ thống thủy lợi... chết dần?

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hệ thống các công trình thủy lợi trên địa bàn Hà Nội bị ô nhiễm nghiêm trọng có nguyên nhân chủ yếu đến từ việc nguồn nước bị xâm phạm. Xả thải tràn lan và không phép là những hành vi chính dẫn đến tình trạng này.

>>> Bài 1: Sống khổ bên những dòng kênh ô nhiễm

Điểm xả nước thải từ Cụm công nghiệp Bích Hòa (huyện Thanh Oai) vào hệ thống kênh dẫn nước của Xí nghiệp đầu tư phát triển thủy lợi La Khê. Ảnh: Trọng Tùng
Điểm xả nước thải từ Cụm công nghiệp Bích Hòa (huyện Thanh Oai) vào hệ thống kênh dẫn nước của Xí nghiệp đầu tư phát triển thủy lợi La Khê. Ảnh: Trọng Tùng

Gia tăng tình trạng xả thải trái phép

Theo số liệu từ 4 DN thủy lợi của Hà Nội, tính đến thời điểm điều tra gần nhất (cuối tháng 12/2021), các đơn vị đã thống kê được tổng cộng 1.889 điểm xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi. Trong đó, số lượng điểm xả thải dân sinh chiếm tới 1.007 điểm; còn lại 209 điểm xả thải công nghiệp; 48 điểm xả thải đô thị, bệnh viện; 48 điểm xả từ các làng nghề. Chăn nuôi và các loại hình khác đang phát sinh 577 điểm xả thải. Từ năm 2019 - 2021, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tham mưu UBND TP cấp 46 Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi. Ngoài ra, trên hệ thống công trình thủy lợi liên tỉnh thuộc địa bàn Hà Nội (sông Nhuệ, Cầu Bây, Bắc Đuống), ba năm gần nhất, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đã tiến hành cấp tổng số 45 giấy phép cho các tổ chức, đơn vị.

Như vậy có thể thấy, phần lớn các điểm xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi còn lại đều chưa được kiểm soát, không có giấy phép, hoặc chưa hoàn thiện thủ tục cấp phép xả thải lại theo quy định mới. Đáng chú ý khi cá biệt có những điểm xả thải được cấp phép, nhưng chất lượng nguồn nước vẫn không đảm bảo. Điển hình phải kể tới trường hợp của Cụm công nghiệp Bích Hòa (huyện Thanh Oai). Cụm công nghiệp này có tổng số 32 DN đang hoạt động, đã được cấp phép xả thải vào hệ thống kênh mương do Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy quản lý.

Giám đốc Ban Quản lý dự án cụm công nghiệp Bích Hòa Bùi Đình Dư cho biết, mỗi tháng đơn vị phải chi khoảng 200 triệu đồng cho công tác xử lý nước thải. Dù vậy, do công nghệ xử lý đã cũ nên chất lượng nguồn nước xả thải chưa bảo đảm. “Dự kiến tháng 7/2022 tới đây, đơn vị sẽ nâng cấp nhà trạm để bảo đảm chất lượng nguồn nước tốt hơn trước khi xả thải ra ngoài môi trường…” – ông Bùi Đình Dư cho hay.

Con số nguồn xả có thể còn lớn hơn

Theo đánh giá của Chi cục Thủy lợi Hà Nội, đối với các nguồn xả thải lớn, hầu hết đều tuân thủ khá nghiêm túc các quy định pháp luật trước khi đổ vào hệ thống kênh, mương. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước thủy lợi đến từ số lượng các cơ sở sản xuất manh mún, nhỏ lẻ dọc kênh, mương trên địa bàn TP hiện nay rất lớn.

“Số điểm xả thải được cấp phép chưa đúng với thực tế. Một số DN chưa chấp hành nghiêm quy định về xử lý nước thải, quan trắc chất lượng nguồn nước trước khi đổ vào hệ thống kênh, mương. Nhiều khu đô thị, khu dân cư tập trung cũng chưa quan tâm, xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung…” – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Đặng Anh Tuấn đánh giá.

Cũng theo đại diện Chi cục Thủy lợi Hà Nội, số liệu quản lý điểm xả thải chủ yếu mới thống kê được của các công ty, xí nghiệp, khu đô thị hay hộ chăn nuôi. Trong khi đó, phần lớn nguồn nước xả thải từ các cơ sở sản xuất, làng nghề, khu giết mổ gia súc, gia cầm và dân sinh vào hệ thống kênh, mương thường được thống kê thành điểm xả thải chung.

Bên cạnh đó, các điểm xả thải lớn, có tính chất chung cho cả thôn xóm, vùng dân cư rộng lớn thường không xác định được chủ thể xả thải cũng như quy mô, tính chất xả thải. Một số điểm xả thải vào hệ thống kênh tiêu, sông ngòi cũng chưa được thống kê vào danh mục hiện có của ngành nông nghiệp Hà Nội.

Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Thường Tín Lê Mạnh Hùng cho biết, thực tế hiện nay, lượng nước xả thải cũng mới chỉ được xác định đối với các trường hợp có cấp phép, còn lại các điểm xả thải khác chưa được xác định do không có căn cứ cũng như thiết bị quan trắc và kinh phí thực hiện. Đây là một trong những khó khăn trong quá trình quản lý Nhà nước về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.

Nhập nhằng trách nhiệm quản lý

Theo đánh giá của Sở TN&MT Hà Nội, tốc độ đô thị hóa nhanh, yêu cầu phát triển kinh tế đang làm gia tăng số vụ và mức độ vi phạm xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi. Quy hoạch tiêu thoát nước chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nên hệ thống tiêu thoát nước của TP, khu đô thị, khu công nghiệp, làng nghề hầu hết không được xử lý; thay vào đó, trực tiếp xả thải ra kênh, mương. Điều này làm ảnh hưởng đến năng lực thiết kế, thậm chí thay đổi nhiệm vụ thiết kế của công trình, đồng thời gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước.

Một nguyên nhân khác, theo Trưởng phòng Quản lý nước và công trình thủy lợi (Công ty TNHH Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội) Nguyễn Văn Hiện, là sự chồng chéo trong các văn bản pháp quy về quản lý môi trường nước, cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi giữa hai ngành TN&MT và NN&PTNT những năm trước đây. Điều này dẫn đến trách nhiệm quản lý nguồn nước trong công trình thủy lợi chưa rõ ràng; công tác thanh tra, kiểm tra chưa được thực hiện đầy đủ, và các chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe đối với các vi phạm.

Một yếu tố khác không thể không nhắc tới là ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ và khai thác nguồn nước trong công trình thủy lợi chưa cao, dẫn đến tình trạng vi phạm công trình thủy lợi diễn biến phức tạp. Tình trạng đổ nước, rác, phế thải xuống lòng dẫn kênh, mương còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, vai trò của chính quyền cơ sở trong việc xử lý các vi phạm chưa kiên quyết, nhiều địa phương thiếu coi trọng công tác này.

Điển hình là tại kênh Tiên Phương (huyện Chương Mỹ), người dân buôn bán, kinh doanh tại khu chợ trung tâm xã thường xuyên đổ rác thải vào hệ thống kênh dẫn nước. “Cứ vài tuần anh chị em công nhân lại phải bỏ tiền túi để thuê phương tiện vớt rác trên tuyến kênh nhằm bảo đảm lưu thông dòng chảy. Chúng tôi đã đề nghị UBND xã Tiên Phương tập trung tuyên truyền, xử lý nghiêm vi phạm. Tuy nhiên, kết quả thì “đâu vẫn hoàn đó”... ” – Đội phó Đội Thủy nông Phụng Châu (Xí nghiệp đầu tư phát triển thủy lợi Chương Mỹ) Hà Đức Khoát chia sẻ.

(Còn nữa)

 

Theo Nghị định số 104/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi xả nước thải trái phép vào hệ thống công trình thủy lợi sẽ bị phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với lưu lượng xả nhỏ hơn 5m3/ngày đêm; phạt tiền từ 30 đến 60 triệu đồng đối với lưu lượng xả trái phép từ 5m3/ngày đêm đến dưới 100m3/ngày đêm. Với lưu lượng xả thải trái phép từ 100m3/ngày đêm đến dưới 500m3/ngày đêm thì bị phạt từ 60 – 80 triệu đồng. Mức phạt cao nhất từ 80 – 100 triệu đồng ứng với lưu lượng xả thải trái phép trên 500m3/ngày đêm trở lên.

 

 

Chất lượng nước trên kênh mương suy giảm là tác nhân khiến hệ thống các sông nội địa và liên tỉnh đoạn qua Hà Nội bị ô nhiễm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc mực nước sông Hồng hạ thấp khiến nhiều tuyến sông chính như sông Nhuệ, sông Đáy, không được tiếp nguồn khiến khả năng tự làm sạch hạn chế. Nước thải ứ đọng gây ra ô nhiễm ngày một nghiêm trọng…

Trưởng phòng Thí nghiệm và tư vấn quản lý chất lượng nước, môi trường (Viện Quy hoạch Thủy lợi) Trịnh Xuân Hoàng