Nghĩa tình sâu nặng Việt Nam - Cuba:

Bài 2: Vọng gác tiền tiêu của chủ nghĩa xã hội ở Tây bán cầu

Theo baoquangtri.vn
Chia sẻ Zalo

Dưới sự lãnh đạo của người anh hùng dân tộc Hô-xê Mác-ti, những người yêu nước và Nhân dân Cuba đã bền bỉ chiến đấu lật đổ ách thống trị của bọn độc tài do Mỹ làm hậu thuẫn.

>>> Bài 1: Tình bạn thắm thiết giữa hai dân tộc

Đúng thời điểm ở miền Nam Việt Nam, Mỹ - Diệm câu kết thực hiện Luật phát xít 10/59, lê máy chém khắp miền Nam, bắt, giết, tống giam hàng vạn đảng viên cộng sản và người yêu nước vào các nhà lao khắc nghiệt, thì ở Cuba, chế độ độc tài Bati-xta cũng thi hành những thủ đoạn đàn áp dã man phong trào yêu nước và tiến bộ ở Cuba.

Dưới sự lãnh đạo của người anh hùng dân tộc Hô-xê Mác-ti, những người yêu nước và Nhân dân Cuba đã bền bỉ chiến đấu lật đổ ách thống trị của bọn độc tài do Mỹ làm hậu thuẫn.

Chủ tịch Cuba Phi-đen Cát-xtơ-rô phát biểu tại buổi mít tinh sáng 15/9/1973 tại Cao điểm 241 ở xã Cam Thành, huyện Cam Lộ -Ảnh tư liệu
Chủ tịch Cuba Phi-đen Cát-xtơ-rô phát biểu tại buổi mít tinh sáng 15/9/1973 tại Cao điểm 241 ở xã Cam Thành, huyện Cam Lộ -Ảnh tư liệu

Tiếp nối con đường của Hô-xê Mác-ti, ngày 26/7/1953, dưới sự chỉ huy của Phi-đen, 165 chiến sĩ yêu nước được lựa chọn, đã tấn công pháo đài Mônca-đa. Nhưng do chênh lệch quá nhiều về lực lượng, 61 người đã hy sinh và Phi-đen cùng nhiều chiến sĩ khác bị cầm tù. Trước tòa án phát xít, với lý lẽ đanh thép, Phi-đen được tuyên bố trắng án. Ông sang Mêhi-cô cùng các đồng chí chuẩn bị bổ sung lực lượng cách mạng.

Tháng 12/1956, con tàu Gran-ma đã đưa 82 chiến sĩ về Cuba phát động cuộc chiến tranh du kích và đã giành thắng lợi vào ngày 1/1/1959. Đó cũng chính là ngày ra đời Nhà nước Cộng hòa Cuba độc lập, có tên trên bản đồ mới của thế giới. Điên cuồng trước thất bại thảm hại này, Mỹ ráo riết vận động các thành viên trong Liên Hợp Quốc không công nhận Cuba, đồng thời thực hiện chính sách bao vây cấm vận triệt để đối với nhà nước non trẻ.

Ngày 7/2/1962, lệnh cấm vận được mở rộng với nhiều đạo luật hà khắc, trong đó có đạo luật đòi Cuba phải “dân chủ hóa và tôn trọng nhân quyền”. Liên Hợp Quốc đã nhiều lần tỏ thái độ lên án sự can thiệp của Mỹ vào nội bộ Cuba và đòi hỏi Mỹ phải bảo đảm tự do thương mại và hàng hải với Cuba.

Đặc biệt, năm 2008, tuyệt đại đa số các thành viên trong Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trừ Mỹ và các nước khác đã biểu quyết thúc giục Mỹ phải bãi bỏ việc phong tỏa kinh tế Cuba đã kéo dài gần nửa thế kỷ, làm cho đất nước Cuba gặp muôn vàn khó khăn trong việc xây dựng, phát triển đất nước, bảo đảm quyền sống con người.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Cuba, đứng đầu là Chủ tịch Phi-đen Cát-xtơ-rô, Nhân dân cả nước đồng tâm, hiệp lực thực thi nhiệm vụ cao cả là xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa ở Cuba, nhằm xóa bỏ áp bức, bất công, mang lại quyền bình đẳng, tự do, công bằng cho mọi người.

Điều đó làm cho những người lãnh đạo Nhà Trắng càng tức điên đầu vì trong ý thức của họ, cả châu Mỹ Latinh là “sân sau” phải tuân thủ cái “gậy chỉ huy” của họ; nay bỗng mọc lên một nước xã hội chủ nghĩa chỉ cách nước Mỹ 190 km giống như một cái gai trong mắt, do vậy họ phải tìm mọi cách tiêu diệt, là lẽ đương nhiên!

Người dân Cuba xuống đường, giương cao lá cờ để bày tỏ ủng hộ cuộc Cách mạng Cuba -Ảnh: TELESURENGLISH
Người dân Cuba xuống đường, giương cao lá cờ để bày tỏ ủng hộ cuộc Cách mạng Cuba -Ảnh: TELESURENGLISH

Cho dù với mọi dã tâm hèn hạ, từ năm 1959 đến nay, Cuba hiên ngang làm trọng trách cao cả là “tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa ở Tây bán cầu”. Tôi tâm đắc lời tâm sự của Bác Hồ khi nói chuyện với các bạn Cuba: “Việt Nam và Cuba cách xa nhau nửa vòng trái đất, vì vậy khi Cuba ngủ thì Việt Nam thức canh giấc ngủ cho Cuba; và ngược lại, khi Việt Nam ngủ thì Cuba canh giấc ngủ cho Việt Nam”. Chủ tịch Phi-đen đánh giá: “Đó là biểu tượng của thời đại”!

Sau thời điểm Liên Xô và Đông Âu sụp đổ năm 1991, Việt Nam cũng như Cuba đều gặp khó khăn chồng chất, nhưng cả hai Đảng, hai Nhà nước đều kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội với những bước đi và chính sách phù hợp với thực tiễn cách mạng từng nước.

Trong bối cảnh không còn phe xã hội chủ nghĩa, chỉ còn một số ít nước trên thế giới đi theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội với những đặc trưng của nước mình, thì những người tiến bộ trên thế giới đánh giá cao sự trụ vững của Cuba trước sức tiến công nhiều phía của các thế lực cơ hội, thù địch do Mỹ chỉ đạo và nuôi dưỡng.

Vậy là hơn 6 thập niên, vọng gác tiền tiêu của chủ nghĩa xã hội ở phía Tây bán cầu này vẫn tiếp tục trụ vững và hiên ngang. Tôi nhớ lại chuyến thăm Chi-lê của Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại - GS Nguyễn Văn Trân dẫn đầu vào tháng 3/2007, lúc dừng chân ở sân bay Ca-ra-rát, thủ đô của Vê-nê-duy-ê-la, Đoàn nhận được nhiều tin thú vị: Đúng lúc Tổng thống Mỹ G. Bush triển khai cuộc thăm 5 nước Bra-xin, U-ru-goay, Cô-lôm-bi-a, Goa-tê-ma-la và Mê-hi-cô, thì cũng thời điểm ấy, Tổng thống Vê-lêduy-ê-la Cha-vít (người bạn thân thiết của Cuba) thăm Ác-hen-ti-na, Bô-li-vi-a, Ni-ca-ra-goa và Cuba.

Đại sứ nước ta ở Vê-nê-duy-ê-la cho biết, mấy năm gần đây, cuộc đấu tranh của nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của các đảng cánh tả đã thu được nhiều thắng lợi quan trọng. Đặc biệt, việc xuất hiện một luận điểm đang thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu lý luận chính trị - xã hội trên thế giới, đó là “chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21” ở Mỹ Latinh. Lẽ tất nhiên, để hoàn thiện một luận thuyết và đưa nó vào cuộc sống để đi tới thành công là một quá trình đầy phức tạp và lâu dài vì sự chống phá điên cuồng của các thế lực phản cách mạng.

Tôi nhớ rõ, khi Mác và Ăng-ghen viết “Tuyên ngôn Đảng cộng sản”, các thế lực đế quốc coi đó là một “bóng ma” đã xuất hiện ở châu Âu, do vậy, chúng tìm mọi cách vu cáo xuyên tạc, bịa đặt và dập tắt. Nhưng chỉ hơn nửa thế kỷ sau, “bóng ma cộng sản” ấy đã hiện hình ở nước Nga sau cuộc Cách mạng Tháng Mười năm 1917 do Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích lãnh đạo.

Từ một nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, sau 1945, với chiến thắng hiển hách của Hồng quân Liên Xô, đập tan lực lượng phát xít Đức, hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới đã hình thành và phát triển.

Trong dòng chảy của lịch sử, với mỗi quốc gia, dân tộc và cả thế giới, đều có hiện tượng chung là gặp phải những thăng trầm, những “điểm nghẽn” tạm thời. Nhưng xu thế của thời đại hiện nay là hòa bình và hợp tác vẫn là dòng chảy chính chi phối thời đại. Vì vậy, chúng ta có quyền hy vọng vào sự trụ vững và đi lên của “quốc đảo tự do” tươi đẹp này của Cuba!

PGS.TS NGUYỄN HỒNG VINH 

(Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân)

--------

Bài 3: Đổi mới ở Cuba