80 năm cách mạng tháng 8 và Quốc Khánh
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Mùa nhum biển

Kinhtedothi - Ở Ba Làng An, cứ hè về là dân xóm chài lại rộn ràng kéo nhau ra gành đá săn nhum. Dưới nước, người đeo kính lặn tất bật tìm nhum; trên bờ, người hối hả tách thịt. Mùa này, dân làng chài gọi vui là mùa “lượm tiền” dưới đáy biển.

Trời vừa tang tảng sáng, người dân làng chài ở Ba Làng An (xã Đông Sơn, Quảng Ngãi) đã thức dậy trong tiếng sóng vỗ và vị mặn mòi của biển cả. Từ bãi đá, những chiếc thúng chai bắt đầu rẽ sóng, bóng người lặn thấp thoáng dưới mặt nước xanh thẳm. Mùa nhum biển lại về!

Ngư dân chèo thuyền thúng ra biển săn nhum.

Nhum biển, còn gọi là nhím biển hay cầu gai, từ lâu đã trở thành món quà đặc biệt mà biển cả ban tặng. Ở vùng này có hai loại phổ biến, gồm nhum sọ và nhum gai. Nhum sọ màu nâu, gai ngắn và mảnh, thịt béo ngậy, ít tanh nên được ưa chuộng. Nhum gai màu đen, gai dài và cứng, mùi nồng hơn nhum sọ.

Nhum trưởng thành có hình tròn dẹt, đường kính 8-10 cm, dày 3-4 cm, toàn thân phủ đầy gai dài 3-4 cm. Khi còn nhỏ, nhum tròn xoe như trái chôm chôm, gai li ti.

Toàn thân nhum phủ đầy gai dài, nhọn.

Nghề lặn bắt nhum xuất hiện ở Ba Làng An nhiều năm nay. Mùa nhum thường kéo dài từ tháng 2 đến tháng 8 hàng năm, nhưng ngon nhất, dày gạch nhất lại rơi vào tháng 7-8. Mỗi buổi sớm, nhiều ngư dân chèo thúng ra những gành đá, lặn sâu theo từng hốc đá để tìm nhum, có người thu về cả triệu đồng trong ngày.

Để săn được nhum, người thợ phải dầm mình hàng giờ dưới nước. Đồ nghề chỉ vỏn vẹn một cây sắt dài bẻ cong như lưỡi câu, chiếc kính lặn mờ đục và cái giỏ mây đeo bên hông. Họ lần tìm từng rạn đá ngầm ở độ sâu 15-20m, tay bám chặt vào mỏm đá sắc nhọn, mắt căng ra tìm nhum ẩn trong rong rêu. Thấy nhum, chỉ cần khẽ móc, nó tách ra khỏi đá và rơi vào giỏ.

Nghe thì đơn giản, nhưng cả buổi lặn lên lặn xuống hàng chục lượt, áp lực nước dồn lên lồng ngực, cộng thêm nguy cơ chuột rút, va vào đá hay bị gai nhum đâm… tất cả đòi hỏi sức khỏe, sự dẻo dai và cả kinh nghiệm dày dặn.

Ông Nguyễn Văn Đào, một trong những tay săn nhum kỳ cựu.

Ông Nguyễn Văn Đào (thôn Phú Quý) được xem là một trong số những tay săn nhum kỳ cựu nhất vùng. Gương mặt rám nắng hằn vết thời gian, đôi mắt ông vẫn ánh lên sự hồ hởi mỗi mùa nhum đến.

“Lặn nhum vất vả lắm. Cả buổi sáng không rời mặt nước, ăn uống cũng mang theo trên thuyền. Lặn lên lặn xuống mấy chục lượt mới đủ số lượng. Áp lực nước sâu không phải ai cũng chịu được. Gặp hôm biển động, dòng chảy mạnh, chỉ cần một lần chuột rút thôi là nguy hiểm. Mà nhum có gai nhọn, lơ là chút là bị đâm, ê buốt mấy ngày” - ông chia sẻ.

Phần thịt nhum vàng ươm, tươi rói ẩn trong lớp vỏ xù xì đầy gai.

Những giỏ nhum sau khi được đưa vào bãi rạng liền được nhóm phụ nữ trong thôn sơ chế ngay. Bà Nguyễn Thị Hà khéo léo cầm dao, nhẹ nhàng rạch từng con nhum, nạo lấy phần thịt vàng ươm - tinh túy nhất của loài nhum. Bà vừa làm vừa cẩn thận rửa nhum bằng nước biển để giữ độ tươi.

“Nhum bắt lên phải làm liền, để lâu là hỏng. Nạo thịt phải nhẹ tay, dính ruột hay gân máu thì coi như bỏ” - bà Hà cho hay.

Những nhóm người săn nhum ấy, từ cánh đàn ông da nâu giòn rám nắng lặn ngụp dưới biển cho đến những người phụ nữ tay thoăn thoắt bên bãi rạng, đều mang dáng dấp của những phận người lam lũ mà hiền hòa.

Giữa cái nắng gắt và mùi biển mặn mòi, họ vẫn trò chuyện rôm rả, chia sẻ công việc cho nhau, không chút nặng nề, toát lên sự chất phác của dân chài gắn bó trọn đời với biển.

Phần thịt nhum được làm sạch, cung cấp cho các hàng quán để chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn.

Những con nhum lớn, nguyên vẹn, thường được xử lý bớt phần gai bên ngoài để bán cho các hàng quán nướng mỡ hành hoặc ăn cùng mù tạt. Số nhum nhỏ hơn được làm sạch phần thịt và bán với giá khoảng 300.000 đồng/kg, cũng dùng chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như cháo nhum, gỏi nhum hay chả nhum - những món ăn cung cấp nhiều năng lượng, giúp hồi phục sức khỏe nhanh, trở thành đặc sản níu chân du khách.

Ba Làng An là mũi đất được tạo ra từ những trầm tích của nham thạch đổ tràn thoải dần theo hướng biển. Danh thắng này trước kia thuộc xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), nay thuộc xã Đông Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) sở hữu cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ, được ví như đảo Lý Sơn nơi đất liền Quảng Ngãi. Đây cũng là nơi thu hút rất đông khách du lịch gần xa đến tham quan, trải nghiệm.

Cảnh hùng vĩ, nên thơ ở Ba Làng An.

Trên bờ, nắng dát vàng mặt biển, từng đợt sóng vỗ nhẹ vào ghềnh đá. Du khách vừa thưởng ngoạn cảnh biển hoang sơ,vừa tìm thưởng thức hương vị nhum biển béo bùi, thơm ngậy.

Còn với ông Đào và bao ngư dân nơi đây, mùa nhum không chỉ mang về thu nhập khá, mà còn là cả một mùa lao động rộn ràng, gắn với niềm tự hào về nghề biển đã nuôi sống biết bao thế hệ.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Dứa rừng lim - đặc sản ngọt lành của miền quê Đạo Trù

Dứa rừng lim - đặc sản ngọt lành của miền quê Đạo Trù

25 Jun, 12:42 PM

Kinhtedothi - Từ một loại cây trồng quen thuộc, phổ biến với nhiều địa phương khác, nhưng dưới tán rừng lim bạt ngàn của xã Đạo Trù (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc), cây dứa đã “hóa thân” thành một đặc sản độc đáo mang tên gọi dân dã dứa rừng lim.

Khẳng định bản lĩnh chính trị và trách nhiệm xã hội

Khẳng định bản lĩnh chính trị và trách nhiệm xã hội

01 May, 04:55 AM

Kinhtedothi - Một thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Báo chí Cách mạng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, vị thế của báo chí và người làm báo được tiếp tục khẳng định. Đây là bước phát triển rất đáng tự hào của báo chí cách mạng - đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa.

Múa lân-sư-rồng để góp phần gìn giữ văn hóa dân tộc

Múa lân-sư-rồng để góp phần gìn giữ văn hóa dân tộc

31 Mar, 03:43 PM

Kinhtedothi – Với đam mê múa lân-sư-rồng, từ năm 10 tuổi ông đã tham gia đoàn lân-sư-rồng Tinh Anh Đường của người dượng. Đến khi thành lập hẳn đoàn lân-sư-rồng của riêng mình, ông đã cưu mang, dạy dỗ hàng nghìn thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn, nghiện ngập… trở thành người có ích cho xã hội.

Chứa chan tình cảm, đong đầy  hơi ấm từ đất liền

Chứa chan tình cảm, đong đầy hơi ấm từ đất liền

25 Jan, 06:34 AM

Kinhtedothi - Đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp giáp Tết Nguyên đán, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân tổ chức các đoàn cán bộ đi thăm, kiểm tra, chúc mừng năm mới cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DKI và các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ