Bài 3: Nhận diện và cảnh báo người lao động bị lừa qua CPC làm việc!

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi đào thoát hoặc được giải cứu từ những “trại buôn người” bên đất Campuchia, các nạn nhân đã gửi gắm tâm tư là không tin vào những lời dụ dỗ “việc nhẹ, lương cao”.

Người trong cuộc nói gì?
Sau khi được giải cứu từ “trại lao động” của bọn buôn người, nạn nhân Nguyễn Anh Kiệt, thổ lộ: “Qua sự việc của bản thân, em mong các bạn cùng trang lứa với em đừng bao giờ tin những lời dụ dỗ việc nhẹ, lương cao, mà không cần hồ sơ xin việc. Đặc biệt, nếu họ rủ sang Campuchia làm việc thì hãy xác định ngay là mình sẽ bị bán. Em mong các bạn hãy thật cảnh giác để đừng trở thành nạn nhân của bọn buôn người, để rồi sau khi bị bán vào trại lao động bên Campuchia, mình bị bắt buộc phải làm công việc lừa đảo là gọi điện, nhắn tin qua các app để lừa chính người Việt Nam. Em cũng mong Công an và Đại sứ quán Việt Nam phối hợp với nước bạn Camphuchia giải cứu thêm nhiều nạn nhân cũng bị bán như em”.

Nạn nhân Nguyễn Anh Kiệt (bên phải) mong mỏi đừng ai tin vào lời dụ dỗ "việc nhẹ, lương cao".
Nạn nhân Nguyễn Anh Kiệt (bên phải) mong mỏi đừng ai tin vào lời dụ dỗ "việc nhẹ, lương cao".

Còn em Dương Văn Vũ, nói: “Không nên tin tưởng bất cứ ai kể bạn bè nếu họ rủ mình sang Campuchia làm việc tại casino hoặc cho rằng chỉ cần biết đánh máy nhưng lương cao. Một người bạn khi còn ở Việt Nam có thể có mối quan hệ tốt, nhưng khi qua đến Campuchia, họ bị đồng tiền chi phối, khiến người ta rủ lòng tham và sẵn sàng dụ dỗ để bán luôn anh em, bạn bè nhằm trục lợi cho bản thân họ. Người mà em xem là “bạn” rủ em sang casino làm thực ra em chỉ quen trên mạng xã hội, chỉ biết nó sống trong khu nhà người Trung Quốc, đến nay vẫn không biết chính xác nó là ai. Từ việc em qua Campuchia làm trong casino, ba em không nhìn nhận em nữa”.

Còn ông Đoàn Minh kể: “Qua sự việc của gia đình tôi, mong bà con cô bác cảnh giác, quan tâm quản lý con em mình. Sai lầm lớn nhất của con em mình là không biết công ty ở đâu nên bị lừa. Bọn buôn người lừa bằng nhiều phương thực, trong đó có cách điều vào tỉnh nào đó tại miền Nam. Sau đó chúng nói làm ở chi nhánh công ty chỉ từ 500 - 600 USD/tháng, nếu làm ở công ty chính ở gần cửa khẩu sẽ có mức trên 1.000 USD/tháng, lúc này nạn nhân đành nghe và đi theo, vì đã lỡ vào Nam trong khi không có bà con họ hàng. Đặc biệt bọn buôn người thường chở nạn nhân đi vào tầm 8 - 9 giờ tối, nên không thể biết đâu là đất Việt Nam, đâu là dất Campuchia. Do đó nếu gặp trường hợp đang đi ô tô mà chúng yêu cầu xuống chuyển qua xe máy thì hãy nhảy xe bỏ chạy bằng mọi cách, vì một khi đã bị đưa vô trại buôn người bên đất Campuchia do Trung Quốc thuê thì không có đường về”.

Một số thủ đoạn của bọn buôn người

Trước thực trạng nhiều người dân tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành lân cận bị lừa bán sang Campuchia trong thời gian qua, sau đó bị các đối tượng đòi tiền chuộc. Công an TP Hồ Chí Minh đưa ra nhận định các đối tượng trong đường dây mua bán người thường lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của một số người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người dân có hiểu biết hạn chế, gia đình khó khăn, thiếu việc làm, thanh niên ăn chơi, đua đòi và các em có tư tưởng muốn thoát ly công việc vất vả, muốn đổi đời…, để từ đó các đối tượng mua bán người lừa gạt. Các đối tượng trong những đường dây buôn người thường hứa hẹn tìm việc làm có thu nhập cao, môi giới kết hôn, môi giới nhận con nuôi, rủ đi du lịch…, rồi bán ra nước ngoài để trục lợi.

Thượng tá Lê Mạnh Hà hướng dẫn người dân khi phát hiện vụ việc buôn người, hãy đến cơ quan công an gần nhất cung cấp thông tin.
Thượng tá Lê Mạnh Hà hướng dẫn người dân khi phát hiện vụ việc buôn người, hãy đến cơ quan công an gần nhất cung cấp thông tin.

Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, khi công nghệ và mạng xã hội phát triển, các đối tượng thường làm quen, tiếp cận từ xa, hướng dẫn người dân, nạn nhân rơi vào cạm bẫy mua bán người. Gần đây nhiều trang mạng xã hội rao tuyển người sang Campuchia làm việc với mức lương cao, được bao ăn ở. Các đối tượng buôn người thường đưa ra các điều kiện rất dễ dàng, như chỉ cần biết đánh máy, có giọng nói tốt thì lương sẽ cao nhằm làm cho nạn nhân tin tưởng.

Khi đã lừa được nạn nhân, đối tượng buôn người tập hợp lại rồi đưa sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch. Sau khi qua đến Campuchia, nhóm buôn người sẽ yêu cầu nạn nhân phải trả một số tiền đền bù về chi phí đi lại, ăn ở để từ đó khống chế nạn nhân. Khi đã bị lừa bán, nạn nhân bị bóc lột sức lao động, bị xâm hại tình dục, bị đòi tiền chuộc hoặc bị bán qua nhiều nơi.  

Theo thượng tá Lê Mạnh Hà, tình trạng tội phạm buôn bán người là vấn đề nhức nhối được thế giới và Việt Nam quan tâm từ lâu. Việt Nam cũng đã ban hành Luật phòng, chống mua bán người, có hiệu lực từ ngày 1/1/2012. Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 cũng đã quy định rõ loại tội phạm buôn người tại các điều 150, 151 và 152.

“Do đó khi có sự việc con em mình bị lừa bán, bà con cần liên hệ cơ quan công an gần nhất để cung cấp những thông tin về đặc điểm, hình ảnh, thời gian, địa điểm, phương thức của đối tượng để cơ quan công an có cơ sở thuận lợi trong việc điều tra, hỗ trợ, giải cứu nạn nhân”, thượng tá Lê Mạnh Hà hướng dẫn.

 

Nạn nhân thường bị nhốt trong các nhà cao tầng, khu biệt lập

Là người đã từng nhiều lần cùng đồng đội tự bỏ tiền túi để sang Campuchia giải cứu các nạn nhân bị lừa bán. "Hiệp sĩ" Nguyễn Thanh Hải (Bình Dương) cho biết, hầu hết các nạn nhân sau khi qua Campchia làm việc theo lời dụ dỗ “việc nhẹ, lương cao” đều bị giam lỏng trong các khu nhà cao tầng hoặc khu xưởng biệt lập với tường rào bao quanh do người Trung Quốc quản lý.

“Để bà con cảnh giác không bị mắc bẫy rồi trở thành nạn nhân của những băng nhóm buôn người. Thiết nghĩ tại các địa phương thường xuyên tuyên truyền thông qua các buổi họp tổ dân phố, phát thanh trên loa, hoặc dán khuyến cáo của cơ quan công an tại những nơi đông người để bà con biết thông tin” - "hiệp sĩ" Nguyễn Thanh Hải nói.