Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dạy thêm – học thêm: Quản thế nào cho trúng và đúng?

Bài 3: Quy định lỗi thời

Quý Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – 11 năm sau khi Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT về dạy thêm - học thêm có hiệu lực thi hành nhưng thực tế, hoạt động này phần lớn vẫn là tự phát, mạnh ai nấy làm. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là bởi nhiều quy định tại thông tư đã không còn phù hợp.

Quy định chỉ là… quy định

Dù được nhắc đến nhiều nhưng hiện hoạt động dạy thêm, học thêm chỉ được quy định tại Thông tư 17.

Theo đó, dạy thêm, học thêm là hoạt động dạy học phụ thêm có thu tiền của người học, có nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông nhưng ngoài kế hoạch giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông do Bộ GD&ĐT ban hành.

Nhiều quy định của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT về dạy thêm học thêm đã không còn phù hợp (Ảnh minh họa)
Nhiều quy định của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT về dạy thêm học thêm đã không còn phù hợp (Ảnh minh họa)

Thông tư diễn giải học thêm trong nhà trường và ngoài nhà trường.

Hoạt động dạy thêm, học thêm phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản: Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh; tuyệt đối không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa...

Có nhiều trường hợp dạy thêm, học thêm bị nghiêm cấm, đó là: Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học (trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống).

Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông. Giáo viên trường công lập không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của hiệu trưởng.

Soi vào thực tế, các điều cấm trong thông tư gần như không còn tác dụng bởi học sinh học 2 buổi/ngày, học sinh tiểu học vẫn học thêm và giáo viên vẫn tổ chức các lớp dạy thêm.

Trong các nhà trường, học sinh cuối cấp tham gia học một số môn văn hóa tăng cường để chuẩn bị thi lớp 10, thi tốt nghiệp THPT vẫn diễn ra theo hình thức tự nguyện. Với các cấp học từ mầm non đến phổ thông, việc chèn các môn tiếng Anh, robotics… vào lịch học chính khóa cũng là hiện tượng học thêm phổ biến được dư luận xã hội quan tâm thời gian gần đây.

Cần sớm cập nhật thông tư

Hiện hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường diễn ra sôi động và dưới nhiều hình thức khác nhau: dạy ở trung tâm, câu lạc bộ do các nhóm thầy cô tập hợp tổ chức, do phụ huynh tổ chức mời giáo viên dạy; dạy tại nhà thầy, cô giáo, dạy và học online...

Trước đây, Viện Nghiên cứu Giáo dục từng thực hiện nghiên cứu và chỉ ra những nguyên nhân khiến phụ huynh muốn cho con học thêm gồm: con học yếu; con chuẩn bị thi cuối cấp và vào đại học; muốn vào trường chuyên, trường điểm; học thêm để được điểm cao; do chương trình ở trường bị cắt xén. Hiện nay, còn thêm một lí do khác, đó là để cô quản hộ con.

Qua khảo sát có thể thấy, hình thức dạy và học thêm tại trung tâm/câu lạc bộ thu hút đông đảo học sinh vì được tổ chức chuyên nghiệp với lực lượng giáo viên chất lượng, có giáo trình, có lộ trình, có kiểm tra thường xuyên và đáp ứng nhu cầu đa dạng của học sinh, phụ huynh.

Tháng 9/2019, Bộ GD&ĐT ban hành công bố 8 điều trong Thông tư 17 hết hiệu lực, gồm các quy định về tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường; các yêu cầu với người tổ chức, cơ sở vật chất dạy thêm và những thủ tục, thẩm quyền cấp phép… Các điều khoản còn lại của Thông tư vẫn là cơ sở để quản lý hoạt động này.

Chia sẻ với báo chí, Thạc sĩ Hồ Sỹ Anh, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục (Viện Nghiên cứu Giáo dục, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh) thẳng thắn cho rằng, đến nay Thông tư 17 không nắm bắt được nhu cầu thực tế, dẫn đến các quy định không phù hợp, không quản lý nổi các biến tướng phát sinh liên quan đến hoạt động dạy thêm học thêm.

Quy định tại Thông tư còn dẫn đến nhiều địa phương triển khai không thống nhất và lúng túng trong quản lý. Đơn cử, giữa năm 2016, TP Hồ Chí Minh đột ngột quyết định cấm dạy thêm trong nhà trường, sau đó phải khôi phục lại hoạt động này khi nhận thấy lệnh cấm được đưa ra chưa đúng tinh thần quy định hoặc cũng có những địa phương thông báo ngừng cấp phép dạy thêm ngoài nhà trường….

Từ nhiều vấn đề bất cập và không tương thích giữa quy định và thực tế, nhiều năm nay, các địa phương và lực lượng không nhỏ giáo viên đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu, sớm ban hành quy định mới về dạy thêm, học thêm để việc quản lý hoạt động này được tổ chức đồng bộ, thống nhất.

Thông tư 17 cần được xem xét toàn diện, thấu đáo giúp giải quyết được nhiều vấn đề, trong đó có việc giải tỏa tâm tư của giáo viên", cô Nguyễn Thị Tâm, giáo viên một trường THCS quận Thanh Xuân đề đạt.