Bài 4: Những giải pháp để tôi luyện cán bộ - Ảnh 1

Thời gian qua, TP Hà Nội tiếp tục triển khai nhiều giải pháp căn cơ, sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng các khâu của công tác cán bộ, trong đó ưu tiên tập trung vào những khâu quan trọng, có tính chất đột phá. Đặc biệt Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước đã đưa ra khung nhận diện một số biểu hiện trong việc vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc. Cùng với đó, siết chặt kỷ cương, kỷ luật, kiên quyết thay thế, điều chuyển cán bộ, nhất là người đứng đầu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Video: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng quán triệt một số nội dung trong Chỉ thị số 24-CT/TU của Thành ủy.

Bài 4: Những giải pháp để tôi luyện cán bộ - Ảnh 2

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn về các vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 12 HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, Hà Nội sẽ tiếp tục quyết liệt đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành. Đồng thời thường xuyên kiểm điểm tiến độ, chất lượng triển khai thực hiện; chỉ rõ trách nhiệm từng tập thể, cá nhân và kịp thời có giải pháp khắc phục tồn tại, chậm trễ. Trong đó, TP cũng đã lựa chọn những việc khó còn tồn tại nhiều năm để tập trung tháo gỡ nhằm khơi thông nguồn lực phát triển Thủ đô như Đề án xử lý các dự án có sử dụng đất vốn ngoài ngân sách, Đề án cải tạo chung cư cũ, triển khai Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô…

Bài 4: Những giải pháp để tôi luyện cán bộ - Ảnh 3

Chủ trương, quan điểm đó chuyển hóa thành hành động đã tạo ra hiệu quả rõ rệt. Cụ thể như Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2011, đi qua 14 huyện của các tỉnh, TP gồm Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Đây là một trong những dự án lớn, có ý nghĩa chiến lược, thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận. Ngày 25/6/2023, Dự án chính thức được khởi công xây dựng. Sau 5 tháng triển khai, theo đại diện Ban Quản lý dự án các công trình giao thông Hà Nội, hiện Dự án đã phê duyệt và thu hồi đất được hơn 700ha, đạt 91,81%. Ban Quản lý dự án đã nhận hơn 600ha, đạt 90,02% so với diện tích đất đã thu hồi giải phóng mặt bằng. Có được kết quả này là sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ TP đến cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động người dân, nhanh chóng giải quyết những vướng mắc để giải phóng mặt bằng phục vụ thi công.

Bài 4: Những giải pháp để tôi luyện cán bộ - Ảnh 4

Một ví dụ điển hình là trường hợp ông Hà Văn Quyết - Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Kim Tiền, xã Kim Hoa, huyện Mê Linh. Là một trong 5 thôn của xã Kim Hoa có dự án đường Vành đai 4 đi qua, thôn Kim Tiền có 3,2ha đất của 53 hộ gia đình và 24 ngôi mộ nằm rải rác ở các xứ đồng thuộc diện phải di dời, giải phóng mặt bằng. Riêng gia đình Bí thư Chi bộ thôn Kim Tiền Hà Văn Quyết có 2.400m2 diện tích đất đang canh tác, cho giá trị thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm cũng thuộc diện phải thu hồi. Tuy nhiên, hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của dự án đường Vành đai 4, gia đình ông đã tiên phong bàn giao 100% diện tích, trong đó có cả những hạng mục không nhận được bồi thường. Bên cạnh đó, với vai trò Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn, ông đã đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà vận động bà con hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án và đồng thuận triển khai dự án. Nhờ tinh thần nêu gương của ông, 53 hộ dân thôn Kim Tiền nhanh chóng ký vào biên bản bàn giao đất cho Nhà nước.

Bài 4: Những giải pháp để tôi luyện cán bộ - Ảnh 5

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Hoa Lê Văn Hùng - Tổ trưởng Tổ công tác giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô của xã Kim Hoa cho biết: “Đội ngũ cán bộ cơ sở như Bí thư Chi bộ thôn Kim Tiền Hà Văn Quyết đã thực sự lăn lộn, sâu sát, gương mẫu nên tạo được sự ủng hộ, đồng thuận của người dân. Nhờ đó đến nay, xã đã bàn giao mặt bằng đạt trên 97% diện tích và phấn đấu hoàn thành toàn bộ trong tháng 12/2023”.

Bài 4: Những giải pháp để tôi luyện cán bộ - Ảnh 6

Không chỉ với đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, trong năm 2023 TP Hà Nội cũng lựa chọn rất nhiều việc khó để tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương vào cuộc tháo gỡ. Trong đó TP đã tiến hành rà soát đối với 712 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách, có sử dụng đất nhưng chậm triển khai trên địa bàn, đến tháng 7/2023, 419/712 dự án đã được xử lý; còn lại 293/712 dự án, UBND TP xác định sẽ tập trung xử lý xong trong năm 2023. Thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-HĐND về vấn đề nêu trên, Sở TN&MT được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp cùng Sở Nội vụ tham mưu, báo cáo xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân chậm, không thực hiện nhiệm vụ được giao, không có ý kiến làm rõ các nội dung, nguyên nhân tổ chức sử dụng đất chậm đưa đất vào sử dụng, thiếu chủ động, để kéo dài tồn động các nội dung nêu trên, báo cáo kết quả vào ngày 25 hàng tháng.

Bài 4: Những giải pháp để tôi luyện cán bộ - Ảnh 7

Nhằm siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, Hà Nội đã duy trì Tổ công tác kiểm tra, theo dõi và đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của UBND TP, Chủ tịch UBND TP; thường xuyên rà soát, đôn đốc nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc TP. Hoạt động này đã thay đổi căn bản về khối lượng, tiến độ, chất lượng, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị; số hồ sơ chậm muộn giảm… Từ đó giúp cho việc đánh giá năng lực đội ngũ cán bộ các cấp hàng tháng chính xác và sát với thực tế.

Bài 4: Những giải pháp để tôi luyện cán bộ - Ảnh 8

Nhờ quyết tâm trong tháo gỡ những việc khó, khâu yếu, giải quyết các điểm nghẽn, Hà Nội đã thực sự tạo ra động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị lần thứ 14, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII ngày 24/11/2023, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng biểu dương những kết quả mà TP đã đạt được với 18/23 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội dự kiến đạt kế hoạch đề ra, trong đó 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá, ước đạt 6,11%, thu ngân sách trên địa bàn dự kiến đạt 400.421 tỷ đồng, đạt 113,5% dự toán, tăng 20% so với thực hiện năm 2022…

Bài 4: Những giải pháp để tôi luyện cán bộ - Ảnh 9

Song hành với việc thực hiện nghiêm các quy định của Trung ương về kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, ngày 7/8/2023 Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP Hà Nội. Trong đó kiên quyết, kịp thời thay thế, điều chuyển cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, năng lực yếu, chưa chấp hành nghiêm sự chỉ đạo, điều hành của cấp trên, vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc…

Bài 4: Những giải pháp để tôi luyện cán bộ - Ảnh 10

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, qua nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chủ động, sáng tạo. Trong đó, xác định đúng trọng tâm, trọng điểm, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền và đã đạt được kết quả khá toàn diện. Một số việc lớn có tính chiến lược, việc khó, tồn tại từ nhiều năm của TP đã được lựa chọn để giải quyết, bước đầu đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, gần đây, trong tham mưu, xử lý công việc của nhiều cá nhân cán bộ, công chức, viên chức đã bộc lộ những hạn chế, yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Để khắc phục những hạn chế tồn tại nêu trên, yêu cầu các cấp, ngành phải đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, bảo đảm vừa toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm gắn với quy trình hóa, cá thể hoá, cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong phân công và thực thi nhiệm vụ, trong từng khâu của quy trình xử lý công việc.

Bài 4: Những giải pháp để tôi luyện cán bộ - Ảnh 11

Đặc biệt, “Hà Nội là địa phương đầu tiên đưa ra khung nhận diện một số biểu hiện trong việc vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc, điều đó thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị TP" - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh.

Ở cấp cơ sở, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mê Linh Lỗ Xuân Hòa chia sẻ: Chỉ thị số 24-CT/TU được ban hành đúng, trúng, kịp thời đã và đang tạo ra nhận thức mới trong hệ thống chính trị về kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm, giúp nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý của huyện Mê Linh.

Bài 4: Những giải pháp để tôi luyện cán bộ - Ảnh 12

Đây là lần đầu tiên một Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy  Hà Nội ban hành kèm theo phụ lục gợi ý với 25 biểu hiện vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc của cán bộ. “Đối với cá nhân, những gợi ý biểu hiện này có tác dụng như chiếc gương để mỗi người tự soi, tự sửa hằng ngày. Đối với các cơ quan, đơn vị, đây là cơ sở để đối chiếu, kiểm điểm, khắc phục những tồn tại, hạn chế từ sớm, từ xa. Chỉ thị số 24-CT/TU như "liều thuốc" trị các bệnh: đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, sợ va chạm, xuôi chiều, "dĩ hòa vi quý" dẫn đến chất lượng công việc không cao, ảnh hưởng đến sự phát triển chung” - ông Lỗ Xuân Hòa nhận định.

Bài 4: Những giải pháp để tôi luyện cán bộ - Ảnh 13

Bên cạnh đó, công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức của TP Hà cũng có nhiều đổi mới; trách nhiệm của người đứng đầu trong đánh giá, phân loại cán bộ, công chức được đề cao. Kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao chiếm tỷ trọng lớn trong quá trình đánh giá; mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu được gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của tập thể. Hiện nay, 100% các cơ quan, đơn vị thuộc TP Hà Nội đã triển khai giao việc, theo dõi tiến độ thực hiện và mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trên phần mềm điện tử và đó làm căn cứ để đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức hàng tháng…

Bài 4: Những giải pháp để tôi luyện cán bộ - Ảnh 14

Thời gian tới, TP tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành theo phương châm 3 rõ: “Rõ quy trình giải quyết, tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc; Rõ thẩm quyền, trách nhiệm; Rõ kết quả kiểm tra, đôn đốc và xử lý người đứng đầu trong thực thi công vụ”. Đồng thời thường xuyên giám sát, kiểm điểm tiến độ, chất lượng triển khai thực hiện; chỉ rõ trách nhiệm từng tập thể, cá nhân và kịp thời có giải pháp khắc phục tồn tại, chậm trễ.

(còn nữa)

Bài 4: Những giải pháp để tôi luyện cán bộ - Ảnh 15

07:00 04/12/2023