Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiếp bài Bãi rác Nam Sơn - Những nút thắt cần tháo gỡ

Bài 4: Phát triển hạ tầng vẫn nhiều khó khăn

Vân Nhi - Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để tạo điều kiện phát triển KT-XH, ổn định đời sống cho người dân vùng ảnh hưởng môi trường từ Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, UBND TP Hà Nội đã bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng tại 3 xã: Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ.

Bài 1: Còn đó... những nỗi lo

Bài 2: Thiếu mặt bằng sạch, dự án xử lý rác thải đi vào bế tắc

Bài 3: Dự án cấp bách cũng… lỡ hẹn

Đến nay, nhiều dự án đã hoàn thành, được đưa vào sử dụng. Song, vẫn không ít các dự án, đặc biệt là dự án nhà tái định cư vẫn gặp không ít những khó khăn vướng mắc.

Dự án di dân chậm tiến độ

Theo thông tin từ UBND huyện Sóc Sơn, để đảm bảo cuộc sống của người dân khu vực bãi rác Nam Sơn, huyện được giao là 78 dự án, trong đó có 6 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2011 - 2015. Hiện, tổng số vốn đã được huyện Sóc Sơn giải ngân để thực hiện các dự án hạ tầng phục vụ người dân 3 xã nêu trên là 1.284 tỷ đồng. Trong đó, vốn giải ngân từ đầu năm 2022 đến nay là 18 tỷ đồng. Các dự án đã triển khai và bàn giao đưa vào sử dụng là 60. Trong đó, có 8 dự án trường học, 2 dự án y tế, 11 dự án văn hóa, 21 dự án đường giao thông, 17 dự án thủy lợi và 1 dự án hạ tầng thoát nước.

Khu tái định cư xã Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn) đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật.
Khu tái định cư xã Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn) đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật.

Từ đầu năm 2022 đến nay, huyện Sóc Sơn đã khởi công 6 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục và cấp, thoát nước. Hiện nay, có 13 dự án đang triển khai thi công, cụ thể gồm: 3 dự án về giáo dục, 6 dự án lĩnh vực giao thông và 4 dự án phục vụ tái định cư. Đối với 9 dự án về giáo dục và giao thông, hiện nay tiến độ vẫn bảo đảm. Riêng các dự án về giáo dục có thể bàn giao trong năm 2022.

Việc nhiều dự án hoàn thành đã góp phần cải thiện cuộc sống cho hàng vạn hộ dân thuộc 3 xã: Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ. Tuy nhiên, giải pháp quan trọng nhất và căn cơ về lâu dài vẫn là di dân, tái định cư để ổn định cuộc sống của người dân về lâu dài. Dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 0 - 500m từ Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn kết hợp trồng cây xanh tạo hành lang cách ly, được UBND TP Hà Nội phê duyệt nhằm hướng tới mục tiêu trên.

Dự án có tổng diện tích giải phóng mặt bằng gần 395ha, bao gồm phần lớn là đất nông nghiệp (165,3ha), đất ở và vườn ao liền kề (102ha); ngoài ra còn có đất lâm nghiệp 57,4ha; đất giao thông thuỷ lợi 26,74ha; đất xen kẹt, cắt xén 14,81ha. Đặc biệt còn có 28,52ha đất quốc phòng thuộc Trung đoàn 165 quản lý sử dụng. Diện tích đất nêu trên liên quan đến 2.136 hộ dân (trong đó có 1.224 hộ dân phải di chuyển đất ở).

Thực tế diện tích gần 395ha thuộc dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 0 - 500m có 63,44ha trùng lặp của hai dự án. Ngoài ra, còn có 57,4ha diện tích lâm nghiệp chỉ có tài sản cây rừng, không khó khăn cho giải phóng mặt bằng và sẽ được thu hồi sau để bảo đảm công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Chính vì vậy, diện tích cần giải phóng mặt bằng thực tế còn lại là 269,63ha.

Đại diện UBND huyện Sóc Sơn cho biết, đến nay, địa phương đã thực hiện giải phóng mặt bằng được 113,56/269,63ha (đạt 42,1% tổng diện tích cần thu hồi). Trong năm 2022, huyện phấn đấu giải phóng mặt bằng được thêm 127,53ha. Song, đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp TP Hà Nội cung cấp cho huyện toàn bộ hồ sơ tài liệu liên quan đến công tác đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (giai đoạn I) thực hiện từ năm 1999 - 2002, để phục vụ công tác lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án di dân bán kinh 0 - 500m.

"Hiện, địa phương đang gặp vướng mắc khác liên quan đến giải phóng mặt bằng diện tích thuộc quản lý của Trung đoàn 165. Việc hoàn trả công trình quốc phòng cho Trung đoàn 165 vẫn chưa thể thực hiện được do chưa có vị trí, chưa có cơ chế, chính sách thực hiện. Do đó, UBND huyện Sóc Sơn nhận định mục tiêu giải phóng mặt bằng 28,52ha thuộc quản lý của Trung đoàn 165 sẽ rất khó hoàn thành trong năm 2024" - đại diện UBND huyện Sóc Sơn cho hay.

Khó khăn công tác tái định cư

Được biết, một trong những khó khăn mà huyện Sóc Sơn đang gặp phải liên quan đến các dự án tái định cư. Cụ thể, dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư xã Hồng Kỳ hiện còn 1.594m2 cần giải phóng mặt bằng. Hai dự án tái định cư khác tại xã Bắc Sơn cũng cần giải phóng mặt bằng tổng diện tích hơn 8.000m2. Huyện đang cố gắng để có thể hoàn thành giải phóng mặt bằng trong tháng 5/2022. Hiện, huyện Sóc Sơn đã thi công hoàn thành phần diện tích có mặt bằng của dự án tại xã Hồng Kỳ; đồng thời, giao đất tái định cư ngoài hiện trường cho 9 hộ dân đủ điều kiện. Đối với dự án tại xã Nam Sơn, huyện đang triển khai thủ tục để giao đất cho các hộ dân.

Việc sớm ổn định cuộc sống của người dân sẽ góp phần quan trọng trong việc đảm bảo vận hành an toàn cho bãi rác Nam Sơn.
Việc sớm ổn định cuộc sống của người dân sẽ góp phần quan trọng trong việc đảm bảo vận hành an toàn cho bãi rác Nam Sơn.

Song, theo chia sẻ của lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn, khó khăn lớn hiện nay liên quan đến giá tạm tính làm căn cứ phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Thực tế thời gian gần đây, Nhân dân xã Hồng Kỳ liên tục phản ánh, kiến nghị chính quyền sớm phê duyệt phương án, di chuyển người dân ra khỏi vùng ảnh hưởng môi trường. Nguyện vọng của người dân là được nhận đất tại dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư tại xóm Ninh Liệt (thôn 9, xã Hồng Kỳ).

Tuy nhiên, khu tái định cư này chưa được phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất tái định cư. Để đẩy nhanh tiến độ tái định cư cho người dân xã Hồng Kỳ, mới đây huyện Sóc Sơn đã có văn bản số 3097/UBND-TNMT về xin phê duyệt giá tạm tính.

Mặc dù vậy, văn bản do Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Mai Trọng Thái ký, nêu rõ đề xuất giá tạm tính phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân đăng ký nhận đất tại dự án nêu trên là chưa có cơ sở xem xét. Câu trả lời này căn cứ theo Khoản 2 Điều 74 Luật Đất đai. Điều này khiến công tác tái định cư của huyện Sóc Sơn sẽ thêm phần khó khăn và chưa thể hoàn thành trong một sớm một chiều.

Để đẩy nhanh tiến độ dự án di dân, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh đề nghị UBND TP Hà Nội cho phép huyện thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ khác đối với tài sản là công trình, vật kiến trúc trên đất nông nghiệp trồng cây lâu năm trong cùng thửa đất ở và hỗ trợ khác không vượt quá mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với thửa đất nông nghiệp trồng cây hàng năm không nằm trong cùng thửa đất ở. 

Huyện Sóc Sơn cũng mong muốn TP Hà Nội sớm làm việc với Bộ Quốc phòng liên quan đến quỹ đất của Trung đoàn 165. Đồng thời, tiếp tục quan tâm, đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao đời sống sinh hoạt cho Nhân dân trên địa bàn huyện nói chung và 3 xã vùng ảnh hưởng môi trường nói riêng.

 

Theo thống kê, giai đoạn từ năm 2016 đến nay, tổng số kế hoạch vốn huyện Sóc Sơn được giao để triển khai thực hiện các dự án hạ tầng của 3 xã: Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ thuộc vùng ảnh hưởng môi trường của Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn là 1.550 tỷ đồng. Trong đó, riêng năm 2022, huyện được giao 285 tỷ đồng.