Bài 5: Giải pháp chắt chiu cho văn hóa Hà Nội - Ảnh 1

Một ngày không xa Hà Nội sẽ không còn những mảng tường sơn tróc vàng và lồng sắt cheo leo, chật chội và “già” cỗi. Hà Nội sẽ là những khu đô thị hiện đại, tiện dụng. Tuy nhiên, trong guồng quay hiện đại ấy vẫn cần giữ lại những mảng màu xưa cũ những năm 1954-1986 để kể chuyện Hà Nội cho muôn đời sau. Theo các chuyên gia, đó là việc cần bàn và làm ngay lúc này khi dự án, đề án cải tạo tập thể cũ đang được khởi động.

KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam:

“Cải tạo là cần thiết nhưng phải có quy chế để quản lý bảo tồn”

Bài 5: Giải pháp chắt chiu cho văn hóa Hà Nội - Ảnh 2

Đã 20 năm chúng ta đặt ra vấn đề cải tạo tập thể cũ nhưng đến nay mới có điều kiện nhìn nó với tầm nhìn mới, tư duy mới thông qua Nghị định 69/2021/NĐ-CP, đặc biệt là chủ trương cải tạo chung cư cũ của Thành ủy và UBND TP Hà Nội ban hành đầu năm 2021 vừa qua. Đó là việc rất cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi cần có dự án đánh giá một cách tổng thể để bảo tồn nhà tập thể cũ như dấu ấn về văn hóa về xây dựng trong một thời của dân tộc ta, cũng như người dân Hà Nội đã đi qua. Cần phải coi nhà tập thể cũ như một di sản văn hóa của Hà Nội.

Muốn làm được điều này, TP phải tổ chức những cuộc hội thảo, thành lập cả ban dự án đánh giá về vấn đề này. Đưa ra quy chế để quản lý và cho rằng cần có sự khẳng định tập thể cũ cũng là một trong những di sản mà Hà Nội cần giữ gìn. Đối với các tập thể cũ, nếu không nhanh chóng có quy chế bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản kiến trúc, chọn lựa những công trình tiêu biểu cho từng giai đoạn để bảo tồn thì có lẽ chẳng mấy chốc chúng sẽ được phá đi, xây lại bằng những công trình hiện đại. Mỗi khu tập thể giữ lại một phần vì ở mỗi khu thể hiện đặc trưng riêng trong từng thời kỳ phát triển của nhà tập thể: Khu tập thể Nguyễn Công Trứ là khu nhà tập thể đầu tiên của Hà Nội. Khu tập thể Trung Tự bắt đầu cho nhà lắp ghép. Khu tập thể Kim Liên là nhà xây, hành lang chung, bếp chung. Tất cả mỗi cái còn có giá trị, ghi lại thời kỳ chúng ta phát triển. Ở mỗi khu vực này cần thực hiện theo cách, sẽ có khu nhà được cải tạo tốt hơn về điều kiện sống, nhưng cũng có khu được giữ lại thành không gian bảo tồn, gắn kết với cộng đồng xung quanh. Những khu nhà tập thể cũ được giữ lại không phải thành các không gian sống mà là di sản có ý nghĩa một thời, biến nó thành không gian văn hóa như: Cà phê, triển lãm, nơi cho người trẻ có thể sáng tạo trên cơ sở những cái đã có.

Giữ lại một phần tập thể cũ để con cháu hôm nay thấy được có những chung cư cao tầng, hiện đại 40 tầng ở thời kỳ hiện tại thì chúng ta phải trải qua những giai đoạn nhà tập thể đó. Đó là giáo dục truyền thống, duy trì văn hóa và lịch của Hà Nội; để lịch sử không bao giờ bị ngắt quãng để văn hóa luôn luôn được tiếp nối từ ngày hôm qua đến ngày hôm nay và cho đến ngày mai.

Bài 5: Giải pháp chắt chiu cho văn hóa Hà Nội - Ảnh 3

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam:

“Đôi khi phải xem nhẹ lợi ích kinh tế để giữ gìn nếp sống văn hóa nhà tập thể cũ”

Bài 5: Giải pháp chắt chiu cho văn hóa Hà Nội - Ảnh 4

Trong cách sống của con người ngày nay có rất nhiều điều đáng báo động, sự hoài nghi, vô cảm dần tăng lên. Đi ra đường thấy 1 người gặp nạn cũng không dám giúp vì sợ bị lừa cướp. Điều này càng khiến người ta nhớ và thèm đến lối sống tối lửa tắt đèn có nhau ở nhà tập thể cũ.

Tôi đồng tình chủ trương cải tạo cơ sở hạ tầng ở các nhà tập thể cũ của Hà Nội để đời sống dân sinh của người dân được nâng lên. Nhưng lợi ích dân sinh không phải cấp nước sạch, bảo vệ an ninh; mà cần thiết lập cơ chế giao lưu, giảm thiểu sự căng thẳng, stress của đời sống biệt lập. Nhu cầu giao tiếp trò chuyện với người khác của mỗi người rất quan trọng. Không chỉ các nước phương Đông mới coi trọng láng giềng hàng xóm mà ngay cả các nước phương Tây họ cũng có cách giao tiếp riêng với cộng đồng xunh quanh mình. Vấn đề ở đây phải có tổ chức phải hướng đến những sinh hoạt chung cộng đồng.

Điều kiện sống vẫn cần sự hiện đại, an ninh, an toàn, sạch sẽ; nhưng cần nhiều hơn các không gian sinh hoạt cộng đồng lấy từ mô hình nhà tập thể cũ. Đó là sân chơi chung, là các không gian gắn kết dân cư theo từng chủ đề, ví dụ như: Một nhà sinh hoạt cộng đồng với các hoạt động ngâm thơ, bình thơ dành cho các cụ hưu trí, những buổi vẽ tranh triển lãm dành cho các cháu nhỏ, các buổi nói chuyện về nếp sống gia đình dành cho cho chị em phụ nữ… ở trong từng khu dân cư. Hoặc các không gian mở đó là quán cà phê, nơi đọc sách, nơi cùng tập thể dục… cũng là điều mà các nhà quy hoạch phải hướng đến khi cải tạo tập thể cũ, để giữ gìn nếp sống cộng đồng vốn dĩ đã hình thành ở đó. Muốn làm được điều này thì đề án cải tạo tập thể cũ cần có sự tham gia của những người quản lý đô thị, quản lý văn hóa trong việc hoạch định đặt ra những chế độ, trách nhiệm, tiêu chuẩn của một chung cư mới, phù hợp với đời sống hiện đại, mà ở đó đôi khi phải xem nhẹ lợi ích kinh tế, lợi ích tận dụng tối đa các không gian để mua bán và hái ra tiền.

Bài 5: Giải pháp chắt chiu cho văn hóa Hà Nội - Ảnh 5

Martin Rama- Giám đốc dự án Trung tâm phát triển bền vững (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam):

“Nâng cấp nhà tập thể để giữ lại ký ức cho Hà Nội”

Bài 5: Giải pháp chắt chiu cho văn hóa Hà Nội - Ảnh 6

Nhà tập thể đại diện cho một trong những dấu mốc kiến trúc trong lịch sử Hà Nội, nó kể câu chuyện lịch sử của Hà Nội. Từ quan điểm lịch sử, các khu tập thể là một phần của “bộ nhớ chung”, nếu chúng được thay thế bằng những tòa nhà hiện đại nhạt nhẽo thì những ký ức của Hà Nội sẽ biến mất.

Trong quá trình nghiên cứu bảo tồn các nhà tập thể cũ, chúng tôi xây dựng ý tưởng nâng cấp ở một vài nơi, bảo tồn các phong cách kiến trúc Liên Xô, Trung Quốc và lắp ghép của các khu tập thể Hà Nội bằng cách nhân đôi chúng lên. Các tầng thêm vào phía trên có hình dáng giống với khu tập thể gốc đứng trên các cột trụ vững vàng chứ không phải đè lên cấu trúc cũ. Xung quanh khu tập thể sau cải tạo sẽ là những tuyến phố đi bộ tạo nên một quần thể sống động của văn hóa, kiến trúc và kinh tế. Dự án mà chúng tôi nghiên cứu yêu cầu phải giữ cho người dân gốc vẫn ở đó như một giá trị không thể tính bằng tiền cho toàn bộ công trình. Những cải tạo này phải thí điểm và cũng phải làm từ từ, có hội đồng kiến trúc và văn hóa thẩm định một cách chuyên nghiệp. Chỉ vài chục năm sau, một khu tập thể được bảo tồn và cải tạo theo cách đó sẽ là một dấu mốc kiến trúc độc đáo thế kỷ XX của Hà Nội.

Bài 5: Giải pháp chắt chiu cho văn hóa Hà Nội - Ảnh 7

KTS Lê Thị Bích Thuận - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng Việt Nam:

“Bài học từ thế giới”

Bài 5: Giải pháp chắt chiu cho văn hóa Hà Nội - Ảnh 8

Trên thế giới hiện có 2 xu hướng là phá bỏ, xây mới và phục hồi, cải tạo để nâng cao giá trị.  Xu hướng thứ nhất thường được áp dụng ở nhiều khu chung cư cũ tại châu Âu xây dựng trong thập kỷ 1970. Đây là hướng cải tạo triệt để, mang tính kinh tế cao. Tuy nhiên, khi các tòa nhà cũ bị đập bỏ đồng nghĩa với việc sự gắn kết và truyền thống của các khu đô thị cũ cũng bị loại bỏ theo. Một vấn đề khác là các khu chung cư mới được xây dựng rập khuân nên tạo sự đơn điệu, không đáp ứng tốt không gian sinh hoạt công cộng do tận dụng tối đa nguồn tài nguyên đất đai. Bài học này đã được chính các nhà quy hoạch và cư dân các khu chung cư cũ tại châu Âu nhận ra sau quá trình cải tạo.

Xu hướng thứ hai là cải tạo thận trọng và đảm bảo tính nhân văn trong quá trình thực hiện. Để đạt được các mục tiêu này, chi phí và thời gian thực hiện dự án bị sẽ bị nâng lên đáng kể. Hiện nay, những yêu cầu đặt ra đối với việc cải tạo các khu chung cư cũ là cải thiện nhà ở về mặt không gian trong và ngoài; đáp ứng những yêu cầu của cuộc sống hiện đại, nhưng không làm tổn hại đến các giá trị văn hóa, xã hội. Quá trình cải tạo này chỉ thành công khi huy động được sự tham gia của cộng đồng trong thiết kế, huy động vốn, quản lý đầu tư, xây dựng và vận hành khai thác. Xu hướng này nhận được nhiều sự hưởng ứng từ người dân.

Đơn cử, trên thế giới, một mô hình đáng tham khảo trong việc cải tạo nhà chung cư cũ là tại khu chung cư cũ Regent Park ở TP Toronto (Canada). Đây là khu đô thị xây dựng trong thập kỷ 1950 dành cho người nhập cư đến từ nhiều nền văn hóa, sắc tộc khác nhau. Do được xây dựng dành cho người có mức thu nhập trung bình và thấp nền khu nhà ở này chỉ có tiện ích tối thiểu và xuống cấp nghiêm trọng trong vài thập niên trở lại đây.

Bài 5: Giải pháp chắt chiu cho văn hóa Hà Nội - Ảnh 9

Trước vấn đề trên, năm 2005 chính quyền TP Toronto đã đưa ra kế hoạch cải tạo khu vực này với mục tiêu giúp khoảng 7.500 cư dân sinh sống trong 2.087 căn hộ đạt mục tiêu 3,39 người/căn hộ. Quá trình cải tạo sẽ giúp nâng cấp hệ thống giao thông công cộng; mở rộng không gian xanh và các khu sinh hoạt cộng đồng. Điểm đáng chú ý là dự án sẽ tạo ra các căn hộ phù hợp với nhiều mức thu nhập khác nhau để giúp cư dân có thể dễ dàng tiếp cận. Các căn hộ được được cải tạo theo hướng cho phép nhiều thế hệ sinh sống, phù hợp với các đại gia đình có thu nhập trung bình và thấp. Hệ thống dịch vụ đa ngành được mở ra tới tận chân các tòa nhà không chỉ giúp cư dân dễ tiếp cận, mà còn tạo ra công ăn, việc làm mới cho người dân nơi đây.

Với những khó khăn về tài chính của những người dân tái định cư, và chờ cải tạo, chúng ta có thể tham khảo bài học của Hàn Quốc. Trong thập kỷ 1970, Chính phủ Hàn Quốc đã có giải pháp “Tái phát triển hợp tác xã tại Seoul” để cải tạo, nâng cấp nhà ở trên phương diện có sự hợp tác của người dân sống tại các khu chung cư cũ với các nhà thầu tư nhân bằng cách hỗ trợ cho người dân vay vốn lãi suất thấp, thời gian chi trả dài hạn. Dự án thực hiện với phương thức mua đất từ chính quyền TP trong phạm vi quy hoạch của dự án, sau đó dỡ bỏ hoàn toàn các khu chung cư cũ để xây dựng lại với mật độ xây dựng cao, tăng quỹ sàn nhà ở và các chủ sở hữu là người dân góp tiền cùng doanh nghiệp tư nhân để kinh doanh thu lợi nhuận về cho dự án. Chương trình này được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền đã góp phần thay thế những khu nhà ở cũ nát ở Seoul…

Bài: Linh Anh - Lại Tấn
Trình bày: Tùng Quân

08:15 08/08/2021