Xe buýt - những “xa phu” thầm lặng và kiên trì:

Bài cuối: Đa dạng loại hình, linh hoạt chính sách

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều chuyên gia cho rằng, xe buýt Hà Nội đang đứng trước bước ngoặt lớn thứ hai trên con đường phát triển.

>>> Bài 1: Bền bỉ vượt khó khăn

>>> Bài 2: Những thách thức của thời đại 4.0

>>> Bài 3: Cần được đầu tư mạnh mẽ, toàn diện

>>> Bài 4: Chuyên nghiệp hóa đội ngũ nhân sự

Giờ là lúc xe buýt phải tiếp tục đột phá tư duy cũ, trở nên đa dạng, linh hoạt hơn để tiếp tục phát huy vai trò chủ lực trong mạng lưới vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) Thủ đô.

Ba khâu đột phá

Xe buýt hoạt động trên đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Xe buýt hoạt động trên đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Hà Nội đang dần hoàn thiện mạng lưới VTHKCC với sự xuất hiện của phương thức vận tải khối lượng lớn, nhanh và hiện đại hơn hẳn, đặc biệt là đường sắt đô thị (ĐSĐT). Trong tương lai, vai trò của xe buýt không những không mất đi mà còn trở nên ngày càng quan trọng hơn, đòi hỏi năng lực, chất lượng cao hơn, hướng đến hai mục tiêu: Phục vụ tốt Nhân dân và thân thiện với môi trường.

Hơn 20 năm trước, xe buýt Hà Nội đã có bước ngoặt lớn thứ nhất khi thay thế hoàn toàn nhóm phương tiện cũ bằng xe buýt hiện đại, nhiều tiện ích, nâng cao rõ rệt chất lượng phục vụ, chiếm được lòng tin của hành khách, thu hút đông đảo người dân chuyển đổi từ xe cá nhân sang sử dụng VTHKCC.

Đến nay, trước những đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng dịch vụ cũng như các tiêu chí bảo vệ môi trường, xe buýt Hà Nội chuẩn bị cho bước ngoặt thứ hai, chuyển đổi mạnh mẽ cả về chất và lượng. Thạc sĩ Lê Trung Hiếu, chuyên gia giao thông, nhận định: “Xe buýt cần tập trung vào ba khâu đột phá chính gồm: thay thế phương tiện cũ bằng xe nhiên liệu sạch; đa dạng loại hình, sử dụng nhiều xe buýt nhỏ để tối ưu hoạt động trong các khu vực đông dân cư; điều chỉnh mạng lưới thích ứng với sự xuấn hiện của ĐSĐT và nâng chất lượng dịch vụ tương đương với ĐSĐT”.

Tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành GTVT. Đối với Hà Nội, Chương trình đã đề ra lộ trình cụ thể: Giai đoạn 2025 - 2030, toàn bộ xe buýt được đầu tư mới, hoặc thay thế xe cũ phải sử dụng năng lượng xanh; thị phần của vận tải công cộng tại Hà Nội phải đạt từ 45 - 50%. Đến năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; đến năm 2050, 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.

Trên thực tế, Hà Nội đã đưa nhiều tuyến buýt sử dụng xe chạy điện, khi CNG vào hoạt động trong thời gian qua và nhận được phản hồi rất tích cực từ phía người dân. Không chỉ giảm phát thải, góp phần bảo vệ môi trường, xe buýt “sạch” còn rất được hành khách ưa chuộng vì văn minh, hiện đại, dễ chịu hơn.

Mặt khác, sau nhiều thập kỷ nỗ lực mở rộng mạng lưới, thực tế cho thấy không phải nơi nào cũng có đủ điều kiện cho xe buýt cỡ lớn hoạt động. Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Tuyển phân tích, với những khu vực đông dân cư, đường sá nhỏ hẹp, cách xa nhà ga ĐSĐT, điểm dừng xe buýt, cần có loại hình xe buýt mini, ô tô điện mini trung chuyển để người dân thuận lợi tiếp cận VTHKCC hơn nữa.

 

Việc phát triển mô hình xe điện mini trung chuyển hành khách trong nội đô, Bộ GTVT đã ủng hộ Hà Nội nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thí điểm và đầu tư triển khai.
Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) Nguyễn Tuyển

Song song với việc đa dạng loại hình, chuyển đổi sang phương tiện sạch, xe buýt Hà Nội cần cải tổ sâu sắc đội ngũ nhân sự, đặc biệt là nhân viên phục vụ trên xe buýt - những người trực tiếp tạo nên hình ảnh của VTHKCC. Chất lượng cuộc sống, điều kiện kinh tế của người dân Thủ đô đã được nâng cao rất nhiều, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá dịch vụ VTHKCC của hành khách cũng theo đó ngày càng khắt khe hơn. Nếu không theo kịp, xe buýt sẽ dần mất khách bất chấp giá vé rẻ và mạng lưới tuyến đã rộng khắp TP.

Thay đổi mạnh mẽ

Để thay đổi toàn diện mạng lưới, bắt kịp xu thế hiện đại, xe buýt Hà Nội cần phải thoát khỏi những bất cập cố hữu và lối mòn tư duy. Các cơ chế, chính sách đối với VTHKCC nói chung và xe buýt nói riêng phải linh hoạt hơn nữa, phải đi trước mở đường để tạo đà phát triển.

Chủ trương xây dựng mạng lưới xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch được các DN vận tải rất ủng hộ, nhưng điều quan trọng là hành lang chính sách, pháp lý cho loại hình này phải được hoàn thiện trước khi DN bỏ tiền đầu tư. Thực tế hiện nay, Bộ GTVT mới ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng, an toàn và bảo vệ môi trường đối với ô tô khách TP, chưa có chuẩn riêng cho xe buýt điện. Đó là một trong những khó khăn lớn nhất của quá trình chuyển xe buýt truyền thống sang xe buýt sạch.

Mặt khác, muốn nâng cao chất lượng phục vụ, cũng cần có chính sách ưu đãi tốt hơn cho nhân lực của xe buýt Thủ đô. Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung, chuyên gia giao thông, chia sẻ: “Ở nhiều nơi trên thế giới, mức lương của lái xe buýt rất cao, bởi tính chất công việc của họ là phục vụ và đảm bảo an toàn cho nhiều người khác trên mỗi chuyến đi. Họ cần được trả lương xứng đáng để yên tâm cống hiến cho công việc. Đối với nhân viên bán vé trên xe buýt cũng vậy, khó lòng đòi hỏi họ phục vụ tốt khi thiếu kỹ năng và mức thu nhập thấp như hiện nay”.

Các chuyên gia cũng cho rằng, Hà Nội đang thiếu một kịch bản tổng thể cho xe buýt trong thời kỳ hiện đại khi ĐSĐT xuất hiện và sức cạnh tranh của các loại hình vận tải công nghệ ngày một gia tăng. Đó chính là lý do khiến xe buýt chỉ chiếm lĩnh được gần 18% thị trường VTHKCC trong khi năng lực thực tế đã đạt trên 30%.

Nhiều năm qua, Hà Nội đã đặt mục tiêu hạn chế xe cá nhân, nhưng chưa có những bước tiến rõ rệt do mạng lưới VTHKCC chưa thu hút được đông đảo người dân. Áp lực dư luận ngày càng trở nên nặng nề hơn mỗi khi TP muốn ưu tiên cho xe buýt trên một tuyến đường, một khu vực. Ông Vũ Hoàng Chung cho rằng: “Sở dĩ có những phản ứng trái chiều đó là do người dân chưa đặt niềm tin vào xe buýt. Hà Nội phải có những đột phá mạnh mẽ, thoát ra khỏi những e dè, thận trọng quá mức, ưu tiên cho xe buýt không gian lưu thông riêng, đảm bảo rút ngắn thời gian mỗi chuyến đi để người dân thấy rõ đi xe buýt có lợi hơn”.

Điều kiện tiên quyết để xe buýt phát triển là sự hậu thuẫn của Chính quyền TP thông qua những chính sách cụ thể, mạnh mẽ. Mọi sự đổi mới ban đầu đều vấp phải những ý kiến trái chiều, phản biện. Muốn xe buýt bứt phá trong bối cảnh phức tạp, khó khăn như hiện nay, Hà Nội cần đưa ra một kịch bản với những mục tiêu, thời hạn rõ ràng; từ đó tập trung thực hiện, từng bước đưa xe buýt lên vị thế mới, xứng đáng là loại hình thay thế phương tiện cá nhân. Quá trình đó dù gặp bao nhiêu áp lực cũng không thể chững lại hay bỏ dở giữa chừng.