Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xe buýt Hà Nội: Làm sao để trở nên hấp dẫn?

Bài cuối: Đa dạng loại hình xe buýt nâng cao sức hấp dẫn

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Muốn thu hút nhiều hành khách hơn nữa, mở rộng vùng phục vụ xe buýt cần đa dạng loại hình, trong đó có cả xe buýt mini, xe trung chuyển.

Bên cạnh đó, phát triển xe buýt xanh thân thiện với môi trường là bài toán chiến lược của Hà Nội để thu hút hành khách đến với vận tải hành khách công cộng (VTHKCC).

Sử dụng nhiều cỡ xe buýt

Hà Nội đang dần hoàn thiện mạng lưới VTHKCC với sự xuất hiện của phương thức vận tải khối lượng lớn, nhanh và hiện đại hơn hẳn, đặc biệt là đường sắt đô thị (ĐSĐT). Khi càng nhiều loại hình vận tải cỡ lớn được đưa vào khai thác, vai trò của xe buýt không những không mất đi mà còn trở nên quan trọng hơn, đòi hỏi năng lực, chất lượng cao hơn, hướng đến hai mục tiêu phục vụ tốt Nhân dân và thân thiện với môi trường. Do vậy, việc đa dạng hóa loại hình xe buýt đang là mục tiêu mà Thủ đô Hà Nội đặt ra.

Phát triển xe buýt xanh thân thiện với môi trường để thu hút hành khách đến với vận tải hành khách công cộng. Ảnh: Đăng Khoa
Phát triển xe buýt xanh thân thiện với môi trường để thu hút hành khách đến với vận tải hành khách công cộng. Ảnh: Đăng Khoa

Thực tế cho thấy, nhiều tuyến xe buýt mini đang đem lại hiệu quả tích cực khi di chuyển trong phố cũng như gom khách từ các xã ngoại thành. Điển hình như tuyến buýt số 146 di chuyển từ Hào Nam - Khu liên cơ Võ Chí Công và ngược lại. Tuyến xe buýt này có nhiệm vụ gom khách tới đường ĐSĐT Cát Linh – Hà Đông.

Thời gian qua, tuyến xe buýt cỡ nhỏ này hoạt động hiệu quả, được nhiều người dân đánh giá là có lộ trình phù hợp. Không chỉ thực hiện nhiệm vụ di chuyển qua các tuyến phố nhỏ, xe buýt mini cũng đang có những đóng góp lớn vào việc vận chuyển hành khách tại các xã ngoại thành như các tuyến 123 Bến xe Yên Nghĩa - Hồng Dương; tuyến 124 Bến xe Yên Nghĩa - Chúc Sơn - thị trấn Kim Bài; tuyến 125 Bến xe Thường Tín - Tế Tiêu.

Chị Hà Thị Thúy, trú tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội chia sẻ: “Ưu điểm của xe buýt mini là có thể len lỏi vào nhiều tuyến phố nhỏ hẹp cũng như di chuyển thuận lợi hơn khi đường sá đông đúc”. Chị Thúy cho rằng, cùng một đoạn đường từ ga tàu điện Yên Nghĩa về thị trấn Chúc Sơn đi xe buýt nhỏ sẽ tiết kiệm được thời gian rất nhiều. Ngoài ra, theo chị Thúy, việc sử dụng xe buýt mini khá phù hợp ở một số tuyến đường nông thôn còn nhỏ hẹp.

Về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội Nguyễn Trọng Thông cho rằng, việc đa dạng hóa loại hình xe buýt đã nằm trong đề án phát triển VTHKCC của Hà Nội. Các phương tiện này sẽ chung chuyển từ cung đường nhỏ hẹp ra trục chính. Cũng như đa dạng loại hình sẽ đáp ứng được nhu cầu hành khách phù hợp với từng khu vực.

“Để mọi khu vực, người dân có thể tiếp cận được xe buýt, thì đường nhỏ nên có loại xe buýt nhỏ, đường trung bình có loại xe trung bình, đường lớn thì có xe buýt lớn. Về việc sử dụng nhiều loại hình xe buýt khác nhau, ở các nước phát triển đã áp dụng và rất thành công” – ông Nguyễn Trọng Thông chia sẻ.

Xanh hóa phương tiện

Hơn 20 năm trước, xe buýt Hà Nội đã có bước ngoặt lớn thứ nhất khi thay thế hoàn toàn nhóm phương tiện cũ bằng xe buýt hiện đại, nhiều tiện ích, nâng cao rõ rệt chất lượng phục vụ, chiếm được lòng tin của hành khách, thu hút đông đảo người dân chuyển đổi từ xe cá nhân sang sử dụng VTHKCC. Đến nay, trước những đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng dịch vụ cũng như các tiêu chí bảo vệ môi trường, xe buýt Hà Nội chuẩn bị cho bước ngoặt thứ hai, chuyển đổi mạnh mẽ cả về chất và lượng.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành GTVT. Đối với Hà Nội, Chương trình đã đề ra lộ trình cụ thể: giai đoạn 2025 - 2030, toàn bộ xe buýt được đầu tư mới hoặc thay thế xe cũ phải sử dụng năng lượng xanh; thị phần của vận tải công cộng tại Hà Nội phải đạt từ 45 - 50%. Đến năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; đến năm 2050, 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.

Trên thực tế, Hà Nội đã đưa nhiều tuyến buýt sử dụng xe chạy điện, khí CNG vào hoạt động trong thời gian qua và nhận được phản hồi rất tích cực từ phía người dân. Không chỉ giảm phát thải, góp phần bảo vệ môi trường, xe buýt “sạch” còn rất được hành khách ưa chuộng vì văn minh, hiện đại, dễ chịu hơn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, chủ trương xây dựng mạng lưới xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch được các DN vận tải rất ủng hộ nhưng điều quan trọng là hành lang chính sách, pháp lý cho loại hình này phải được hoàn thiện trước khi DN bỏ tiền đầu tư. Muốn xe buýt bứt phá trong bối cảnh phức tạp, khó khăn như hiện nay, Hà Nội cần đưa ra một kịch bản với những mục tiêu, thời hạn rõ ràng. Từ đó tập trung thực hiện, từng bước đưa xe buýt lên vị thế mới, xứng đáng là loại hình thay thế phương tiện cá nhân.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Tuấn Linh cho biết, mức giá trung bình của một xe buýt điện khoảng 7 tỷ đồng, cao gấp 4 lần so với xe buýt trung bình và gấp 3,2 lần so với xe buýt lớn. Mức giá này cũng cao gấp 2,3 lần xe buýt CNG trung bình và 3,2 lần xe buýt CNG. Như vậy, việc chuyển đổi xe buýt năng lượng sạch cũng sẽ đặt ra bài toán khó trong việc xây dựng được phương án tính khấu hao phương tiện. Ngoài ra, áp lực về chi phí đầu tư cho các DN vận tải là rất lớn.

Vị chuyên gia này cho rằng, cần lựa chọn, xác định cơ cấu tỷ lệ hợp lý giữa xe buýt sử dụng điện và xe buýt sử dụng năng lượng xanh bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế về cơ sở hạ tầng và khả năng cung cấp nguồn điện, nguồn năng lượng xanh theo các giai đoạn. “Việc chuyển đổi với các tuyến buýt đang khai thác cần thực hiện theo lộ trình. Trong đó ưu tiên trước cho các tuyến có phạm vi hoạt động trong khu vực đô thị trung tâm, nội đô lịch sử và các tuyến kết nối với đầu mối giao thông lớn nhà ga, bến xe, sân bay hay những tuyến xe buýt mở mới” - chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Tuấn Linh chia sẻ thêm.

 

Cần nghiên cứu lộ trình cũng như nhu cầu của hành khách thật chi tiết, trước khi sử dụng xe buýt nhỏ tránh tình trạng trùng lặp tuyến hoặc nhu cầu của hành khách cao hơn sức vận chuyển của xe. Xe buýt nhỏ sẽ phù hợp hơn khi sử dụng để gom khách cho các tuyến xe buýt lớn chạy đường dài hoặc đường sắt đô thị. Ngoài ra, để xe buýt nhỏ có thể di chuyển tới tận các ngõ ngách đón trả khách dễ dàng, trật tự đô thị cũng cần được bảo đảm.
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Tuấn Linh