Bài cuối:  Để có cán bộ đủ đức và tài - Ảnh 1

Đảng ta luôn nhấn mạnh rằng, trong mọi thời điểm của tiến trình cách mạng, cán bộ và công tác cán bộ luôn là vấn đề trọng yếu, chẳng những có ý nghĩa to lớn đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn góp phần quyết định sự thành bại trong tổ chức và công tác lãnh đạo của Đảng. Với vị thế của Thủ đô, công tác cán bộ càng đặt ra những vấn đề cấp thiết, đồng thời cần vận dụng, triển khai thực hiện một cách sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế.

Báo Kinh tế & Đô thị trân trọng giới thiệu một số ý kiến của các đồng chí lãnh đạo, chuyên gia xung quanh vấn đề nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ.

Bài cuối:  Để có cán bộ đủ đức và tài - Ảnh 2

Công tác luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở là những việc rất căn cơ, tạo sự liên thông đồng bộ với TP và cơ sở. Đây cũng là những vấn đề không phải mới, nhưng nếu không được tổng hợp lại, đưa vào kế hoạch mang tính tổng thể thì kết quả sẽ không đạt được các mục tiêu đã đề ra.

TP Hà Nội được Trung ương và các địa phương đánh giá cao trong công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ. Nhưng trên thực tế, chúng ta vẫn cảm thấy chưa đủ, cần phải tiếp tục hoàn thiện các quy định, quy chế. Khó nhất là việc tổ chức thực hiện. Vì mỗi đơn vị đều có đặc thù riêng, đặc biệt là một số đơn vị có “lịch sử để lại” rất nặng nề và chưa phù hợp về tổ chức, bộ máy. Ví dụ như với một huyện nông nghiệp thuần túy, có tới 4.000ha nuôi trồng thủy sản nhưng không có cán bộ chuyên ngành về thủy sản. Rồi có huyện không có ai học về chuyên ngành du lịch, mặc dù đây là ngành mà huyện đặt mục tiêu phát triển. Đó là chưa nói tới cấp xã. Đây là biểu hiện của tình trạng vừa thiếu, vừa thừa cán bộ.

Bài cuối:  Để có cán bộ đủ đức và tài - Ảnh 3

Chúng ta xác định đây là việc khó, phải làm lâu dài, kiên trì và quyết tâm cao. Về nguồn cán bộ, đừng chỉ tập trung vào những cán bộ trong hệ thống, ở địa phương, đơn vị mà cần phải mở rộng ra, rà soát cả TP, với định hướng phát triển của TP thì cần những nhóm cán bộ có chuyên môn gì; đặt hàng với các trường đại học. Ví dụ, quá trình đô thị hóa, chuyển đổi số, phát triển công nghiệp văn hóa, đẩy mạnh công nghiệp dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao… để thích ứng thì các sở, ngành, quận, huyện cần những cán bộ với tiêu chuẩn cụ thể thế nào. Câu chuyện tạo nguồn rất quan trọng. Các quận, huyện phải chủ động, vận hành như doanh nghiệp, cần dự báo tình hình và phải chuẩn bị đội ngũ cán bộ đáp ứng quá trình đó. Đây phải trở thành một yêu cầu bắt buộc và chương trình đào tạo cho cán bộ phải thiết thực.

Thời gian tới, đề nghị các đơn vị, địa phương chú trọng công tác tạo nguồn, không chỉ tại chỗ, mà cả ở những sở, ngành của TP. Cùng với đó, không ngừng đổi mới nội dung cũng như phương thức đào tạo cán bộ theo hướng thiết thực, hiệu quả và sát với tình hình thực tiễn.

Bài cuối:  Để có cán bộ đủ đức và tài - Ảnh 4

Dù chúng ta đã có nhiều khâu, nhiều bước, nhiều quy trình đánh giá, kiểm tra cán bộ nhưng vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện làm việc cầm chừng, né tránh, sợ sai không dám làm, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp. Vẫn còn một số nơi, người đứng đầu chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm và làm chưa đi đôi với nói trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Tôi nghĩ rằng, việc xây dựng một văn hóa liêm chính có ý nghĩa rất lớn đối với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Trong đó, trước hết, phải xây dựng ý thức tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; phê phán, lên án, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; trọng liêm sỉ, danh dự; biết xấu hổ khi bản thân và người thân mắc vào tham nhũng, tiêu cực. Mỗi cán bộ, đảng viên phải đề cao trách nhiệm nêu gương, ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức; cán bộ giữ cương vị càng cao càng phải tiên phong, gương mẫu.

Bài cuối:  Để có cán bộ đủ đức và tài - Ảnh 5

Ngoài ra, chúng ta cũng cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, pháp luật, nhất là về quản lý kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng, tiêu cực, kịp thời khắc phục những bất cập, sơ hở dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực. Chúng ta cũng cần tiếp tục rà soát, xem xét cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật theo đúng chủ trương của Bộ Chính trị; rà soát, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý trách nhiệm người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị xảy ra tình trạng này, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp…

Bài cuối:  Để có cán bộ đủ đức và tài - Ảnh 6

Cán bộ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, quyết định sự thành bại của mọi việc. Vì vậy, trong suốt thời gian qua, Đảng ta luôn chú trọng đến công tác cán bộ trong tất cả các khâu như phát hiện, quy hoạch, bổ nhiệm, bồi dưỡng, đào tạo, quản lý… Mặc dù vậy, chúng ta vẫn chưa xây dựng được đội ngũ cán bộ như mong muốn.

Trước thực tế đó, gần đây, Trung ương đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết liên quan đến công tác cán bộ. Việc luân chuyển cán bộ trong thời gian qua đã giảm bớt phần nào những bất cập. Nhưng quan trọng nhất trong công tác luân chuyển là phải đánh giá đóng góp của cán bộ tại nơi được luân chuyển đến. Hiện nay, chúng ta mới chỉ chú trọng đến thời gian luân chuyển của cán bộ nhưng chưa chú ý đến sự đóng góp của cán bộ nên phần nào hạn chế hiệu quả trong công tác luân chuyển.

Vấn đề cán bộ sợ sai phạm, sợ trách nhiệm, thực tế vừa qua chúng ta xử lý một loạt các cán bộ; một số sai phạm do bản thân cán bộ chịu trách nhiệm; nhưng cũng có trường hợp là do văn bản pháp luật chưa đồng bộ. Điều này cũng dẫn đến tình trạng có nhiều đồng chí cán bộ e dè, lo ngại không dám dấn thân vào việc.

Bài cuối:  Để có cán bộ đủ đức và tài - Ảnh 7

Đối với TP Hà Nội, khối lượng công việc lớn, cho nên trong công tác cán bộ phải phát hiện và chọn đúng người, đưa vào đúng chỗ, trao đúng việc. Muốn vậy, các đồng chí lãnh đạo phải rất sát với thực tiễn, phải có tâm, có tầm để luôn chú trọng phát hiện những nhân tố mới, phù hợp với yêu cầu công việc. Đồng thời, luôn chú trọng lắng nghe dân. Tôi cho rằng, nếu các đồng chí lãnh đạo các cấp dám chịu trách nhiệm về người mình giới thiệu thì chắc chắn sẽ có những đột phá trong công tác cán bộ. Người đứng đầu các địa phương, sở, ngành cần chịu trách nhiệm cao nhất với dân về việc lựa chọn, bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ thì chắc chắn công tác cán bộ của Hà Nội sẽ có những bước phát triển đột phá, chất lượng.

Bài cuối:  Để có cán bộ đủ đức và tài - Ảnh 8

Về vấn đề cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, đầu tiên cần xác định nguyên nhân vì sao lại dẫn đến tình trạng ấy. Công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra đặc biệt mạnh mẽ trong 2 năm qua, nhất là sau thời kỳ Covid-19. Việc xử lý các cán bộ vi phạm, một mặt duy trì được kỷ cương kỷ luật Đảng; mặt khác cũng gây hiệu ứng “co lại” của những người không đủ bản lĩnh, không đủ trình độ nên sợ sai, sợ bị xử lý, dẫn đến tình trạng không làm gì.

Căn bệnh né tránh đùn đẩy trách nhiệm ở một bộ phận cán bộ, xét về mặt cá nhân là do phẩm chất và trình độ năng lực. Về phẩm chất, đó là việc suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Tính chủ nghĩa cá nhân quá nặng ở một số người, thể hiện rõ ở việc cái gì có lợi cho họ thì làm, còn cái gì không có lợi thì né tránh. Về năng lực, do năng lực yếu kém nên sợ sai, dẫn đến việc của mình, trách nhiệm của mình lại đẩy cho người khác hoặc trì trệ kéo dài.

Đối với tổ chức, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là việc không làm tốt công tác cán bộ, đặt con người sai vị trí. Vấn đề lớn nhất là việc đánh giá chất lượng cán bộ không chuẩn, cho nên sử dụng cán bộ sai. Ngoài ra, còn do chúng ta chưa có cơ chế khuyến khích những người dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Một vấn đề nữa là do chúng ta chưa làm tốt công tác kiểm tra giám sát, không kịp phát hiện những thiếu sót, đặc biệt là tình trạng gió chiều nào theo chiều ấy, làm sao an toàn cho cá nhân, không khuyến khích được người làm tốt…

Bài cuối:  Để có cán bộ đủ đức và tài - Ảnh 9

Vậy xử lý thế nào? Chính nguyên nhân ở đâu thì phải xử lý ở đó. Về cá nhân, phải đặt vấn đề rèn luyện, tu dưỡng cán bộ lên hàng đầu, việc ấy không ai làm thay mà phải là sự tự giác của mỗi cán bộ, mà như Bác Hồ đã từng nói “rèn luyện đạo đức cách mạng như rửa mặt hàng ngày”.

Ngoài ra, bản thân mỗi con người phải chống chủ nghĩa cá nhân. Vì đã đứng trong hàng ngũ của Đảng thì không thể đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích tập thể, lợi ích cộng đồng. Nếu không chống được chủ nghĩa cá nhân thì không bao giờ có thể xử lý được căn bệnh né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ phải không ngừng học tập để nâng cao trình độ, năng lực để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Về phía tập thể, phải làm tốt công tác cán bộ; có cơ chế khuyến khích người dám nghĩ, dám làm; đồng thời làm tốt công tác kiểm tra giám sát và nâng cao chất lượng sức chiến đấu của các tổ chức Đảng. Đặc biệt là phải nêu cao phẩm chất của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Bài cuối:  Để có cán bộ đủ đức và tài - Ảnh 10
Bài cuối:  Để có cán bộ đủ đức và tài - Ảnh 11

Cần tiếp tục hoàn thiện quy chế về công tác cán bộ. Lãnh đạo chủ chốt cấp trên phải kinh qua lãnh đạo chủ chốt cấp dưới nhưng TP chưa có quy định cụ thể về nội dung này. Bên cạnh đó, cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Quan tâm đến thiết kế chương trình đào tạo phù hợp với cán bộ phường, xã để phục vụ tốt công việc.

Kế hoạch số 188-KH/TU ngày 6/11/2023 về luân chuyển, điều động, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ các ban, ngành, sở TP và các quận, huyện, thị xã, cấp ủy trực thuộc Thành ủy giai đoạn 2024 - 2025 lần này là một bước đột phá trong công tác cán bộ, song băn khoăn cách tổ chức thực hiện thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất. Đồng chí giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan nào mà thông thì làm rất dễ, còn không thì rất khó thực hiện. Việc luân chuyển cán bộ làm sao để phát huy mọi điểm tốt của cán bộ, thui chột những điểm xấu.

Bài cuối:  Để có cán bộ đủ đức và tài - Ảnh 12

Qua làm việc với 22 sở, ngành thì thấy một thực trạng là các nơi đều rất thiếu cán bộ trẻ, rất thiếu cán bộ làm được việc. Do đó, cần nghiên cứu có cơ chế để tạo thuận lợi cho cán bộ làm tốt nhiệm vụ. Về biên chế, sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Tây hợp nhất về Hà Nội, chúng ta đang có một cách sắp xếp cơ học, chưa tính toán cụ thể theo vị trí việc làm, theo khối lượng công việc và năng suất lao động… Cho nên cần phải tính toán sắp xếp lại để bớt sự chênh lệch giữa các đơn vị, sở, ngành. Bắt đầu từ năm 2024, Sở Nội vụ sẽ chủ trì để lên Đề án vị trí việc làm. Chúng ta đang rất thiếu cán bộ về kỹ thuật, khoa học công nghệ, chuyển đổi số… nên sẽ rà soát kỹ các chức danh để sắp xếp cho phù hợp.

Bài cuối:  Để có cán bộ đủ đức và tài - Ảnh 13

Trong quá trình triển khai thực hiện tăng cường cán bộ cho quận, huyện, đề nghị các cơ quan tham mưu cần phải rà soát một cách tổng thể, đánh giá cán bộ một cách thực chất, lựa chọn những cán bộ có năng lực, trách nhiệm, am hiểu chuyên môn nghiệp vụ để bổ sung cho những nơi còn thiếu và yếu. Đặc biệt là bố trí công việc phải phù hợp với năng lực chuyên môn, sở trường công tác và có cơ chế đặc thù đối với những cán bộ năng động sáng tạo, có ý chí, khát vọng cống hiến; tránh tình trạng lựa chọn những cán bộ năng lực yếu, ở đơn vị công tác không hiệu quả, chuyển cho quận, huyện.

Trong những năm vừa qua, Trung ương và TP Hà Nội cũng đã có rất nhiều văn bản quy định về cơ cấu, tổ chức bộ máy, biên chế con người đối với những chức danh công chức xã, phường, thị trấn. Đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã là nơi trực tiếp giải quyết công việc cho công dân và tổ chức lại vừa thiếu, vừa yếu, nhiều nơi co cụm không có sự thay đổi trong nhiều năm, vì vậy yêu cầu phải củng cố tăng cường cán bộ cấp xã, phường.

Đối với quận Đống Đa, đội ngũ cán bộ cấp phường đã được chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, 100% là đại học và trên đại học. Ở các vị trí công tác được bố trí công chức có chuyên môn phù hợp đúng chức danh đảm nhiệm. Đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên, với cấp phường, cán bộ chủ chốt trẻ còn thấp; khi xây dựng quy hoạch chưa mở rộng, vẫn còn cục bộ, trình độ chuyên môn mới chỉ tập trung ở các lĩnh vực quản lý hành chính, văn hóa xã hội mà còn thiếu ở các lĩnh vực quản lý đô thị, quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng nên ở một số nơi vẫn còn hiện tượng vi phạm về quản lý trật tự xây dựng, quản lý đất đai, dẫn đến đơn thư kéo dài. Đặc biệt do cơ chế đãi ngộ hiện nay chưa cao, áp lực công việc lớn nên nhiều cán bộ công chức xin thôi việc, chuyển công tác.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, vấn đề tuyên truyền, nâng cao nhận thức trách nhiệm của mỗi cán bộ công chức là rất quan trọng. Các đơn vị cần phải hoàn chỉnh, cụ thể hóa các quy chế, quy định trong công tác cán bộ, tổ chức tuyển dụng đủ số lượng, đảm bảo chất lượng phù hợp với các vị trí chuyên môn còn thiếu. Với những địa bàn trọng điểm, có nhiều dự án quan trọng của TP, của quận, phải tăng cường, biệt phái cán bộ từ quận xuống phường. Khi thực hiện việc giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm, phải lựa chọn cán bộ có năng lực, uy tín, trách nhiệm trong công việc, đặc biệt là mạnh dạn giới thiệu cán bộ trẻ thì mới đáp ứng được mục tiêu đề ra.

Bài cuối:  Để có cán bộ đủ đức và tài - Ảnh 14
Bài cuối:  Để có cán bộ đủ đức và tài - Ảnh 15

07:30 05/12/2023