Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đánh thức không gian công cộng, muộn còn hơn không

Bài cuối: Hướng đến môi trường nuôi dưỡng tâm hồn cộng đồng

Quang Huy
Chia sẻ Zalo

Knhtedothi - Không gian công cộng (KGCC) đặc biệt quan trọng đối với đời sống văn hóa, nhất là với những đô thị chật chội.

Chính vì vậy, dù có diện tích nhỏ hẹp hay quy mô rộng lớn, những không gian này cần được kiến tạo để trở thành những không gian văn hóa thực thụ, môi trường văn hóa nuôi dưỡng tâm hồn cộng đồng, góp phần tạo nên một TP sống tốt và nhân văn.

Vì sự phát triển bền vững

Trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, văn hóa và sáng tạo đóng vai trò then chốt trong phát triển đô thị bền vững, góp phần đa dạng hóa nền kinh tế và tạo việc làm, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân bằng cách tham gia vào cơ cấu xã hội và sự đa dạng văn hóa của TP.

Tương tự như vậy, bằng cách thúc đẩy sự tham gia của văn hóa và bằng cách tái tạo KGCC, sự sáng tạo cũng trở thành một yếu tố thúc đẩy để Hà Nội trở thành một TP đáng sống.

Là quận đi đầu trong việc tái thiết KGCC, quận Hoàn Kiếm tạo dựng được nhiều không gian như phố đi bộ, phố Bích họa Phùng Hưng, ngôi nhà di sản ở Mã Mây, biến phố Mã Mây từ một phố vắng trở thành phố du lịch, thu hút nhiều khách du lịch nước ngoài.

Quận Hoàn Kiếm mới đây tu bổ Hội quán Quảng Đông ở 22 Hàng Buồm, tạo ra một không gian văn hóa nghệ thuật mới của Thủ đô.

Không gian văn hóa Hội quán Quảng Đông 22 Hàng Buồm. Ảnh: Trung Nghĩa
Không gian văn hóa Hội quán Quảng Đông 22 Hàng Buồm. Ảnh: Trung Nghĩa

Phố cổ Hà Nội hoàn toàn khác các đô thị khác như ở Huế, Hội An nên gặp nhiều khó khăn trong việc bảo tồn và tìm nguồn lực để bảo tồn.

Khác ở chỗ, mật độ dân cư ở đây rất cao, khu vực này cũng là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, tôn giáo của Thủ đô.

Ngoài đô thị điển hình tích hợp rất nhiều chức năng, quận này còn sở hữu di sản dày đặc (190 công trình di tích với đầy đủ các loại hình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng như đình, đền, chùa, miếu trong đó riêng phố cổ có diện tích 8.2ha đã có 121 công trình di tích).

Tất cả các dự án triển khai đều không dễ dàng bởi quận Hoàn Kiếm có mật độ dân cư đông.

Ví dụ về việc triển khai phố đi bộ vào năm 2016, có tới 54 cửa hàng xung quanh Hàng Khay và Đinh Tiên Hoàng, chủ yếu bày bán vali, túi xách, ba lô… tràn ra cả vỉa hè.

Tận dụng ngày nghỉ cuối tuần của các cơ quan hành chính và các KGCC chưa dùng tới, Hà Nội đã quyết định tổ chức, cấm đường trước rồi mới cải tạo chỉnh trang, nâng cấp sau.

Theo các chuyên gia, đây là một quyết định sáng suốt của chính quyền Hà Nội thời điểm đó, vì nếu chờ chỉnh trang, thì không biết đến bao giờ mới tổ chức được phố đi bộ. Phố đi bộ tạo ra một khuôn mặt mới cho đô thị, không chỉ có giá trị về văn hóa mà còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế, góp phần tăng thu ngân sách của Hà Nội.

Ngoài ra, trong bối cảnh TP Hà Nội tiến hành di dời các cơ sở công nghiệp trong nội đô, câu chuyện khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên từ những công trình này tiếp tục được đặt ra, nhằm thúc đẩy sáng tạo trong tái thiết di sản công nghiệp, bảo đảm hạ tầng xã hội, cảnh quan kiến trúc và văn minh đô thị, tạo dấu ấn đậm nét về Hà Nội - TP sáng tạo.

Đề cập đến vấn đề này, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phan Đăng Sơn cho biết, ở nước ta vẫn chưa có mô hình kiểu mẫu nào trong công tác chuyển đổi các khu công nghiệp cũ.

Trong quá trình phát triển công nghiệp từ trước tới nay, cũng chưa từng đề cập các yếu tố về di sản văn hóa.

Đứng trước kế hoạch di dời 9 nhà máy công trình cũ ở khu vực nội đô Hà Nội, sẽ rất đáng tiếc nếu tiếp cận những khu đất đó theo hướng khai thác chuyển đổi thành khu đô thị và chỉ có giá trị về mặt kinh tế.

Với kinh nghiệm thực tế từ chuyển đổi nhà máy sản xuất cũ thành không gian sáng tạo 282 Design tại quận Long Biên - công trình thu hút sự quan tâm, yêu thích của cộng đồng sáng tạo thời gian gần đây, KTS Phạm Thanh Huy cho biết, điểm đặc biệt sau khi chuyển đổi khai thác không gian phần lớn là thiên nhiên.

Tất cả vật liệu sắt, thép, gỗ cũ đều được đơn vị 282 Design chủ động tái sử dụng để tạo ra những khối nhà với chức năng phân tách giữa các hoạt động workshop và sản xuất. Không gian này chính là khoảng thở, làm giảm sự ngột ngạt của vùng trung tâm Hà Nội.

Bên cạnh một số KGCC được đánh giá là thành công, thiết kế KGCC hiện vẫn còn nhiều ngổn ngang. Hồ Gươm, phố đi bộ, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục là những KGCC có từ rất lâu và gắn liền với kỷ niệm của người dân Hà Nội, nhưng các thiết kế vẫn là kế thừa từ thời Pháp thuộc, chưa có sự sáng tạo và nét mới rõ ràng.

Đa số công viên, vườn hoa hình thành theo một kiểu cách rập khuôn, không rõ nét đặc trưng hay thể hiện cá tính, sáng tạo. Chưa kể, nhiều KGCC rơi vào sự nhếch nhác như công trình “Con đường gốm sứ ven sông Hồng”, hay bị xuống cấp, như từng thấy với các công viên Thống Nhất,  Cầu Giấy, Tuổi Trẻ...

Cùng với đó, sự phát triển của nghệ thuật công cộng đang tạo nên "trào lưu tranh tường". Sự thiếu quản lý đã dẫn đến tình trạng “trăm hoa cùng nở", tranh tường mọc lên một cách tùy ý, tùy hứng, na ná nhau.

KTS Chu Kim Đức, đồng sáng lập “Think Play Grounds”, bày tỏ: "Khi làm các công trình công cộng, chúng tôi thường cùng người dân đi thăm các công trình đã làm, lắng nghe ý kiến của họ.

"Chúng tôi nghiệm ra rằng, cái đạt được lớn nhất của mỗi dự án cải tạo KGCC là sự gắn kết giữa người dân và những người làm thiết kế. Chúng tôi không thể quên hình ảnh người dân kê ghế ra ngoài cửa ngồi xem, cổ vũ chúng tôi. Dần dà, họ hiểu được giá trị mà KGCC đem lại cho mình, từ đó chủ động tham gia giúp đỡ và sau này cùng nhau gìn giữ không gian đó".

Kinh nghiệm quốc tế

KGCC là một phần quan trọng trong cấu trúc tổng thể của một đô thị hiện đại. Bằng chứng là những đô thị hiện đại và phồn thịnh bậc nhất thế giới, như: New York, Brussels có đến 35% diện tích đất sử dụng cho đường phố, 15% diện tích được sử dụng cho không gian mở.

Chất lượng không khí tại nhiều đô thị lớn trên thế giới vốn đã ngột ngạt, cộng thêm ảnh hưởng từ dịch Covid 19 càng khiến người dân trở nên bí bách.

Vì thế, nhiều TP lớn trên thế giới đã và đang có xu hướng hồi sinh mạnh mẽ các KGCC, giúp những người dân sống ở gần các không gian này có sức khỏe tinh thần và thể chất tốt hơn.

Tháng 1/2021, Thủ đô Paris của Pháp đã triển khai dự án “phủ xanh” đại lộ Champs-Elysees - một trong những đại lộ danh tiếng nhất thế giới. Kế hoạch này là một trong những nỗ lực mà chính quyền thúc đẩy nhằm kiến tạo không gian xanh tại Thủ đô Paris đông đúc.

Theo đó, dự án “phủ xanh” đại lộ Champs-Elysees sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn, các làn đường dành cho ô tô tại đây được biến thành các khu vực cho người dân đi bộ và các công viên rợp bóng cây xanh. Tương tự, tại NewYork, công viên Quảng trường Union được sắp đặt lại để mở rộng tới 33% diện tích. Phần diện tích mở rộng sẽ được trồng nhiều cây xanh hơn và xây dựng các vùng không có xe cộ.

Tại châu Á, hồi sinh các không gian xanh cũng là xu hướng được nhiều đô thị lớn chú trọng. Thủ đô Bangkok của Thái Lan là một điển hình khi cho xây dựng thêm 11 công viên mới.

Trước đó, tháng 6/2020, Bangkok cũng đã xây mới và mở cửa công viên Chao Phraya trên nền tuyến đường sắt Lavalin Skytrain đã bỏ hoang 30 năm. Công viên giống như một cây cầu dành cho người đi bộ và được phủ bóng bởi nhiều cây xanh nhiệt đới.

Để giải tỏa “cơn khát” KGCC, phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Mỗi đô thị cũng cần có khung quyết định chiến lược cho KGCC ngay từ đầu, giống như kinh nghiệm của một số đô thị lớn trên thế giới như Barcelona hay Copenhagen.

Trong bối cảnh hiện tại, nên ưu tiên quỹ đất để mở rộng, xây dựng thêm các KGCC mới; tận dụng, cải tạo quỹ đất là các di sản công nghiệp cũ thành các không gian mới, tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế.

Bởi để TP trở nên đáng sống, không chỉ là phương tiện, hạ tầng, quy hoạch còn phải tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu cơ bản mà người dân đáng được hưởng.

Đồng thời, điều chỉnh quy hoạch phù hợp từng thời kỳ, thích ứng với những giai đoạn khác nhau của quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, người dân cũng cần ủng hộ chủ trương mở rộng thêm KGCC. Chỉ khi KGCC được bảo đảm thì chất lượng của không gian tư mới được bảo đảm theo.

Theo KTS Huy Ánh: nếu cứ mải mê xây dựng, chiếm hữu tư nhân mà quên rằng dày đặc không gian tư không phải chỉ khiến thiếu hụt không gian công cộng mà còn làm cho chất lượng không gian tư xuống cấp.

 

Một KGCC có sức sống bền bỉ, có sự lan tỏa và hấp dẫn thì cần phải có người dân tham gia vào trong không gian ấy, có sự ấm áp của con người sống trong khu vực ấy và sự sôi động trong cuộc sống hằng của cộng đồng dân cư với những sáng kiến và giải pháp sáng tạo, đột phá.

TS Nguyễn Quang - Giám đốc UN - Habitat Việt Nam