Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đánh thức di sản Hà Nội

Bài cuối: Kết nối di sản để phát triển du lịch

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, TP Hà Nội đã đề ra các giải pháp để phát triển du lịch, trong đó có việc liên kết, hợp tác tạo ra sự kết nối giữa các điểm đến là những di sản văn hóa trên địa bàn cũng như với các tỉnh, TP trong cả nước.

Tăng cường liên kết

Theo kế hoạch, năm 2023, Hà Nội phấn đấu đón và phục vụ hơn 22 triệu lượt khách, tăng 17,6% so với năm 2022, tổng thu từ khách du lịch phấn đấu đạt 77.000 tỷ đồng, tăng 28,2% so với năm 2022.

Để đạt được mục tiêu này, TP tổ chức đổi mới sản phẩm, kích cầu du lịch, tăng cường công tác quảng bá… Trong các giải pháp để phát triển du lịch, đáng chú ý là sự liên kết, hợp tác tạo ra sự kết nối giữa các điểm đến là những di sản văn hóa trên địa bàn cũng như với các tỉnh, thành khác trong cả nước.

Du khách tham quan Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Công Hùng
Du khách tham quan Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Công Hùng

Vào cuối tháng 3 vừa qua, Lễ hội Du lịch Hà Nội 2023 với chủ đề “Kết nối di sản phát triển du lịch”, các địa phương, đơn vị tham gia đã chào hàng nhiều tour mới, hoặc đưa ra những đổi mới trong xây dựng sản phẩm mà tour “Hành trình theo dấu chân Phật hoàng” là một thí dụ.

Một tour khác cũng được nhiều người chú ý trong đợt này là tour Hoàng thành Thăng Long - Bát Tràng. Sau khi tham quan Hoàng thành Thăng Long, tìm hiểu các cổ vật nghìn năm, khách sẽ được lên xe buýt hai tầng, đi qua nhiều con phố nổi tiếng của Hà Nội tham quan tìm hiểu về đình Bát Tràng, chợ gốm Bát Tràng, Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt. Việc kết nối giữa Hoàng thành Thăng Long và các làng nghề là điều nhiều nhà khoa học đề xuất từ lâu và nay chính thức được hiện thực hóa.

Trong dịp này, khách du lịch còn có thể khám phá thành cổ Cổ Loa theo một cách tiếp cận mới. Tour “Tìm về kinh đô người Việt cổ” khởi hành từ Hoàng thành Thăng Long, đưa khách du lịch đến nơi từng là kinh đô cổ của nước Việt - Cổ Loa để du khách cảm nhận rõ nét hơn những giá trị của thành Cổ Loa xưa, đặc biệt là câu chuyện về An Dương Vương xây thành ốc hay những truyền thuyết về nỏ thần Kim Quy, chuyện tình Mỵ Châu - Trọng Thủy… Khách du lịch còn được trải nghiệm làm mũi tên đất với khuôn mô phỏng bộ mũi tên khai quật ở Cổ Loa.

Bên cạnh đó, thời gian qua, TP Hà Nội và tỉnh Bắc Giang vừa cho ra đời một tour tham quan, trải nghiệm di sản “Hành trình theo dấu chân Phật hoàng”. “Hành trình theo dấu chân Phật hoàng” được bắt đầu từ Hoàng thành Thăng Long nơi vua Trần Nhân Tông lên ngôi, ở ngai vàng điều hành đất nước.

Tiếp đó, khách du lịch sẽ đến với chùa Vĩnh Nghiêm, nơi ngài trực tiếp thuyết pháp và xây dựng đây thành trung tâm Phật giáo của cả nước.

Nâng cao chất lượng

Cùng với kết nối các di sản, các địa phương, DN còn tăng tốc liên kết hợp tác để xây dựng sản phẩm có chất lượng, giá thành tốt. Thời gian qua, mỗi quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội đã tập trung xây dựng một số sản phẩm du lịch chủ lực. Quận Tây Hồ đang khai thác hiệu quả không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ (trên phố đi bộ Trịnh Công Sơn), điểm du lịch thưởng thức trà sen Quảng An; tiếp tục xây dựng điểm du lịch “Cụm di tích đình, chùa Võng Thị và mô hình làng nghề sản xuất giấy dó”.

Ngoài ra, huyện Thường Tín tổ chức hoạt động du lịch ở làng nghề sơn mài Hạ Thái, làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân; huyện Gia Lâm có làng nghề gốm Bát Tràng; quận Hà Ðông có làng nghề lụa Vạn Phúc.

Một số làng nghề được đầu tư đồng bộ (hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, hệ thống biển chỉ dẫn, xây dựng khu trung tâm giới thiệu làng nghề, xây dựng các hoạt động trải nghiệm cho khách tham quan, bồi dưỡng kiến thức làm du lịch cho người dân địa phương), trở thành điểm du lịch đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, thu hút lượng lớn khách du lịch.

Xác định sản phẩm văn hóa là sản phẩm bền vững nhất, Hà Nội chủ trương tái đầu tư cho sản phẩm văn hóa, chỉ đạo các công ty du lịch điều hành các tour, tuyến đến các điểm di tích, đầu tư mẫu mã quà tặng mang bản sắc Thủ đô một cách bài bản.

Bên cạnh đó, các DN cũng có nhiều giải pháp để nâng cao sản phẩm du lịch di sản. Tại Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2023 mới đây, Tổng Công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist) kết hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại du lịch Hà Nội (HPA) đã giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tour du lịch văn hóa, các điểm đến di sản, các di tích như phố cổ Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long, Di tích Nhà tù Hỏa Lò, các hoạt động trình diễn văn hóa nghệ thuật, trình diễn làm sản phẩm làng nghề độc đáo.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh, những tour du lịch mới kết nối di sản sẽ tạo được điểm nhấn trong công tác xúc tiến du lịch nhằm phục hồi, phát triển du lịch Hà Nội trong năm 2023. PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam đánh giá, phát huy giá trị di sản văn hóa, biến tiềm năng thành nguồn lực phát triển du lịch Thủ đô là hướng đi đúng đắn.

Việc khai thác có hiệu quả thế mạnh của di sản văn hóa hướng tới phát triển du lịch bền vững không chỉ có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển du lịch, mà còn góp phần đưa những giá trị văn hóa đặc sắc của mảnh đất Hà Nội nghìn năm văn hiến đến gần hơn với bạn bè quốc tế, tạo nguồn thu để tái đầu tư cho văn hóa.

Tuy vậy, để phát triển hơn nữa, tạo thuận lợi cho du khách và mang tính liên kết, Hà Nội cũng cần xem xét việc kết nối Hoàng thành Thăng Long với các di tích khác như Văn Miếu với sông Hồng, sông Tô Lịch, kết nối với Thăng Long Tứ Trấn, Hồ Gươm.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, các địa phương, DN và cộng đồng làm du lịch cần thay đổi tư duy, đổi mới cách làm để phục hồi nhanh chóng ngành du lịch sau đại dịch Covid-19; phát triển du lịch phải gắn với văn hóa, di sản, truyền thống lịch sử dân tộc, bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên.

Các cấp chính quyền và hội, hiệp hội du lịch cần chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng phức hợp, phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới. Ngoài ra, các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã cần tập trung xây dựng nếp sống văn minh, bảo đảm vệ sinh, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh, an toàn cho khách du lịch; tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến, truyền thông về du lịch Hà Nội…

Sở Du lịch Hà Nội cho biết, ước tính đến hết tháng 3/2023, ngành du lịch Thủ đô đón 5,88 triệu lượt khách du lịch, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 978,7 nghìn lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt gần 21,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả khả quan với du lịch Thủ đô.

Với việc các cơ quan, đơn vị, DN liên tục đổi mới sản phẩm, chất lượng, du lịch Hà Nội hoàn toàn có cơ sở để đạt mục tiêu đón 22 triệu khách du lịch trong năm 2023.

 

Phát triển du lịch dựa trên việc khai thác di sản văn hóa là một hướng đi đúng. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, mối quan hệ giữa phát triển du lịch và bảo tồn di sản văn hóa không chỉ bao hàm ý nghĩa tích cực, mà có nơi, có lúc còn biểu hiện hạn chế. Vì vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành văn hóa và du lịch trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch cũng như kế hoạch bảo tồn di sản. Việc khai thác nhiều điểm đến để giảm tải lượng khách du lịch tập trung vào một điểm cũng như ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ mới vào các khâu quản lý di sản, phân luồng khách du lịch, thuyết minh phục vụ du khách... là những cách làm có thể đáp ứng mục tiêu kép, vừa bảo tồn di sản vừa phát triển du lịch.
PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh