Sau 80 năm, ánh sáng của bản cương lĩnh đầu tiên về văn hóa vẫn vẹn nguyên trong đời sống tinh thần của Nhân dân và được tiếp nối trong giá trị văn hóa hiện nay.
Gìn giữ bản sắc dân tộc trong hội nhập
Trong 10 năm đầu thế kỷ này, khái niệm công nghiệp văn hóa đã dần xuất hiện và lần đầu tiên phát triển công nghiệp văn hóa được đề cập trong Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam 2020 (Quyết định số 581/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ ngày 6/4/2009).
Cách đây mấy năm, Đại hội XII của Đảng yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng và hoàn thiện thị trường dịch vụ, sản phẩm văn hóa.
Đến Báo cáo Chính trị của Đại hội XIII nhấn mạnh mối quan hệ giữa công nghiệp văn hóa và sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, đặt ra yêu cầu cụ thể hơn là triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp và dịch vụ văn hóa.
80 năm qua, nhiều giá trị cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam luôn được Đảng ta kế thừa, phát triển phù hợp với từng giai đoạn, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
"Từ sau 1986, chúng ta quyết định mở cửa, hội nhập với quốc tế. Điều quan trọng nhất khi hội nhập là tầm đón nhận của chủ thể văn hóa sẽ quyết định chất lượng giao lưu, tiếp biến những tinh hoa giá trị của loài người.
Bởi vậy hơn bao giờ hết, trong bất cứ thời điểm nào chúng ta cũng phải giữ gìn bản sắc của dân tộc trong giao lưu hội nhập với thế giới, tiếp tục sáng tạo những giá trị văn hóa mới nhưng phải phù hợp với thuần phong mỹ tục
Việt Nam, thể hiện bản sắc của dân tộc Việt.
Nếu không giữ được bản sắc của dân tộc thì thật sự dễ trở thành bóng mờ của người khác. Điều đó là không được làm và vì thế phải giữ nguyên tắc dân tộc hóa" - PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chỉ rõ trong văn hóa không có cao hay thấp, nhỏ hay bé mà chỉ có sự đa dạng, khác biệt.
Trước các làn sóng văn hóa, theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng: "Tôi nghĩ chúng ta không đáng quan ngại, điều chúng ta rút ra được là khi nghiên cứu việc phát triển công nghiệp văn hóa ở quốc gia bạn, họ đi trước chúng ta và thành công, phải xem xét cách làm của họ để vận dụng kinh nghiệm, giảm bớt trong khâu mày mò, tìm kiếm đường đi. Nhưng cũng không dập khuôn và máy móc thì chúng ta cũng sẽ tạo được làn sóng trong tương lai".
Đóng góp của công nghiệp văn hóa vào GDP của cả nước chỉ chiếm 3,16%, chứng tỏ rằng dù có thể đi sau và đang non trẻ nhưng công nghiệp văn hóa đã có đóng góp nhất định. Bộ VHTT&DL đang tham mưu để Chính phủ sớm tổng kết Chiến lược văn hóa đã được ban hành trong giai đoạn trước, để cụ thể hơn, sâu sắc hơn nội dung mới trong Nghị quyết của T.Ư.
“Nếu có cần bổ sung thì làm rõ thêm vai trò của văn hóa con người đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, văn hóa là mục tiêu của sự phát triển và văn hóa có vai trò là động lực của sự phát triển nhanh và bền vững đất nước. Trong thời gian tới, các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục làm rõ thêm vai trò đặc biệt của văn hóa" - PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng nhận định.
Theo các chuyên gia, nếu cần bổ sung thì nên làm rõ thêm vai trò của văn hóa con người đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, văn hóa là mục tiêu của sự phát triển và văn hóa có vai trò là động lực của sự phát triển nhanh và bền vững đất nước. Trong thời gian tới, các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục làm rõ thêm vai trò đặc biệt của văn hóa.
Phản bác quan điểm sai trái
Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương cho thấy, nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng - lý luận văn hóa, văn nghệ luôn đặt ra ở mọi thời kỳ, nhưng tùy từng bối cảnh và mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng cụ thể mà lựa chọn nội dung đấu tranh phù hợp.
Theo PGS. TS Đoàn Minh Huấn - Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản: Chủ nghĩa đế quốc văn hóa vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức đa dạng, tinh vi, được truyền bá qua các học thuyết chính trị - an ninh, qua sức mạnh mềm, qua du học, qua xuất nhập khẩu văn hóa phẩm, qua các nền tảng số xuyên biên giới.
Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị không từ một thủ đoạn nào mưu toan phủ nhận thành tựu của nền văn nghệ cách mạng, xuyên tạc đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, cổ xúy cho cái gọi là “văn nghệ độc lập với chính trị”, ra sức kích động, lôi kéo trí thức, văn nghệ sĩ qua không gian mạng.
Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” ban hành kịp thời đã có tác dụng định hướng tư tưởng, lý luận, tập hợp lực lượng, tổ chức các phương thức đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói chung và tư tưởng văn hóa, văn nghệ nói riêng.
Chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, văn nghệ rất phức tạp; có hoạt động công khai chống phá trắng trợn; có hoạt động xuyên tạc, chống phá tinh vi núp bóng các hình tượng văn học, nghệ thuật...
Không ít người cầm bút lừng chừng, ngả nghiêng, dao động; có người đã từng tham gia cách mạng chuyển sang “trở cờ”, “sám hối”, phủ nhận cả những “đứa con tinh thần” của mình trước đây.
Từ tinh thần của Đề cương cho thấy, muốn đấu tranh có hiệu quả thì phải nhận diện đúng các biểu hiện chống phá, cơ hội, suy thoái tư tưởng chính trị hoặc hành vi có nguy hại đến tư tưởng, văn hóa, trên cơ sở đó mới xác định trúng phương pháp đấu tranh với từng đối tượng.
Không gian mạng đang trở thành “mặt trận” chính của cuộc đấu tranh tư tưởng, văn hóa, văn nghệ mà chúng ta phải nắm lấy, giữ vững tính chủ động và tổ chức lực lượng đấu tranh một cách kiên quyết, đồng bộ thông qua cả đấu tranh chính trị, tư tưởng, văn hóa, kinh tế, pháp lý, hành chính.
Chỉ dẫn của Đề cương văn hóa
Phương thức lãnh đạo của Đảng có vai trò đặc biệt quan trọng bảo đảm thành công của công cuộc đấu tranh trên địa hạt tư tưởng, văn hóa.
Đề cương ra đời xác định các phương pháp, hình thức, cách thức lãnh đạo đa dạng, linh hoạt của Đảng, phù hợp lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, trở thành nhân tố quyết định nhất bảo đảm thành công của cuộc đấu tranh.
Đấu tranh tư tưởng trước hết cần đến vũ khí tư tưởng, lý luận sắc bén đủ sức bóc trần cơ sở kinh tế, chính trị, nguồn gốc tâm lý, xã hội của mọi luận thuyết đang chi phối đến tư tưởng người cầm bút như Đề cương đã chỉ rõ; cần đến các tác phẩm lý luận văn hóa, văn nghệ xứng tầm, đủ sức định hướng, dẫn dắt xây dựng nền văn hóa, văn nghệ nước nhà thời kỳ mới.
Theo PGS. TS Đoàn Minh Huấn: Tinh thần của Đề cương dạy chúng ta không “vơ đũa cả nắm”, phân biệt rõ tư tưởng văn hóa phản động với những tư tưởng ảnh hưởng đến hoạt động sáng tác của văn nghệ sĩ.
Nhờ chỉ dẫn của Đề cương mà Đảng đã giáo dục, lôi cuốn không ít nhà văn hóa, văn nghệ sĩ trước đó ẩn dật, nương náu trong “tháp ngà nghệ thuật” từng bước thay đổi lập trường, tham gia sự nghiệp cứu nước, thể hiện trách nhiệm xã hội của người cầm bút, có nhiều đóng góp quan trọng cho Nhân dân và dân tộc.
Có thể thấy, sự kế thừa phát triển văn hóa, xây dựng toàn diện con người Việt Nam, với tư cách là một trụ cột của sự phát triển, là sức mạnh mềm văn hóa trong cấu trúc sức mạnh tổng thể quốc gia không còn là giải pháp riêng của ngành văn hóa mà là giải pháp tổng thể của toàn bộ hệ thống chính trị xã hội Việt Nam.
Trong đó, việc đầu tư cho văn hóa phải thực sự được chú trọng thông qua các giải pháp đồng bộ có khả năng khơi thông các nguồn lực cho phát triển văn hóa, xây dựng toàn diện con người Việt Nam theo hướng bền vững. Đây chính là kết quả nhận thức có được từ việc kế thừa, phát huy một cách khoa học nền tảng, giá trị mang ý nghĩa khởi nguồn của Đề cương về Văn hóa Việt Nam.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Giám đốc Học viện
Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng