Mở rộng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT: Cân nhắc để không bỏ sót tài năng

Bài cuối: Thực chất và đúng quy định

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinh tedothi - Dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT sẽ khắc phục những bất cập, mang lại cơ sở pháp lý đầy đủ hơn trong việc xét tặng danh hiệu.

Để bảo đảm sự chính xác, khách quan, minh bạch, điều đầu tiên là cần làm rõ về cách tiếp cận, tiêu chí, tiêu chuẩn xét tặng với những người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, làm căn cứ để triển khai trong thực tiễn.

Xem xét kỹ lưỡng

Dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, ngoài phần căn cứ pháp lý, nội dung được chia thành 5 chương 19 điều. Theo các chuyên gia, Nghị định cần bảo đảm các tiêu chí rõ ràng, tôn vinh đủ, đúng, không bỏ sót tài năng.

Chẳng hạn, hiện đối tượng sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật đang hoạt động trong 9 lĩnh vực văn học, nghệ thuật (hiện có 9 hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành T.Ư).

Một chương trình nghệ thuật tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Một chương trình nghệ thuật tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Việc xác định đối tượng cụ thể của từng lĩnh vực thuộc đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT gặp nhiều khó khăn vì thành tích để xét tặng danh hiệu nghệ sĩ của đối tượng này đang có sự trùng lặp với thành tích của tác giả có tác phẩm đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật.

Bên cạnh đó còn những khó khăn về cách tính thời gian hoạt động của đối tượng "sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật".

Về việc xác định đối tượng, Điều 66 Luật Thi đua - Khen thưởng năm 2022 quy định chung cho xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT là "có tác phẩm xuất sắc có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật được công chúng yêu thích đón nhận".

Luật Thi đua - Khen thưởng năm 2022 cũng xác định một trong các tiêu chuẩn để tác phẩm được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật là "có giá trị cao về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật".

Những quy định này sẽ dẫn đến việc xác định, phân biệt giữa tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật cho tác phẩm và tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho đối tượng "sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật" bị trùng lặp, dẫn đến khó khăn trong xây dựng tiêu chuẩn cụ thể vì theo quy định của Luật Thi đua - Khen thưởng năm 2022 không khen thưởng nhiều lần, nhiều hình thức cho một thành tích đạt được.

Còn về tính thời gian hoạt động cũng có nhiều băn khoăn. Ví dụ Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam đề xuất cách tính thời gian tham gia nghệ thuật cho đối tượng "người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật" giống như đối tượng hoạt động nghệ thuật biểu diễn; Hội Nhạc sĩ Việt Nam đề xuất theo thời gian công bố tác phẩm giống điều kiện để xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật là không phù hợp.

Ngoài ra, các đề xuất cụ thể hóa tiêu chí "tác phẩm xuất sắc có giá trị cao về nội dung tư tưởng và nghệ thuật được công chúng yêu thích đón nhận" đều mang tính chung chung, chưa lượng hóa được tiêu chuẩn.

 

Các thành phần sáng tạo âm thầm đứng sau những thành quả nghệ thuật rất cần được quan tâm. Họ không có cơ hội tham gia các hội diễn, liên hoan của riêng lĩnh vực mình làm như thiết kế ánh sáng, đạo cụ, phục trang, hóa trang, đồ họa mỹ thuật... mà hiện nay còn có cả thiết kế hình ảnh với công nghệ mới.
NSND Trọng Hữu

 

Theo Hội Nhà văn Việt Nam, để đánh giá một nhà văn phải thông qua giá trị tác phẩm, có tính lan tỏa rộng lớn và tác động mạnh mẽ tới Nhân dân, xã hội.

Khó có định lượng cụ thể nào cho một tác phẩm của nhà văn để mang ra xét Nhà văn ưu tú hay Nhà văn nhân dân. Nhà văn không phải nghệ sĩ. Đối với người lao động sáng tạo trong văn học, danh xưng nhà văn đã là cao quý, thiêng liêng.

Một nội dung khác cũng được các chuyên gia nêu lên, theo Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà: dự thảo Nghị định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT quy định việc xác định giá trị của giải thưởng tại các liên hoan, cuộc thi, giải thưởng về phim của các bộ, ngành, quốc tế (khu vực và thế giới) sẽ do Cục Điện ảnh xác định.

Tuy nhiên, cần có quy định, hướng dẫn cụ thể để có căn cứ pháp lý thực hiện. Tầm quốc tế và có yếu tố nước ngoài là rất khác nhau. Ví dụ, hiện nay tại Trung Quốc, tỉnh nào cũng tổ chức Liên hoan phim (LHP), giải thưởng phim, tuy nhiên chỉ có LHP quốc tế Bắc Kinh và LHP quốc tế Thượng Hải mới được coi là đạt tầm quốc tế, do quốc gia tổ chức.

Bám sát thực tiễn

Trong bộ tứ diva nhạc Việt được giới truyền thông tôn vinh gồm Hồng Nhung, Mỹ Linh, Trần Thu Hà, Thanh Lam, chỉ duy nhất Thanh Lam được xét tặng danh hiệu NSƯT năm 2007.

Hiện nay, dù đã mở rộng việc xét tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ hoạt động tự do nhưng vẫn rất ít người gửi hồ sơ xét tặng. Về việc nhiều nghệ sĩ tài năng bị bỏ sót, một số ý kiến cho rằng, quy trình làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu có sự khác biệt rất rõ đối với nghệ sĩ hoạt động tự do, và những nghệ sĩ trực thuộc quản lý của cơ quan Nhà nước.

 

 

Mỗi đợt xét tặng danh hiệu cần có sự cải tiến để tránh bỏ sót người có công lao đóng góp lớn. Những lời than trách, dư luận trái chiều mỗi lần xét tặng danh hiệu trong thời gian qua đã khiến người trong nghề làm văn hóa nghệ thuật cảm thấy chạnh lòng.
NSND Thanh Tuấn

 

Ở phía Bắc, phần lớn nghệ sĩ biểu diễn đều thuộc quản lý của các nhà hát, cơ quan do Nhà nước quản lý như: Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ... - những đơn vị thuộc sự quản lý của Bộ VHTT&DL. Khi đầu quân vào các nhà hát hay cơ quan, đoàn thể do Nhà nước quản lý, các nghệ sĩ sẽ thuận lợi trong việc đáp ứng quy chuẩn hóa quá trình làm hồ sơ đề xuất xét tặng danh hiệu nghệ sĩ.

Theo đó, mỗi nghệ sĩ trong suốt quá trình hoạt động nghề nghiệp sẽ được cơ quan, nhà hát hỗ trợ tích cực các quy trình hoàn thiện hồ sơ, ví như tham gia vở diễn, tham gia các kỳ liên hoan sân khấu, các cuộc thi để có đủ huy chương, giải thưởng cần thiết.

Còn ở phía Nam, hầu hết nghệ sĩ đều hoạt động tự do, không trực thuộc quản lý của các cơ quan Nhà nước. Điều này khiến nhiều nghệ sĩ có tâm lý e ngại làm hồ sơ để xét danh hiệu.

Ngoài ra, cùng trong đối tượng nghệ sĩ biểu diễn được xét tặng danh hiệu, giới ca sĩ chủ yếu hoạt động tự do, khác biệt hẳn so với nghề diễn viên hoạt động sân khấu hay điện ảnh.

Để hạn chế được thực trạng không bắt kịp đời sống, nhiều ý kiến cho rằng công tác soạn thảo, trưng cầu ý kiến cần xác định rõ hơn các mục tiêu trong nội dung cũng như mục đích, hiệu quả áp dụng.

Đó là, tôn vinh được nghệ thuật đỉnh cao, trân trọng được các nghệ sĩ có tài. Đồng thời, việc xét chọn danh hiệu không chỉ nhằm tôn vinh nghệ sĩ mà còn tác động tích cực tới giới nghề, xã hội, khẳng định trước công chúng những giá trị nghệ thuật và nhân cách nghề nghiệp cao quý.

Và để được như vậy, việc xây dựng dự thảo Nghị định về việc phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT cần có sự tham gia của nhiều nhà chuyên môn uy tín trong nghiên cứu, giảng dạy nghệ thuật.

Thời gian ban hành Nghị định cần được nới rộng để tranh thủ được nhiều đóng góp tâm huyết, chân thực. Đặc biệt, không thể thiếu sự nhiệt tình, sâu sát của đội ngũ làm công tác tổ chức, kết nối chuyên gia, nghệ sĩ, tiếp nhận và hoàn thiện các nội dung dự thảo.

Với các tiêu chí mang tính định lượng như số huy chương, giải thưởng theo từng lĩnh vực nghệ thuật, cần phải có các cuộc hội thảo, tọa đàm, trao đổi thật kín kẽ để đi đến thống nhất chung bảo đảm khoa học và nhân văn.

 

 

Không nên đợi đến khi báo chí lên tiếng, dư luận bàn tán về một số trường hợp có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật nhưng thiếu huy chương mới trình Thủ tướng quyết định mà cần phải có sự rà soát trước và vai trò của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật, các hội chuyên ngành có ý kiến ngay từ vòng thẩm định tại địa phương, để tránh làm tổn thương nghệ sĩ.
NSƯT Lê Thiện

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần