Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bãi đỗ xe ô tô tại Hà Nội: cần giải pháp tổng thể, căn cơ

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Áp lực giao thông tĩnh, trong đó có việc quy hoạch chỗ đỗ xe ô tô công cộng, vẫn đang từng giờ từng phút đè nặng lên hạ tầng của Hà Nội, gây ra nhiều hệ lụy.

Không ít giải pháp đã được đưa ra để tháo gỡ, nhưng những khó khăn vẫn còn đó, đòi hỏi chủ trương, chính sách phải nhanh chóng đi vào thực tiễn, cho hiệu quả rõ nét.

Áp lực trầm trọng

Theo Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỷ lệ diện tích đất giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị phải đạt từ 20 - 26% cho đô thị trung tâm, trong đó diện tích đất cho giao thông tĩnh phải đạt 3 - 4%.

Tuy nhiên, tính đến nay, dân số của Hà Nội đã đạt trên 8 triệu người, chưa bao gồm khoảng 1,2 triệu người vãng lai thường xuyên sinh sống, làm việc và học tập trên địa bàn TP. Số lượng phương tiện giao thông đường bộ đạt khoảng 8 triệu chiếc, ngoài ra còn có khoảng 1,2 triệu chiếc từ các tỉnh, TP khác hoạt động thường xuyên tại Thủ đô.

Tốc độ tăng trưởng phương tiện bình quân giai đoạn 2019 - 2022 là trên 10% đối với ô tô, và trên 3% đối với xe máy, trong khi tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt được 10,35% (chỉ tăng được khoảng từ 0,26 - 0,3%/năm) và diện tích đất dành cho giao thông tĩnh mới được dưới 1%.

Bãi đỗ xe ngầm Mễ Trì, Hà Nội. Ảnh Công Hùng
Bãi đỗ xe ngầm Mễ Trì, Hà Nội. Ảnh Công Hùng

Hiện nay, diện tích đất của TP dành cho giao thông tĩnh và các điểm, bãi đỗ xe công cộng mới chỉ đáp ứng khoảng 8 - 10% nhu cầu đỗ xe của tổng số phương tiện hiện có, còn lại 90% lượng xe đang đỗ tại bãi đất trống, đất xen kẹt, đất dự án chậm triển khai, những khu vực công cộng như lòng đường, vỉa hè, bãi xe trong bệnh viện, trường học, công viên; trung tâm thương mại; khu chung cư, trụ sở cơ quan, đơn vị và tại nhà dân…

Theo Quyết định số 1218/QĐ - UBND ngày 8/4/2022 của UBND TP Hà Nội, tổng số bãi đỗ xe công cộng theo quy hoạch là 1.620 điểm. Tuy nhiên hiện mới có 57 bãi đỗ xe theo quy hoạch đang khai thác sử dụng; 66 điểm đang triển khai đầu tư. Sở GTVT đã cấp phép sử dụng tạm thời lòng đường để trông giữ xe cho 40 đơn vị tại 214 vị trí, với diện tích 37.985m2.

Theo báo cáo chưa đầy đủ (mới có 17/30 địa phương thống kê) thì UBND các quận, huyện, thị xã đã cấp phép sử dụng tạm thời hè đường, lòng đường để trông giữ xe tại 422 điểm với diện tích 93.300m2.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội nhận định, tốc độ phát triển của kết cấu hạ tầng giao thông không theo kịp tốc độ gia tăng phương tiện đang tạo nên áp lực rất lớn, đặc biệt cho mạng lưới giao thông tĩnh. Việc tạm thời sử dụng một phần hè phố, lòng đường làm nơi trông giữ xe hiện nay chỉ là phương án, giải pháp tạm thời để đáp ứng nhu cầu đỗ xe của người dân trong khi các bãi đỗ xe chưa được đầu tư theo quy hoạch.

 

Đối với hạ tầng giao thông tĩnh của Hà Nội, không thể áp dụng một giải pháp chung cho tất cả mà phải phân chia thành nhiều khu vực, gồm: khu vực hiện nay đã phát triển và tới đây hạn chế phát triển; những khu vực giữ ổn định; và những khu vực phát triển mới. Đối với khu vực hạn chế phát triển, TP cần hạn chế đỗ xe, có thể áp dụng phí đỗ xe cao.

Đặc biệt là phố cổ, phố cũ của Hà Nội phải song song tăng cường phương tiện công cộng để giải quyết tốt nhu cầu đi lại của người dân và điều chỉnh giá phí đỗ xe lên cao để hạn chế phương tiện cá nhân. Đối với khu vực ổn định nên đầu tư nhiều hình thức giao thông tĩnh như bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe cao tầng dạng tháp.

Còn đối với khu vực phát triển mới nhất thiết phải áp dụng tiêu chuẩn về giao thông tĩnh đối với một đô thị văn minh hiện đại; hạn chế áp dụng phí mà chuyển sang giá dịch vụ trông giữ xe để thu hút nguồn lực xã hội vào đầu tư hạ tầng góp phần giải quyết bài toán về giao thông đô thị.

Chuyên gia giao thông, TS Vũ Hồng Trường

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung phân tích, tình trạng thiếu trầm trọng điểm đỗ gửi xe đang gây ra nhiều hệ lụy cho Hà Nội.

“Các bãi xe tự phát vừa gây thất thu ngân sách, vừa là nguyên nhân dẫn đến mất an ninh, trật tự, ATGT, khiến người dân bức xúc. Vấn đề này đã được bàn thảo rất nhiều, nhưng chưa có chuyển biến rõ rệt” - ông Vũ Hoàng Chung nói.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, khó khăn do thiếu hụt hạ tầng giao thông tĩnh đã được nhận diện rõ từ lâu. TP đã đưa ra rất nhiều giải pháp, nhưng thực tế chưa cải thiện được bao nhiêu. Phải chăng việc triển khai chính sách, chủ trương vào thực tế còn khó khăn, hay thiếu sự đồng bộ, quyết liệt trong hệ thống chính trị?

Song hành hai nhóm giải pháp

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong năm 2023, Sở đã có báo cáo chuyên đề: “Công tác quy hoạch, đầu tư và quản lý, khai thác bến xe, bãi đỗ xe, điểm trông giữ xe tạm thời trên địa bàn TP Hà Nội”, trình lên UBND TP. Trong đó Sở GTVT đã kiến nghị nhiều giải pháp cả lâu dài lẫn trước mắt nhằm tháo gỡ khó khăn cho hạ tầng giao thông tĩnh.

Thứ nhất là tiếp tục rà soát đồ án Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để loại khỏi quy hoạch các vị trí địa điểm bãi đỗ xe khó khả thi về tổ chức thực hiện. Giao Sở GTVT tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, đề xuất danh mục các bãi đỗ xe cần thiết đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách; giao các địa phương cụ thể hóa quy hoạch; giao Sở QH&KT rà soát, cập nhật Quy hoạch giao thông tĩnh của TP.

Kiến nghị TP ưu tiên bố trí vốn đầu tư công đầu tư các bãi đỗ xe sau đó đấu thầu quyền khai thác, nhất là với những khu vực mật độ dân cư cao. Giao Sở KH&ĐT phân loại, xử lý đối với từng dự án, nếu cần có biện pháp thu hồi, hủy bỏ các quyết định và dừng thực hiện dự án, giải quyết dứt điểm đối với các dự án chậm triển khai.

Tăng cường quản lý, giám sát, hậu kiểm tiến độ, định kỳ đánh giá đầu tư bảo đảm quản lý chặt chẽ từ khi nghiên cứu lập dự án cho đến khi thực hiện xong. Giao Sở Xây dựng chủ trì kiểm tra định kỳ việc thi công xây dựng, giám sát, kiểm tra việc quản lý khai thác sử dụng sau đầu tư bảo đảm thực hiện theo đúng dự án.

Sở GTVT cũng kiến nghị TP giao UBND các quận, huyện rà soát bãi đỗ xe trên địa bàn, hướng dẫn những đơn vị đủ điều kiện để công bố bãi đỗ xe... “Mặt khác cần tiếp tục tổ chức xây dựng, ban hành cơ chế chính sách nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng để giảm thiểu lượng phương tiện và ùn tắc giao thông” - lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội nói.

Trước mắt, Sở GTVT đang đề nghị các sở, ngành, địa phương liên quan đánh giá việc thực hiện các quy định về quản lý lòng đường, hè phố để tổng hợp, báo cáo, đề xuất TP sửa đổi, bổ sung những nội dung không còn phù hợp với thực tế hiện nay để cấp phép tạm thời một phần lòng đường, hè phố trông giữ phương tiện. Xem xét điều chỉnh lại mức phí và giá trông, giữ phương tiện theo quy định cho phù hợp với thực tiễn để tăng sức hấp dẫn cho các suất đầu tư điểm trông giữ xe.

Kiến nghị UBND TP Hà Nội giao Sở GTVT rà soát lại các tuyến đường, hè phố đủ điều kiện để cho phép tạm thời được tổ chức trông giữ phương tiện. Giao UBND các quận, huyện, thị xã cấp phép sử dụng tạm thời các vị trí được quy hoạch là bãi đỗ xe trên địa bàn những vẫn đang là khu đất trống, dự án chậm triển khai... để trông giữ xe.

Đặc biệt cần từng bước công khai tổ chức đấu thầu trông giữ phương tiện tạm trên một số tuyến đường gắn với việc duy tu, duy trì kết cấu hạ tầng giao thông. Coi việc áp dụng công nghệ thông tin trong thu phí, quản lý điều hành giao thông là điều kiện quan trọng, ưu tiên trong dự thầu khai thác điểm trông giữ xe.

Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung chia sẻ: “Những giải pháp Sở GTVT Hà Nội đưa ra là rất thiết thực và có tầm nhìn chiến lược. Tuy nhiên nếu chỉ dừng lại ở đề xuất, chậm triển khai vào thực tiễn thì cũng như không. Hà Nội cần quyết liệt, nhanh mạnh hơn nữa, đưa chủ trương, chính sách tốt vào đời sống thực tế”.

 

Muốn hấp dẫn nhà đầu tư, kêu gọi vốn cho các dự án giao thông tĩnh, TP Hà Nội cần coi nó như công trình dịch vụ thương mại. Bởi nếu chỉ là kết cấu hạ tầng giao thông sẽ khó sinh lời, chậm thu hồi vốn, hầu như không có DN nào mặn mà tiếp cận.

TP nên phân chia các dự án giao thông tĩnh thành hai loại: loại 1 do ngân sách đầu tư, đấu thầu quyền khai thác; loại 2 sử dụng vốn xã hội hóa, cho phép vận dụng giá phí linh hoạt. Như vậy mới có thể đẩy nhanh tiến độ xây dựng bãi đỗ xe trong TP.

Thạc sĩ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương