Bài học về xử lý khủng hoảng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 15 tàu và 30 máy bay của Indonesia và của một số nước trong khu vực đã được huy động để tìm kiếm chiếc máy bay bị mất tích của Hãng hàng không AirAsia.

Tuy nhiên, trong ngày thứ 2 của chiến dịch giải cứu, số phận của chuyến bay mang số hiệu QZ8501 vẫn là một câu hỏi lớn và nhắc nhớ về sự biến mất kỳ lạ của chuyến bay MH370 cách đây gần 10 tháng.

Những nỗ lực tìm kiếm tung tích của chiếc máy bay đã được khẩn trương thực hiện trong khi các thông tin liên quan đến vụ việc được cập nhật từng phút trên các phương tiện truyền thông toàn cầu. Để có được các công cụ, thiết bị tốt nhất cho công cuộc tìm kiếm, Indonesia đã đưa ra đề nghị hỗ trợ từ Anh, Pháp, Mỹ, Australia và đã nhận được cam kết giúp đỡ từ các nước này. Dù khẳng định sẽ thực hiện chiến dịch tìm kiếm đến cùng nhưng các quan chức Indonesia cũng không thể biết được số phận của những người có mặt trên chuyến bay định mệnh này hiện ra sao và phải mất bao lâu mới tìm ra được chiếc máy bay.

 
Người thân của các hành khách tới sân bay Surabaya (Indonesia) chờ tin trong tâm trạng lo lắng, đau buồn.
Người thân của các hành khách tới sân bay Surabaya (Indonesia) chờ tin trong tâm trạng lo lắng, đau buồn.
Vụ việc này lập tức khiến cổ phiếu của công ty AirAsia giảm 12% trong đầu phiên giao dịch 29/12 và được dự đoán là sẽ giảm sâu trong những ngày tới. Thiệt hại về kinh tế chắc chắn sẽ khiến hãng hàng không giá rẻ này điêu đứng và được nhiều nhà đầu tư nhìn nhận như một cơ hội để thử thách bản lĩnh của người đứng đầu AirAsia. Lập nghiệp với 1 ringit trong tay, Tony Fernandes đã trở thành một huyền thoại không chỉ trong ngành thu âm mà còn là người khai phá thị trường hàng không giá rẻ châu Á, là ông chủ của một đội bóng và nhiều mảng kinh doanh khác nhau. Tony Fernandes thậm chí còn thường được so sánh với tỷ phú lập dị Richard Branson của Tập đoàn Virgin nhưng tính đến thời điểm này, cách xử lý khủng hoảng của Fernandes được cho là thành công. Những gì mà ban điều hành của Hãng hàng không quốc gia Malaysia không làm được, Fernandes đã thực hiện một cách chủ động và chân thành. Trên twitter, những lời động viên, chia sẻ với thân nhân của hành khách, với nhân viên của hãng và cam kết thực hiện đến cùng trách nhiệm của mình với cơ quan chức năng đã nhận được sự ủng hộ của dư luận.

Vụ mất tích của chuyến bay QZ8501 cũng được người dân Indonesia nhìn nhận như một cách để đánh giá khả năng điều hành của nội các do tân Tổng thống Widodo mới bổ nhiệm. Và sự vào cuộc của giới chức Indonesia với hình ảnh Tổng thống họp báo dã chiến, Phó Tổng thống trực tiếp đến tận sân bay để động viên thân nhân, chỉ đạo công tác tìm kiếm đã được đánh giá là một điển hình trong cách thức xử lý khủng hoảng. Thay vào hình ảnh hỗn loạn trong các cuộc họp báo, sự phẫn nộ đến mức ném cả giày dép của gia đình nạn nhân trong vụ việc máy bay MH370 bị mất tích, các hoạt động hỗ trợ thân nhân của hành khách được thực hiện một cách bài bản, chu đáo và phần nào giúp họ bình tĩnh để chờ đợi thông tin chính thức. Kế hoạch tìm kiếm chiếc máy bay được thực hiện một cách chi tiết, tính đến cả những chi tiết nhỏ nhất và nhanh chóng đề nghị sự giúp đỡ từ các nước trong khu vực cho thấy sự quyết đoán và vận hành tương đối trơn tru của bộ máy chính quyền Indonesia.

Trong lúc sự tuyệt vọng, nỗi sợ hãi về số phận của những người có mặt trên chuyến bay đang bao trùm, cách thức đương đầu giải quyết khủng hoảng đã củng cố niềm tin của người dân Indonesia về khả năng giải quyết các thảm họa tương tự của chính quyền. Và tương lai của AirAsia cũng như của ngành hàng không giá rẻ châu Á được nhìn nhận là sẽ giảm thiểu tối đa nguy cơ sau những gì mà nhà điều hành Fernandes đã thể hiện. Tất nhiên, trong lúc này, tất cả mọi người đều cầu nguyện và hy vọng vào một điều kỳ diệu sẽ xảy ra với chuyến bay QZ8501.