Bài toán giảm thiểu ô nhiễm không khí vẫn nan giải

Lê Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe và cuộc sống nhân loại đã và đang là vấn đề nóng luôn nhận được sự quan tâm của cộng đồng xã hội.

Ở nước ta, vấn đề này cũng đang trở thành nỗi lo của không chỉ riêng ai, nhất là khi thỉnh thoảng Thủ đô Hà Nội lại bị truyền thông nêu tên là TP ô nhiễm không khí nhất thế giới - dựa trên số liệu đo từ ứng dụng quan trắc tự động.

Không khí Hà Nội đã bị ô nhiễm từ hơn 20 năm

Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE), qua số liệu tổng hợp nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước thì ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã xảy ra từ hơn 20 năm trở lại đây, bắt đầu từ khi ồ ạt xây dựng cơ sở hạ tầng và tập trung dân cư về Hà Nội.

Năm 2003 - 2004, Hà Nội đã tiến hành đề tài nghiên cứu về ô nhiễm bụi, kết quả cho thấy ô nhiễm bụi đã xảy ra ở diện khá rộng. Số liệu sử dụng trong báo cáo này được lấy từ các trạm đo tự động, từ các đợt quan trắc công phu, không chỉ xác định nồng độ bụi mà còn phân tích, tính toán nồng độ các nguyên tố, các ion, các chất hydro carbon có trong các loại bụi kích thước nhỏ, dễ xâm nhập sâu vào cơ thể người như bụi PM10 (kích thước động học dưới 10mcm), bụi PM2,5 (kích thước động học dưới 2,5mcm). Số liệu thu thập đủ lớn, phương pháp xử lý hiện đại nên kết quả đưa ra đáng tin cậy. Các tiêu chuẩn chất lượng không khí xung quanh quốc gia được sử dụng để đánh giá nên kết quả đủ tính pháp lý.

Không khí Hà Nội trong những ngày vừa qua bị ô nhiễm nặng khiến nền trời mù mịt. Ảnh: Công Hùng
Không khí Hà Nội trong những ngày vừa qua bị ô nhiễm nặng khiến nền trời mù mịt. Ảnh: Công Hùng

Tiếp sau đó, có một số công trình nghiên cứu khác cũng cho thấy Hà Nội đã bị ô nhiễm không khí ở nhiều nơi. Do có sự thay đổi về tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng không khí và thay đổi cách đánh giá dùng chỉ số chất lượng không khí (viết tắt tiếng Anh là AQI) gần với cách đánh giá của Mỹ nên cách đánh giá chất lượng không khí chính thống của Việt Nam đã được định hình theo hướng dẫn ở Quyết định số 1459/QĐ-TCMT ngày 12/11/2019 của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT). Hiện tại, trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, TP khác cũng đã có nhiều trạm đo liên tục (theo từng giờ) các chất, trong đó có cả bụi mịn PM2,5, vì thế mà ô nhiễm không khí mới được nhiều người chú ý, biết đến, quan tâm và lo ngại.

“Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây và cần giải quyết, đó là: nguyên nhân của ô nhiễm từ đâu, do nguồn nào gây nên, mỗi người chúng ta có góp phần gây ra tình trạng này không? Đã có phương pháp hạn chế phát thải chất ô nhiễm và giảm tác động của ô nhiễm không khí hay không? Thật ra, ô nhiễm không khí chủ yếu là sản phẩm của hoạt động sống và sản xuất của con người. Đời sống con người được nâng cao thì phải sản xuất nhiều hàng hóa và phải đánh đổi nhiều thứ như cạn kiệt tài nguyên và suy giảm chất lượng môi trường” - GS.TS Hoàng Xuân Cơ cho ý kiến.

Rà soát lại từ tháng 11/2023 đến nay của phóng viên Kinh tế & Đô thị cho thấy, nhiều khu vực ở Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc thường xuyên "chìm" trong bầu không khí trắng đục mịt mù của sương và khói bụi. Dữ liệu quan trắc cho thấy, chất lượng không khí Hà Nội đo được trên các ứng dụng quan trắc liên tục xuất hiện chỉ số AQI cao với các màu nâu, đỏ, thậm chí là tím. Đáng nói, ở một số thời điểm, Hà Nội còn bị xếp vào Top 1, Top 2, Top 3 thành phố ô nhiễm thế giới.

Tuy nhiên, những dữ liệu này chỉ tương ứng với thời gian cụ thể cho vị trí khu vực trạm quan trắc nhất định, không mang tính đại diện cho toàn TP Hà Nội. Dù là vậy, cũng thực sự đáng quan ngại. Bởi lẽ, theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí làm cho mọi người phải tiếp xúc với các hạt mịn trong không khí bị ô nhiễm. Các hạt mịn này thâm nhập sâu vào phổi và hệ thống tim mạch, gây ra các bệnh đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.

 

Hà Nội đã rất nỗ lực để thực hiện cải thiện chất lượng không khí. Ô nhiễm không khí có tính chất lan truyền rộng liên quan đến nhiều khu vực, tỉnh, thành. Tuy nhiên hiện nay đang thiếu cơ chế phối hợp chặt chẽ, biện pháp triển khai đồng bộ, hiệu quả từ T.Ư đến địa phương, liên kết giữa các tỉnh, TP trong khu vực. Trong khi đó, tốc độ đô thị hóa tại TP Hà Nội diễn ra nhanh chóng với hàng nghìn công trường xây dựng phát sinh hằng ngày một lượng lớn bụi vào môi trường.
Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, PGS.TS Bùi Thị An

 

Dữ liệu từ Trung tâm phát triển sáng tạo Xanh GreenID cũng chỉ ra, nguồn bụi ô nhiễm ở các đô thị lớn hầu hết là từ khí thải giao thông, công trình xây dựng, đường sá và sản xuất công nghiệp. Mức độ ô nhiễm của Hà Nội chỉ sau New Delhi (Ấn Độ), là nơi ô nhiễm không khí hàng đầu thế giới với nồng độ bụi PM2.5 lên tới 124 µg/m3 không khí. Đối với khu vực nông thôn, mức độ ô nhiễm chủ yếu bị tác động cục bộ bởi các hoạt động sản xuất của các làng nghề, hoạt động xây dựng, đốt rơm rạ, rác thải và đun nấu.

Thiếu kinh phí, thiếu cơ chế phối hợp

Được biết, thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31/5/2017 của Thành ủy về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, TP Hà Nội đã không ngừng nỗ lực bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng không khí.

Theo số liệu tổng hợp từ Sở TN&MT, thời gian qua, Hà Nội đã xóa được hơn 99% số lượng bếp than tổ ong, giảm 80% lượng đốt rơm rạ ở ngoại thành, xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công; thu gom, vận chuyển rác thải hàng ngày khu vực đô thị đạt trên 90%, khu vực ngoại thành đạt trên 80%. Đồng thời, TP đưa vào vận hành hệ thống 34 trạm quan trắc không khí tự động, 6 trạm quan trắc nước mặt, giám sát chất lượng môi trường khí thải, nước thải các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn.

Cùng với đó, triển khai chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn. TP cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý cơ sở sản xuất, công trình xây dựng gây bụi bẩn; rà soát đầu tư xây dựng, chỉnh trang công viên, hồ điều hòa yêu cầu các đơn vị vệ sinh môi trường tăng cường tưới nước rửa đường, thu gom rác thải…

Tuy nhiên những nỗ lực ấy của Hà Nội vẫn rất chật vật, chặn đường đầu này lại phình đầu khác, các nguồn thải vẫn rất khó kiểm soát. Kết quả nghiên cứu của Viện Khí tượng Phần Lan, trong khuôn khổ dự án hỗ trợ kỹ thuật quản lý chất lượng không khí của Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, xác định các nguồn thải ô nhiễm không khí thông qua việc lấy mẫu, phân tích thành phần hóa học của bụi PM2.5 và ứng dụng mô hình PMF tại TP Hà Nội cho thấy, khoảng 50% khối lượng bụi mịn PM2.5 là chất hữu cơ, đến từ các nguồn sau quá trình đốt cháy trong công nghiệp (dùng các chất nhiên liệu hóa thạch như than, dầu mỏ, khí đốt…); quá trình đốt sinh khối (từ rơm rạ, chất thải rắn…).

Cùng với đó là các quá trình bụi mịn di chuyển từ xa; từ giao thông; 33% (1/3) khối lượng bụi mịn PM2.5 là từ các hợp chất vô cơ thứ cấp, các nguồn thải di chuyển từ xa đến, hoặc cũng có thể từ các nguồn thải của Hà Nội.

Theo Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk, để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí Thủ đô một cách nghiêm túc đòi hỏi sự phối hợp giữa các tỉnh lân cận dưới sự chủ trì của Hà Nội. “Chúng tôi có kinh nghiệm quốc tế và từ các dự án của WB hỗ trợ, đặc biệt ở Trung Quốc, đã chứng minh lợi ích của sự phối hợp vùng và giữa các tỉnh, thành” - bà Carolyn Turk cho biết.

Cũng theo bà Carolyn Turk, để cải thiện chất lượng không khí cho Hà Nội, thứ nhất, Hà Nội cần thực thi hiệu quả lệnh cấm đốt rác, phế phẩm nông nghiệp ngoài trời, hỗ trợ quản lý tốt hơn phế thải nông nghiệp và có các biện pháp giảm bụi đường phố.

Thứ hai, củng cố và thực thi các tiêu chuẩn kiểm soát khí thải xe máy, thúc đẩy giao thông công cộng, đẩy mạnh phát triển xe điện, có thể hình thành các khu vực kiểm soát phát thải (phát thải thấp) trong TP.

Thứ ba, xây dựng chiến lược quản lý chất thải bền vững để đảm bảo loại bỏ việc đốt rác ngoài trời, tăng tỷ lệ thu gom, phân loại, tái chế, thu hồi khí mê tan tại các bãi chôn lấp và tăng tỷ lệ làm phân hữu cơ.

Thứ tư, giải quyết nguồn phát thải amoni từ hoạt động nông nghiệp, sử dụng phân bón vô cơ và hoạt động chăn nuôi. Đây là một phần quan trọng đáng kể trong kế hoạch quản lý không khí.

Thứ năm, thắt chặt tiêu chuẩn phát thải cho các nhà máy điện và ngành công nghiệp, tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo, phù hợp với cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại COP26 về đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tuy nhiên, trao đổi về các giải pháp này, một số chuyên gia môi trường cho rằng, đây là những giải pháp xác đáng nhưng không mới, vì Hà Nội cũng đã và đang triển khai rồi nhưng hiệu quả chưa rõ.

 

Kinh nghiệm từ các nước chỉ có thể áp dụng, khi Nhân dân nhận ra được lợi ích lâu dài của chính sách đối với cộng đồng, sau đó mới đi đến đồng thuận. Vậy làm sao cho dân hiểu, rõ ràng câu chuyện này thuộc về trách nhiệm của chính quyền và cơ quan truyền thông.
Tuy nhiên, làm chính sách thì phải chấp nhận những ý kiến phản biện, không thể có 100% ủng hộ, vì ai cũng có lợi ích riêng của mình. Chính sách có lợi cho cộng đồng thì có ý kiến phản biện cũng vẫn phải quyết. Cái này cần sự bản lĩnh của người làm chính sách. Tôi còn nhớ, quy định người tham gia giao thông bằng phương tiện xe máy bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm cũng từng có không ít ý kiến phản đối nhưng Nhà nước vẫn quyết thực hiện và thực hiện hiệu quả, vì chính sách đúng- bảo vệ tính mạng cho người tham gia giao thông. Thế nên, trong giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí cũng vậy, rất cần sự quyết liệt của những người làm chính sách và người đứng đầu TP.
Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, GS.TS Hoàng Xuân Cơ

 

“Ở Trung Quốc triển khai thành công vì họ đưa ra giải pháp gắn luôn với chi phí để thực hiện, rất rõ ràng. Còn chúng ta, đưa ra giải pháp nhưng tiền ở đâu để thực hiện không ai nói. Cốt yếu của vấn đề vẫn là hoạch định chính sách phù hợp, xác định và kiểm soát nguồn thải tốt. Muốn thực hiện kiểm soát và ngăn chặn bền vững nguồn thải thì phải có kinh phí nhất định cho từng hạng mục và phải có cơ chế phối hợp thực hiện tốt” - một chuyên gia nhận định.