Bài toán khó của giáo dục mầm non

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chưa nói tới chất lượng giáo dục, chỉ riêng chuyện đáp ứng đủ trường, lớp cho tất cả trẻ dưới 3 tuổi hiện nay đã và đang là bài toán khó của giáo dục mầm non (GDMN).

3/4 trẻ dưới 3 tuổi thiếu trường, thiếu lớp

Theo báo cáo của Bộ GDĐT, tỷ lệ trẻ đến lớp ở độ tuổi nhà trẻ (dưới 36 tháng tuổi) ở nước ta mới đạt trên 24%. Hơn 75% số trẻ còn lại không được đến lớp do thiếu chỗ trông giữ.

Tình trạng thiếu cơ sở GDMN đặc biệt nghiêm trọng ở những khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị ở một số tỉnh, thành phố, nơi dân số cơ học cao là rất lớn, do nhu cầu gửi con ở độ tuổi nhà trẻ của người lao động làm việc rất cao. Thậm chí ngay ở Hà Nội, mới có 29,4% trẻ ở nhóm tuổi nhà trẻ đến lớp.

 
 Rất ít trường mầm non công lập nhận trẻ dưới 36 tháng tuổi. Ảnh minh họa.
Rất ít trường mầm non công lập nhận trẻ dưới 36 tháng tuổi. Ảnh minh họa.
Có một thực tế là rất ít các trường mẫu giáo công lập nhận trẻ em ở nhóm tuổi nhà trẻ này do điều kiện về cơ sở vật chất cũng như số lượng giáo viên đòi hỏi cao hơn nhóm trẻ mẫu giáo lớn. Đây cũng là lý do mà ở các thành phố lớn, nhóm trẻ dưới 36 tháng tuổi gần như bị "phó thác" cho các cơ sở mầm non tư thục.

Vì sao nơi trông trẻ tư thục... đắt hàng?

Cả nước hiện có 16.000 nhóm lớp độc lập tư thục giữ trẻ dưới 36 tháng tuổi, trong đó có tới 34% chưa được cấp phép với quy mô  nhỏ và phần lớn là nhóm trẻ gia đình.

Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GDĐT), cho biết theo báo cáo của 50 tỉnh, thành phố, hiện có 5.590 nhóm trẻ chưa được cấp phép (trong đó Bắc Ninh có đến 1.190 nhóm, Hải Phòng 467 nhóm, Hải Dương 132 nhóm...).

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng Ban Gia đình xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) cho biết kết quả khảo sát của Hội tại Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM, Đồng Nai, Hải Dương vào năm 2012 cho thấy chỉ có 18,9% gia đình gửi các con vào các cơ sở mầm non công lập, gửi vào mầm non tư thục 36,7%.

Lý do khiến nhiều phụ huynh chọn gửi con tại các cơ sở mầm non tư thục không phép là vì gần nhà, tiện đường đưa đón (72,3%); có thời gian gửi trẻ, giữ trẻ linh động (41%); chất lượng giáo dục (34,4%).

“Tỷ lệ phụ huynh quan tâm đến chất lượng giáo viên thấp cho thấy đa phần những gia đình gửi con đến nhóm trẻ tư thục với mục đích chỉ để trông giữ con mình là chính”, bà Mai phân tích.

Ngoài ra, giá cả những nhóm trông giữ trẻ tự phát “mềm" hơn nhiều so với những cơ sở mầm non tư thục đầu tư bài bản. Giá trông giữ trẻ theo tháng của các nhà trẻ tư tại gia “chui” này chỉ từ 600.000-800.000 đồng/tháng.

Một lý do nữa khiến các nhà trẻ tư thục tự phát “đắt hàng” là vấn đề hộ khẩu. Theo quy định, nhà trẻ công lập chỉ dành cho cư dân của địa bàn, do đó phụ huynh phải có hộ khẩu thường trú thì con mới được nhận vào trường công lập, nếu trái tuyến thì thủ tục xin học sẽ phức tạp, nhiêu khê hơn.

Bên cạnh đó, thu nhập của nhiều gia đình công nhân không cho phép họ có sự chọn lựa nào khác ngoài nhà trẻ tư thục, nhóm giữ trẻ gia đình.