Làn sóng người dân muốn mua vàng miếng với giá rẻ đến tập trung tại các ngân hàng vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Nguồn cung chưa đáp ứng so với cầu, đang rất “nhỏ giọt”. Rất nhiều người xếp hàng vẫn không mua được vàng. Người dân đã chờ đợi 5 ngày qua và kỳ vọng. Chính sự chờ đợi này là một nguyên nhân khiến cho những người muốn mua sốt ruột.
“Bong bóng tài sản, hay làm giá đầu cơ chỉ đạt được khi đánh vào sự nóng vội của người mua" - một chuyên gia tài chính bình luận.
“Các ngân hàng thương mại Nhà nước và SJC bán vàng, có nhiều khách hàng dù đến tận nơi nhưng vẫn chưa mua được. Điều này có nghĩa là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa thể đáp ứng được toàn bộ nhu cầu của khách hàng. NHNN cho rằng, đủ lượng vàng bán cho người dân là điều dễ hiểu vì khi thị trường có nhu cầu thì NHNN sẽ có phương án nhập khẩu.
Tuy nhiên, việc nhập khẩu vàng sẽ phải xem xét cân đối với tỷ giá ngoại tệ, cần được tính toán để có thể hỗ trợ tăng trưởng xuất nhập khẩu, từ đó phát triển sản xuất, kinh doanh" - PGS. TS Đinh Trọng Thịnh bình luận.
“Để thỏa mãn nhu cầu sở hữu vàng vật chất này, chúng ta phải hy sinh ngoại tệ cho đầu tư, phát triển. Nên để dành ngoại tệ cho những việc quan trọng hơn” - PGS. TS Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh nói.
Còn theo TS. Ngô Minh Hải, việc quản lý thị trường vàng cần có lộ trình chặt chẽ, thận trọng và hướng tới 2 mục tiêu: kiểm soát dòng tiền để phòng, chống rửa tiền, chống chuyển giá và kiểm soát ngoại tệ để ổn định tỷ giá. Nếu không kiểm soát tốt hai vấn đề này thì nguồn lực trong nước sẽ bị hao hụt rất lớn.
Chưa kể, so với các loại tài sản đầu tư khác, vàng có một nhược điểm là không tạo dòng tiền. Do đó phải khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế.
Việc đấu thầu vàng miếng của NHNN “sớm nở chóng tàn” là điều đã được các chuyên gia dự báo. NHNN đã thất bại trong việc điều hòa cung cầu thị trường vàng.
NHNN bán vàng cho các ngân hàng thương mại để các ngân hàng này bán lại cho người dân nhằm bình ổn thị trường vàng có thể xem là vừa mới lại vừa cũ vì cách đây 11 năm NHNN cũng đã thông qua các ngân hàng để tìm cách hạ nhiệt thị trường vàng. Vấn đề là giá vàng được “ổn định lâu dài” hay không còn chờ thời gian.
Theo các chuyên gia, cùng với giải pháp tức thì như: phân phối vàng tới người dân thông qua hệ thống ngân hàng; quản lý chặt hoá đơn khi bán vàng; thanh tra, kiểm tra… minh bạch thị trường vàng thì cơ quan quản lý cần bổ sung những giải pháp khác để ổn định thị trường vàng trong dài hạn.
Việt Nam có thể nghiên cứu, rút kinh nghiệm để lựa chọn biện pháp tối ưu phù hợp với điều kiện thực tế để ổn định thị trường; đồng thời, hạn chế việc người dân đầu tư vào vàng, tiêu tốn nguồn lực của nền kinh tế. Các chuyên gia khuyến nghị từng bước thay đổi thói quen tích trữ vàng vật chất của người dân để khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế.
Nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Trương Văn Phước cho rằng Nhà nước cần có giải pháp để người dân rời bỏ thói quen mua và tích trữ vàng vật chất... Chẳng hạn, thay vì tích trữ vàng miếng, có thể thiết lập và hướng người dân đầu tư sang quỹ đầu tư vàng ETFs dưới sự quản lý trực tiếp của NHNN. Các chứng chỉ vàng được phát hành thay cho vàng vật chất và NHNN là đơn vị phát hành, bảo đảm việc giao dịch, mua bán các chứng chỉ vàng này thông suốt tại các địa điểm được NHNN chỉ định.
Về lâu dài, kiến tạo môi trường kinh doanh, chính sách hỗ trợ để phát triển kinh tế và phát triển thị trường tài chính, mới là hướng thu hút nguồn lực trong dân bền vững. Nhu cầu bảo đảm tài chính cho tương lai bằng vàng sẽ dần bị giảm xuống, thay thế bởi các hình thức tích lũy, đầu tư sinh lời khác. Như vậy, dòng tiền tích lũy của người dân sẽ chảy vào đây và không còn cần phải lo bài toán tích lũy vàng và chôn vốn trong dân nữa.