Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỹ năng sống:

Bạn cùng con

TS. Thu Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều người làm bố, làm mẹ thường than phiền là “không thể hiểu nổi con mình”. Nhiều đứa trẻ cũng than: “Bố/mẹ chẳng hiều gì con cả”. Sự thực thì như thế nào?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Người lớn thường cho rằng, trẻ con do còn non nớt trong mọi thứ nên suy nghĩ đơn giản, cũng chẳng cần hiểu chúng làm gì nhiều, nhất là chúng đang độ tuổi “dở hơi” - dậy thì, mọi thứ sẽ ổn khi chúng lớn lên.

Trên thực tế, mọi chuyện hầu như suôn sẻ, dù bố mẹ và con cái không thực sự hiểu nhau, thời gian một lâu sau, mọi việc sẽ ổn. Khi đó, con cái trưởng thành, có điều gì chúng sẽ nói với bố mẹ. Cũng do vậy, việc tương tác với con trẻ, các bậc phụ huynh chủ yếu vẫn dùng phương pháp truyền thống để giao tiếp với con; nhắc nhở, thậm chí la mắng, khi con làm điều gì đó không vừa ý mình.

Như đã nói, thông thường cách giao tiếp cũ không gây hệ lụy gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp đau lòng xảy ra gần đây mới thấy, việc bố mẹ hiểu con trở nên quan trọng, có thể giúp con mình không làm những điều dại dột.

Khi đứa trẻ làm điều dại dột dể tước đi chính mạng sống của mình, có rất nhiều nguyên nhân và phức tạp hơn chúng ta tưởng.

Có thể đứa trẻ bị áp lực gì đó qua lớn so với thần kinh còn non nớt của chúng. Các nghiên cứu cho thấy, trẻ ở tuổi đang định hình nhân cách thường dễ bị tổn thương do hoàn cảnh mang lại. Trẻ về mặt xã hội ở tuổi 18 là đã trưởng thành, còn về mặt sinh học phải đợi vượt qua tuổi 24 - 25, lúc này sự liên kết phần thùy não trước có chức năng quản lý cảm xúc mới hoàn thiện.

Trẻ cũng có thể có bệnh lý về tâm thần kinh như trầm cảm, điều cần phải chuyên gia về bệnh lý này mới nhận biết được; phụ huynh có thể cảm nhận phần nào, sau đó đưa con em mình đi khám bác sĩ. Khi bị bệnh lý, nhất là bệnh trầm cảm, gặp yếu tố nào đó như căng thẳng, trẻ có thể tự quyên sinh. Trường hợp này, trẻ cần được trị liệu với nhiều phương pháp, trong đó có việc dùng thuốc.

Nói việc trẻ làm điều dại dột mà nguyên do thường rất phức tạp để đừng để đổ lỗi cho một ai đó. Nhưng để góp phần ngăn chặn việc đau lòng xảy ra, bố mẹ cần cảm thông và hiểu con mình hơn.

Để hiểu con hơn, theo các chuyên gia, bố mẹ cần làm bạn với con. Để làm được điều này, bố mẹ cần dành thời gian cho con nhiều hơn, có thể cùng làm vườn, cùng đi chợ, đọc sách… Không thể là bạn nếu không dành cho nhau một lượng thời gian đủ nhiều. Trong giao tiếp, bố mẹ để con trình bày những suy nghĩ của chúng một cách thoải mái, bình đẳng như là một người bạn. Khi nghe con mình nói hết nỗi lòng, bố mẹ mới có thể giúp nó được nhiều nhất.

Thêm nữa, trong quan niệm về các giá trị của cuộc sống, như chuyện thành công -thất bại, học giỏi - học dở…, bố mẹ cũng không nên quy chiếu theo quan niệm cũ, như điểm số cao trong học tập là giỏi, ngược lại là dốt và “lớn lên không làm được gì” để từ đó gây áp lực cho con mình.

Bố mẹ hiểu con mình, dành thời gian đủ nhiều cho con, sẽ giúp con trưởng thành vững vàng.