Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bản Dao đổi mới

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm ven Vườn Quốc gia Ba Vì, xã Ba Vì (huyện Ba Vì) là địa bàn duy nhất của Hà Nội có đồng bào dân tộc Dao sinh sống tập trung. 15 năm sau khi hợp nhất về với Hà Nội, đời sống của đồng bào dân tộc nơi đây đã có những đổi thay tích cực.

Đổi thay nhờ chính sách dân tộc

Con đường xuyên qua những tán rừng xanh mướt dẫn chúng tôi về với bản người Dao ở xã Ba Vì. Dù nằm cách xa trung tâm Hà Nội gần 80 cây số nhưng chúng tôi chỉ mất hơn 1,5 giờ đồng hồ chạy xe máy thong dong. Đó là nhờ những con đường dẫn về nơi đây đã được cứng hóa, thuận lợi cho việc đi lại.

Những ngôi nhà của đồng bào dân tộc Dao ở xã Ba Vì (huyện Ba Vì) nằm kế bên sườn núi. Ảnh Lâm Nguyễn
Những ngôi nhà của đồng bào dân tộc Dao ở xã Ba Vì (huyện Ba Vì) nằm kế bên sườn núi. Ảnh Lâm Nguyễn

Bên ấm trà, ông Lý Văn Phủ, người có uy tín ở thôn Yên Sơn (xã Ba Vì) chia sẻ, trước năm 1992, đồng bào dân tộc Dao vẫn sống tản mát trong những khu rừng. Mãi về sau, nhất là khi tỉnh Hà Tây (cũ) hợp nhất về với Hà Nội theo Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội, được chính quyền vận động, đồng bào mới rủ nhau “hạ sơn quần cư”, sinh sống tập trung thành 3 thôn làng ven Vườn Quốc gia như bây giờ.

Năm nay hơn 70 tuổi, bà Triệu Thị Thanh (thôn Hợp Sơn) cảm nhận rõ nét những đổi thay của vùng đất xa xôi cách trở dưới chân núi Tản Viên. Ngày mới về với Thủ đô, hệ thống điện vừa thiếu, vừa yếu, lại chưa an toàn. Trẻ con phải đi học xa nhà. Tiếp cận y tế khó khăn do đồng bào sinh sống tản mát, xa khu trung tâm…

Đặc biệt, đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc Dao nơi đây còn hết sức khó khăn. Nguyên Chủ tịch UBND xã Ba Vì Dương Trung Liên cho biết, thời điểm mới hợp nhất về với Hà Nội, tỷ lệ hộ nghèo nơi đây còn đến 30%.

“Diện tích canh tác nông nghiệp ít. Mỗi hộ chỉ có từ 1 - 2 sào. Bà con loay hoay với “trồng cây gì, nuôi con gì”; đã vậy lại phải “trông vào nước trời để cấy hái” do hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư nâng cấp...” - ông Dương Trung Liên chia sẻ.

Người dao tại Ba Vì lên rừng hái thuốc Nam. Ảnh: Nguyễn Duy Tường
Người dao tại Ba Vì lên rừng hái thuốc Nam. Ảnh: Nguyễn Duy Tường

Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội, vùng đồng bào dân tộc Dao tại xã Ba Vì trở thành một phần của Thủ đô Hà Nội. Cụ thể hóa chủ trương về công tác dân tộc của Đảng, Nhà nước, TP Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho xã Ba Vì nói riêng, vùng dân tộc miền núi trên địa bàn Thủ đô nói chung.

Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân cho biết, cụ thể hóa Nghị quyết số 15, Thành ủy đã phê duyệt Nghị quyết chuyên đề số 06-NQ/TU, UBND TP Hà Nội đã ban hành các Kế hoạch số 92, 166, 138 và mới đây là 253/KH-UBND nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô nói chung, trong đó có vùng đồng bào dân tộc Dao tại xã Ba Vì.

Thống kê từ năm 2009 đến nay, trong số 13 xã và 1 thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô, xã Ba Vì là địa phương được hưởng lợi nhiều nhất từ các chính sách dân tộc của T.Ư và Hà Nội. Hàng nghìn tỷ đồng đã được bố trí để hỗ trợ cho xã Ba Vì triển khai thực hiện các dự án hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội.

Với sự quan tâm, đầu tư lớn của TP, diện mạo và đời sống của đồng bào dân tộc Dao tại xã Ba Vì đã có những đổi thay tích cực. Giờ đây những nếp nhà đơn sơ nằm ôm sườn núi đã được thay thế bằng nhà ở kiên cố, khang trang. Hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ, xe máy chạy dẫn về từng thôn, xóm.

“Sống nhiều năm ở vùng rừng núi này, tôi không nghĩ có ngày lại được cấp điện, dùng nước sạch, sử dụng tivi, mạng internet thoải mái như bây giờ...” - ông Triệu Phú Thành (thôn Hợp Nhất) phấn khởi chia sẻ.

Chủ tịch UBND xã Ba Vì Lăng Văn Hà cho biết, đầu năm 2022, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc xã Ba Vì đón nhận niềm vui lớn khi địa phương được UBND TP Hà Nội công nhận về đích nông thôn mới. Ba Vì cũng là xã cuối cùng của Thủ đô hoàn thành nhiệm vụ này. Với chính quyền và nhiều đồng bào dân tộc Dao nơi đây, đó giống như “một kỳ tích”.

Trăn trở với đời sống đồng bào

Trong nhiều năm qua, đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc Dao nơi đây vẫn trông chờ rất nhiều vào nghề chế biến thuốc Nam. Đơn cử như năm 2022, tổng giá trị sản xuất của xã Ba Vì đạt khoảng 154 tỷ đồng thì giá trị từ cây thuốc Nam chiếm gần 129 tỷ đồng. 6 tháng đã qua của năm 2023, giá trị từ cây thuốc Nam cũng chiếm đến 94/109 tỷ đồng tổng giá trị các ngành kinh tế của xã.

Người dao tại Ba Vì lên rừng hái thuốc Nam. Ảnh: Nguyễn Duy Tường 
Người dao tại Ba Vì lên rừng hái thuốc Nam. Ảnh: Nguyễn Duy Tường 

Bà Dương Thị Minh, một nghệ nhân ở thôn Hợp Sơn cho biết, kinh tế trông cả vào cây thuốc Nam nhưng nguồn nguyên liệu đến nay đang ngày một khan hiếm. Nhiều loại dược liệu giờ đã không còn được tìm thấy. Thị trường tiêu thụ cũng là bài toán đối với hơn 300 hộ đồng bào dân tộc Dao tham gia làm nghề chế biến thuốc Nam nơi đây, khi phần lớn các hộ đều “tự thân vận động” là chính.

Chia sẻ với chúng tôi, lãnh đạo xã Ba Vì cho biết, sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc Dao là điều khiến lãnh đạo địa phương trăn trở trong nhiều năm qua. Xã kêu gọi đầu tư phát triển cây thuốc Nam, nhưng hiện mới chỉ có 2 DN phát triển từ mô hình kinh tế hộ. Sản phẩm thuốc Nam của người Dao hiện chưa có nhãn hiệu tập thể cũng như chỉ dẫn địa lý. Do đó việc quảng bá, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.

Chính vì vậy, xã Ba Vì mong các sở, ngành của TP quan tâm, hướng dẫn chuẩn hóa bộ nhận diện. Đồng thời hỗ trợ quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại cho sản phẩm thuốc Nam của người Dao...

Sau nhiều năm về với Thủ đô, đồng bào dân tộc Dao ở xã Ba Vì vui mừng với những đổi thay về diện mạo của vùng đất từng thuộc diện “đặc biệt khó khăn của cả nước”. Dù vậy, đời sống của đồng bào nơi đây nhìn chung vẫn còn những khó khăn nhất định, đòi hỏi sự quan tâm thường xuyên, thiết thực của các cấp chính quyền từ TP đến cơ sở, để đời sống đồng bào dân tộc Dao ngày một tốt hơn.