Đặc điểm chung của các chợ này là đều được xây dựng kiên cố, khang trang, sạch đẹp với đủ các tiện ích của một ngôi chợ hiện đại như hệ thống chiếu sáng, cấp thoát nước, phòng cháy chữa cháy…
Tuy nhiên cho đến nay, các ngôi chợ kể trên đều vắng bóng tiểu thương kinh doanh, mặc dù cách đó không xa, những chợ cóc, chợ tạm vẫn nườm nượp kẻ mua, người bán suốt từ sáng đến chiều tối.
Theo tìm hiểu, việc các chợ dân sinh đến nay vẫn không thu hút được tiểu thương và người dân vào mua bán là do chợ được đặt ở những vị trí không thuận lợi. Bên cạnh đó, giá thuê ki ốt còn cao so với các chợ tạm và đặc biệt là chính quyền các địa phương chưa mạnh tay dẹp chợ tạm, chợ cóc.
Xây chợ mà không có người sử dụng dẫn đến sự lãng phí về tiền bạc, bởi lâu ngày không hoạt động, hạ tầng kỹ thuật, nhà cửa xuống cấp rất nhanh. Mặt khác, việc xây chợ đã tốn một quỹ đất rất lớn nhưng lại không phát huy được hiệu quả, trong khi nhiều địa phương còn thiếu sân chơi cho người già, trẻ nhỏ. Nhiều chợ dân sinh để trống nhưng cạnh đó chợ tạm, chợ cóc vẫn tràn lan khắp ngõ ngách, khiến bộ mặt đô thị thêm nhếch nhác, làm mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường.
Trong đó, đáng chú ý là chợ dân sinh ở phường Trung Văn được xây dựng đã lâu nhưng gần như không có người mua kẻ bán. Nhưng cách đó không xa, đoạn đường (từ chân cầu vượt Mễ Trì đến khu đô thị mới Trung Văn) đã hình thành một khu chợ cóc họp suốt từ sáng tới chiều. Xong mỗi phiên chợ, đoạn đường này gần như trở thành bãi rác vì cuống hoa, vỏ hoa quả, bã mía, lông gà lông vịt…
Để chấn chỉnh lại những bất hợp lý kể trên, thiết nghĩ chính quyền quận Nam Từ Liêm cần mạnh tay dẹp chợ tạm, chợ cóc và vận động các tiểu thương vào các chợ dân sinh buôn bán, tránh để những ngôi chợ tiền tỷ trở thành kho chứa hàng hóa, thưa vắng người kinh doanh.