Theo các chuyên gia y tế, hiến máu sau tiêm vaccine là an toàn. Người đã tiêm vaccine Covid-19, khả năng cơ thể sinh ra kháng thể chống lại virus rất cao, nên chế phẩm đó rất tốt để điều trị cho bệnh nhân.
Hiến máu sau tiêm vaccine là an toàn
Trong các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, vô cùng quan ngại là nguồn máu dự trữ giảm đáng kể, nhất là nhóm máu A và O, khiến nhiều người bệnh buộc phải hoãn điều trị. Đơn cử, tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã có gần 70 lịch hiến máu với dự kiến tiếp nhận 25.000 đơn vị máu bị hoãn, hủy. Trong khi Viện là đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp máu cho 27 tỉnh/thành khu vực phía Bắc với diện bao phủ là 40 triệu dân.
Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn bởi vẫn còn hàng nghìn người bệnh thiếu máu mãn tính buộc phải trì hoãn truyền chế phẩm máu. Việc khích lệ hiến máu vẫn đang được triển khai khi nhiều người muốn hiến máu nhưng băn khoăn vì họ mới tiêm vaccine phòng Covid-19.
Tình nguyện viên hiến máu tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Đề cập tới vấn đề này, TS Bạch Quốc Khánh - Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho rằng, có nhiều cách để sản xuất các loại vaccine khác nhau. Nếu người dân được tiêm loại vaccine sử dụng các con virus bất hoạt hoặc làm cho nó bị yếu đi thì phải chờ ít nhất 4 tuần mới hiến máu. Với vaccine sử dụng loại virus (đưa một phần con virus SARS-CoV-2) vào trong cơ thể để gây phản ứng miễn dịch thì nên chờ khoảng 2 tuần. Còn vaccine sử dụng công nghệ mRNA, người dân hoàn toàn có thể đi hiến máu rất sớm sau đó. Sau tiêm vaccine Covid-19, nếu mỗi người cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh, không có các phản ứng hoặc những tác dụng phụ do tiêm vaccine đã được giải quyết thì có thể hiến máu bình thường.
Theo chuyên gia, hiến máu không làm ảnh hưởng đến việc cơ thể sản sinh ra kháng thể chống lại virus và cũng không làm giảm tác dụng của vaccine sau khi đã tiêm vào cơ thể. Khi truyền máu, cơ thể người bệnh có thể nhận được một lượng nhỏ kháng thể chống lại virus từ máu của người hiến đã được tiêm vaccine hoặc đã từng bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, lượng kháng thể này quá nhỏ để có thể tạo ra sự khác biệt, do đó, không thể giúp cải thiện khả năng miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2 ở người bệnh được nhận máu.
TS Bạch Quốc Khánh khuyến cáo, những người hiến máu phải thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Thêm vào đó, những ngày sau, nếu chẳng may chúng ta có nguy cơ trở thành F1, F2 nên liên lạc với đơn vị tiếp nhận máu của người hiến máu để có những biện pháp bảo đảm an toàn cho hoạt động truyền máu. Qua các nghiên cứu, người ta thấy rằng, không có tình trạng bị lây truyền Covid-19 qua đường truyền máu. Vì thế, người hiến máu bị nhiễm Covid-19, máu của họ vẫn có thể được sử dụng, không ảnh hưởng gì đến bệnh nhân được tiếp nhận lượng máu đó.
Máu hiến từ người đã tiêm vaccine rất tốt để điều trị cho bệnh nhân Covid-19
Đồng quan điểm, TS Trần Ngọc Quế - Phó Giám đốc Trung tâm máu Quốc gia cho rằng, các chế phẩm máu từ người hiến đã được tiêm vaccine Covid-19 sẽ rất tốt cho điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2. Với người đã tiêm vaccine, khả năng cơ thể sinh ra kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 rất cao. Vì vậy, các chế phẩm máu mà họ hiến đã có các kháng thể đó sẽ rất tốt để điều trị cho bệnh nhân, đặc biệt với bệnh nhân Covid-19 nặng cần truyền huyết tương.
“Với các bệnh nhân Covid-19, ngoài tổn thương phổi, họ còn gặp các triệu chứng rối loạn đông máu. Nhiều trường hợp cần sử dụng các chế phẩm huyết tương như: Huyết tương tươi đông lạnh, tủa lạnh giàu yếu tố VIII (cryo). Đặc biệt, các trường hợp bệnh nhân Covid-19 nặng đa số có bệnh nền hoặc bệnh lý kết hợp khác. Do vậy, trong điều trị cũng cần dùng cả tới các chế phẩm máu khác như: Khối hồng cầu, khối tiểu cầu…” - TS Trần Ngọc Quế cho biết thêm.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Hội Truyền máu Quốc tế, với người được tiêm vaccine Covid-19, chỉ khoảng 1 tuần sau tiêm là có thể hiến máu được. Bên cạnh đó, người dân cũng có thể hiến máu giữa các mũi tiêm vaccine Covid-19, miễn là người hiến máu đang không gặp phải bất kỳ một tác dụng phụ nào từ vaccine như: Đau cơ, nhức đầu, ớn lạnh hay sốt… Việc hiến máu có thể tiếp tục sau khi hết tác dụng phụ.
Theo Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ, phản ứng miễn dịch của người hiến tặng đối với vaccine sẽ không bị gián đoạn khi cho máu và không làm giảm khả năng bảo vệ của kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2. Ngoài ra, mỗi cá nhân có thể hiến máu có kháng thể từ vaccine.