Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Băn khoăn tiêu chuẩn sản xuất nước mắm

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 12607:2019 về Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) soạn thảo đang gây ra những phản ứng trái chiều từ phía các hiệp hội, DN sản xuất nước mắm truyền thống.

 Sản xuất nước mắm tại Phú Quốc. Ảnh: Trần Dũng
Làm khó nước mắm truyền thống?

Theo bà Nguyễn Thị Tịnh - Hội viên Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), vừa qua, 83 thành viên hội này đã ký văn bản kiến nghị Bộ NN&PTNT bãi bỏ dự thảo TCVN 12607:2019. Một trong những nguyên nhân được đưa ra là dự thảo yêu cầu kiểm soát dư lượng thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật… Trong khi đó, thống kê cho thấy, tại huyện Phú Quốc hiện có khoảng 104 thùng sản xuất nước mắm theo phương pháp truyền thống, với 100% nguyên liệu là cá cơm. Do đó, nếu dự thảo được thông qua, ngành sản xuất nước mắm truyền thống tại huyện Phú Quốc sẽ thực sự lao đao.
Trên thế giới không có sự phân định nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp giống như tại Việt Nam, chỉ là trên thị trường hiện nay, chúng ta đang “tự xưng”, “tự nhận”. Cá nhân tôi cho rằng, TCVN 12607:2019 là quy phạm hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, cần thiết dành cho nước mắm Việt Nam để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, trên cơ sở những quy định chung về chức năng, điều kiện áp dụng cho tất cả sản phẩm nước mắm...

PGS.TS Trần Đáng - nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế)

Không chỉ Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc, Hiệp hội Nước mắm Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận)… cũng phản đối gay gắt dự thảo trên. Nhiều ý kiến cho rằng, những quy định về hàm lượng histamine, độ tươi của cá nguyên liệu khi đưa vào sản xuất hoặc dư lượng kháng sinh, là những yêu cầu không rõ ràng, cũng như chưa thực sự phù hợp với cách làm nước mắm truyền thống.

TS Nguyễn Thị Hồng Minh – Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch Việt Nam cũng cho rằng, ngay cả tiêu chuẩn CODEX (CAP/RCP 52-2003) mà Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đưa ra làm dẫn chứng để xây dựng dự thảo TCVN 12607:2019 cũng không rõ ràng. Phần lớn nội dung tiêu chuẩn nước mắm CODEX do Thái Lan và Việt Nam đứng ra soạn thảo, tập trung vào kiểm soát nước mắm công nghiệp. “Nên chăng, TCVN 12607:2019 chỉ nên áp dụng với nước mắm công nghiệp?” – bà Minh bày tỏ.

Tiếp tục lấy ý kiến cho dự thảo

Trong khi nhiều chuyên gia, hiệp hội, DN lên tiếng phản ứng dự thảo TCVN 12607:2019 thì các đơn vị soạn thảo và thẩm định cũng có cái “lý” của riêng mình. TS Đào Trọng Hiếu - Phó trưởng Phòng Phát triển thị trường thủy sản (Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản) cho biết, dự thảo TCVN 12607:2019 có mục đích đưa ra những khuyến nghị, khuyến cáo để áp dụng phân tích, nhận diện các mối nguy có thể ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm trên từng công đoạn sản xuất, chế biến nước mắm. Cũng theo TS Đào Trọng Hiếu, hàng năm, Việt Nam cho ra thị trường hàng trăm triệu lít nước mắm. Nước mắm hiện cũng đã có giá cao, do đó, phải đảo bảm quy trình sản xuất; không thể nói là không cần tiêu chuẩn, không cần tiêu chí đánh giá chất lượng.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đo lường chất lượng Việt Nam (Bộ KH&CN) Nguyễn Hoàng Linh cũng nhấn mạnh cần phân biệt rõ, tiêu chuẩn là khuyến khích áp dụng, còn quy chuẩn mới là bắt buộc tuân thủ. Do đó, TCVN 12607:2019 là tiêu chuẩn tự nguyện áp dụng. “Mục đích của tiêu chuẩn là giúp các nhà sản xuất, kinh doanh nhanh chóng nắm bắt những tiến bộ khoa học, thực hành sản xuất tốt và mang lại những sản phẩm an toàn nhất cho người tiêu dùng” – ông Linh cho hay.

Trên thực tế, rất nhiều cơ sở sản xuất nước mắm trong nước hiện đã tự công bố và áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng, an toàn thực phẩm. Đơn cử như tại huyện Phú Quốc, hiện có nhiều cơ sở chế biến nước mắm đã đầu tư những đội tàu chuyên khai thác hoặc liên kết chặt chẽ với ngư dân để xử lý, bảo quản cá nguyên liệu ngay sau khi đánh bắt, giúp tạo ra sản phẩm nước mắm có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Đây là những mô hình cần được nhân rộng nhằm nâng tầm nước mắm Việt.

Trước luồng ý kiến phản đối của một số hiệp hội, DN sản xuất, chế biến nước mắm truyền thống, Tổng cục Đo lường chất lượng Việt Nam, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đều cho biết, sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu để tiến tới xây dựng tiêu chuẩn minh bạch, rõ ràng, làm cơ sở để các tổ chức, cá nhân áp dụng hiệu quả, mang lại lợi ích cho DN và người tiêu dùng.