Bản lĩnh "bông hồng vàng"

Trang Anh
Chia sẻ Zalo

Đơn hàng, doanh thu sụt giảm, giá thành sản xuất tăng và khó khăn trong tiếp cận các gói hỗ trợ … hàng loạt thách thức đang bủa vây cộng đồng DN, đặc biệt là các DN do phụ nữ làm chủ hiện nay.

Nhưng trên hết, các nữ doanh nhân – những “bông hồng vàng” của nền kinh tế vẫn kiên cường trụ vững, nỗ lực tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, không ngừng khẳng định bản lĩnh vững vàng, năng động, sáng tạo và “chất thép” của người phụ nữ Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Kovalevskaia trao Giải thưởng Kovalevskaia cho tập thể và cá nhân đoạt giải. Ảnh Dương Giang
Thủ tướng Phạm Minh Chính và nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Kovalevskaia trao Giải thưởng Kovalevskaia cho tập thể và cá nhân đoạt giải. Ảnh Dương Giang

Theo Báo cáo kết quả điều tra các DN do phụ nữ làm chủ dưới tác động của đại dịch Covid-19 mà Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố gần đây nhất, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực tới phần lớn các DN, đặc biệt là DN do nữ làm chủ. Số DN do phụ nữ làm chủ bị ảnh hưởng tiêu cực tăng lên từ 87% trong năm 2020 lên 93,9% năm 2021. Tình hình trong các năm 2022 - 2023 được ghi nhận ảm đạm hơn.

Song các nữ chủ DN vẫn rất nỗ lực trong việc giữ chân người lao động, duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo doanh thu bất chấp bối cảnh chung khó khăn. Một thống kê từ Dự án Tăng cường tiếng nói của DN trong tái cơ cấu kinh tế (thuộc Chương trình Aus4Reform) cho thấy, số DN cho người lao động nghỉ việc ở các DN do phụ nữ làm chủ thấp hơn DN do nam giới làm chủ, tương ứng là 89,6% so với 91,1%.

Chính sự thích ứng, nhạy bén và tính nhân văn trong văn hóa kinh doanh là dấu ấn rõ nét của DN do phụ nữ làm chủ so với bức tranh chung. Khó khăn không khiến các nữ doanh nhân chùn bước mà còn là động lực thúc đẩy họ tiến lên, không ngừng làm rạng danh cho Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới khi ghi tên mình trên các bảng xếp hạng Top 100 tỷ phú thế giới, Top 50 phụ nữ quyền lực của châu Á, danh hiệu Nữ doanh nhân nữ ASEAN tiêu biểu, Nữ doanh nhân nữ Việt Nam tiêu biểu – Cúp Bông Hồng Vàng...

Trong một chia sẻ với báo chí cách đây không lâu, nữ doanh nhân Thái Hương - Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH tự nhận ưu điểm của phụ nữ khi dấn thân vào chốn thương trường là sự bao dung, nhạy cảm, tinh tế và tử tế. Sự tử tế của phụ nữ kết hợp với vai trò của CEO là lợi thế đặc biệt mang lại thành công trong điều hành, quản lý DN. Cũng chính sự tử tế của doanh nhân nữ sẽ hướng nền kinh tế phát triển bền vững, tạo ra nhiều hơn giá trị nhân văn, tốt đẹp cho cộng đồng.

Đóng góp của các doanh nhân nữ là rất rõ, vị thế của doanh nhân nữ cũng ngày càng được nâng cao. Đảng và Nhà nước ta cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động kinh tế, khởi nghiệp và phát triển DN trong những năm gần đây.

Tuy nhiên cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng các chính sách hỗ trợ DN do nữ làm chủ, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, chưa phát huy hiệu quả, quá trình thực thi các chương trình hỗ trợ còn nhiều vướng mắc. Cần sớm xây dựng Chiến lược phát triển DN do phụ nữ làm chủ với các ưu tiên và biện pháp cụ thể, có sự tham gia của toàn xã hội và phải thể hiện bằng các chương trình hành động cụ thể.

Thậm chí có ý kiến đề xuất cần lồng ghép vào chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) yếu tố bình đẳng giới và DN do phụ nữ làm chủ thành một tiêu chí đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển DN của địa phương. Từ đó mới thúc đẩy chính quyền địa phương quan tâm, thực thi các chính sách, chương trình hỗ trợ DN do phụ nữ làm chủ…

Chỉ như vậy, nữ giới mới phát huy được toàn bộ trí tuệ, bản lĩnh, sức sáng tạo, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế, hiện thực hóa khát vọng xây dựng một Việt Nam thịnh vượng, hùng cường, ngày càng tốt đẹp, rực rỡ hơn như mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.