Bản lĩnh của Thủ tướng Australia nhìn từ vụ hủy visa Djokovic

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ thách thức các quy tắc biên giới liên quan tới Covid-19 từ nam vận động viên quần vợt số 1 thế giới Novak Djokovic, mặt khác cũng là một bài kiểm tra ý chí chính trị của ông Morrison.

Trên bàn làm việc trong văn phòng của mình ở Canberra, Thủ tướng Australia Scott Morrison vốn nổi tiếng khi trưng bày mô hình một chiếc thuyền nhỏ trang trí với dòng chữ "Tôi đã dừng chúng lại".

Thủ tướng Australia Scott Morrison (trái) và tay vợt hàng đầu thế giới Novak Djokovic. Ảnh: Straitstimes
Thủ tướng Australia Scott Morrison (trái) và tay vợt hàng đầu thế giới Novak Djokovic. Ảnh: Straitstimes

Mô hình là một món quà được ông Morrison trưng bày một cách tự hào như một lời nhắc nhở về thời kỳ gây tranh cãi của mình khi còn giữ chức bộ trưởng nhập cư giai đoạn 2013-2014. Đó là thời điểm ông áp dụng các biện pháp an ninh biên giới cứng rắn nhằm ngăn chặn tàu thuyền của người tị nạn.

Bất chấp sự lên án của quốc tế đối với các chính sách nhập cư cứng rắn của Australia, ông Morrison luôn ca ngợi lập trường kiên cường và vai trò của mình trong việc ngăn chặn người di cư vượt qua biên giới biển nước này.

Cách tiếp cận cứng rắn này phần nào giúp ông giành được sự chú ý và ủng hộ của công chúng, và các nghị sĩ đồng nghiệp trong liên minh Tự do-Quốc gia cầm quyền. Vào năm 2018, ông trở thành lãnh đạo của liên minh và giành được chiến thắng ngoạn mục trong cuộc bầu cử năm 2019.

Do đó, vụ thách thức các quy tắc biên giới liên quan tới Covid-19 từ nam vận động viên (VĐV) quần vợt số 1 thế giới Novak Djokovic, mặt khác, cũng là một bài kiểm tra ý chí chính trị của ông Morrison.

Đối với Thủ tướng Australia, số phận của VĐV Djokovic đặt ra một thách thức tiềm tàng đối với lập trường về chính sách an ninh biên giới của ông, chỉ vài tháng trước khi cuộc bầu cử liên bang sẽ diễn ra vào tháng 5.

Djokovic đã cố gắng đến Australia để thi đấu tại Giải Australia Mở rộng mặc dù không tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Điều này vi phạm các quy tắc biên giới nghiêm ngặt của quốc gia Chuột túi,  vốn yêu cầu những người tham gia giải này phải chủng ngừa đầy đủ trừ khi được miễn trừ vì lý do y tế.

Ông Djokovic khai rằng gần đây mình đã nhiễm Covid-19, nhưng chính phủ liên bang cho biết điều này không cho phép VĐV này được miễn trừ.

Người Australia đã ủng hộ các biện pháp mạnh mẽ để chống lại Covid-19. Cho đến nay, khoảng 93% người dân nước này tiêm chủng đầy đủ.

Ông Morrison nhanh chóng thể hiện rõ quan điểm của mình đối với Djokovic, đặc biệt là khi công chúng tỏ ra tức giận trước viễn cảnh tay vợt này được đối xử ngoại lệ trong bối cảnh biến chủng Omicron đang bùng phát.

Với việc xác nhận visa của Djokovic đã bị hủy bỏ, ông Morrison liên hệ việc đối xử với tay vợt này với các chính sách an ninh biên giới nghiêm ngặt ông đã triển khai thời gian qua.

“Quy tắc là quy tắc, đặc biệt là khi liên quan đến biên giới của chúng tôi”, Thủ tướng Australia nhận định. "Không ai có ngoại lệ. Các chính sách biên giới mạnh mẽ là yếu tố quan trọng giúp Australia trở thành một trong số nước có tỷ lệ tử vong thấp nhất trên thế giới do Covid-19”, ông Morrison khẳng định.

Một cuộc trưng cầu ý kiến cuối tuần trước cho thấy 71% người Australia cho rằng Djokovic không nên được phép ở lại, chỉ 14% mong muốn VĐV này được ở lại và số còn lại không có ý kiến.

Đối với ông Morrison, câu chuyện này đe dọa mang đến nghi ngờ cho năng lực của chính phủ liên bang lẫn danh tiếng cá nhân. Và cũng mang đến cho Thủ tướng Australia cơ hội để nhắc nhở công chúng về di sản của ông với tư cách là một “người canh giữ biên giới”.  Nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử tiếp theo, ông Morrison có thể cần bổ sung một bức tượng nhỏ của Djokovic vào bộ sưu tập trên bàn làm việc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần