Bản lĩnh doanh nghiệp Việt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng triệu trẻ em ở vùng nông thôn được uống sữa mỗi ngày; hàng triệu người dân ở nông thôn được tiếp cận với dịch vụ di động với mức giá bình dân; diện mạo đô thị của nhiều TP lớn trở nên khang trang, hiện đại hơn…

Không dừng lại ở đó, các giá trị mà họ - những DN như Vinamilk, Viettel, VinGroup tạo ra đã lan tỏa tới nhiều miền đất xa, tạo cảm hứng cho nhiều DN Việt khác vươn ra thị trường quốc tế một cách thành công và bản lĩnh.

Quyết định mang tính bước ngoặt

Trong tâm sự của mình, người “đứng mũi chịu sào” Vinamilk - bà Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc đã gọi việc cổ phần hóa chính là “thước đo lòng quả cảm”. Nhờ cổ phần hóa mà trong 5 năm gần đây, Vinamilk luôn đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng: doanh số trung bình tăng trên 20%/năm; lợi nhuận tăng 15%/năm. Công ty vươn lên top 100 công ty giá trị nhất ASEAN và top 50 DN niêm yết tốt nhất Việt Nam.

Với mục tiêu phát triển bền vững và vươn ra tầm quốc tế, Vinamilk đặt chiến lược phát triển dài hạn trở thành 1 trong 50 công ty sữa lớn nhất thế giới vào năm 2017 với doanh số 3 tỷ USD...
  Dây chuyền sản xuất       sữa Vinamilk.
Dây chuyền sản xuất sữa Vinamilk.
Câu chuyện của VinGroup lại được mở ra từ quyết định mang tính đột phá của ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT. Đang rất thành công với thương hiệu mỳ gói Mivina tại Ukraine, Tập đoàn Technocom - tiền thân của VinGroup, luôn có mặt trong bảng xếp hạng Top 100 DN lớn mạnh nhất Ukraine. Năm 2000, doanh nhân này quyết định đưa Technocom - Vingroup trở về Việt Nam đầu tư với ước vọng được góp phần xây dựng đất nước. Ông mở 2 công ty tại Việt Nam và bắt đầu thu lợi nhuận từ các DN Ukraine đầu tư bất động sản ở Việt Nam sau khi thành lập Vinpearl năm 2000 và Vingroup vào năm 2002.

Năm 2007, Vingroup niêm yết trên sàn chứng khoán và hiện là một trong 5 công ty có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Các dự án của tập đoàn trải từ Bắc tới Nam, trong đó có khu nghỉ dưỡng Vinpearl, trung tâm thương mại Vincom Bà Triệu và các tổ hợp căn hộ hạng sang tại Hà Nội, trung tâm mua sắm Vincom Center tại TP Hồ Chí Minh và nhiều dự án khác... Ngoài bất động sản, đến nay, VinGroup đã mở rộng đầu tư sang đa lĩnh vực gồm: Du lịch, thời trang, giáo dục, y tế, bán lẻ, thương mại điện tử…, và ở lĩnh vực nào, Tập đoàn cũng đạt được thành công và tạo được dấu ấn riêng.

Đến với nông dân, gắn bó với nông nghiệp

Dễ dàng nhận thấy những DN như Vinamilk, Viettel thu nhận được thành công là nhờ gắn bó với nông nghiệp và nông dân.
Khu đô thị Timescity do Vin Group đầu tư. Ảnh: Chiến Công
Khu đô thị Timescity do Vin Group đầu tư. Ảnh: Chiến Công
 
Với Vinamilk, đến với nông dân chính là để thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu sản xuất sữa ngoại nhập. Chủ trương này đã được lãnh đạo Công ty cụ thể hóa bằng giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu nội địa, và “cuộc cách mạng trắng” năm 1991 ra đời. Vinamilk đã khẩn trương nhập máy móc hiện đại để sản xuất sữa tươi tiệt trùng và thu mua sữa của nông dân với giá cao hơn nguyên liệu sữa nhập khẩu. Với mô hình liên kết với người nông dân mở rộng vùng chăn nuôi, đồng thời tự mình hình thành các trang trại chăn nuôi bò sữa từ Bắc chí Nam, nâng tổng đàn từ 3.000 con (năm 1991) lên tới 120.000 con (năm 2015), cho sản lượng sữa 200 triệu lít/năm, chủ động được 50% nguồn nguyên liệu sữa cho sản xuất...

Qua “cuộc cách mạng trắng” kết hợp hiện đại hóa máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới, Vinamilk phát triển nhanh và bền vững, giữ thị phần sữa lớn nhất tại Việt Nam, trong đó ngành hàng sữa nước chiếm tới hơn 53% thị phần sản lượng theo báo cáo gần nhất của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen năm 2015. Đến nay, sản phẩm của Vinamilk đã có mặt ở 40 quốc gia trên thế giới, trong đó các thị trường khó tính như Mỹ, Anh, Đức, Canada…

Còn ở lĩnh vực viễn thông công nghệ, tháng 10/2004, khi Viettel ra đời ít ai ngờ rằng nhà mạng sinh sau này vươn lên trở thành mạng di động số 1 trong nước, phá thế độc quyền của 2 “ông lớn” Vinaphone và MobiFone chỉ trong một thời gian ngắn. Viettel bắt đầu chinh phục thị trường bằng chiến lược “lấy nông thôn vây thành thị”. Thay vì chọn cách đối đầu trực tiếp với 2 đối thủ lớn, Viettel đi đường vòng – phủ sóng về khu vực nông thôn. Khi thành trì nông thôn của Viettel đã vững vàng với hệ thống trạm thu phát sóng hòa mạng hầu hết các tỉnh, thành, nhà mạng này lại có thêm độc chiêu “vừa bán vừa cho” điện thoại Viettel, loại điện thoại chỉ dùng được sóng di động Viettel. Chính sách khôn ngoan đó giúp Viettel trở nên gần gũi hơn với hình ảnh người nông dân cầm điện thoại di động khắp nơi, trên đồng ruộng, khi chăn bò, lúc trò chuyện nghỉ ngơi…

Vinamilk, Viettel đã thành công nhờ gắn bó với nông dân, về với nông nghiệp và tới đây sẽ có thêm nhiều DN khác nữa, trong đó không thể không kể đến VinGroup. Năm 2015, Vingroup ghi dấu ấn mới khi chính thức bước chân vào lĩnh vực nông nghiệp với việc công bố thông tin về Dự án nông nghiệp VinEco với số vốn đầu tư ban đầu 2.000 tỷ đồng. Thương hiệu trong lĩnh vực nông nghiệp của tập đoàn này là VinEco. Bước đầu trong lĩnh vực trồng trọt, VinGroup áp dụng các công nghệ và kỹ thuật tiên tiến hàng đầu thế giới để cung cấp rau quả hữu cơ và rau quả sạch cho thị trường theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đầu ra cho nông sản VinEco được đảm bảo chắc chắn bởi hệ thống siêu thị Vinmart và cửa hàng tiện lợi Vinmart+ đang được “phủ sóng” toàn quốc. Bên cạnh sản phẩm rau quả sạch, VinEco cũng sản xuất các sản phẩm rau quả hữu cơ, đáp ứng các nhu cầu chuyên biệt; đồng thời đi sâu nghiên cứu và sản xuất một số loại nông sản thế mạnh của Việt Nam, hướng tới việc cạnh tranh và xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
                                            Movitel là mạng viễn thông duy nhất ở Mozambique đưa                                                         cáp quang về 100% huyện ở khu vực nông thôn.    Ảnh: Việt Anh
Movitel là mạng viễn thông duy nhất ở Mozambique đưa cáp quang về 100% huyện ở khu vực nông thôn. Ảnh: Việt Anh
Hướng ra biển lớn

Trở lại với câu chuyện kinh doanh của Viettel, sau khi đã nắm chắc sân nhà, năm 2006, DN quyết định tiến quân ra nước ngoài với mục tiêu tìm kiếm thị trường tiềm năng. Bằng sự cẩn trọng và khôn ngoan, những chỉ huy của Viettel đã lựa chọn đầu tư ở những thị trường có nhiều điểm tương đồng với thị trường trong nước, trong đó chủ yếu là các nước đang phát triển ở châu Á và châu Phi. Cách tiếp cận của Viettel là “kỹ thuật trước, kinh doanh sau”, nên giai đoạn đầu, mục tiêu chính đặt ra là chiếm lĩnh hạ tầng mạng lưới viễn thông của các thị trường đã đầu tư. Khi đã chiếm lĩnh và khống chế được hạ tầng mạng lưới, Viettel sẽ có ưu thế vượt trội so với các nhà đầu tư sau và có thể đa dạng hóa các biện pháp kinh doanh ở giai đoạn sau.

Năm 2015, trong tổng doanh thu 222.700 tỷ đồng (tăng 13% so với năm 2014), phần doanh thu từ hoạt động kinh doanh viễn thông tại nước ngoài của Viettel đạt 1,5 tỷ USD (năm 2014: 1,2 tỷ USD). Dấu ấn Viettel ngày càng đậm nét tại các thị trường mà DN này đã đầu tư, hình ảnh và văn hóa Viettel bắt đầu ăn sâu vào tiềm thức người dân sở tại. Đó là thành công mà không phải DN nước ngoài nào cũng làm được trên đất khách.

Câu chuyện hướng ra biển lớn của Viettel sẽ còn được viết tiếp khi Tập đoàn này đặt mục tiêu doanh thu đến năm 2020 gần 550.000 tỷ đồng, phát triển kinh doanh ở 20 nước.

Đầu tư ra nước ngoài cũng là hướng phát triển mà Vinamilk đã dốc nhiều tâm huyết và tài chính trong suốt 5 năm qua. Khởi đầu là năm 2011 tại Newzealand, Vinamilk đã đầu tư vào Nhà máy Miraka - chuyên cung cấp nguyên liệu sữa chất lượng cao cho các sản phẩm của Vinamilk và xuất khẩu sang châu Âu. Tại Mỹ, Vinamilk sở hữu 70% cổ phần của Nhà máy sữa Driftwood - một trong những nhà máy sản xuất sữa lớn nhất tại California và là nhà cung cấp sữa cho hệ thống trường học lớn nhất nước Mỹ. Ngoài ra, Vinamilk cũng đầu tư vào Ba Lan - cửa ngõ giúp Vinamilk tiếp cận thị trường châu Âu. Tại Campuchia, Vinamilk góp 51% cổ phần (23 triệu USD) đầu tư xây dựng Nhà máy Angkor Milk. Năm 2015, doanh số xuất khẩu của Vinamilk luôn đạt mức tăng trưởng mạnh trên 200 triệu USD/năm, tăng gấp 2 lần so năm 2014.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần