Bán máy đo nồng độ cồn không rõ nguồn gốc, xử lý thế nào?

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan các cửa hàng bán máy đo nồng độ cồn không rõ nguồn gốc xuất xứ ở quận Đống Đa, luật sư cho biết, nếu hành vi đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu, có thể phải chịu mức hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù.

Phát hiện 2 cửa hàng bán máy đo nồng độ cồn không rõ nguồn gốc

Ngày 20/2, Cục Quản lý thị trường Hà Nội thông tin, lực lượng chức năng TP Hà Nội qua kiểm tra hệ thống cửa hàng thiết bị y tế đã phát hiện 2 cửa hàng đang kinh doanh máy đo nồng độ cồn, không có giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ.

Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế tại 110E2 phố Phương Mai, phường Phương Mai, quận Đống Đa. Ảnh: Hoài Nam
Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế tại 110E2 phố Phương Mai, phường Phương Mai, quận Đống Đa. Ảnh: Hoài Nam

Cụ thể, lực lượng chức năng hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh trang thiết bị vật tư y tế tại địa điểm kinh doanh số 110E2 phố Phương Mai (phường Phương Mai, quận Đống Đa). Qua kiểm tra đã phát hiện 100 hộp kim chích lấy máu thử tiểu đường (50 cái/hộp) nhãn chữ Sinocare, Made in China, trị giá hàng hóa vi phạm theo giá bán niêm yết tại cửa hàng là 5 triệu đồng; 1 bộ máy đo nồng độ cồn trong hơi thở mã CA 2000 nhãn chữ nước ngoài, không tem kiểm định.

Tiếp đó, Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra cửa hàng “Tổng đại lý vật tư thiết bị y tế Sức khoẻ vàng”, địa chỉ tại 73A Phương Mai (phường Phương Mai, quận Đống Đa). Tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng đang mở cửa hoạt động kinh doanh bình thường, bà Lê Kim Hoàn là nhân viên bán hàng tại cơ sở đã xuất trình 1 giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh “Hộ kinh doanh Tổng đại lý vật tư thiết bị y tếsức khoẻ vàng” số 01E8015843 do UBND quận Đống Đa cấp ngày 13/10/2016, đăng ký thay đổi lần thứ 3. 

Tại thời điểm kiểm tra phát hiện tại cơ sở bày bán 1 chiếc máy đo nồng độ cồn trong hơi thở nhãn có chữ tượng hình mã CA 2000 với giá 1,5 triệu đồng/chiếc; 1 máy đo nồng độ cồn trong hơi thở Drive Safely với giá  250.000 đồng/ chiếc; 6 chiếc nhiệt kế hồng ngoại NITIKA, giá niêm yết tại cơ sở là 150.000 đồng/chiếc; 80 miếng dán giữ nhiệt Kichilachi được bán với  giá 5.000 đồng/miếng…Toàn bộ số hàng hóa này đều do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định.

Máy đo nồng độ cồn không rõ nguồn gốc xuất xứ được bán tại 73A Phương Mai, phường Phương Mai, quận Đống Đa. Ảnh: Hoài Nam
Máy đo nồng độ cồn không rõ nguồn gốc xuất xứ được bán tại 73A Phương Mai, phường Phương Mai, quận Đống Đa. Ảnh: Hoài Nam

Đoàn kiểm tra thống nhất lập biên bản tạm giữ, biên bản niêm phong toàn bộ hàng hoá trên; đề xuất Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 4 ban hành Quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hoá trên và phân công công chức thẩm tra xác minh để tiếp tục làm rõ theo quy định của pháp luật

Có dấu hiệu của tội buôn lậu

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nốicho biết, lực lượng quản lý thị trường TP Hà Nội và các đơn vị liên quan cung cấp thông tin có tồn tại một số cửa hàng kinh doanh trang thiết bị vật tư y tế có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không xuất trình được hoá đơn chứng từ liên quan, cụ thể là sản phẩm máy đo nồng độ cồn. Việc các cơ sở kinh doanh sản phẩm, hàng hóa nói chung, kinh doanh máy đo nồng độ cồn nói riêng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ của hàng hóa là vi phạm pháp luật.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng

Đối với trường hợp này, các cơ sở kinh doanh có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 600.000 đồng đến 100 triệu đồng với hành vi vi phạm về kinh doanh hàng hóa là trang thiết bị y tế không rõ nguồn gốc xuất xứ đối với cá nhân, phạt tiền từ 1,2 triệu đồng đến 200 triệu đồng đối với tổ chức. Đồng thời, hành vi này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm; Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc hoặc vật khác; Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe hoặc buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. (Căn cứ: Khoản 4 Điều 4, Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP; Nghị định 17/2022/NĐ-CP).

“Xét trên toàn bộ tính chất và quy mô thực hiện hành vi này có dấu hiệu của tội buôn lậu, nếu hành vi đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu quy định tại Điều 188 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, có thể phải chịu mức hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù. Đối với pháp nhân thương mại phạm, tội sẽ bị phạt tiền nặng hơn, cụ thể từ 300 triệu đồng đến 15 tỷ đồng, thậm chí có thể bị cấm kinh doanh, cấm huy động vốn hoặc bị đình chỉ vĩnh viễn” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nêu quan điểm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần