Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bản sắc riêng cho nông nghiệp Hà Nội

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là Thủ đô của cả nước, nhiều chuyên gia cho rằng, nông nghiệp Hà Nội phải tìm được một lối đi riêng, khác biệt so với các địa phương khác của cả nước.

Vượt qua xuất phát điểm khó khăn

Chỉ tay về bốn bề núi đá, Bí thư Chi bộ thôn Đồng Ké (xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ) Nguyễn Viết Đăng cho biết, do địa hình đồi núi phức tạp nên nhiều năm trước, canh tác nông nghiệp của địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ vậy, vùng đất nằm ven hồ Đồng Sương còn thường xuyên bị ngập úng mỗi khi có mưa lớn kéo dài.

Trồng hoa lan công nghệ cao tại huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng 
Trồng hoa lan công nghệ cao tại huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng 

Nhiều nông dân không mặn mà với canh tác nông nghiệp, thậm chí bỏ xứ đi làm công để mưu sinh. Nay điều đó không còn nữa nhờ hạ tầng được cải thiện căn bản từ nguồn lực đầu tư lớn của TP cho xã dân tộc miền núi Trần Phú.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, sau 15 năm, nông nghiệp Hà Nội đã có nhiều tiến bộ. Ngành nông nghiệp duy trì tăng trưởng dương, đạt mục tiêu theo kế hoạch trong nhiều năm liên tiếp. Những diện tích đất nông nghiệp được duy trì canh tác, hạn chế tối đa tình trạng bỏ không, gây lãng phí tư liệu sản xuất.

 

Nông nghiệp Hà Nội cần tập trung phát triển những cây trồng - vật nuôi đặc sản và các loại giống chất lượng cao. Có nông sản tốt rồi cũng cần phải tập trung đầu tư nhiều hơn cho công nghệ, nhất là chế biến sâu, coi đây là trụ cột trong gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp…

Nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường

Cơ cấu giống cây trồng có sự chuyển dịch theo hướng tăng cường sử dụng các giống chất lượng, có giá trị kinh tế cao, thay thế dần những giống chất lượng thấp, không còn phù hợp. Tổng đàn gia súc, gia cầm được duy trì ổn định; nuôi trồng và khai thác thủy sản tiếp tục tăng nhanh về số lượng và chủng loại, đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dân.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp ngày một được chú trọng. Toàn TP đã xây dựng được 167 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện chiếm khoảng 35% tổng giá trị ngành nông nghiệp.

Hà Nội cũng đã phát triển được 22 vùng sản xuất rau an toàn; 25 vùng canh tác lúa chất lượng cao; 14 vùng trồng cây ăn quả; 10 vùng sản xuất hoa, cây cảnh; 5 vùng canh tác chè chất lượng cao. Duy trì 76 xã chăn nuôi trọng điểm, 3.660 trang trại quy mô lớn ngoài khu dân cư, 20 vùng nuôi trồng thuỷ sản an toàn… Quy mô nông nghiệp tăng hàng chục lần so với cách đây 15 năm.

Dù có được những bước tiến quan trọng trong phát triển nông nghiệp, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nông nghiệp Hà Nội vẫn chưa gây dựng được một “bản sắc riêng”. Sản xuất nông nghiệp của Thủ đô vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có thị trường tiêu thụ ổn định...

Theo các chuyên gia Hà Nội phải nhắm vào phát triển cây - con giống chất lượng cao để cung ứng cho các địa phương khác của cả nước. Nghiên cứu, xây dựng được những mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở quy hoạch và đầu tư bài bản.

Động lực từ cơ chế, chính sách

Trong nhiều năm sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, Hà Nội đã ban hành rất nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp. Điển hình trong đó là Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội. Tuy nhiên sau nhiều năm, nghị quyết trên đã cho thấy những hạn chế, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn.

Trồng hoa lan công nghệ cao tại huyện Đan Phượng. Ảnh: Phạm Hùng
Trồng hoa lan công nghệ cao tại huyện Đan Phượng. Ảnh: Phạm Hùng

Trên cơ sở đề xuất của Sở NN&PTNT Hà Nội, vừa qua, HĐND TP Hà Nội đã thông qua chủ trương ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND. “Nghị quyết mới có thể chưa như mong muốn, nhưng không thể tốt hơn trong giai đoạn hiện nay…” - Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền bày tỏ quan điểm về nghị quyết sắp được HĐND TP Hà Nội ban hành chính thức.

Trên thực tế, trong rất nhiều năm qua, quy hoạch nông nghiệp vẫn là vấn đề khiến ngành nông nghiệp Hà Nội trăn trở. Sở NN&PTNT Hà Nội đã xây dựng nhiều đề án quy hoạch phát triển cho từng ngành, lĩnh vực cụ thể, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được xem xét tích hợp vào các quy hoạch chung phát triển Thủ đô. Điều này có thể sẽ thay đổi khi dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sắp tới được ban hành.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, đơn vị đang xây dựng sẵn dự thảo kế hoạch thực hiện nghị quyết mới về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; sau khi được HĐND TP Hà Nội ban hành chính thức, sẽ phối hợp với các địa phương để tổ chức triển khai ngay trên địa bàn TP.

“Chúng tôi kỳ vọng khi nghị quyết mới về phát triển nông nghiệp được ban hành; vị trí của lĩnh vực nông nghiệp được định hướng rõ nét trong các bản quy hoạch chung phát triển Thủ đô thì ngành nông nghiệp sẽ có điều kiện cần thiết để phát triển; từ đó dần tạo dựng được một “bản sắc riêng”, khác biệt với các địa phương trên cả nước…” - ông Nguyễn Xuân Đại cho hay.