Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bán xe máy chênh giá: Doanh nghiệp lãi lớn, Nhà nước thất thu thuế

Hoài Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vào thời điểm cuối năm, do sức mua xe máy tăng, nhiều mẫu xe hút khách đã bị các đại lý kinh doanh xe máy tăng giá bán thêm hàng chục triệu đồng so với giá DN sản xuất niêm yết. Đáng nói là những đại lý kinh doanh lại không ghi vào hóa đơn giá bán thực tế mà ghi giá thấp hơn gây thất thu thuế.

Người tiêu dùng tham khảo giá xe máy tại một cửa hàng ở Hà Nội. Ảnh: Minh Ngọc
Giá xe tăng chóng mặt
Thời điểm này, các đại lý xe máy Honda tại TP Hà Nội báo giá bán tất cả phiên bản xe cao hơn giá đề xuất của hãng ít nhất 1 - 3 triệu đồng/chiếc. Trung bình, xe Vision bản tiêu chuẩn giá 31,2 triệu đồng/chiếc, bản cao cấp 34,3 - 34,5 triệu đồng/chiếc, bản đặc biệt 34,9 triệu đồng/chiếc (cao hơn giá hãng 1 - 4 triệu đồng/chiếc); xe Air Blade, Lead cao hơn giá hãng 1 - 3 triệu đồng/chiếc; SH Mode cao hơn 3 - 8 triệu đồng/chiếc, đặc biệt mẫu xe Honda SH bị bán chênh giá từ 10 - 20 triệu đồng tùy theo phiên bản.
Để ngăn chặn tình trạng trốn thuế VAT bằng cách ghi giá bán thấp hơn giao dịch mua bán thực tế, thời gian tới Nhà nước quy định mọi hoạt động mua - bán tài sản đều phải xuất hóa đơn và thanh toán qua ngân hàng vào luật hoặc văn bản dưới luật. Khi đó, nếu bên bán tài sản gian lận về giá, cơ quan thuế sẽ phối hợp với ngân hàng truy tìm thông tin của người bán để truy thu, xử phạt về thuế.
Luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga - nguyên Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội
Lý giải nguyên nhân khiến giá bán xe máy Honda đặc biệt là xe SH tăng giá, nhân viên cửa hàng chia sẻ: Riêng xe ga SH nhiều cửa hàng mặc dù đã hết mẫu 2019 nhưng hãng Honda chỉ chuyển đến mẫu SH đời 2020 bản 125i. Khi người tiêu dùng thắc mắc vì sao giá niêm yết xe 125i ABS đen mờ đời 2019 đang giao dịch mức 114,2 triệu đồng/chiếc trong khi hãng Honda niêm yết giá 91 triệu đồng, hoặc SH 150 CBS 98,6 triệu đồng/chiếc cao hơn giá hãng 9 triệu đồng/chiếc…, nhân viên cửa hàng kinh doanh xe máy Honda cho biết: Giá niêm yết đó là giá viết hóa đơn để đi đăng ký và nộp thuế, còn trên thực tế, khách hàng mua xe phải trả đủ số tiền 98,6 triệu hoặc 114,2 triệu đồng theo giá bán của đại lý. Đáng chú ý, mặc dù người tiêu dùng muốn ghi hóa đơn VAT theo giá bán thì nhân viên bán hàng từ chối và chỉ giá ghi hóa đơn theo giá đề xuất ban đầu của hãng Honda, bởi đây là quy định của đại lý buộc khách hàng phải thực hiện theo.
Thất thu thuế từ thị trường xe máy
Khi nói về việc các cửa hàng kinh doanh xe máy ghi hóa đơn bán hàng thấp hơn giá bán thực tế thu lãi bất chính, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nêu rõ, đây là hình thức DN trốn thuế VAT, thuế thu nhập DN khiến Nhà nước thất thu thuế. “Chẳng hạn xe SH có giá niêm yết 100 triệu đồng nhưng giá bán thực tế 110 triệu đồng và xuất hóa đơn VAT 100 triệu đồng, như vậy bên bán trốn được 1 triệu đồng thuế VAT của số tiền chênh lệch không đưa vào hóa đơn. Đồng thời người bán không đưa 10 triệu đồng chênh lệch vào thu nhập DN để trốn thêm 2 triệu đồng thuế thu nhập (20% thuế thu nhập của 10 triệu đồng). Như vậy, đại lý đã thu lời bất chính 3 triệu đồng tiền thuế mà lẽ ra phải nộp cho Nhà nước” - ông Vũ Vinh Phú phân tích.
Đề cập giá xe máy và hành vi trốn thuế của các đại lý, một chuyên gia trong lĩnh vực thuế cho biết: Có tình trạng chủ cửa hàng kinh doanh viết hóa đơn thấp hơn giá thực tế khách hàng phải trả song cơ quan thuế vẫn thiếu căn cứ để xử lý vì không có chứng cứ rõ ràng. Bởi theo quy định, các DN tự khai tự nộp 10% VAT và tự chịu trách nhiệm với số liệu kê khai của mình. Chi cục Thuế chỉ có thể kiểm tra hóa đơn của DN khi nộp thuế chứ không xác minh được số tiền thực tế khách hàng phải trả. Đây là “lỗ hổng” trong quản lý thuế của ngành thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng một khi cơ quan thuế đã nắm được giá bán thực trên thị trường, việc điều chỉnh giá thực tế để tính lệ phí trước bạ sẽ bịt được lỗ hổng thất thoát thuế. “DN kê khai theo hóa đơn thì đó mới là doanh thu danh nghĩa, thấp hơn mức thực tế. Vì vậy, mức thuế thu nhập DN 20% đóng trên doanh thu “ảo” thấp hơn trên thực tế, Nhà nước bị thất thoát thuế cả hai đầu” - ông Ngô Trí Long phân tích.
Ý kiến của các chuyên gia kinh tế và việc cố tình thông đồng, hoặc vô tình trốn thuế VAT trong hoạt động mua bán xe máy, ô tô kéo dài nhiều năm một cách công khai còn do có sự thỏa hiệp giữa đại lý và khách hàng. Khi hóa đơn ghi thấp hơn mức giá bán thật, khách hàng "trốn" được một khoản phí trước bạ, còn các đại lý trốn kê khai đủ thuế VAT theo giá trị hàng hóa thực tế đã bán. Ngoài ra Honda Việt Nam cũng là yếu tố gây ra tình trạng này khi Honda để mặc các đại lý tự quyết định giá bán. Honda Việt Nam chỉ biết thu lời chứ không quan tâm đến thiệt hại do thất thu thuế ngân sách Nhà nước.